WGPHH - Chiều ngày 24/9/2016 hơn 200 bạn sinh viên Công giáo trong Giáo phận Hưng Hóa đã có mặt tại khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ Dị Nậu (Thạch Thất - Hà Nội) tham gia ngày họp mặt thường niên với chủ đề “Tuổi trẻ với Lòng thương xót Chúa”.
Để đón chào năm học mới 2016-2017 với nhiều hứa hẹn, được sự quan tâm bề trên Giáo phận dưới sự đồng hành của cha đặc trách Giuse Trần Quý Tuần, Ban điều hành sinh viên Công giáo Giáo phận Hưng Hóa đã tổ chức họp mặt thường niên tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Dị Nậu – huyện Thạch Thất – TP Hà Nội. Chương trình họp mặt diễn ra từ 14 giờ 00 ngày thứ 7 (24/9/2016) và kết thúc vào lúc 12 giờ 00 ngày Chủ nhật 25/9/2016.
Theo đúng chương trình ấn định, từ 14 giờ ngày 14/9/2016, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng với lòng yêu mến, các bạn sinh viên Công giáo Giáo phận Hưng Hóa đến từ các nhóm, các giáo hạt đã có mặt và làm thủ tục ghi danh.
Sau một giờ ghi danh và đón tiếp, vào lúc 15 giờ 00 các bạn sinh viên bắt đầu bước vào các hoạt động trong ngày họp mặt. Để xua đi mệt mỏi sau hành trình đi xa, dưới nền nhạc sôi động của các bài hát sinh hoạt các bạn linh hoạt viên cùng với các bạn sinh viên đã làm nóng sân khấu với những cử điệu vui tươi, khỏe khoắn đúng với tinh thần của người trẻ qua từng bước nhảy, từng nhịp vỗ tay rộn ràng.
Sau những giây phút khởi động vui nhộn, ngày Họp mặt sinh viên Công giáo Giáo phận Hưng Hóa chính thức bắt đầu với lời phát biểu khai mạc của cha Đặc trách Giuse Trần Quý Tuần. Chia sẻ trong phát biểu khai mạc, cha Giuse Trần Quý Tuần chúc các bạn sinh viên có ngày gặp mặt tràn đầy niềm vui, ý nghĩa đúng với chủ đề
“Tuổi trẻ với Lòng thương xót Chúa”.
Sau đó, cha Phêrô Trần Đức Lâm chia sẻ với các bạn sinh viên về chủ đề: "DẤU TÍCH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA".
Mở đầu cho nội dung chia sẻ, cha đưa mọi người vào bối cảnh bài Tin mừng theo Thánh Gioan. Bài tin mừng thuật lại bối cảnh lo sợ của các tông đồ sau khi Chúa Giêsu chịu chết, giữa lúc các ông lo sợ người Do thái thì Chúa Giêsu hiện ra và ban Thánh Thần cho họ. Trong khi Chúa hiện đến với các Tông đồ chiều hôm đó, thiếu vắng tông đồ Tôma, nên khi được các tông đồ khác kể lại việc Chúa đã hiện ra nhưng ông không tin. Ông còn quả quyết: tôi không tin nếu không được xem dấu đinh ở tay và xỏ tay vào cạnh sườn Người. Để rồi khi Chúa Giêsu hiện ra, ông Tôma được gặp Người và được nhìn dấu đinh, được xỏ tay cạnh sườn để rồi phải thốt lên: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của tôi”. Trước sự cứng lòng của ông Tôma, Chúa Giêsu nói: “Vì anh thấy nên anh tin, phúc cho ai không thấy mà tin”.
Ngay sau bài tin mừng, cha Phêrô Trần Đức Lâm đặt vấn đề tại sao chủ đề Lòng thương xót Chúa lại thu hút sự quan tâm của tất cả các giới, các hội đoàn, nó là chủ đề cho các buổi tĩnh tâm, chia sẻ, thánh lễ trong gần một năm qua. Từ đây, cha Phêrô chia sẻ chính Thánh kinh đã nói lên lòng thương xót Chúa vô vàn. Các nhà thần học đã tìm thấy trong Thánh kinh có đến 400 lần xuất hiện những từ có liên quan đến lòng thương xót trong Cựu ước. Rồi trong Tân ước từ lời nói, hành động, dụ ngôn của Chúa Giêsu đều nhắm đến lòng thương xót Chúa.
Trở lại nội dung bài tin mừng, cha Phêrô chia sẻ về việc ngài chọn đọc bài tin mừng có vẻ lạ khi nói về sự kiện Chúa Giêsu sống lại một điều tưởng chừng không mấy liên quan đến Lòng thương xót Chúa.Tuy nhiên, đi sâu vào nội dung, cha Phêrô phân tích Thánh Gioan thuật lại ngay khi hiện ra với môn đệ Chúa Giêsu đã nói: “Bình an cho anh em”. Sau đó, Ngài cho các ông xem tay, và cạnh sườn. Liên hệ với bài tin mừng thuật lại biến cố Chúa biến hình trên núi cao trước cuộc khổ nạn mà theo các nhà thần học thì đó như một sự loan báo về vinh quang phục sinh. Bởi thế, hình ảnh Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ hoàn toàn khác trong bài tin mừng hôm nay hoàn toàn khác. Nếu trên núi các môn đệ thấy áo của Người trắng tinh như tuyết, mặt người sáng như mặt trời, còn sau khi sống lại, Người lại cho các môn đệ xem tay, xem cạnh sườn của mình. Qua lời thánh sử Gioan, cha Phêrô cắt nghĩa việc Chúa Giêsu cho các môn đệ xem dấu đinh và cạnh sườn Người, những nơi in hằn vết thương của lưỡi đòng đâm thấu, là dấu vết cho cuộc khổ nạn. Đồng thời, là dấu tích của tình yêu, một tình yêu tận cùng, dấu tích của lòng thương xót đến tận cùng của Chúa. Từ chính cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu đó chảy ra suối nguồn bí tích, chảy ra luồng yêu thương, luồng nâng đỡ, luồng chia sẻ.
Chia sẻ tiếp về nội dung bài tin mừng, trong đó nói đến tông đồ Tôma, một con người của thời đại, một con người thực tế. Vì thế, muốn Tôma tin phải có bằng chứng đích thực, phải nhìn thấy, sờ thấy. Tuy nhiên, cha Phêrô đặt câu hỏi tại sao Tôma lại đòi bằng chứng phải được xem tay, được xỏ tay vào cạnh sườn Chúa Giêsu mà không phải đòi Chúa phải thực hiện bất kỳ phép lạ nào? Dẫn giải cách đòi bằng chứng của Tôma, cha Phêrô chia sẻ chúng ta tin cạnh sường đâm thấu và dấu đinh là dấu chỉ lòng thương xót Chúa thì đó cũng chính là bằng chứng về tình yêu và lòng thương xót Chúa.
Qua bài chia sẻ, cha Phêrô tha thiết kêu gọi các bạn sinh viên phải biết đến với Lòng thương xót Chúa vì trong cuộc sống hôm nay có quá nhiều cạm bẫy, quá nhiều cám dỗ, dễ khiến mỗi người sa ngã. Không chỉ biết chạy đến với Lòng thương xót Chúa, theo cha Phêrô mỗi người phải tự biến đổi mình để trở thành quỹ đạo Lòng thương xót Chúa. Nghĩa là để Chúa trao vào mình một trái tim biết thương xót. Kết thúc bài chia sẻ, cha Phêrô kể về câu chuyện giờ học đạo đức trong đó cả cô và trò đều trôn vùi đi con người quá khứ mang tên: “Tôi không thể”. Từ đó, cha Phêrô mong mỗi bạn sinh viên hãy biết từ bỏ, dứt khoát quay lưng với thói xấu, với cám dỗ xung quanh để sống xứng đang là con của Thiên Chúa.
