Thứ sáu, 27/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi năm B

Cập nhật lúc 16:48 23/05/2024
Suy niệm 1
THIÊN CHÚA BA NGÔI
Mt 28, 16-20
Từ ngữ “Chúa Ba Ngôi” (Trinitas) không có trong Kinh Thánh, nhưng là chân lý mà Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, có Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu và tiếng phán từ trời, là ba hình ảnh tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi (Mt 3,16-17).
Thánh Phaolô gửi lời chào các tín hữu trong Chúa Ba Ngôi: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2Cr 13,13). Còn thánh Luca trong sách Công vụ và trong Phúc Âm, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích Chúa Ba Ngôi: Cựu Ước là thời của Chúa Cha, Tân Ước là thời của Chúa Con, và hiện nay là thời của Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Tín Kính, chúng ta cũng tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá. Nhưng Chúa Cha ở đâu, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ba Ngôi luôn là mầu nhiệm thâm sâu, vừa đơn nhất vừa đa dạng.
Hằng ngày ta rất gần gũi với dấu thánh giá trên mình: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhưng xem ra lại xa lạ khi cảm nhận. Những suy tư thần học về Ba Ngôi thật phong phú, cũng như những từ ngữ "ngôi vị" và "bản tính" rất cần thiết để minh định tín điều, nhưng lại rất trừu tượng và khó khăn cho sự gặp gỡ với một Thiên Chúa sống động. Thiên Chúa đúng là Đấng siêu việt, Đấng “ở trên” nhưng đồng thời cũng là Đấng “ở với” và “ở trong” con người cũng như lịch sử.
Thiên Chúa là Đấng “ở trên”, vì là “Đấng trường sinh bất tử, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tm 6,16). Thiên Chúa “ở trên” vũ trụ và nhân loại vì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa. Những khám phá khoa học ngày nay càng làm cho ta thấy tính bất khả đáo đạt về Thiên Chúa. Trái đất của chúng ta đây mới chỉ là một thành phần của dải ngân hà, đã là điều quá vĩ đại, thế mà nó còn nằm trong hằng tỷ dải ngân hà. Quả thật, vũ trụ như vô cùng vô tận. Nếu thế, Thiên Chúa còn vô biên vô ngần đến mức nào, vì Ngài là nền tảng cho mọi hiện hữu.   
Thiên Chúa còn là Đấng “ở với” con người. Đây là mạc khải trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Ngay từ Cựu ước, khi sai ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng nhất là:“Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều như thế (Xh 3,12; Lc 1,28). Lời hứa “ở với” đã vươn đến cao điểm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel: Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Mt 1,23). Ngài không chỉ hiện diện với con người, mà còn chia sẻ phận người trong mọi tình trạng, kể cả đau thương và chết trong khổ nhục. Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Ngoài ra, Thiên Chúa còn “ở trong” con người. Tin Mừng Gioan tràn ngập cụm từ “ở trong”:“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy… ” (15,9-10); Chúa Giêsu đã xin Cha cho một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với các môn đệ. Đó là Thần Khí Sự Thật… “Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17). Ngoài ra, Giáo Hội còn cho chúng ta biết: lương tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng họ" (GS, số 16).
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không gì khác hơn là mầu nhiệm tình yêu: là một trong nhau và trong đời sống mỗi người chúng ta. Khi sai chúng ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Ngài muốn ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những nơi tối tăm và ngục tù. Ngài muốn ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng lòng nhân từ và tha thứ. Ta hãy cảm nhận và sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong chính gia đình mình, trong cộng đoàn mình, trong Giáo xứ mình. Với niềm cảm mến thâm sâu, ta cũng hãy tuyên xưng và loan truyền tình Chúa Ba Ngôi cho hết mọi tâm hồn.
Cầu nguyện
Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con!
Nhìn vào vũ trụ muôn loài,
chúng con nhận biết chính Ngài làm nên,
nhưng Ngài là Đấng siêu nhiên,
vô tiền vô hậu vô biên vô cùng,
xem ra cũng rất mông lung,
chúng con cảm thấy mịt mùng xa xôi.

Cũng nhờ Con Chúa xuống đời,
cho con được biết Chúa Trời Ba Ngôi,
Chúa Cha sáng tạo đất trời,
Chúa Con xuống thế cứu đời lầm than,
Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần,
chính Ngài thánh hóa bản thân mỗi người.

Tuy là mầu nhiệm cao vời,
nhưng là Thiên Chúa sáng ngời tình yêu,
vì Ngài cư ngụ trong con,
để con biết sống vẹn tròn yêu thương.

Giêsu nhân ái khôn lường,
chính là hình ảnh tỏ tường của Cha,
để con không cảm thấy xa,
mà là gần gũi thiết tha trong lòng.

Cho con luôn sống cậy trông,
để lòng con mãi hiệp thông với Ngài,
cho con đừng sống bề ngoài,
nhưng là trong Chúa hôm mai từng ngày.

Xin cho con quyết từ nay,
lòng tin cậy mến hằng ngày bên Cha,
Dưới tác động của Ngôi Ba,
để con luôn dám đi ra khỏi mình,
một đời gieo rắc an bình,
sáng lên trần thế bóng hình Giêsu. Amen.

Lm. Thái Nguyên
==============
Suy niệm 2
THIÊN CHÚA BA NGÔI - NGUỒN MẠCH TÌNH YÊU, ÂN SỦNG và BÌNH AN -
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta được thông phần vào sự sống của mầu nhiệm các mầu nhiệm, là mầu nhiệm cốt lõi của đời sống đức tin Công Giáo, đó là Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Lịch sử của Giáo Hội đã minh chứng hùng hồn về vô số cách chú giải, giải thích về Mầu Nhiệm này của các Thánh Giáo Phụ lỗi lạc; hàng loạt ví dụ, hình ảnh diễn giải mà các Ngài đã sử dụng nhằm giảng dạy, giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm cao cả này. Tuy nhiên, suy cho cùng, cho dù hình ảnh, ví dụ xác thực, chính xác như thế nào đi nữa thì cũng trở nên khập khiễng, hữu hạn trước Mầu Nhiệm vô hạn này. Chính vì thế, thay vì chúng ta cố gắng đi tìm lời giải thích vì sao lại Một Chúa mà Ba Ngôi? hay Nếu là Ba Ngôi thì đáng lẽ phải là Ba Chúa chứ? hay thay vì cố gắng truy tầm để hiểu Mầu Nhiệm này, thì tốt hơn hết chúng ta nên học biết sống, cảm nghiệm Mầu Nhiệm này ngay cả nơi cuộc sống thường nhật, trong đời sống đức tin, cầu nguyện, cộng đoàn, và trong những mối tương quan!
Trước hết, các bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đề cập một cách cụ thể, rõ nét đến Thiên Chúa là ai? Người như thế nào? Người có phải như chúng ta thường tưởng tượng, suy đoán? hoặc là một vị Thiên Chúa khác do tâm trí của chúng ta vô tình tạo ra? Nói một cách cụ thể, chúng ta có xu hướng tạo cho riêng mình một vị Thiên Chúa quyền năng bằng cách Người phải trừng phạt hết tất cả bọn người xấu xa, dẹp trừ hết mọi bất công xã hội, mang lại lợi ích kinh tế cho mọi người! Nhưng Thiên Chúa thật của chúng ta phải chăng như chúng ta nghĩ?
Nơi cuộc sống thường ngày, mỗi lần chúng ta nghiêm trang ghi dấu Thánh Giá trên mình là lúc chúng ta đang tuyên xưng Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tuyên tín và xác tín rằng: Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ngự trị trong tư tưởng, lời nói, hành động, con người mọn hèn bất xứng của chúng ta; hay nói cách khác, chúng ta thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, mỗi lúc chúng ta bắt đầu hay kết thúc công việc gì thì chúng ta cũng làm dấu Thánh Giá trên ta như một lời xác tín, nguyện cầu, xin Thiên Chúa Ba Ngôi soi trí mở lòng, hướng dẫn, đồng hành với ta trong công việc và cảm tạ Người đã luôn hiện diện, trao ban, cho chúng ta cảm nghiệm sâu sắc tình yêu của Người trong mọi sinh hoạt đời thường. Đặc biệt, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi một cách thân mật, gần gũi nhất mỗi khi tham dự vào Bàn Tiệc Thánh (Thánh Lễ). Qua vị chủ tế, Thiên Chúa chào mỗi người chúng ta, Người mời gọi mỗi người chúng ta sống tháp nhập vào tình yêu, ân sủng, bình an của Người và kết hiệp với Người “nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13, 13). Và rồi trong suốt Thánh Lễ, chúng ta được cảm nghiệm Mầu Nhiệm này qua Lời Chúa, được nếm mùi vị hạnh phúc đích thật nơi Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc rước lấy chính sự sống của Người; sau cùng, trước khi kết thúc Thánh Lễ, Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ nơi tâm hồn, chúc lành cho mỗi người chúng ta qua vị chủ tế, “xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần, ban phúc lành cho anh chị em”, và Người ước mong chúng ta sống với Người, trở nên chứng nhân yêu thương, hiệp nhất, bình an trong mọi trạng huống cuộc đời ta như lời kết thúc Thánh lễ “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, hay nói một cách khác “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị ra đi, trở nên chứng nhân tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Vị Thiên Chúa ấy cũng chính là Thiên Chúa mà ông Mô-sen đã được diện kiến và căn dặn dân Is-ra-el: “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác” (Đnl 4, 39). Một “Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành” (Xh 34, 6), và được Thánh Sử Gio-an trình bày cụ thể, sống động hơn về một Thiên Chúa đầy nhân hậu, vượt trên mọi trí hiểu, khôn ngoan, tầm cao vĩ đại của con người “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời,…” (Ga 3, 16) và “Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Dừng lại nơi đây, chúng ta cùng nhau xem lại tư tưởng của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào? “Thiên Chúa đầy lòng thương xót, từ nhân...” (x. Xh 34, 6), nhưng đôi lúc chúng ta muốn Thiên Chúa biểu dương quyền năng của Người trừng phạt những ai ‘cản mũi kỳ đà’ chúng ta, và nếu như Chúa thương xót, từ bi thì xin tỏ lòng từ nhân, xót thương con, còn con có học sống, biểu lộ lòng thương xót này cho người khác hay không, đó lại là chuyện của con! “Thiên Chúa bao dung, khoan nhân…” (x. Xh 34, 6), nhưng chúng ta chỉ muốn Người khoan nhân với chính ta, còn những người khác không thuộc nhóm, không thuộc gu, không thuộc chính kiến, quan điểm, v.v…thì đừng bao dung!! “Thiên Chúa chng tiếc gì, kể cả chính Con Một yêu dấu của Người, mà Người trao ban cho ta để nhờ Người, thế gian được cứu độ” (x. Ga 3, 16), chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương đến dường nào, Người đã hiến trao chính Con Một Người để cứu độ chúng ta, để mời gọi chúng ta biết sống hy sinh cho tha nhân, bỏ mình, bỏ cái tôi, bỏ định kiến, thói quen xấu, v.v…, nhưng tiếc thay, mỗi khi động đến quyền lợi, ích lợi cá nhân thì chúng ta ‘nắm khư khư’ chẳng bao giờ buông!!! “Thiên Chúa không sai Con của Người để luận phạt thế gian, nhưng nhờ Con của Người, thế gian không phải bị hư mất…” (x. Ga 3, 17), Thiên Chúa chẳng lên án, kết án chúng ta, nhưng chính chúng ta lại có xu hướng chụp mũ, lên án, xét đoán anh chị em, ‘treo bản án kết liễu’ cuộc đời cho tha nhân.
Một trong 3 chứng nhân được ơn diện kiến Đức Mẹ tại Fatima, Bồ Đào Nha (13/5-13/10/1917), đó là Sơ Lucia (đã qua đời) từng nói về Sứ Điệp Fatima như sau: “Thiên Chúa chẳng bao giờ kết án ai phải xuống hoả ngục cả; nhưng vì con người dùng tự do mà Thiên Chúa ban cho để lựa chọn mà thôi”. Nếu ai càng xét mình trước khi xét đoán người khác, thì càng trở nên người đang sống, cảm nghiệm Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi! Nếu ai càng nỗ lực sống như Thánh Phao-lô răn dạy: “Hãy vui lên, hãy nên trọn lành, khuyến khích nhau, đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau…” (x. 2Cr 13, 11), thì “…Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn bình an và tình yêu sẽ ở với người ấy” (x. 2Cr 13, 11), hay nói cách khác: người ấy đang cảm nghiệm, sống Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi nơi đời thường của mình, qua việc sống đạo và thực hiện lệnh truyền của Đức Giê-su: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần,…Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).
          Thiên Chúa Ba Ngôi từ ái,
          Sống trong sâu thẳm, hiện tại đời con.
          Lòng con bất xứng, hao mòn
          Người hằng mời gọi, mãi tròn khoan nhân.
          Xét mình, chớ xét (đoán) tha nhân
          Vui ca hoan hỷ, ân cần chia san.
          Thiên Chúa - nguồn mạch bình an
          Ba Ngôi hiển trị, trao ban ân tình. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==============
Suy niệm 3
Yêu bằng Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa
(Mt 18, 26-30)
Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là Đại Lễ Chúa Ba Ngôi mà trong tiếng La-tinh gọi là Trinitatis: Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.
Lễ này nhắc chúng ta nhớ tới mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu mến, Chúa Thánh Thần là kết quả của tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con; đồng thời Người cũng đã tự mô tả mình là Con Thiên Chúa Tình Yêu.
Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, toàn bộ đời sống của người kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi và xoay quanh mầu nhiệm Tình Yêu ấy. Trước hết chúng ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người rửa tội vừa đổ nước vừa đọc rằng, cha rửa con hoặc tôi rửa ông bà anh chị “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần“. Vẫn Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần khi cử hành Bí tích Hôn nhân, người nam và người nữ được ràng buộc nên vợ nên chồng (A, hoặc E, hãy nhận chiếc nhẫn cưới này làm dấu chỉ tình yêu và lòng trung thành của A, hoặc E, Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần). Lời cầu nguyện vào cuối đời, chúng ta cầu nguyện rằng: Hỡi linh hồn, hãy lìa xa trần thế này, nhân Danh Thiên Chúa là Cha, Đấng đã tạo dựng, Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc và Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hóa với hy vọng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ban cho người qua đời được hưởng phúc trường sinh. Chính vì thế mà trong mối liên hệ với mầu nhiệm không cùng này, đời sống Ki-tô hữu chính là việc hiện thực hóa mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài trích sách Đệ nhị luật (4,32-34.39-40) kể lại việc Môsê nhắc nhở dân Is-ra-el hãy nhớ lại những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho Dân. Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu; ngoài Chúa ra, không có thần nào khác nữa. Chúa Con là Đấng ban ân sủng, Chúa Cha là nguồn suối tình yêu, Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất các tín hữu. Chúa Cha yêu thế gian, không muốn luận phạt thế gian (x.Ga 3,1-6).
Trong thư gửi tín hữu Rôma (Rm 8,14-17), Thánh Phaolô minh chứng rằng: Chúa Thánh Thần vì yêu mến đã làm cho chúng ta trở nên những người con của Thiên Chúa là Cha, và anh em của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa trong tình yêu.
Để nhân loại được tận hưởng Tình Yêu Ba Ngôi, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng và làm phép rửa cho muôn dân Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần (x.Mt 18,26-30).
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta khám phá ra sự hiệp thông trong ánh sáng và Tình Yêu, sự sống được trao tặng và đón nhận giữa Chúa Cha và Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, Đấng Yêu Thương, Đấng Được Yêu và chính Tình Yêu, theo cách nói của Thánh Augustinô.
Khi nói đến tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu đây là một sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị, Bản chất của Thiên Chúa, sự hiện hữu của Ngài chính là để yêu mến chúng ta. Ngài là hiện thân của Tình yêu. Ngôi Cha chỉ là Cha vì Ngài hiện hữu cho Con Ngài. Ngôi Con hiện hữu vì chỉ sống cho Cha, hiến trọn cho Ngài. Thánh Thần là do bởi mối tình Cha và Con.
Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa.
“Thiên Chúa Ba Ngôi” là một từ thần học không có trong Kinh Thánh nhưng được dùng để diễn tả một cách rõ ràng nhất về Thiên Chúa Ba Ngôi là  Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con (tức là Chúa Giêsu) và Chúa Thánh Thần… Kinh Thánh cũng minh nhiên rằng chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị y hệt nhau về bản tính thiêng liêng. Một vài người đã cố gắng để đem lại cho con người những sự minh họa về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng tất cả đều khập khiễng, vì Thiên Chúa không như người ta tưởng.
Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”. Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa nhân lành và yêu thương, nên tất cả mọi việc Ngài làm đều thể hiện lòng nhân lành và tình yêu thương ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta hoàn hảo hơn, tốt hơn, đây là chân lý hiển nhiên. Những sự tốt lành và yêu thương ấy thấm nhập vào trong cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta nên hoàn hảo.
