(Lc 7,36-50)
Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!" Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!" Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói." Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?" Ông Si-môn đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm."
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay:tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?" Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
SUY NIỆM Một cách nào đó, đoạn Tin Mừng này ám chỉ người Pha-ri-sêu. Nếu tiếp tục đọc bài Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy người Pha-ri-sêunày đã lên án Chúa Giêsu và người phụ nữ rất khắt khe. Hôm nay Chúa lại trách những người Pha-ri-sêu như những lần khác Ngài trách họ. Tuy nhiên, câu chuyện này đem lại một sứ điệp khác quan trọng hơn, đó chính là câu chuyện về tình yêu.
Tình yêu ấy ở trong chính trái tim người phụ nữ tội lỗi. Tình yêu ấy bước ra từ trong đau khổ bởi tội lỗi và sự khiêm nhường. Tội bà lớn. Thế nên, tình yêu và lòng khiêm nhường nơi bà cũng rất lớn lao. Lòng khiêm nhường tỏ lộqua hàng loạt những hành động khi bà đến gặp Chúa Giêsu:
Đầu tiên, “bà đứng đằng sau Người”
Thứ hai, “bà quỳ xuống”,
Thứ ba, “bà khóc”,
Thứ tư, “bà lấy nước mắt mà rửa chân Người”,
Thứ năm, “bà lấy tóc mà lau khô chân Người”,
Thứ sáu, “bà hôn chân Người”,
Thứ bảy, “bà xức dầu thơm quý giá lên chân Người.”
Chúng ta hãytĩnh lặng ít phút để tưởng tượng ra khung cảnh này. Hình dung xem người phụ nữ ấy đang hạ mình với lòng yêu mến, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu như thế nào! Nếu những hành động này không phát xuất từ lòng ăn năn hối cải, từ nỗi đau buồn thẳm sâu trong lòng, từ sự khiêm nhường, thì làm sao giải thích được chúng. Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng các hành động đó không có gì toan tính, vụ lợi hay thao túng gì, nhưng thẳm sâu trong đó hoàn toàn xuất phát từ sự khiêm nhường, ngay thẳng. Chị khóc vì xúc động trước lòng thương xót, bao dung của Chúa Giê-sukhi Người tha thứ hoàn toàn cho chị, mà không cần chị phải nói ra điều gì.
Phản tỉnh:hôm nay, bạn hãy nhìn lại những tội lỗi của bạn. Nếu bạn không nhận thấy tội của bạn đã phạm, làm sao bạn có thể cảm nhận được nỗi đau buồn khiêm tốn từ trong chính trái tim bạn ?Bạn có biết mình phạm tội gì không? Hãy quỳ gối, cúi đầu trước mặt Chúa Giêsu và thành khẩn nài van Người thương xót và tha thứ cho bạn. Hãylàm một cách chân thành, làm hết lòng hết sức. Ngài sẽ thương xót bạn như Ngài đã thương xót người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay.
Lạy Chúa, xin xót thương con vì con là kẻ tội lỗi và đáng bị trừng phạt. Con nhận biết tội lỗi con. Lạy Thiên Chúa giàu lòng từ bi, xin tha cho con và xin tiếp tục đổ tràn lòng thương xót vô biên ấy xuống trên con. Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa.