WGPHH - NGÀY 22.12.2016: Rời Chè Mè (xã Mường Bang), chúng tôi đi 54 cây số để đến bản Suối Quốc (xã Mường Thải), nơi có 29 hộ với 163 giáo dân. Họ sống rải rác, xa nhau đến 10 cây số đường núi ngoằn ngoèo, lên cao xuống dốc. Do chưa sinh hoạt nề nếp, nên nhiều người không biết có cuộc họp mặt và thánh lễ hôm nay, trẻ em thì đi học, chỉ khoảng năm chục người hiện diện.
Đường lên Suối Quốc quanh co, núi cao mây thấp như đo lòng người
Trên đường đi, chúng tôi gặp một hình ảnh vừa dễ thương, vừa xót xa, đó là hai em bé lem luốc, trần truồng, chân đất, đang chơi duôi sắn (nạo sắn). Chúng cho thấy cuộc sống ở đây thật là khốn khổ. Ở dưới tòa giám mục, vào mỗi buổi chiều vẫn có các em bé ở gần đến tìm một không gian rộng rãi để chơi đùa. Trông em nào cũng kháu khỉnh, được ăn no mặc ấm, có ông bà hay cha mẹ canh chừng. Tuổi thơ của các em bé ấy đong đầy tình thương và được bao bọc bằng vật chất dư thừa. Còn ở đây, các em thiếu ăn thiếu mặc từ lúc lọt lòng mẹ, chỉ biết chơi với đất đá, với chó gà !
Hai kỹ sư nhí đang loay hoay tìm cách cải thiện “máy” duôi sắn !
Lần trước đến thăm, chúng tôi tặng mỗi gia đình ít gạo, mì ăn liền, bột nêm, các cụ già thì thêm lọ thuốc bổ mà thật là vất vả để chuyển đến đây, vì lúc ấy mùa mưa, đường xá lầy lội. Lần này chúng tôi chỉ mang theo được ít quà là chuỗi Mân Côi, bánh mì, kẹo và bong bóng. Thế nhưng bà con đã làm chúng tôi vui khi họ chìa tay nhận lấy với cả tấm lòng đơn sơ.
Bữa cơm sau lễ thịnh soạn vào bậc nhất đối với người H'mông, – có thịt dê và thịt gà – mọi người cùng ăn. Thượng khách là chúng tôi thì ngồi trên gác ; bên dưới thì dành cho đàn ông và thanh niên, còn đàn bà và trẻ em thì qua nhà bên cạnh. Có món “nậm pía” dê độc đáo mà chúng tôi chỉ nhấm nháp một thìa rồi chào thua !
Bữa ăn agapè nói lên niềm vui và tấm lòng của bà con trước lễ Giáng Sinh.
Lời tạm biệt cũng là lời hẹn sẽ trở lại vào dịp lễ Phục Sinh. Nhất định khoảng giữa thời gian này phải thực hiện một kế hoạch sát sườn để nâng đỡ, củng cố và gia tăng lòng tin mến nơi những người anh em này. Nhiều lần tôi tự đấm ngực ân hận rằng giáo phận đã quá lo cho người kinh dưới đồng bằng mà bỏ quên những anh chị em H'mông nơi đây.
Rời bản Suối Quốc (xã Mường Thải), chúng tôi đi 34 cây số để đến bản Suối Trò (xã Suối Tọ), nơi có 28 hộ với 157 giáo dân. Hồi cuối tháng 8, chúng tôi đã đến đây. Lúc ấy là mùa mưa, đường đi cực kỳ khó khăn, cheo leo nguy hiểm vì một bên là thung lũng sâu hun hút, bên kia là vách núi sạt lở. Lần này, chúng tôi đi con đường đã được sửa, và mùa khô nên an toàn hơn.
Nơi làm lễ lần này cũng khác lần trước, cách chỗ cũ độ 5 cây số. Đến nơi, chỉ khoảng hai ba chục người có mặt. Hỏi thì được biết trong bản có một ông già mới qua đời, ông không theo đạo, con ông thì có. Theo tục lệ H'mông, cả bản đều xúm xít chung tay lo việc an táng, vì thế mà họ vắng mặt nhiều. Chúng tôi phân vân, nửa muốn làm lễ ở đây, nửa muốn vào chỗ có đám, thật là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Sau cùng đành ở lại, vì đã đăng ký địa điểm hành lễ với chính quyền.
Dù chỉ có dăm chục người, chúng tôi cũng giải tội, dâng lễ như ở các nơi khác. Chúng tôi cũng tặng bà con bánh mì để có chút gì bỏ bụng trên đường về. Có một bà già được tặng lọ thuốc bổ. Bà vừa nhận thì một anh công an vội giật xem, như muốn biết có thật là thuốc bổ hay một thứ gì khác ! Lần trước, ở bản Suối Chèo (xã Suối Bau) khi tặng mỗi gia đình ít lương thực, một anh công an hỏi chúng tôi cho họ những gì, có giấy tờ xuất xứ không ! Cách hành xử này làm chúng tôi không hài lòng.
Lễ xong, chúng tôi chào tạm biệt bà con H'mông chất phác nghèo nàn để trở về thị trấn, cách xa 18 cây số, lòng áy náy vì thương họ lẻ loi, không được hưởng một sự chăm sóc mục vụ nào ! Họ giống như hai em bé mặt mày lem luốc, không quần, không áo, không dép mà chúng tôi thấy sáng hôm nay. Phải làm gì cho những anh chị em này để họ tin vững hơn. Người H'mông dễ theo đạo và cũng dễ bỏ đạo, chẳng qua vì họ không được trang bị vốn liếng giáo lý cho đủ. Ngôn ngữ đúng là bức tường dày. Người trẻ thì còn nói và hiểu được tiếng Kinh, chứ người lớn tuổi, nhất là phụ nữ thì không. Trong hoàn cảnh éo le này, hẳn Chúa Thánh Thần phải can thiệp như trong lễ Ngũ Tuần xưa, để họ có thể hiểu các mầu nhiệm, không bằng ngôn ngữ của chữ viết, nhưng bằng ngôn ngữ của trái tim!
Một vài hình ảnh khác:
Giống như các mục đồng đi tới Belem
Thánh lễ chỉ vỏn vẹn dăm chục người…
… nhưng ấm áp tình Chúa tình người.
Thiếu nữ này đã làm mẹ (Người H'mông có tục tảo hôn)
Tặng bà già thuốc bổ với lời dặn: “i nu hầu o lù” (mỗi ngày hai viên).
Các em H'mông có giọng hát cao vút và trong trẻo như thiên thần
Quà Giáng Sinh đơn sơ là ổ bánh mì và vài cây kẹo !
Đường tới Suối Trò phải đi bằng xe máy
Một khu tái định cư đồng bào dân tộc
Các bà xúm xít xin chuỗi Mân Côi
Người nghèo khó được nghe rao giảng Tin Mừng (cf. Lc 4,18)
Lần trước (26.8.2016) đến Suối Trò dâng lễ trong một căn nhà thấp và tối om om,
Lần này (22.12.2016) thì trong căn nhà sáng rộng hơn.
Lần trước (26.8.2016) thì đông hơn, vui hơn.
Lần này (22.12.2016), vì lo một đám tang nên bà con đến ít hơn,
Cộng đoàn Suối Trò lần trước (26.8.2016)
Căn nhà chơi vơi lạc lõng trên đồi núi Phù Yên khiến liên tưởng đến những người con Chúa ở nơi này, hẩm hiu và ít được chăm sóc !