Thánh Gioan Thánh Giá viết: “Bạn hãy đem tình yêu đến nơi không có tình yêu, bạn sẽ tìm thấy tình yêu”. Và điều này rất đúng, bởi vì đó chính là những gì Thiên Chúa đã và đang làm cho thế giới. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Người ta nói nhiều về tình yêu. Tình yêu là những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hãy yêu đi, bạn sẽ được hạnh phúc! Vì tình yêu chính là trao ban sự sống cho người mình yêu. Tình yêu đơn giản là cho đi nhưng không. Yêu là mất tất cả để nhận được mọi sự từ Thiên Chúa. Yêu là sống mà không tính toán. Yêu là trở nên giống Thiên Chúa.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==============
Suy niệm 4
SỐNG HIỆP NHẤT TRONG CHÚA BA NGÔI
Hẳn ai trong chúng ta cũng biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nền tảng của tất cả mọi mầu nhiệm. Và khi đề cập đến mầu nhiệm tối thượng này, kể cả các bậc Thánh nhân tài ba, các Thánh giáo phụ uyên bác như Âu-gus-ti-nô, An-se-mô, v.v… cũng chạm tới ngưỡng hữu hạn của trí tuệ con người xác phàm. Vì chưng, mầu nhiệm quá nhiệm mầu, vượt hẳn lý trí và khôn ngoan của con người. Do đó, hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi, không phải để tri hiểu tường tận mầu nhiệm khôn vời này, mà đúng hơn, để giúp chúng ta cảm nhận tình yêu Chúa Ba Ngôi, để kín múc ân sủng dồi dào nơi Thiên Chúa, để trở nên hiệp nhất và hiệp thông như Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy ba Ngôi vị khác biệt, nhưng là một Thiên Chúa duy nhất.
Trong cuốn sách nói về tiểu sử của vị tổng thống tiên khởi Hoa Kỳ George Washington, tác giả Richard Brookhiser đã viết: George Washington hiện diện với chúng ta mỗi ngày, trên những tờ tiền đô-la và tại các khu phố. Từ ngọn núi Rushmore, ông nhìn xuống chúng ta. Trong thủ đô mang tên ông, một đài tưởng niệm nổi tiếng nhất được xây dựng để tưởng nhớ tới ông. Hơn bất kỳ người Mỹ nào, danh xưng ông được dùng để đặt tên cho các trường học, đường xá, thành phố. Các sử học gia xếp ông vào số những Tổng thống vĩ đại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự hiện diện của Washington chẳng khiến mọi tương quan trở nên thân mật. Ông có mặt trong sách giáo khoa, trong ví tiền, trong sinh hoạt đời thường, nhưng lại không hiện diện trong tâm hồn chúng ta. Khuyết điểm này một phần do Washington, khi ông có khuynh hướng giữ khoảng cách giữa mình với dân chúng!”
Quả thật, con người dù có tài ba, giỏi giang đến đâu, có sức ảnh hưởng lớn thế nào, cũng chỉ là ‘những người bước vào rồi ra khỏi cuộc đời chúng tamà thôi. Tuy nhiên, duy chỉ mình Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta, luôn hiện diện nơi mọi sinh hoạt chúng ta. Khi được lãnh nhận ân sủng đức tin (lúc chịu phép Thánh tẩy/bí tích Rửa tội), chúng ta chính thức trở nên con cái ánh sáng, con cái của Chúa, trở nên thành viên của gia đình Giáo hội Ngài, trở nên thân tình với Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được khắc ghi vào tâm khảm dấu ấn thiêng liêng nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi “…nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần…”, và dấu ấn này chẳng bao giờ có thể xoá mờ. Vì vậy, Thiên Chúa không ở bên ngoài đời chúng ta, hay chỉ là một hình ảnh xa xôi cách biệt, mà Ngài cư ngụ trong tâm hồn, nơi cuộc sống ta. Nói một cách khác, đức tin không là vấn đề của cái đầu, của tri thức lạnh lùng; đúng hơn, đức tin là vấn đề của con tim, của tâm hồn. Một khi đức tin cắm rễ sâu thẳm trong cõi lòng chúng ta, thì Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên gần gũi, ấm áp vô cùng. Nhờ đức tin mà mối tương quan với Ngài càng đậm sâu, tạo ra niềm hân hoan vượt trên cả mong đợi của con người.
Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được kín múc ân sủng vô hạn, được tháp nhập với Ngài. Đoạn trình thuật trích sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa đã căn dặn và ký giao ước với dân Is-ra-el:  “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác” (Đnl 4, 39). Hơn thế, Thánh sử Gio-an đã tóm tắt gãy gọn, rõ ràng căn tính và chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi thế nào nơi đoạn Tin Mừng: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để tất cả những ai tin ở Con của Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16), vì “Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Hơn thế, trước khi lên trời, Đức Giê-su trao lệnh truyền: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần;…Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-29). Dừng tại điểm này, chúng ta nhìn lại mình một chút. Lắm lúc, đối với chúng ta, Thiên Chúa như thể ‘ông kẹ’ thưởng cho những đứa trẻ ngoan, nhưng phạt trẻ lì lợm! Chúng ta thường nghĩ và cũng dạy các em: Nếu con/em không biết vâng lời, thì Chúa phạt con/em đấy!Thiên Chúa của chúng ta đâu có như vậy! Thiên Chúa không sai Con Một Ngài giáng trần để luận phạt, nhưng để cứu độ chúng ta. Và “hễ ai tin vào Con của Ngài thì không bị luận phạt; còn kẻ không tin thì hành vi không tin vào danh của Con Mt Thiên Chúa đã luận phạt họ rồi” (x. Ga 3, 18).
Do đó, trong sứ điệp gởi cho vị giám đốc đài thiên văn Va-ti-can năm 1988, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định một trong những chân lý nền tảng của Ki-tô giáo, rằng: ‘Đức tin là một ơn sủng nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Điều này nghĩa là chẳng phải kiếm tìm, lý giải uyên bác, hoặc dựa trên những thành tựu hay đặc quyền gì đó thì con người mới đạt được đức tin. Nói như triết gia kiêm nhà toán học người Pháp Pas-cal: Muốn có đức tin thì con người phải quỳ gối xuống mà van xin. Chúng ta đã được lãnh nhận ơn ích cao siêu ấy, chúng ta đã được ghi dấu ấn thiêng liêng nhân danh Chúa Ba Ngôi; vì vậy, mỗi khi chúng ta bắt đầu, trong lúc và kết thúc mọi sinh hoạt ngày sống, chúng ta đều làm dấu Thánh giá, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, và tuyên xưng đức tin. Như thế, chúng ta đang sống mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, mỗi lúc chúng ta tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, làm việc bác ái, sống hiệp nhất và hiệp thông, thực thi lời Chúa dạy, v.v…, chúng ta đều nhân danh Chúa Ba Ngôi, khởi sự và kết thúc trong niềm tín thác vào Ngài như Thánh Phao-lô Tông đồ nhắc nhở giáo đoàn Cô-rin-tô: Anh (chị) em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu sẽ ở với anh (chị) em” (2Cr 13, 11). Và “vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!”” (x. Rm 8, 15).
Sau cùng, xin mượn lời của Thánh Phao-lô cầu chúc quý cộng đoàn Phụng vụ luôn tràn đầy ơn sủng từ Thiên Chúa Ba Ngôi, bình an và thiện hảo: Nguyện xin ân sủng Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và tình yêu ca Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh (chị) em. Amen” (2Cr 13, 13).
Lm. Xuân Hy Vọng
==============
Suy niệm 5
NHẬN BIẾT & TÔN THỜ  
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm cao vời của Chúa, xin Chúa cho chúng ta hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển.
Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, là ân huệ nhưng không của Thánh Thần, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho chúng ta thần khí khôn ngoan để mặc khải cho chúng ta nhận biết Người.
Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, là niềm tin chắc chắn của Hội Thánh, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô đã tuyên xưng: Chúa Ba Ngôi chí thánh và toàn thiện, được nhận biết nơi Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất được rao giảng trong Hội Thánh; Người là Đấng ở trên mọi sự, qua mọi sự và trong mọi sự. Trên mọi sự vì Chúa Cha là nguyên lý và là nguồn mạch; qua mọi sự vì phải qua Ngôi Lời; và trong mọi sự vì trong Chúa Thánh Thần.
Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, là mầu nhiệm được mặc khải tiệm tiến từ Cựu Ước sang Tân Ước, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Đệ Nhị Luật tường thuật lại việc ông Môsê kêu gọi dân: Anh em phải nhận biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, cũng chính là thái độ cần phải có của người con thơ đối với Cha hiền, bởi vì, chúng ta là con cái Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 32, vịnh gia cũng đã diễn tả niềm vui sướng, khi nhận ra tình yêu thương quan phòng của Chúa: Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp. Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến, xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Động lực thúc đẩy chúng ta ra đi rao giảng Tin Mừng, chính là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha là người yêu, Chúa Con là người được yêu và Chúa Thánh Thần chính là tình yêu. Chính từ tình yêu, mà Ba Ngôi đã quyết định: tạo dựng nên loài người chúng ta, và đã cứu chuộc chúng ta. Thử hỏi có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không cảm thấy: có nhu cầu, cần phải nói cho người khác biết về người mình yêu? Chúa Cha đã không tiếc: ban Con Một của Người cho chúng ta; Đức Giêsu đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta; Chúa Thánh Thần không ngừng thánh hóa và luôn kiên nhẫn soi đường dẫn lối cho chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Ước gì chúng ta có một ước muốn mãnh liệt, để chia sẻ về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==============
Suy niệm 6
CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CAO VỜI, NHƯNG GẦN GŨI DƯỜNG BAO!
“Tôi không biết tôi xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú vì tìm thấy một viên sỏi bóng loáng hơn hoặc một vỏ sò xinh đẹp hơn thường gặp, trong khi đại dương bao la của chân lý chưa khám phá vẫn còn trải ra trước mắt tôi”. Đây là lời nhận xét của Isaac Newton, một nhà toán học và khoa học lừng danh, khi về cuối đời, ông đã thổ lộ chính kiến cá nhân ông về những thành tựu phát minh mà ông đã cống hiến cho thế giới và cho đời.
Hôm nay, chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, một Mầu Nhiệm cao cả, cùng đích của mọi mầu nhiệm. Cũng giống như Isaac Newton, chúng ta chỉ là những đứa bé chơi đùa trên bãi biển, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta hiểu được mầu nhiệm cao vời này, thì chắc hẳn chúng ta chỉ mới bắt đầu mà thôi.
Đã là con người, chúng ta muốn biết mọi sự, muốn giải thích toàn bộ sự việc, muốn tháo gỡ mọi vấn nạn, muốn thấu hiểu nguyên do trong mọi biến cố, sự kiện cuộc sống; tuy nhiên, sống với mầu nhiệm lại là một điều lý thú. Như Albert Einstein đã nói: “Kinh nghiệm đẹp nhất chúng ta có thể có được là kinh nghiệm về điều mầu nhiệm.” Và cả khi có đức tin, các mầu nhiệm mà tâm trí ta không thể suy thấu vẫn còn tồn tại, vì chăng con người chúng ta không thể thấy toàn bộ đời sống, đúng như lời Van Gogh thốt lên rằng: “Trên trần gian này, chúng ta chỉ nhìn thấy một nửa bán cầu mà thôi.”
Như vậy, phải chăng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi quá xa vời đến nỗi lòng trí, tâm hồn con người chúng ta không thể cảm nhận được sao? Thưa, chắc chắn là không. Quả thật, mầu nhiệm ‘Một Chúa Ba Ngôi’ cao vời khôn thấu, nhưng lại rất gần gũi với đời sống thiêng liêng, tu đức và đức tin của mỗi chúng ta. Đơn cử ví dụ: mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh giá ‘Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’, mỗi khi đọc kinh Sáng Danh, mỗi khi bắt đầu và kết thúc giờ cầu nguyện, trước và sau khi làm việc, dừng bữa, và nhất là khi tham dự Bàn tiệc Thánh Thể (Thánh Lễ)…Tuy vượt trên trí khôn con người, nhưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi lại rất gần gũi như thể hơi thở của chúng ta. Chúng ta sống, cảm nghiệm với Chúa Ba Ngôi mỗi giây phút, mỗi thời khắc, mỗi giai đoạn cuộc đời.
Ngoài ra, chúng ta còn cảm nghiệm và học hỏi nhiều nhân đức nơi Chúa Ba Ngôi, con xin chia sẽ cùng với cộng đoàn ít nhất ba điều sau đây:
Tuy Ba nhưng là Một: Khi đến công trình tạo dựng trời đất, muôn loài và con người, chúng ta thường hình dung đến công việc chuyên biệt của Chúa Cha; Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu khổ nạn, Phục sinh cứu độ nhân trần; và Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, hướng dẫn, dạy dỗ, giải thích cho các Tông Đồ, cho Giáo Hội hết tất cả những lời giảng dạy của Đức Giê-su Ki-tô. Thế nhưng, Ba Ngôi luôn cùng chung tay thực hiện tất cả các công trình từ tạo thiên lập địa cho đến thời viên mãn. Tuy Ba Ngôi nhưng là Một Chúa, và tuy là Một Chúa, nhưng Ba Ngôi vẫn không đánh mất bản thể riêng biệt của mình, như lời Thánh Phao-lô chào mỗi cộng đoàn tín hữu ngày xưa, mà ngày nay, đó là lời chào của vị chủ tế trong mỗi Thánh lễ gửi đến cộng đoàn phụng vụ “Nguyện xin ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13, 13).
Hiệp Nhất chứ không Chia Rẽ: tình hiệp nhất này phát xuất từ tình yêu xâu thẳm mà Chúa Cha dành cho Chúa Con, và đáp trả lại tình yêu ấy, Chúa Con đã vâng phục, yêu thương, làm sáng danh Chúa Cha. Chúa Cha và Ngôi Hai Con Một Người yêu nhau cùng tận, hiệp nhất cùng tận, và tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Linh, hoa quả của sự hiệp nhất sâu xa của Chúa Cha và Chúa Con. Lời Chúa trích trong sách Đệ Nhị Luật “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác” (Đnl 4, 39), và sách Xuất Hành cũng rất xác thực “Thiên Chúa là Đấng thống trị, từ bi, và nhân hậu” (x. Xh 34, 4b-6), từ ‘Thiên Chúa’ ở đây nghĩa là Ba Ngôi Thiên Chúa – Ba Ngôi hiệp nhất, kết hiệp nên một trong mọi chương trình, kế hoạch yêu thương dành cho muôn loài, muôn vật, đặc biệt chương trình cứu chuộc con người bất toàn, bất xứng, tội lỗi chúng ta.
Đồng Nhất chứ không Đồng bộ hoặc đồng hoá: chúng ta có câu: “chín người, mười ý”. Mỗi khi tập trung hội họp, làm việc chung với nhau, con người chúng ta thường đề cao cá nhân hơn là cùng nhau đồng lòng, đồng sức làm việc! Hơn nữa, tuy chúng ta làm việc đồng bộ, mặc đồng phục, chưa chắc chúng ta có cùng chung con tim, cùng chung tinh thần; tệ hơn, khi chúng ta có ý muốn đồng hoá tư tưởng người khác theo lối suy nghĩ mà bản thân mình cho là tiêu chuẩn, hoàn toàn đúng đắn. Trái lại, Thiên Chúa Ba Ngôi ‘làm việc không ngơi nghỉ’, chăm sóc cho công trình do tay Người tạo nên. Đứng trước sự khước từ, ngoảnh mặt làm ngơ, chống đối, phạm tội,... của loài người sa ngã, Người hằng yêu thương, mời gọi, và chẳng bao giờ bỏ mặc chúng ta “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người...” (Ga 3, 16). Trước khi Chúa Giê-su về trời, Người trao lệnh truyền “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Hơn nữa, sau khi Chúa Giê-su lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta như lời Người đã phán hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Tuy Ba Ngôi khác nhau, nhưng luôn đồng tâm, nhất trí đồng hành với con người chúng ta, với Mẹ Giáo Hội trải qua biết bao thăng trầm thách thức của thế gian.
Ước gì chúng ta luôn khắc sâu trong tâm khảm mình mỗi khi làm dấu Thánh Giá trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, biết ý thức, cảm nghiệm sâu xa tình thương Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta, đã hiến mạng sống mình và còn đồng hành với chúng ta cho đến ngày tận thế. Vì vậy, cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta dốc quyết sống hiệp nhất, hy sinh, vị tha và cùng đồng lòng, nhất trí xây dựng cộng đoàn, gia đình, giáo xứ mà trung tâm điểm đó là Chúa Ba Ngôi. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng 
==============
Suy niệm 7
Nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi
Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa ConChúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta(Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.
Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng con chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả lạ lùng: Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện bằng việc hiến tặng Con Một yêu dấu. Tình yêu của Chúa Cha, ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần còn thể hiện trong Chúa Con, nơi tâm hồn các môn đệ và luôn ở trong chúng con nữa. Chúa ngự trị trong chính cõi lòng chúng con, cõi lòng là kho để cất giữ những gì quí giá. Vâng, Chúa Cha hằng ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong tâm hồn chúng con, như thế chúng con hằng được ở trong tình yêu Ba Ngôi hiệp nhất với tình yêu thương. Còn gì cao quý hạnh phúc hơn? Chúng con phải can đảm làm chứng cho tình yêu ấy nơi chúng con sống và làm việc mọi ngày.
Chúa ơi! Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng con yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:
Ngước mắt lên (16/05/2024)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log