Chúa Giêsu hôm nay cất tiếng mời gọi con người, cách riêng là người môn đệ, chẳng những lắng nghe, đi theo, mà còn phải hy sinh và từ bỏ nữa. “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37).
Nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu ở trên, mỗi người chúng ta nói gì và trả lời ra làm sao? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Chúa Giêsu, với đòi hỏi thật gắt gao. Ai muốn theo Chúa, phải yêu Chúa hơn cha mẹ, con cái. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Chúa Giêsu, người ta phải dành hết tình yêu đối với Chúa, người theo phải phân định và lựa chọn giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Ngài là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Chúa Giêsu yêu cầu con người dành cho Ngài một vị trí đặc biệt và cao nhất.
Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải … mà là cái tôi. Cái tôi cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Chúa Giêsu, nên Ngài thêm: “Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đánh mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 10, 38-39).
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Vác thập giá mà theo” (Mt 10, 38). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, đây là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận… chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Chúa Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại” (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).
Người ta hỏi: Chúa Giêsu có thích khổ đau và thập giá không? Không, Chúa Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Ngài thích. Nhưng Ngài vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Chúa Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là hy sinh và từ bỏ để sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Cơ bản, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa chúng ta khỏi căn bệnh ghê sợ là “sự trì trệ”, ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.
Không phải ngẫu nhiên Chúa Giêsu nói đến “Thập Giá”. Vác thập giá bước theo Chúa Giêsu không phải là vác đi với những bước nhẹ nhàng. Vác lấy thập giá mà theo Chúa Giêsu có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Nhưng chúng ta không vác thập giá một mình, vì có Chúa cùng đi, Ngài đi trước để chúng ta tiếp bước theo sau, Ngài đi mau để chúng ta được dắt dìu, Ngài nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.
Quyết định theo Chúa Giêsu, là gạt bỏ tất cả, hướng về Chúa là sự giầu có đích thực của chúng ta, không gì hơn Ngài, không đặt cái gì trước Ngài, toàn bộ phải qui hướng về Ngài. Ngài cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta dùng mọi cách để đi đến tận cùng là trở nên những môn đệ Đức Giêsu. Theo Chúa Kitô, chúng ta không mất gì hết, chúng ta được tất cả. Như Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong bài giảng khai mào sứ vụ Giám mục Rôma: “Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do”. Với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín lớn lao, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Đức Giáo hoàng nói với chúng con rằng: “Anh em đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 24/4/ 2005).
Lạy Chúa, trong niềm tin, chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo Chúa cho đến trọn đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 3
Sống vì Chúa hay sống vì mình?
Mt 10, 37-42
Người đời cho rằng ai khéo “giữ mạng sống mình” thì sẽ được an ninh trường thọ; còn ai “liều mất mạng sống mình” thì sẽ phải hư vong. Thế mà Chúa Giê-su nói ngược lại: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
Tại sao Chúa dạy như thế?
Qua những lời trên đây, Chúa Giê-su đề cập đến hai lối sống: Một là sống vì mình, hai là sống vì Chúa.
1. Sống vì mình
Hậu quả của lối sống vì mình là hư vong, là mất mát… như lời Chúa nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất.”
Cuộc đời của hai nhân vật sau đây giúp ta hiểu rõ giáo huấn này của Chúa Giê-su hơn.
- Nhân vật thứ nhất
Chúa Giê-su nói: "Một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Bấy giờ, ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Rồi Chúa Giê-su kết luận: “ Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó" (Lc 12, 16-21).
Như thế, kẻ nào sống vì mình, chỉ biết chăm lo cho mạng sống mình ở đời này mà không biết thu tích cho đời sau, thì đó là người dại dột, vì rốt cuộc sẽ mất hết, chẳng còn gì. Đúng như lời Chúa nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất.”
-Nhân vật thứ hai
Chúa Giê-su tiếp: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no (nhưng chẳng ai cho). Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và rồi phải chịu cực hình trong âm phủ.”
Từ chốn đau thương khốn khổ này, người giàu khẩn thiết van xin tổ phụ Áp-ra-ham sai La-da-rô bố thí cho ông ta chỉ một giọt nước thôi… mà cũng không thể được.
Qua nhân vật này, Chúa Giê-su một lần nữa cho ta biết: Nếu chỉ biết sống vì mình, cứ chăm lo “giữ lấy mạng sống mình” mà không biết chia sẻ cho người túng thiếu, thì không những sẽ đánh mất tất cả những gì mình có, mà còn phải chịu đọa đày trong hỏa ngục mai sau (Lc 16, 19-26).
Như vậy, dù “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?” (Lc 9,25).
2. Sống vì Chúa
Thành quả của việc sống vì Chúa là đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn đời sau như lời Chúa nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
Nếu những anh thuyền chài trên biển hồ Ga-li-lê cách đây 2.000 năm không đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su và dấn bước theo Ngài, liều mất mạng sống vì Ngài, thì họ chỉ là những con người vô danh tiểu tốt, chẳng làm nên danh phận gì, chẳng được ai biết đến… Tuy nhiên, vì họ đã dấn thân theo Chúa Giê-su, sẵn sàng sống chết vì Ngài nên đã lập nên kỳ công vĩ đại và được muôn người kính mến.
Ngoài ra, rất nhiều thanh niên nam nữ thiện chí khác trên khắp thế giới từ xưa tới nay như Phan-xi-cô Xa-vi-e, Phan-xi-cô Át-xi-di, mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta… đã sẵn sàng “liều mất mạng sống” vì Chúa Giê-su nên các ngài được tôn vinh mãi đến muôn đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, Chúa đưa ra cho chúng con hai chọn lựa, một là sống vì mình, tức là sống ích kỷ, hưởng thụ, chỉ biết lo cho bản thân mình mà không quan tâm phục vụ người khác để rồi phải hư mất đời đời; hai là sống vì Chúa, tức là sống quảng đại, sẵn sàng cống hiến thời giờ, công sức, khả năng… của mình nhằm phục vụ người khác để rồi được sống đời đời trên thiên quốc… Đây là một chọn lựa khó khăn.
Xin cho chúng con dứt khoát chọn sống vì Chúa, quyết tâm sống quảng đại, hy sinh, phục vụ… không quyến luyến danh vọng, không tiếc nuối của cải đời này, vì “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?”
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 4
SỐNG TRONG CHÚA
Mt 10, 37-42