(Mt 5, 43-48)
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
SUY NIỆM Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai lời mời gọi. Nhưng trước hết, chúng ta hãy xét về lời mời gọi "nên hoàn thiện" của Ngài.
Theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, một người Ki-tô hữu đích thực không phải được nhận diện qua quần áo, trang sức bên ngoài hay các loại giấy chứng nhận, nhưng là ở thái độ và cung cách sống của họ. Không những thế, để nên một người Ki-tô hữu đích thực không phải chỉ cần "tốt đạo đẹp đời" là đủ, mà phải là nên "hoàn thiện", và đặc biệt, mức độ hoàn thiện này không phải chỉ là hoàn thiện theo tiêu chuẩn của con người, mà còn phải là hoàn thiện "như Cha trên trời".Theo lối suy nghĩ của con người, trở nên hoàn thiện thôi đã khó, nay còn phải nên hoàn thiện như Thiên Chúa! Ai có thể dám tự xưng mình là người hoàn thiện? Lại có ai dám bảo mình có thể hoàn thiện được như Thiên Chúa sao? Do vậy, thoạt nghe có vẻ lời mời gọi nên hoàn thiện của Chúa Giêsu là một lời khá ngông cuồng tự đại và viễn vông phải không?
Thiết nghĩ, chúng ta cho việc trở nên giống Thiên Chúa là điều điên rồ viễn vông có lẽ vì chúng ta đã quên mất cội nguồn của mình. Đầu tiên, tác giả sách Sáng Thế đã ghi lại ý định tạo dưng con người của Thiên Chúa: "
Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta" (St 1, 26) và hành động của Ngài: "
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa." (St 1, 27) Vì vậy, nếu chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu, thì việc chúng ta trở nên giống Thiên Chúa lại có gì là điên rồ cuồng ngông? Thứ đến, theo như bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nên hoàn thiện "như Cha anh em trên trời". Viêc một đứa trẻ muốn trở nên giống cha của mình thì chẳng có chi lạ kì. Vậy, việc chúng ta muốn trở nên giống Thiên Chúa, Cha của chúng ta thì lại có gì kì lạ đâu? Bởi vậy, có thể nói, chúng ta thấy các chuẩn mực Tin Mừng là ngược ngạo, vì chúng ta đã tự xem mình là một phần của thế gian; Chúng ta đã quên mất rằng chúng ta không được tạo ra cho thế gian, và cũng không thuộc về thế gian này.
Dĩ nhiên, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cũng giống như Thiên Chúa, là đã "hoàn thiện". Thiên Chúa ban cho con người hồn thiêng bất tử, có trí tuệ, tự do, có khả năng sáng tạo, làm chủ và đặc biệt là khả năng yêu thương; nhưng bởi mưu ma, chước độc của tà thần và lạm dụng tự do mà con người đã đánh mất hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, đồng thời cũng phá vỡ sự hài hoà trong các mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên và cả trong chính bản thân con người. Cho nên, giờ đây chúng ta phải lấy lại sự công chính thánh thiện nguyên thủy từ nơi Thiên Chúa mà ta đã đánh mất.
Lời mời gọi "nên hoàn thiện như Cha trên trời" được đặt sau lời mời gọi "yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi" cho thấy rằng, chúng ta chỉ có thể nên hoàn thiện như Chúa khi chúng ta trở nên con cái của Người. Và, để nên như con cái Chúa, chúng ta phải yêu thương tất thảy mà không phân biệt ai, cho dù đó có là kẻ thù hoặc người gây đau khổ cho ta, vì chính Thiên Chúa đã chẳng thiên vị, e ngại hay dè sẻn lòng thương của Người trên bất kì người tốt hay kẻ xấu nào.
"
Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" - Đây chắc chắn là một điều không dễ dàng chút nào. Vì để làm được điều đó, chúng ta phải đi ngược lại với các khuynh hướng tự nhiên của ta, và phải để họ đi vào trong trung tâm của cõi lòng ta. Tuy nhiên, "yêu kẻ thù" không phải là một điều bất khả thi nếu chúng ta hiểu được sức mạnh của việc cầu nguyện. Linh mục Henri Nouwen đã viết rằng: "
Nhưng mỗi lần cầu nguyện, cầu nguyện thật cho kẻ thù, bạn sẽ nhận ra rằng tâm hồn của bạn đang được canh tân, đổi mới. Trong việc cầu nguyện ấy của mình, bạn khám phá ra rằng kẻ thù của bạn thực ra cũng là những đồng loại vẫn được Thiên Chúa yêu thương chẳng khác gì bạn. Kết quả là những bức tường bạn đã tạo nên giữa "tôi và hắn", giữa "chúng tôi và chúng nó", giữa "cái của chúng tôi và cái của chúng nó" sẽ biến mất. Tâm hồn bạn trở nên sâu, rộng hơn và ngày một mở ra cho hết mọi người mà Thiên Chúa đã đặt để trên mặt đất này với bạn." Do vậy, chúng ta càng cầu nguyện cho kẻ thù bao nhiêu, chúng ta lại càng có lòng xót thương bấy nhiêu, và càng trở nên tự do, thoát khỏi sức đẩy của khuynh hướng tự nhiên và cám dỗ rình rập. Cũng nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận thấy con tim mình được mở ra hơn bao giờ hết, và càng trở nên giống trái tim mở ra của Chúa Giêsu hơn. Vì một khi chúng ta đã có thểyêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình thì liệu còn có ai mà chúng ta không thể yêu thương và cầu nguyện cho được đây?
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán cùng các môn đệ rằng: "
Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy, là các con yêu thương nhau." (Ga 13, 35) Xin cho yêu thương trở nên phù hiệu của chúng con. Nhưng Chúa ơi, chúng con yếu đuối lắm, ngay cả những người thân kề bên mà lắm lúc chúng con còn cảm thấy thật khó để yêu thương, thì làm sao mà có thể yêu thương cả kẻ thù. Xin Chúa ban tặng cho chúng con một đôi mắt mới, đôi mắt có khả năng nhìn như Chúa nhìn, một đôi tay mới, đôi tay biết mở rộng mà chẳng phân biệtai, và một trái tim mới, một trái tim yêu thương như Chúa yêu, để bản thân mỗi chúng con dần trở nên như Chúa - Đấng trọn hảo vẹn toàn. Amen.