Thứ năm, 09/01/2025

Việc cả thể kỳ diệu nhất

Cập nhật lúc 15:09 30/07/2021
“Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin!”.
Trong cuốn “Miracle on the River Kwai”, “Phép Mầu Trên Sông Kwai”, E. Gordon viết về những tù binh buộc phải xây một con đường sắt trong rừng; họ đã trở nên man rợ. Cho đến một buổi chiều, một điều gì đó đã xảy ra! Một cái xẻng bị mất. Viên sĩ quan Nhật ra lệnh, nếu không ai nhận tội, y sẽ bắn từng người. Nói là làm! Y rút súng bắn vào tù binh. Bỗng từ đám đông, một người bước lên. Viên sĩ quan lấy một cây xẻng đánh anh đến chết. Chiều tối, y cho đếm lại dụng cụ và nhận ra, không cây xẻng nào mất; nhưng người lính Scotland nọ, một Kitô hữu, đã tự nguyện chết thay cho các bạn mình. Kể từ đó, tù binh cư xử tử tế với nhau; họ thương nhau hơn anh em ruột; hằn học, cay đắng, vô nhân không còn. Người chết đã tạo một phép lạ, một ‘việc cả thể kỳ diệu nhất’, là cứu sống nhân phẩm và mạng sống của những người còn lại. Tác giả về sau cũng trở thành Kitô hữu. Quân Đồng minh tràn vào, ‘những bộ xương’ xếp hàng trước những kẻ giam họ và thay vì tấn công, họ khẳng định, “Không còn hận thù, giết chóc. Điều chúng ta cần là sự tha thứ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến “phép lạ”. Và chúng ta suy nghĩ về những “phép lạ” Chúa Giêsu đã không làm khi Ngài trở về quê nhà mình, “Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin!”. Phép lạ nào? Sao lại “nhiều”; nhiều thì đâu còn lạ? Đâu là phép lạ vĩ đại nhất?
Thật thú vị! Đang khi bản Việt ngữ, bản Bible de Jérusalem và TOB tiếng Pháp gọi đây là những “phép lạ” thì bản NAB của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chỉ đơn giản gọi đây là những “việc cả thể”, “mighty deeds!”. Vậy mà theo một số nhà chú giải, cách gọi này, xem ra gần gũi và dễ ao ước hơn! 
Vậy thì Chúa Giêsu đã hạn chế không làm gì ở quê nhà vì những người đồng hương thiếu lòng tin? Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta, dĩ nhiên, là các phép lạ; rất có thể Chúa Giêsu đã không chữa nhiều bệnh, không làm cho ai sống lại từ cõi chết, hoặc nhân hoá thức ăn để nuôi dân chúng. Thế nhưng, đây có phải là những ‘việc cả thể kỳ diệu nhất’ được ám chỉ? Câu trả lời đúng sẽ là vừa “Có”, lại vừa “Không”. Đúng vậy! Chúa Giêsu bị giới hạn trong việc làm các phép lạ và có vẻ như Ngài đã làm rất ít ở quê hương Ngài; vậy mà có những việc Chúa Giêsu ‘thường xuyên’ làm còn ‘vĩ đại’ và ‘kỳ diệu’ hơn rất nhiều, so với những phép lạ vật lý. Đó là những gì? Và điều gì sẽ xảy ra khi Ngài làm nhiều phép lạ nhưng các linh hồn lại không được hoán cải? Điều gì sẽ mang một ý nghĩa ‘lâu dài ’nhất, ‘thiên đàng’ nhất, ‘vĩnh cửu nhất’ mà Chúa Giêsu chờ đợi nhất? Đó là công việc biến đổi linh hồn! Phải, việc biến đổi các linh hồn mới là ‘việc cả thể kỳ diệu nhất!’.
Buồn thay! Sau những phép lạ vật lý, việc biến đổi các linh hồn đã không xảy ra. Tin Mừng cho biết lý do, “Vì họ chẳng có lòng tin!”. Rõ ràng, những người đồng hương của Chúa Giêsu đã quá cố chấp; họ không cởi mở để nhận ra sự hiện diện của Ngài; Lời Ngài không có khả năng thẩm thấu tâm trí và trái tim họ. Vì thế, Ngài không thể làm những ‘việc cả thể kỳ diệu nhất’.
Thật thú vị, “Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó”, nghĩa là Ngài đã ‘có’ làm, ít nữa một phép lạ! Chi tiết này hé lộ cho chúng ta biết, ít nữa, đã có một linh hồn được biến đổi. Một khi linh hồn được biến đổi, cả triều thần thánh trên trời mừng vui, Chúa Giêsu vui mừng; bởi lẽ, đó là ‘việc cả thể kỳ diệu nhất’ mà Ngài đợi chờ đã xảy ra. Một khi linh hồn được biến đổi, chúng ta sẽ nhạy bén trong việc nhận ra những ‘dấu vết thánh’ của Thiên Chúa trong cuộc sống mình; chúng ta sẽ nhận ra sự ‘hiện diện thánh’ của Ngài trong tha nhân, trong Lời Ngài và ngay cả trong những lề luật của Ngài. Bài đọc Lêvi hôm nay nói đến việc Israel phải coi của dâng Chúa là “của thánh”; Sabbat không phải là một ngày như mọi ngày, nhưng đó là “ngày thánh” của Thiên Chúa mà họ phải tuân giữ. Bấy giờ dân Chúa sẽ tìm thấy sức mạnh của họ trong việc giữ luật Ngài và họ sẽ nhận biết Ngài, Đấng che chở họ như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Reo lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta!”.
Anh Chị em,
Ước gì chúng ta thuộc số Israel ít ỏi còn lại này khi chúng ta nhận ra điều Thiên Chúa đang làm trong cuộc sống mình. Được như thế, là chúng ta đang để Chúa Giêsu biến đổi mình mỗi ngày thành một tạo vật mới; và như vậy, Ngài đang làm một điều tuyệt vời trong chúng ta. Nếu chúng ta do dự khi nhìn nhận điều này, thì đó là dấu hiệu rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn làm nhiều hơn nơi chúng ta; Ngài đang phải chờ một ‘việc cả thể kỳ diệu nhất’ nào đó trong đời sống chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho linh hồn con được biến đổi bởi sự hiện diện của Chúa, bởi Lời Chúa; xin lấp đầy trái tim con, biến đổi con thành một kiệt tác ân sủng của Ngài. Đó là ‘việc cả thể kỳ diệu nhất’ mà Chúa và con, cũng như anh chị em con đang mong mỏi”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Thông tin khác:
Mảnh đất giàu (21/07/2021)
Làm Theo Ý Cha (20/07/2021)
Ách êm ái (15/07/2021)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log