Suy niệm 1
Xin Thầy ban thêm đức tin cho chúng con Đức tin luôn phải đối diện với các thử thách vào bất cứ lúc nào và thời đại nào: thời Cựu ước, thời các tông đồ và cả thời nay nữa.
Thời đại ngày nay,
- Người ta muốn chứng minh bất cứ điều gì bằng khoa học,
- Người ta đánh mất giá trị của con tim,
- Người ta muốn khử thiêng mọi thứ, ngay cả những gì là tín điều.
- Người ta nói: đi đạo để làm gì? Đi đạo là bỏ ông bà tổ tiên, đi đạo chỉ thấy nghèo mà chả thấy giàu gì!...
Bài đọc I cho chúng ta thấy: Tiên tri Ha-ba-cuc, sống ở thế kỷ VII trước Chúa Giesu, đã cùng dân tộc Dothai phải đi lưu đày ở Babylon. Ông đã thất vọng chán trường và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ Chúa mới lắng nghe? Chúa có thấy sự gian ác, lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mắt con không? Tại sao có công lý mà kẻ đối nghịch vẫn thắng?...”
Những lời than trách đó nghe vẫn rất quen thuộc vào thời đại chúng ta.. “Tại sao Chúa để tôi nghèo khổ dù tôi cố gắng cả đời? Dường như Chúa làm ngơ không nghe lời cầu của cả gia đình khi chồng tôi bị ung thư? Gia đình hàng xóm rất tàn ác với mọi người mà sao Chúa vẫn cho họ giàu có và khỏe mạnh?”.
Sống đức tin trong niềm tín thác vào Chúa quan phòng vào thời đại chúng ta vẫn gây nhiều thắc mắc cho nhiều người có đạo và cũng là đề tài những người vô thần chỉ trích Giáo Hội. Những người tự xưng là vô thần: “tôi chẳng theo đạo nào cả” ngày càng đông. Họ lập luận rằng: “nếu có một Thiên Chúa đầy quyền năng và giàu lòng thương xót thì tại sao lại có sự dữ, tại sao lại có bất công, tại sao người tốt chịu nhiều bất hạnh? …”
Trở lại bài đọc Cựu Ước, Chúa đã nói cùng Habacuc và nói cả với chúng ta: “Hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẵng hư không… Người không có thiện tâm thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta gặp rủi ro, bất ổn. Dù có kiên nhẫn đợi chờ, nhưng rồi mọi việc vẫn bế tắc, làm chúng ta hoang mang.
Khi theo Chúa Giê-su và lãnh nhận sứ vụ truyền giáo, các môn đệ đã phải chấp nhận:
- Thầy sai anh em như con chiên ở giữa sói rừng, không mang tiền, bao bị và giày dép.
- Bị người ta ngược đãi hoặc không chấp nhận và còn biết bao khó khăn khác không lường trước được.
Đức Thánh Cha Benedicto trong thông điệp “Ánh sáng Đức tin”, viết: “Đức tin là tin tưởng phó thác vào thánh ý Thiên Chúa với lòng khiêm tốn, can đảm và kiên nhẫn đợi chờ thời điểm của Ngài”. Đúng vậy, khi đi truyền giáo các môn đệ đã làm như thế và đã thành công: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy, thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Thấy thế, Chúa Giêsu cũng mừng, nhưng Ngài còn tiếp tục huấn luyện các môn đệ kẻo họ mắc phải bệnh thành tích. Ngài nói: “Anh em chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
Nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể làm được những điều lớn lao. Như là: giúp cho nhiều tội nhân hồi tâm trở về, giúp nhiều người lương dân biết tin thờ Thiên Chúa, kêu gọi được nhiều người rộng rãi đóng góp tiền của xây dựng, sữa chữa nhà thờ, làm các việc từ thiện bác ái.
Tuy nhiên, Tin và Yêu phải luôn đi đôi với nhau. Có yêu mến nhiều thì mới vững tin vào Chúa được. Vì thế, ngoài việc cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, chúng ta còn phải xin Chúa ban thêm lòng yêu mến cho chúng ta nữa:
- Trước khi trao quyền lãnh đạo đoàn chiên cho Phero, Chúa Giêsu hỏi Phero: “Này anh Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không”? Phero trả lời: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
- Thánh Phaolo đã cảm nghiệm được điều đó, nên Ngài đã viết cho giáo đoàn Corintho: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì…”
Lạy Chúa Giêsu,
- Xin cho con một đức tin như hạt cải, để con loại bỏ những thói hư tập xấu ra khỏi lòng con.
- Xin cho con một đức tin can đảm, để con không sợ bị thiệt thòi khi dấn thân.
- Xin ban cho con một đức tin sáng suốt, để con nhìn thấy Chúa đang hoạt động trong vũ trụ và trên thế giới, thấy Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ chung quanh con.
- Xin cho con một đức tin quảng đại, dám hy sinh bản thân vì Chúa và vì tha nhân.
- Xin cho con một đức tin liều lĩnh, dám lội ngước dòng và khước từ những cám dỗ hưởng thụ của thế giới duy tục hóa hôm nay.
- Xin cho con một đức tin trưởng thành, để con luôn kiên vững khi gặp khó khăn gian khổ, dù phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng vẫn luôn cậy trông và phó thác cho một mình Chúa, là Thiên Chúa Tình yêu.
- Xin cho con một đức tin vui tươi vì biết mình sẽ được Chúa yêu thương đón nhận trong cõi vĩnh hằng, vì “tên con đã được ghi trên trời”. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Làm tròn bổn phận người tôi tớ
Lc 17, 5-10
Thiên Chúa hạ mình làm tôi tớ nhân loại
Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình xuống thế làm người phàm và đã hiến thân phục vụ muôn người như một người tôi tớ.
Khi thấy đoàn dân đông đảo đang đói, Ngài lo cho họ được ăn no. Khi thấy những người phong hủi bị chứng bệnh nan y hành hạ và bị loại trừ ra khỏi làng mạc, Ngài chữa họ được lành để đoàn tụ với gia đình. Ngài làm cho người câm được nói, cho người điếc được nghe, cho kẻ què được đi và cho người chết sống lại.
Ngài sẵn sàng hầu hạ phục dịch mọi người. Ngài nói với các môn đệ: “Giữa người ngồi ăn và kẻ hầu hạ, ai trọng hơn, nào chẳng phải là người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ” (Lc 22, 27).
Chúa Giê-su đã thực sự làm tôi tớ hầu hạ, khi trong bữa tiệc ly, chính Ngài đã lấy nước đổ vào chậu rồi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó là công việc của người nô lệ phục vụ chủ mình.
Và sau khi sống lại, Chúa Giê-su đến với các môn đệ trên bờ biển Galilê ngay khi trời hừng sáng. Ngài không đến với hai bàn tay không nhưng mang theo than, củi, bánh và cá. Rồi Ngài nhóm lửa trên bãi biển, nướng bánh và cá rồi mời các môn đệ lại ăn. Ngài phục vụ y như người tôi tớ trong gia đình (Ga 21, 4-14).
Cao điểm của phục vụ là Ngài hiến mình như chiên đền tội. Ngài làm chiên gánh lấy tội lỗi thế gian, cho người ta trút tội lên đầu Ngài, Ngài mang lấy tội lỗi muôn người để đền tội cho mọi người, chết thay cho mọi người.
Còn chúng ta thì sao?
Chúa Giê-su là Chúa tể mà lại đem thân làm tôi mọi cho loài người như thế đó; còn chúng ta là tôi tớ hèn mọn lại thích làm như thể mình là chủ của Thiên Chúa, muốn Thiên Chúa làm theo mọi ước vọng của mình, muốn Thiên Chúa phục dịch mình mọi mặt.
Chẳng hạn khi đau yếu, người ta yêu cầu Chúa chữa họ mau lành. Khi túng thiếu, người ta đòi hỏi Chúa cho no đủ. Khi gặp thất bại trong cuộc đời, người ta yêu cầu Chúa đem lại sự thành công! Khi phải sống cảnh nghèo, người ta xin Chúa cho trúng số… Nếu Chúa không mau mắn làm theo yêu cầu, người ta sẽ trách móc Chúa, oán ghét Chúa, loại trừ Chúa ra khỏi đời mình!
Vì yêu thương loài người, Thiên Chúa sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ, nhưng không phải vì thế mà con người có quyền đòi Thiên Chúa phải luôn luôn phục vụ mình mà quên rằng mình là người tôi tớ của Thiên Chúa nên phải lo phụng sự và thực hiện ý Chúa trước.
Hôm nay, Chúa Giê-su muốn chúng ta trở về vị trí của mình, vị trí của người tôi tớ và dạy ta hãy làm tròn nhiệm vụ tôi tớ của mình. Ngài nói: “Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi. ”
Lạy Chúa Giê-su,
Từ lâu nay, chúng con ước mong, kêu cầu Chúa thực hiện rất nhiều điều theo ý chúng con muốn, nhưng thử hỏi: Chúng con đã làm theo điều Chúa muốn chúng con làm hay chưa?
Chúa muốn chúng con sống bác ái, yêu thương, phục vụ, tôn trọng mọi người… chúng con đã làm những điều đó chưa?
Nếu chúng con chưa làm được những việc Chúa giao thì làm sao chúng con dám đòi Chúa thực hiện điều chúng con muốn.
Trước khi kêu cầu Chúa thực hiện điều con muốn, xin cho chúng con chu toàn mọi điều Chúa mong muốn nơi mỗi người chúng con.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Sức mạnh của lòng tin
(Lc 17, 5-10)
"Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu nầy: 'Hãy bật rễ lên, xuống biển mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em' (Lc 17, 6).
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay các tông đồ đã xin Chúa Giêsu gia tăng thêm lòng tin cho mình: “Thưa Thầy, xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” ( Lc 17,5). Tin Mừng không nói động lực nào thúc đẩy các tông đồ xin thêm lòng tin, nhưng có thể hiểu được phần nào bối cảnh các ông xin thêm đưc tin, bởi trước đó Chúa Giêsu yêu cầu các ông phải tha thứ không giới hạn cho anh em mình, nếu một ngày bảy lần có người anh em đến xin tha, thì anh em cũng phải tha (Lc 17, 3-4). Chắc chắn với yêu cầu này, các tông đồ đều biết để thực hiện không hề dễ chút nào, vì tha thứ đòi hỏi phải có tình yêu, phải có lòng kiên nhẫn, bao dung và cả lòng tin mạnh mẽ. Hơn nữa, các tông đồ cũng biết giới hạn, yếu đuối và sự thiếu lòng tin nơi bản thân mình, nên để sống được đúng yêu cầu Chúa muốn, các ông đã mạnh dạn xin Chúa Giêsu trợ giúp bằng việc ban thêm lòng tin cho các ông.
Khi các tông đồ ngỏ lời xin Chúa cho họ thêm lòng tin, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp bằng cách cho các ông một định nghĩa về đức tin cụ thể như kiểu đổ thêm vào để cho được nhiều và được đầy hơn, mà thay vào đó, Chúa lại nhấn mạnh đến sức mạnh của lòng tin: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu nầy: 'Hãy bật rễ lên, xuống biển mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em' (Lc 17, 6). Hạt cải là giống hạt nhỏ nhất trong các hạt giống người ta gieo trồng và được tục ngữ Do Thái dùng để chỉ những gì rất nhỏ, chính Chúa Giêsu từng nói “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất (Mc 4, 31). Ngược lại, cây dâu là một loại cây lớn, nó có một bộ rễ cắm rất sâu dưới đất, nên không dễ gì bật rễ lên mà xuống mọc dưới biển được, khi Chúa Giêsu dùng kiểu nói đối nghịch quá lớn giữa hình ảnh một hạt cải rất nhỏ bé và hình ảnh cây dâu lớn bật rễ mà xuống mọc dưới biển đươc. Chúa muốn cho thấy sức mạnh của lòng tin và hiệu quả nhờ lòng tin đem lại là lớn lao vĩ đại biết bao. Quả thực, hạt cải tuy nhỏ thế, nhưng chỉ cần đức tin bằng đó thôi cũng có thể làm được điều kỳ diệu như làm bật được dễ của cây dâu lớn xuống biển (Lc 17, 6), hoặc làm được chuyển núi rời non (Mt 17,20). Đức tin có thể giúp chúng ta thực hiện được những điều bình thường sẽ không thể xảy ra theo tiêu chuẩn con người. Tại sao đức tin lại có sức mạnh lớn như vậy? Thưa vì khi tin, chúng ta không cậy vào mình, mà đặt tất cả nơi Thiên Chúa, hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và vào sức mạnh, quyền năng của một mình Ngài, và sức mạnh cùng quyền năng của Thiên Chúa sẽ được thực thi nơi người có lòng tin. Khi nhấn mạnh đến sức mạnh của lòng tin, Chúa Giêsu cho thấy không phải vấn đề đức tin lớn đến đâu mà là vấn đề đức tin chân chính, nghĩa là dám tin vào tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa, để từ đó dám tin điều Thiên Chúa làm cho mình là điều tốt nhất, cả khi điều đó không hợp ý của mình, hay mình không mong muốn, và dám để Thiên Chúa làm mọi sự theo thánh ý Chúa nơi mình. Một đức tin chân chính như thế thì dù chỉ lớn bằng hạt cải nhỏ bé thôi, đức tin đó vẫn có thể làm nên được những điều kỳ diệu, vì Thiên Chúa có thể thực hiện những kỳ công lớn lao không ngờ được nơi những con người có lòng tin thật sự. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói với những kẻ được Người giúp đỡ: “chỉ cần tin thôi, con gái ông sẽ được cứu” (Lc 8,50); “lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được như vậy” (Mt 15,28); “Lòng tin của chị đã cứu chị (Lc 7,50); “lòng tin của con đã cứu chữa con” (Lc 8,48).
Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa cho chúng con thấy đức tin có sức mạnh thật phi thường như thế, chúng con lại thấy đức tin của chúng con chưa bằng hạt cải, chúng con chưa dám phó thác tất cả cho tình yêu của Chúa, chúng con chưa tín thác vào sức mạnh và quyền năng Chúa. Nên chúng con chưa nhổ được, chưa làm bật dễ những cây dâu của tính hư nết xấu, của ích kỷ toan tính, của ghen ghét đố kỵ, của chấp nhất nhỏ nhen…đã mọc rễ sâu trong tâm hồn chúng con từ bao năm nay. Để trồng xuống biển đời chúng con những hoa trái của yêu thương tha thứ, của quảng đại sẻ chia, của cảm thông giúp đỡ... Xin cho chúng con biết luôn khiêm hạ xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con như các tông đồ xưa, để Chúa làm điều Chúa muốn cho chúng con và cho người khác nơi con người và cuộc đời chúng con. Amen.
Nữ tu Maria Đỗ Thị Hiến
====================
Suy niệm 4
Xin thêm lòng tin cho chúng con
(Lc 17, 5-10)
Đức tin là chủ đề nổi bật trong phụng vụ Chúa Nhật tuần này. Đức tin được đề cập đến trong bài đọc I: "Người công chính sẽ sống nhờ trung tín " (Kb 1,4). Ý tưởng này được Thánh Phaolo lấy để khuyên môn đệ mình là Thimôthê: "Con hãy lấy những lời lành lẽ phải… làm mẫu mực trong đức tin… " (2Tm 1,13-17). Bài Tin Mừng bắt đầu với lời cầu xin của các tông đồ cùng Chúa Giêsu: "Xin thêm lòng tin cho chúng con! " (Lc 17, 5-6).
Thay vì thỏa mãn lòng ao ước của các ông, Chúa Giêsu xem ra muốn làm đức tin lớn mạnh hơn. Người nói: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng:'hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biến', nó liền vâng lời các con " (Lc 17,6). Chúng ta lấy câu này làm lời cầu xin của mình trong thế giới hôm nay. Chúa Giêsu có ngoa ngữ hay không khi nói đức tin của các môn đệ chỉ bằng hạt cải thôi, cũng có thể làm những điều con người không bao giờ nghĩ tới. Đúng như vậy, người đơn sơ, khiêm tốn nhưng có đức tin mạnh mẽ thì có thể chuyển núi dời non. Chẳng hạn như, một người cha hay một người mẹ, lúc phải đối mặt với những khó khăn nặng nề hay một ai đó đang lâm bệnh rất nặng mà có đức tin, thì những người đến thăm họ sẽ cảm nhận được sự thanh thản và bình an. Quả thật, những người ấy, nhờ đức tin của họ, đã không tự hào về những gì mình làm, nhưng, như Chúa Giêsu bảo họ: "Chúng con chỉ là những người tôi tớ. Chúng con chỉ làm những điều phải làm" (Lc 17,10).
Sống trong thời buổi ngày hôm nay, hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có được đức tin mạnh mẽ để làm được những điều cả thể.
Đức Tin là gì ?
Đức tin không phải là một vấn đề phức tạp. Những hoàn cảnh vốn phức tạp, nhưng bản thân đức tin lại rất đơn giản. Tin chính là biết Thiên Chúa là ai, biết Ngài hằng yêu thương và muốn giúp đỡ chúng ta, Ngài sẽ thực hiện cho dù sự hiểu biết ấy trái ngược với những hiểu biết thông thường của chúng ta và biết rằng Ngài nghe lời chúng ta cầu nguyện.
Đức tin thì không giao động hoặc hoài nghi. Thiên Chúa biết chúng ta không hoàn hảo. Khi chúng ta có lòng tin, chúng ta sẽ vững vàng tin tưởng vào Chúa, không bị lay động bởi những tin tức xấu hoặc xu hướng xấu (x. Tv 112,7). Mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho (x.Rm 12,3). Vì thế, chúng ta phải xin Chúa ban cho món quà của Thần Khí là ơn đức tin (x. 1 Cr 12,9). Xin Thiên Chúa gia tăng lòng tin nơi chúng ta (x. Lc 17, 5).
