“Tôi muốn, anh hãy được sạch”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cả hai bài đọc hôm nay có chung một kết cục: Trước sự cùng khốn của một dân tộc, Thiên Chúa không thể thờ ơ; trước sự khốn cùng của một con người, Thiên Chúa không thể ơ thờ. Và Người lại xót thương cả hai.
Sách Các Vua tiếp tục kể chuyện một dân tộc tan nát thời lưu đày. Quân ngoại đốt đền thờ Chúa, đập phá và lấy đi không biết cơ man nào là đồ đồng, đồ bạc và đồ vàng; đền vua và nhà cửa ở Giêrusalem bị thiêu rụi. Vua Giuđa lúc bấy giờ là Sêđêcia bị bắt, bị tuyên án, chứng kiến các hoàng tử bị giết ngay trước mặt mình; cuối cùng, vua bị khoét mắt, mang xiềng, chung phận lưu đày Babylon với quan dân của mình. Vậy mà đọc hết những câu cuối cùng của sách Các Vua, chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn chớm nở ở đó khi Người đổi lòng một vị vua Babylon để ông phục chức cho một vị vua của Giuđa sau này. Và thời lưu đày kết thúc, thánh Matthêu sẽ kế tiếp trong gia phả của mình tên các vua mà từ đó, một chồi lộc, một ngôi sao, một phương trượng sẽ mọc lên từ nhà Đavít và với Chúa Giêsu, miêu duệ ông sẽ vô cùng vô tận để cả nhân loại được Thiên Chúa xót thương.
Tin Mừng hôm nay tường thuật nỗi đau cùng tột của một con người bị ruồng bỏ. Đó là một người cùi vốn bị xã hội đương thời loại trừ; như những người cùi khác, anh bị gạt khỏi cộng đồng. Đến với Chúa Giêsu, anh thưa lên, “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”; Chúa Giêsu đưa tay đụng vào anh và bảo, “Tôi muốn, anh hãy được sạch”; tức thì anh được khỏi bệnh vì Ngài xót thương anh.
Israel cùng khốn, người bệnh phong cùng khổ, cả hai đại diện cho một nhân loại đang khốn khổ do tội lỗi, đói nghèo và Thiên Chúa lại tiếp tục xót thương. Nhìn lại thế giới sau sáu tháng đầu năm, cách nào đó, cũng là một thế giới đang ngắc ngoải khốn cùng. Bản đồ toàn cầu như đang thắm đẫm, đậm một màu máu khi Corona dịch bệnh vẫn cứ hoành hành. Ngấp nghé mười triệu người nhiễm bệnh và gần nửa triệu nhân mạng đã mất đi; cũng chưa bao giờ mà các nước phải đối đầu với các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, quân sự, sắc tộc và văn hoá khủng khiếp như thời điểm này.
Cũng thế, với những người khốn khổ, thế giới đang đối mặt với nạn nghèo đói toàn cầu. Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Phát Triển Thế Giới vừa đưa ra con số những người nghèo cùng cực với mức thu nhập dưới 1,9 dollar một ngày và người nghèo kiếm được 5,5 dollars một ngày. Nếu mức thu nhập trung bình giảm 20% thì số người nghèo đói cùng cực có thể lên đến 1,12 tỷ; số người dưới mức thu nhập 5,5 dollars một ngày sẽ tăng lên hơn 3,7 tỷ. Về vấn đề di dân, theo Liên Hiệp Quốc, lượng người di cư quốc tế là 274 triệu, chiếm hơn 3,5% dân số toàn cầu. Với Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là những con người nghèo nhất hôm nay, ngài không ngớt kêu gọi các nước, các tổ chức, các gia đình mở cửa cho những anh chị em này; và một trong ba lời cầu ngài vừa muốn thêm vào Kinh Cầu Đức Bà là “Đức Bà nâng đỡ di dân”.
Anh Chị em,
Thế giới đang khốn cùng và con người đang cùng khốn; vậy mà hôm nay, Thiên Chúa vẫn xót thương và Chúa Giêsu vẫn mải muốn như Ngài đã muốn cho người cùi được sạch. Câu hỏi đặt ra là, Chúa đang muốn gì ở tôi, Người muốn tôi học biết Người. Israel hiểu thêm về Chúa trong đống tro tàn của đền thờ bị ngoại bang huỷ diệt hơn là trong thời huy hoàng của nó; rằng, Thiên Chúa vẫn mải xót thương và Người luôn trung thành, mãi mãi trung thành.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ngoài việc học biết Chúa; Chúa muốn con làm gì để nhân loại bớt cùng khốn và anh em con bớt cùng khổ”, Amen.