Ngay sau bài chia sẻ của cha Phêrô, các bạn sinh viên Công giáo được gặp gỡ giao lưu với anh Giuse Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Gia Linh, một cựu sinh viên Công giáo Giáo phân Hưng Hóa. Trong giao lưu chia sẻ, với kinh nghiệm của người anh đi trước anh Giuse Nguyễn Văn Bình nhắn nhủ các bạn sinh viên muốn thành công phải luôn có ước mơ và kế hoạch chi tiết trong cuộc sống và nỗ lực để thực hiện ước mơ đó. Đích đến với thành công là sự nỗ lực cố gắng hết mình và kiến thức thực tế cũng như qua việc học hỏi, đọc sách và đặc biệt là việc cầu nguyện xin ơn Chúa, điều đó sẽ mang lại thành công cho các bạn sinh viên ngay khi còn trên ghế nhà trường cũng như sau này.
Sau giờ phút chia sẻ lời chúa, giao lưu đúng 16 giờ 45 phút, cha Giuse Trần Quý Tuần hướng dẫn các em tĩnh tâm, xét mình lãnh nhận bí tích hòa giải. Sau khi lãnh nhận bí tích hòa giải, đúng 18 giờ các bạn sinh viên bước vào dùng cơm chiều. Sau giờ cơm chiều, các bạn sinh viên di chuyển về các nhà trọ do ban tổ chức đã sắp xếp để nghỉ ngơi chuẩn bị cho chương trình buổi tối.
Chương trình buổi tối được bắt đầu bằng nghi thức Thượng cờ Sinh viên Công giáo Hưng Hóa vào lúc 19 giờ 30 phút. Tham dự nghi thức có cha đặc trách, thầy xứ, quý dì, các bạn sinh viên, các bạn trẻ liên xứ Dị Nậu và cộng đoàn dân Chúa. Dẫn đầu đoàn diễu hành là lá cờ truyền thống của sinh viên Công giáo Giáo phận Hưng Hóa.
Lá cờ màu vàng tượng trưng cho sư tin yêu hy vọng của sinh viên Công giáo Giáo phận Hưng Hóa. Nhìn lá cờ được kéo lên cao dần mỗi người có mặt nơi đây đều tin tưởng rằng với sự yêu mến dìu dắt của cha đặc trách Giuse, và với sự hy sinh phục vụ, lãnh đạo nhiệt tình của anh trưởng ban Giuse Nguyễn Tiến Vượng, gia đình sinh viên Công giáo Giáo phận Hưng Hóa sẽ cùng nhau yêu thương, đoàn kết, phục vụ và sẽ cùng nhau tiến tới một tương lai hy vọng, để trở thành người có ích cho xã hội, cho Giáo Hội trong lòng đời ngày hôm nay.
Sau lễ thượng cờ, các bạn sinh viên bước vào cuộc thi
“Hưng Hóa Got Talent” với sự tham gia của 4 nhóm sinh viên Công giáo gồm: sinh viên Công giáo Phú Thọ, sinh viên Công giáo Hưng Hóa tại Hà Nội, sinh viên Công giáo Cần Kiệm và sinh viên Công giáo Sơn Lộc. Sau hơn hai giờ tranh tài với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, sôi động mang đậm dấu ấn và sự sáng tạo của sinh viên với chủ đề: “Tuổi trẻ với Lòng thương xót Chúa”, các bạn sinh viên Công giáo Cần Kiệm đã đạt giải nhất, sinh viên Công giáo Sơn Lộc giải nhì, đồng giải ba là sinh viên Công giáo Phú thọ và sinh viên Công giáo Hưng Hóa tại Hà Nội.
Sau khi kết thúc và trao giải cuộc thi “Hưng Hóa Got Talent”, các bạn sinh viên trẻ cùng thinh lặng cầu nguyện và làm giờ chầu Thánh Thể để xin Chúa chúc lành cho một đêm bình an. Sau đó, mọi người trở về nơi nghỉ của mình trong thinh lặng lúc 22 giờ 30 phút để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho những hoạt động diễn ra ngày hôm sau.