Sự cần thiết của Đức Tin
Còn sống là còn cần đến đức tin. Đức tin để tin tưởng và đón nhận Lời được viết; để nghe những Lời từ Thiên Chúa ; để vâng phục và thi hành ý Chúa; tin vào Chúa trong những lúc ngặt nghèo; phó thác mọi sự trong tay Chúa; đương đầu với những thử thách và ngay cả những hoàn cảnh không thể. Tiên tri Khabacuc mô tả người có đức tin, cậy dựa vào Chúa, nhưng bị thử thách quá sức: "Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng" (Kb 1,2-3). Chúa bảo: "Người công chính sẽ sống nhờ trung tín" (Kb 1,5). Đức tin cho ta rất nhiều thứ.
Để hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời ta, chắc chắn chúng ta phải cần đến đức tin. Làm sao để đức tin của chúng ta lớn mạnh là việc chúng ta phải làm ngay hôm nay. Chúng ta sẽ không có được đức tin để chuẩn bị cho tương lai nếu chúng ta không bắt đầu luyện tập và củng cố thêm đức tin của chúng ta ngay từ bây giờ.
Tháng truyền giáo, tháng Mân Côi
Bước vào tháng Mười, tháng dành riêng cho việc truyền giáo, với chủ đề: "Được Rửa tội và được sai đi. Giáo Hội của Chúa Kitô với sứ mạng truyền giáo trên thế giới". Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi toàn thể Giáo Hội cử hành "Tháng ngoại thường về truyền giáo" này để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và làm mới mẻ lại tinh thần Loan Báo Tin Mừng nơi người Kitô hữu.
Chúng ta nhớ đến các nhà truyền giáo đang hăng say rao giảng và mang Tin Mừng đến cho người khác, họ đã phải vượt qua những khó khăn đủ loại, kể cả trao ban sự sống. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho họ ơn can đam, nâng đỡ họ, để họ can đảm, như thánh Phaolo nói với Timôthê: "Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa" (2Tm 1,8). Mỗi chúng ta cũng có thể làm chứng cho Chúa, với sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh của niềm tin. Ðức tin của chúng ta nhỏ bé nhưng mạnh mẽ: với sức mạnh đó chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu, là những người Kitô hữu bằng đời sống, bằng chứng ta của chúng ta.
Và làm thế nào để chúng ta có được sức mạnh ấy? Chúng ta phải cầu xin. Lời cầu nguyện là hơi thở của đức tin. Lời cầu nguyện, đức tin, tình yêu liên kết với nhau vốn là điều không thể thiếu, lời cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa.
Tháng 10 cũng là tháng Mân Côi, chúng ta hiệp ý cùng nhau cử hành hành vi đức tin với Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Mân Côi, Mẹ chúng ta, đồng thời xin Mẹ là cô giáo của trường cầu nguyện, trường đức tin dạy chúng ta siêng năng lần chuỗi Mân Côi để cầu cho thế giới được muôn muôn sự lành. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 5
TẠI SAO PHẢI XIN THÊM LÒNG TIN?
(Kb 1,2-3 ; 2,2-4;Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10)
Các Tông đồ đã được Đức Giêsu mạc khải nhiều lần về Ngài qua những lời giảng dạy và nơi các dấu lạ điềm thiêng. Ngài lại còn ban cho các ông quyền năng để dẹp trừ những thần ô uế và chữa lành bệnh tật (x. Mt 10, 1-2), nhằm củng cố niềm tin cho họ. Tuy nhiên, vì mang trong mình thân phận con người, các Tông đồ thấy có những lúc còn quá yếu đuối, nên các ông mới cất tiếng xin với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).
Lời cầu xin này toát lên nỗi trăn trở trước sứ mạng và sự lo sợ trước những thách đố lớn lao của sứ vụ mà các Tông đồ sẽ đón nhận sau này. Đây cũng là tâm tình của mỗi chúng ta ngày hôm nay.
1. Tại sao phải xin thêm lòng tin?
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Lời cầu xin đó của các Tông đồ cho thấy đức tin không phải do cố gắng của con người mà đạt được, nhưng nó được xuất phát từ Thiên Chúa và do tình thương của Ngài. Vì vậy, Ngài trao ban cho ai tùy ý. Hệ quả chân thực của đức tin chính là lòng kiên trì, trung thành, can đảm và phó thác nơi Thiên Chúa (x. Mt 6, 25 -34).
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay làm toát lên đặc tính đó của đức tin: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Lời cầu xin này được cất lên phát xuất từ con tim của các Tông đồ. Các ông được chứng kiến nhiều phép lạ Thầy mình đã làm, nhưng cũng cảm nghiệm được sự khó khăn, phức tạp trong quá trình loan báo Nước Trời của Đức Giêsu. Đồng thời, các ông cũng thấy được trách nhiệm quá lớn lao nơi sứ vụ mà rồi đây các ông sẽ tiếp nhận. Bên cạnh đó là những đòi hỏi quá khắt khe của luật mới nơi người môn đệ Đức Giêsu. Vì thế, các ông không khỏi những lo lắng trước trách nhiệm to lớn đó. Các ông xin Chúa ban thêm lòng tin là để giúp các ông đứng vững trước mọi cuồng phong bão tố trên hành trình loan báo Tin Mừng và để xứng đáng trong tư cách là người môn đệ chân chính.
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5) còn là một cách minh chứng cho thấy đức tin của các ông chưa đủ lớn. Và như thế, không thể đối diện với những nghịch cảnh trên hành trình theo Chúa cũng như loan truyền sứ vụ. Một cách gián tiếp, chúng ta nhận thấy các Tông đồ đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Khó khăn lớn nhất đối với các ông lúc này là thử thách về niềm tin vào chính con người Đức Giêsu. Có lẽ các ông ít nhiều vẫn mang trong mình những tâm trạng hoài nghi và tự hỏi về vị Thầy mà các ông đã bỏ mọi sự để đi theo: Đức Giêsu này có phải là Đấng mà muôn dân mong đợi hay không? Tại sao Ngài là Thiên Chúa mà vẫn chấp nhận bị người ta xua đuổi, khinh thường…? Tại sao Ngài không thiết lập và tổ chức triều đình để đem lại sự giàu sang, phồn thịnh cho nhân loại…?
