(Mt 9,27-31)
Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!" Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin." Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: "Các anh tin thế nào thì được như vậy." Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết!" Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
SUY NIỆM Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc hai người mù được chữa lành. Câu chuyện này chúng ta có thể tìm thấy trong Tin mừng thánh Mác-cô, nhưng ở đây lại mang những ý nghĩa quan trọng khác. Như trong Tin Mừng Mác-cô nói đến chữa một người mù, còn Mattheu nói có hai người mù được chữa lành. Và câu chuyện ở Mattheu không chỉ nói đến việc chữa lành người mù, mà còn chứng minh quyền năng thần linh của Đức Giê-su.
Câu chuyện bắt đầu khi hai người mù đi theo Đức Giê-su và thống thiết kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi”. Khi kêu danh Đức Giê-su mang tính Messia như vậy, chứng tỏ hai anh mù này phải có niềm tin vào Người và tin rằng quyền năng của Người có thể chữa lành cho các anh. Đối với họ, Đức Giê-su không đơn thuần chỉ là một thầy dạy như các thầy rabbi. Khi họ tới được gần Đức Giê-su, Người hỏi họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Nếu họ không tin thì Đức Giê-su sẽ không thể chữa lành họ được. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ câu chuyện về những những người cứng lòng tin tại Na-da-rét, nhưng hai anh mù này quả quyết rằng họ tin. “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Ngay sau khi Đức Giê-su nói điều đó, mắt họ mở ra và sáng trở lại. Đức Giê-su căn dặn họ đừng cho ai biết, Người không thích nổi nang và không muốn người ta hiểu sai về sứ vụ đích thực của mình. Thế nhưng họ lại lơ là với đề nghị của Người và đi kể với mọi người những gì xảy đến cho họ.
Trình thuật này không chỉ dừng lại ở việc người mù được sáng mắt về phương diện thể lý nhưng là sự sáng của đôi mắt tâm hồn. Họ thực sự đã nhìn thấy, họ có thể nhìn thấy Đức Giê-su là ai, là Ngôi Lời và là Đấng thực thi điều Thiên Chúa muốn, và họ chỉ nghĩ đơn giản là họ phải chia sẻ kinh nghiệm đó cho những người khác, không nên giữ cho riêng mình.
Một điều quan trọng ta cần chú ý tới sau câu chuyện này là một câu chuyện khác về một người câm điếc được chữa lành. Có nhiều câu chuyện như thế, kể lại việc Chúa chữa lành người mù, người điếc. Là những môn đệ của Đức Giê-su, ta cần có khả năng nhìn ra và thấu hiểu thông điệp của Người, sau đó phải loan truyền tới mọi người và mọi nơi.
Hôm nay là dịp cho chúng ta cùng ý thức lại sự đui mù và câm điếc của chính mình. Chúng ta thường gặp khó khăn khi lắng nghe và đón nhận Lời Chúa và bao nhiêu người trong chúng ta dám khẳng định rằng mình có thể thấy được Đức Giê-su như chính Ngài là. Để mừng lễ Giáng sinh một cách xứng hợp, chúng ta phải học cách lắng nghe Lời Chúa, thấu hiểu và đón nhận cũng như tập nhìn ra ý nghĩa mà Lời Chúa muốn tỏ lộ trong cuộc đời mình.
Cầu nguyện: “Như người mù ngồi bên vệ đường, Xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Xin cho con được thấy bản thân con, với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy. Xin cho con được thấy Chúa hiện diện bên con, cả những khi con không cảm nghiệm được. Xin cho con thực sự muốn thấy, thực sự muốn để cho ánh sáng của Chúa chiếu giãi vào bóng tối của lòng con. Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen.” (Như Người Mù, Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)