“Ta là Chúa, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”.
Một nhà tu đức nói, “Hãy trân trọng từng phút giây bạn có; hãy chia sẻ cho người khác khi còn kịp! Ngày kia, bạn sẽ thấy của cải vô dụng như thế nào. Người nghèo luôn có đó, họ không phải là ‘một phần của cảnh quan’ tô điểm cuộc đời bạn, họ là một phần của định mệnh bạn! Hãy nhớ, chiếc đồng hồ không ngừng nghỉ, không chờ đợi bất cứ ai, vì bất kỳ lý do gì!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Đồng tình với ý tưởng của nhà tu đức trên, cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy, tha nhân không phải là ‘một phần của cảnh quan!’. Đó là những con người cần được tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ; Chúa Giêsu từng coi Ngài là họ. Họ là những ‘Nhà Tạm di động’ của Ngài!
Bài đọc Giêrêmia hôm nay cho biết, hành vi bác ái đối với tha nhân sẽ được Thiên Chúa ghi nhận và ân thưởng, “Ta là Chúa, thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”. Cùng với Thánh Vịnh đáp ca, Giêrêmia gọi họ là người có phúc, vì họ chọn Chúa làm nơi ẩn náu, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”.
Trái với người ẩn náu nơi Chúa, Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người ‘nương náu’ nơi của cải! Một người giàu sống xa hoa biệt lập, say mê thời trang và những món ăn ngon nhất. Ông không làm hại ai; không tước đoạt tài sản của Lazarô; không ngại việc Lazarô quanh quẩn để tìm thức ăn thừa; cũng chẳng miệt thị Lazarô không chịu làm việc để kiếm sống. Vậy thì đâu là tội của ông? Tội của ông là không coi Lazarô như một con người; với ông, Lazarô chỉ là ‘một phần của cảnh quan’. Một người mù trongTin Mừng đã từng nói, “Tôi thấy người ta như cây cối!”. Đúng thế, xem ra người giàu kia cũng mù loà để chỉ nhìn thấy Lazarô ngang mức cây cối!
Như vậy, tội của ông là không biết xót thương khi ông coi mình là trung tâm! Từ ngữ “xót thương”, “thấu cảm” bắt nguồn từ tiếng Latin và Hy Lạp, nó có nghĩa là “cùng chịu đựng”. Thua cả người nghèo, ông nhà giàu không biết đến đau khổ! Đang khi đau khổ của mỗi người có thể làm cho người ta ‘ra người’ hơn, nhân đạo hơn, giúp họ cởi mở hơn trước cảnh ngộ của đồng bào mình. Nhờ trải nghiệm khổ đau, tầm nhìn của chúng ta trở nên mẫn cảm hơn trước những khó khăn của người khác và trái tim chúng ta trở nên nhạy cảm hơn để nhân ái với tha nhân.
Dụ ngôn hôm nay gợi lại những lời khiển trách gay gắt của Đấng Phán Xét trong Ngày Chung Thẩm, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống”. Lazarô là một ví dụ điển hình về những tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thời hiện đại và những mâu thuẫn của một thế giới mà của cải và tài nguyên vô ngần đang nằm trong tay một số ít. Điều này giúp
chúng ta hiểu rõ, bỏ qua một người nghèo, hoặc chỉ coi họ là ‘một phần của cảnh quan’ đích thị là khinh miệt Thiên Chúa! Như Lazarô đã trở thành một phần định mệnh của ông nhà giàu, người nghèo cũng là một phần định mệnh của chúng ta!
Anh Chị em,
“Ta là Chúa, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”. Thiên Chúa sẽ trả công cho mỗi người theo cách người đó cư xử với tha nhân, cụ thể là người nghèo. Như thế, người nghèo không phải là ‘một phần của cảnh quan’ mà chúng ta muốn, hoặc không muốn; nhưng họ là những món quà Thiên Chúa gửi đến cho mỗi người! Quả thật, nhờ người nghèo và qua họ, chúng ta được phần phúc từ Thiên Chúa. Đừng quên, Thiên Chúa không bao giờ xem chúng ta là ‘một phần của cảnh quan’ cho Ngài, mà là những người con rất yêu dấu có một không hai trên mặt đất này, những con trai con gái xứng đáng để được Con Một của Ngài đổ máu ra mà cứu chuộc. Mùa chay, mùa Giáo Hội kêu mời chúng ta hãy làm những gì có thể khi còn kịp; mùa mỗi người không còn coi anh chị em mình như ‘một phần của cảnh quan’, nhưng coi họ như là ‘những Nhà Tạm Giêsu di động’, hầu có thể yêu thương, trân trọng và cứu giúp!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin lấp đầy consự hiện diện của chính Chúa, để con có thể toả hương Giêsu cho anh chị em con. Họ là hình ảnh của Chúa, chứ không phải là ‘một phần của cảnh quan’”, Amen.