Đức Giêsu thấy được tâm trạng hoang mang cũng như cái tôi ích kỷ của họ nổi lên, điều này được biểu hiện qua việc tranh nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, rồi bà mẹ của Giacôbê và Gioan đến xin cho một ngồi bên tả, một bên hữu…! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học yêu thương, khiêm tốn và phục vụ. Thật thế, đức tin phải đi đôi với việc làm, nghĩa là phải “hoạt động qua đức ái” (Gal 5,6) vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17). Đức tin đi đôi với sự trung thành phục vụ (x. Ga 12,26). Đức tin không phải để khoe khoang. Vì thế, Đức Giêsu đã lấy hình ảnh người tôi tớ trong vai trò phục vụ để giáo huấn cho các ông bài học về sự khiêm tốn trong phục vụ: “Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10).
Như vậy, các ông thấy rõ những đòi hỏi của Đức Giêsu và nhận thấy con người mình yếu đuối, nên các ông cần thêm lòng tin để tin vào Chúa hơn, yêu người hơn, khiêm tốn hơn, và phục vụ cách vô vị lợi hơn.
2. Sống Đức Tin trong đời thường
Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao? Trong cuộc sống, ngoài xã hội, nơi thương trường, nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình bất lực hoặc hèn nhát không dám can đảm để làm chứng cho Chúa. Lý do là vì thiếu niềm xác tín nơi Chúa. Vì thế, lời cầu xin của cácTông đồ khi xưa cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay.
Quả thật, xã hội ngày hôm nay nhiều người sống rất vô cảm, ít tương trợ lẫn nhau, và nhiều khi còn cắn xé lẫn nhau, hệ quả xảy ra là: tham nhũng, bóc lột, đàn áp những người thấp cổ bé họng… đứng trước những bạo nạn đó, nhiều khi chúng ta thấy mình quá nhỏ bé nên không dám lên tiếng, không dám nói lên chính kiến của mình, không dám thể hiện một nghĩa cử liên đới với những anh chị em đang lâm nạn. Những lúc chúng ta cảm thấy bất lực vì sợ hãi như vậy, ấy là lúc chúng ta cần phải: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta” (x. Lc 17,5).
Câu nói của Karl Marx đáng để cho mỗi chúng ta suy nghĩ: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”. Chớ trêu thay, sự thật này đang là chuyện rất bình thường trong một xã hội hiện đại. Chúng ta biết nó là không tốt, nhưng đôi khi chúng ta cũng sống không kém gì họ, hay không bao giờ dám đứng lên đi ngược dòng để tìm về sự thật và xây dựng tình liên đới chỉ vì sợ sự liên lụy. Đây chính là yếu đuối của chúng ta. Vì thế chúng ta hãy: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta” (x. Lc 17,5).
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta xin Chúa mãi mà vẫn không được những ơn chúng ta xin. Những lúc đó, chúng ta hay phàn nàn trách móc Chúa vì Ngài không nhận lời. Ta thấy tâm trạng của mình lúc này có phần giống tiên tri Kha-ba-cúc trong bài đọc I, ông phải chịu đựng những điều nghiệt ngã tương tự: “Con la lên: Bạo tàn! Mà Ngài không cứu vớt”; “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu van mà Ngài chẳng đoái nghe?” (Kb 1,2-3). Tuy nhiên, chúng ta đâu biết được rằng: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7, 9-11). Chúng ta chưa nhận được là vì chưa có niềm tin đủ mạnh. Vì thế, chúng ta cũng cần: “Xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta” (x. Lc 17,5).
Trên thương trường, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ làm ăn bất chính. Vẫn biết là tội, nhưng nhiều người làm như thế, nếu chúng ta không thế thì không thể sống được, và chúng ta đã sẵng sàng thỏa hiệp với gian dối, để làm ăn bất chính. Những lúc như thế, chúng ta phải xin với Chúa như các Tông đồ: “Xin Thầy thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).
Lạy Chúa Giêsu, lời cầu xin của các Tông đồ khi xưa cũng là lời cầu xin của chúng con ngày hôm nay: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con”, để chúng con vững bước trên con đường theo Chúa và sẵn sàng thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
====================
Suy niệm lễ Đức Mẹ Mân Côi, năm C
Suy niệm 1
KINH MÂN CÔI, LỜI KINH KỲ DIỆU
(Gl 3, 7-14; Lc 11,15-26)
Người Việt Nam ta từ xưa tới nay và chắc chắn về sau, lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria luôn là một điểm sáng. Điều này hiển nhiên tại các gia đình, đền đài, nhà thờ, dòng tu và những trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ đây đó.
Như vậy, tràng hạt Mân Côi chính là một vật bất ly thân của chúng ta, bởi vì qua lời kinh Mân Côi, người Kitô hữu đang cùng với Mẹ theo sát Chúa Giêsu trên các chặng đường cứu chuộc. Hơn nữa, khi đọc kinh Mân Côi với tâm tình của Đức Mẹ, ấy là lúc chúng ta cùng với Mẹ suy đi và nghĩ lại trong lòng tất cả mọi biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại dưới cái nhìn ân sủng và giá trị cứu chuộc.
1. Lợi ích của việc lần Chuỗi Mân Côi
Nói đến Chuỗi Mân Côi, người ta thường hay nhớ đến những ơn lạ tình thương do lòng thương xót Thiên Chúa ban qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Những ơn đó ta có thể liệt kê ra đây như một dấu tích từ ái của Mẹ dành cho con cái như: những ơn chữa lành bệnh tật, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc, con cái thảo hiền. Nhưng có lẽ ơn mà nhiều người được hơn cả, đó là ơn hoán cải đời sống, trở về với Chúa.
Như vậy, cuộc đời của người Kitô hữu luôn gắn bó với Mẹ Maria cách mật thiết, khăng khít và nhiệm mầu.
Điều này đã được chứng minh cách cụ thể nơi tổ tiên chúng ta!
Nhớ lại biến cố Lavang, Trà Kiệu... Những nơi này, khi xưa, cha ông chúng ta đã phải hứng chịu biết bao gian lao khốn đốn do nạn bắt đạo gắt gao của các vua chúa quan quyền. Đời sống đạo của các ngài luôn bị đe dọa. Giữa cơn cuồng phong bão táp, các ngài đã phải trốn chạy vào những nơi rừng thiêng nước độc hay dồn nén trong nhà thờ... Lúc này, cha ông chúng ta chỉ biết cậy trông lòng thương xót của Thiên Chúa qua trung gian Mẹ Maria. Vì thế, trên tay không rời Chuỗi Mân Côi, cửa miệng không ngừng vang lên kinh Kính Mừng, tâm hồn hoàn toàn phó thác, cậy trông Mẹ thương cứu giúp... Cuối cùng, Mẹ đã hiện ra để an ủi, củng cố lòng tin, bảo vệ con cái và hứa sẽ nâng đỡ cho khỏi ngàn nỗi hiểm nguy.
Nhìn ra thế giới, chúng ta cũng thấy Đức Mẹ đã nhiều lần can thiệp để Giáo Hội được bình an, trong đó phải kể đến những sự kiện lớn như:
Vào thế kỷ 13, tại niềm Nam nước Pháp, có bè rối Albigeois nổi lên chống đối Giáo Hội. Thấy được mối nguy cơ khó giải này, nên thánh Đaminh đã phát động chiến dịch lần Chuỗi Mân Côi, cuối cùng, Đức Mẹ đã đưa được những tâm hồn ngông cuồng này trở về với Giáo Hội.
Tiếp đến, vào năm 1571, lúc ấy, Giáo Hội đang bị quân Hồi Giáo đe dọa tiêu diệt. Họ đang sôi sục tiến về Rôma với mục đích bắt Đức Giáo Hoàng Piô V, và tham vọng san bình địa đền đài và biến thủ đô của Giáo Hội trở thành trung tâm của Hồi Giáo.
Họ sẵn sàng chém giết, bắt bớ tất cả những ai chống đối. Thời điểm này, họ rất thuận lợi khi hướng gió và mặt trời luôn ở phía sau họ, khiến cho việc tiến về thành đô Rôma rất thuận lợi.
Khi nghe tin dữ này, Đức Giáo Hoàng rất bình tĩnh, ngài đã xin ơn soi sáng và phát động chiến dịch lần Chuỗi Mân Côi để phó thác mọi sự cho Đức Mẹ. Quả thật, Mẹ đã cứu Giáo Hội một cách nhiệm mầu! Bởi vì quân Hồi Giáo là một quân hùng hậu, vũ khí tối tân, họ đứng về phía chủ động và đang gặp thuận lợi về nhiều mặt. Người Công Giáo thì ít ỏi, thô sơ... Nhưng nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ, vì thế, nếu trước đó họ rất thuận lợi bởi hướng gió, nhưng chẳng bao lâu, họ đã bị chính hướng gió xoay chiều đổi hướng liên tục, khiến các con tàu của chúng đâm vào nhau và phá vỡ chiến trận.
Chẳng mấy chốc, tin thắng trận của người Công Giáo đã đến Rôma, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố, đây là hồng ân phép lạ do lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Hôm đó rơi vào đúng ngày 07 -10. Vì thế, ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi được thiết lập để tạ ơn Đức Mẹ.
Có thể nói rằng: trải qua dòng thời gian, đã nhiều lúc Giáo Hội đến bến bờ vực thẳm do lòng đạo đức xuống dốc, suy thoái hoặc bị kẻ thù đe dọa. Trong những thời điểm quan trọng đó, để cứu vãn tình thế, Đức Mẹ đã hiện ra nơi này nơi kia để ban cho nhân loại sứ điệp nhằm đưa lịch sử sang trang. Trong các lần đó, không nơi nào Mẹ đặt chân đến mà không mời gọi con cái siêng năng lần Chuỗi Mân Côi để đón nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa. Như vậy, kinh Chuỗi Mân Côi là một kinh rất có giá trị trước tòa Chúa và Mẹ Maria.
2. Giá trị và ý nghĩa của kinh Mân Côi
Tại sao Kinh Mân Côi lại có hiệu lực đến như vậy?
Thưa, rất đơn giản, bởi vì qua lời kinh Kính Mừng, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội lặp lại lời Sứ Thần ca tụng, tôn vinh và chân nhận uy quyền của Mẹ.
Nhưng có lẽ điều đặc biệt hơn cả khi lần Chuỗi Mân Côi, đó là: chúng ta suy đi nghĩ lại trong lòng mọi biến cố nơi cuộc đời của Chúa Giêsu như Mẹ, đồng thời dõi bước theo Mẹ và cùng Mẹ bước đi trên các chặng đường cứu chuộc của Chúa Giêsu.
Thật vậy, khởi đi từ làng quê Nazareth, chúng ta cùng với Mẹ vui mừng tạ ơn Chúa đã đoái thương đến Mẹ và nhân loại khi chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Vì thế, Mẹ sẵn sàng chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người qua trung gian người chị họ. Niềm vui ấy trở nên tuyệt đỉnh khi Mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa.
Sau thời gian Mẹ - Con cùng chung mái nhà, giờ đây, Con của Mẹ ra đi thi hành sứ vụ Chúa Cha trao phó, Mẹ đã âm thầm theo sát Con Yêu như một người môn đệ trung tín. Những lúc vui, thành công, Mẹ luôn luôn âm thầm. Nhưng những khi Con Mẹ bị chống đối, vu vạ, cáo gian, Mẹ đã tìm đến để dõi theo, an ủi, động viên...
Có thể nói, từ làng quê Nazareth đến đỉnh đồi Canvê, Mẹ luôn luôn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp cách nhiệm mầu. Chính vì thế, Mẹ xứng đáng được Chúa Giêsu ban tặng niềm vui Phục Sinh cùng với các môn đệ trong nhà Tiệc Ly. Sau cuộc đời tại thế, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ hồng ân trổi vượt muôn loài, đó là cho Mẹ được diễm phúc thăng thiên cả hồn lẫn xác. Cuối cùng, Thiên Chúa đã tôn phong Mẹ làm Nữ Hoàng Thiên Quốc bên tòa Chúa uy linh.
Như vậy, có thể nói: khi chúng ta lần Chuỗi Mân Côi với trọn lòng mến, chúng ta đã cùng với Mẹ sống Tin Mừng của Con Mẹ cách sống động nhất.
3. Sống sứ điệp Ngày lễ
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu Mân Côi, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra: “Chuỗi Mân côi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó…” (thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Hơn nữa, chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng Piô X khuyên nhủ: “Khi gia đình không được an vui hoà thuận, hãy lần Chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng Chuỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần Chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”. Ngài nói thêm: “Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối”.
Thật vậy, kinh Mân Côi là một vũ khí sắc bén để chống lại ma quỷ. Là liều thuốc hòa bình cho những ai bất an. Là nguồn nâng đỡ cho những ai yếu đuối. Là niềm hy vọng cho những người tội lỗi. Là ngọn lửa mến cho những ai nguội lạnh. Là bảng chỉ đường, ngọn hải đăng cho những ai lạc lối.
Thấy được giá trị và ơn ích của Chuỗi Mân Côi, mỗi người chúng ta hãy siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày. Tuy nhiên, hãy đọc trong lòng mến chứ không phải đọc cho qua hay bị ép buộc. Đọc trong tâm tình của trẻ thơ phó thác và tin tưởng nơi Mẹ. Đọc trong tâm tình hiệp thông với Giáo Hội, và nhất là đọc trong tâm tình suy đi nghĩ lại trong lòng với chính Đức Mẹ.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho Mẹ Maria những hồng ân đặc biệt, để Mẹ phân phát những ơn lành của Chúa cho nhân loại.
Xin Chúa cho chúng con biết vâng nghe lời Mẹ, để đáng được hưởng những ơn lành của Chúa ban qua Mẹ Maria. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
====================
Suy niệm 2 Kinh Kính Mừng, lời kinh cầu cho hòa bình (Lc 1 26-38) Bước vào tháng Mười, tháng Mân Côi, hình ảnh Đức Mẹ Mân Côi, một tay bồng Chúa Giêsu Hài Ðồng, còn tay kia thì trao tràng chuỗi Mân Côi trao cho thánh Ðaminh. Hình ảnh ý nghĩa này dìu chúng ta về với Đức Maria đầy ơn phúc, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta.
Đức Maria đầy ơn phúc
Trang Tin Mừng hôm nay (Lc 1,26-38) dìu ta về với "Đức Maria đầy ơn phúc". Mẹ có phúc trước hết vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc khi thưa "xin vâng". Mẹ có phúc vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Mẹ có phúc vì Mẹ đã cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Chúa Giêsu là Quả Phúc lòng Mẹ. Phúc của Mẹ thật cao vời khôn sánh, nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại lời mừng chúc "Kính mừng Maria đầy ơn phúc" để tôn vinh Mẹ. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển Chọn. Chính Mẹ cũng đầu tư vốn liếng cuộc đời, biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Mẹ tìm mọi phương thế để chúng ta được hạnh phúc. Một trong những phương thế ấy là hiện ra dạy chúng ta đọc Kinh Kính Mừng, để nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một trung thành hơn hầu đạt tới cõi trời vinh phúc.
Truyền khẩu rằng, trước thế kỷ XII, chưa có Kinh Kính Mừng. Các tín hữu với lòng mến Mẹ đã hái hoa hồng kết thành triều thiên dâng kính Mẹ, miệng ngâm nga mừng hát Thánh Thi. Có anh lái buôn vì lòng sùng kính Đức Mẹ, anh muốn hái hoa dâng Mẹ, nhưng vì công việc làm ăn không cho phép anh thực hiện, anh liền nghĩ ra một cách làm bù, thay vì hái hoa dâng Mẹ, anh đã đọc những lời của sứ thần Gabriel trong ngày Truyền Tin, vì nghĩ rằng mỗi lần anh đọc những lời ấy cũng có giá trị như những bông hồng dâng lên Mẹ vậy. Sáng kiến ấy được nhiều người thực hành theo. Đó là gốc tích kinh Kính Mừng hay kinh Mân Côi.
Khởi đi từ lời của sứ thần Gabriel chào kính Đức Maria: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Êlisabet: " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc", Giáo hội đã dùng để chúc khen Mẹ. Đồng thời, thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử".
Chuỗi Ngọc Mân Côi
Tại sao tràng hạt lại gồm lăm ngắm?
Không biết tràng hạt phát xuất từ tôn giáo nào, vì không chỉ có Công Giáo có, mà cả một số tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, con số năm ngắm tương ứng với năm biến cố lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Truyền Tin, Giáng Sinh, Phục Sinh, Thăng Thiên, Mẹ Lên Trời.
Tại sao lại có tràng hạt mười năm ngắm?
Thánh Vinh Sơn Ferrier Dòng Đaminh (1350-1419) đã soạn ra ngắm Đàng Thánh Giá thứ 15 để bổ túc cho 14 chặng Đàng Thánh Giá, vì ơn cứu độ của con người không kết thúc một cách bi đát ở nấm mồ, thì mười lăm ngắm khi đọc kinh Mân Côi diễn tả niềm vui này. Bởi vì bản chất của kinh Mân Côi nói lên niềm vui ơn cứu độ.
Tại sao lại có ba mùa Vui – Thương – Mừng?
Cách chia này do Alain de la Roche (1428-1475) và được đức Pio V chấp nhận, cho công bố ngày 17-9-1569. Niềm vui ơn cứu độ do Đức Maria khai mào từ lúc Ngôi Lời nhập thể (Vui) ; Tử Nạn (Thương) ; đến sống lại vinh quang (Mừng).
Ngày 16/10/2002 II trong Tông Thư gởi các tín hữu về “Mầu Nhiệm Rất Thánh Mân Côi” Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II thêm vào Năm Sự Sáng, nhằm suy niệm năm biến cố lớn trong chương trình cứu chuộc loài người.
Tại sao đọc 150 kinh kính mừng?
Từ trước Công Đồng Vat.II chỉ có hàng giáo sĩ mới đọc Kinh Phụng Vụ gồm 150 Thánh vịnh, giáo dân không được tham dự giờ kinh này. Mà ta biết mỗi câu Tv đều nhắc đến một biến cố cứu độ trong lịch sử. Nên đọc và suy gẫm hết 150 Tv thì cũng có nghĩa là đọc và suy gẫm toàn bộ Thánh Kinh. Vậy người giáo dân không có điều kiện đọc Kinh Phụng Vụ, thì người ta đọc 150 kinh Kính Mừng để nói: Niềm vui ơn cứu độ.
Ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng
Vì muốn con cái mình hạnh phúc, nên mỗi lần hiện ra là một lần nhắn nhủ: "Hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.
Thế thì, dù bận đến đâu cũng đừng bỏ lễ Chúa Nhật và lễ Trọng buộc. Dù mệt đến đâu cũng đừng bỏ đọc Kinh Kính Mừng, bởi "Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng" (St Bênađô).
Nhiều bạn trẻ cho rằng: Thời buổi khoa học, ai còn tụng niệm như mấy ông già bà cả nữa. Không đâu, Louis Pasteur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học cho chúng ta kinh nghiệm: động lực để nghiên cứu khoa học lại là Kinh Kính Mừng. Ông lần hạt khi đi trên Métro, nam sinh nữ tú chê ông quê mùa, mà không hay biết ông là người thầy của mình.
Thế giới ngày hôm nay tục hóa, con người sống như thể không có Thiên Chúa. Nếu bị ma quỉ cám dỗ, sự xấu, người xấu lôi kéo, hãy đọc Kinh Kính Mừng, vì: "Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ" (Lời thánh Anphongsô). Nếu con cái hư đốn, chồng không trung thủy, vợ bất trung thành, hãy đọc Kinh Kính Mừng: "Nhờ Kinh Kính Mừng, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng".
Lời kinh cầu cho hòa bình
Chúng ta đang sống trong thời điểm quốc tế đầy những căng thẳng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Biển Đông nổi sóng, bán đảo Triều Tiên, khủng bố dưới mọi hình thức ngày càng man dợ, trộm cắp, giết người cách tinh vi, hủy hoại môi sinh, gây đau khổ cho đồng loại. Trước những thế lực mạnh hơn trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, phải nại đến sức mạnh từ trời cao. Hãy chạy đến với Thiên Chúa, để cầu xin ơn bình an cho toàn thế giới. Việc làm trong tháng này là hãy lần Hạt Mân Côi, như Giáo hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 3 TIẾNG XIN VÂNG CỦA MẸ Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1, 26-38 Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Sứ Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria chịu thai Đấng Cứu Thế. Nhờ lời thưa “Xin vâng” của Mẹ như chìa khóa mở cửa nguồn ơn Cứu Độ. Từ đây, chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện, tiếng xin vâng của Mẹ thay đổi cả thế giới, ơn Cứu Độ được ban xuống cho nhân loại.
Mẹ quá ư tuyệt vời, chẳng vậy lời đầu tiên sứ thần Gabriel mang đến tặng Mẹ là: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28). Mẹ đơn sơ khiêm hạ, nên bối rối trước lời khen tặng ấy. Lúc đầu Mẹ cũng phản ứng cách tự nhiên theo lẽ thường mà thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Sứ thần đã cắt nghĩa và chứng minh rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được. Mẹ là Đấng đầy ân sủng và luôn “có Chúa ở cùng”, nên Mẹ đã để Chúa làm chứ không nhìn vào sức mình, mà can đảm liều mình đáp lời với hai tiếng “xin vâng” làm đổi thay cho cả thế giới. Mẹ đã mềm lòng ra để cho Chúa “chiếm đoạt”: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”. (Lc 1, 38). Ngày nay trước sứ vụ hay những công việc lớn nhỏ, chúng con thường chỉ nhìn vào sức mình nên sợ và chối đay đảy. Nhưng một khi có Chúa ở với thì “phận nữ tỳ” trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, dù là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng có Chúa ở cùng, chúng con sẽ thành chi thể, bạn hữu và anh em của Người.
Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con cũng được Đấng Emmanuel ở với chúng con, chúng con phải làm sao để Đấng ấy được lớn lên trong chúng con. Ngày nay con vẫn luôn hát bài ca “Xin vâng” của Mẹ. Lúc hát thì có vẻ dễ dàng, hăng hái như “thuộc lòng” hai tiếng “xin vâng” tự bao giờ. Khi vui vẻ hạnh phúc thì cũng dễ dàng nói lớn hai tiếng “xin vâng”. Vậy mà trong những lúc gặp khó khăn, biến cố nghịch cảnh, thất bại… con lại thấy khó làm sao khi thưa lên hai tiếng ấy cách hăng hái thật lòng. Làm sao con học với Mẹ đây? Trọn cuộc đời Mẹ chỉ hai tiếng “xin vâng” trước mọi biến cố trong đời. Mẹ xin vâng trong biến cố Truyền Tin hôm nay, xin vâng khi đem con đi trốn, khi lạc mất con… nhất là khi đứng dưới chân thập giá.
Mẹ ơi! nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ mà nhân loại chúng con được phúc “đổi đời”! Con nức lòng biết ơn và cám ơn Mẹ, vì nhờ Mẹ mà nay con có Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Emmanuel, để con mãi được “ở với” Ngài. Xin Mẹ dạy con sống với Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ, nhờ Mẹ với Mẹ và trong Mẹ, giữa cuộc đời trần tục đầy sóng gió của con.
Én Nhỏ