Thứ 2, 18.05.2020
(Ga 15, 26 – 16, 4a)
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”
SUY NIỆM “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.” (Ga 16, 2-4a) Những khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng họ sẽ bị khai trừ và sẽ bị giết chết, dường như các ông đều không để các lời ấy trong lòng, lại càng chẳng ghi nhớ. Chắc chắn những lời ấy hẳn làm các ông phiền muộn đôi chút, nhưng các ông chẳng mấy chốc mà quên đi và không lo lắng gì về điều ấy.
Các môn đệ hẳn đã bị các nhà lãnh đạo Do Thái bắt bớ rất khốc liệt. Đau đớn biết mấy, khi những con người đáng ra phải dẫn đưa họ đến với Chúa thì lại là những người gây nên bao thống khổ cho họ. Các môn đệ có lẽ cũng đã từng đứng bên bờ vực của sự tuyệt vọng và mất niềm tin. Nhưng Chúa Giêsu đã dự đoán trước được thử thách nặng nề này, và vì lẽ đó mà Ngài đã cảnh báo họ về những điều sắp xảy đến.
Tuy vậy, thật thú vị làm sao nếu chúng ta nhìn vào những điều mà Chúa Giêsu không bảo các môn đệ làm khi đối mặt với thánh giá bắt bớ ấy. Ngài không bảo họ chiến đấu lại, phát động các cuộc nổi dậy hay làm một cuộc cách mạng gì cả. Thay vào đó, nếu chúng ta đọc kĩ hơn ngữ cảnh của đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu bảo họ rằng Thần Khí sẽ lo liệu tất cả, sẽ hướng dẫn họ và sẽ giúp họ làm chứng cho Ngài. Làm chứng cho Chúa Giêsu tức là trở nên nhân chứng cho Ngài. Và trở nên nhân chứng cho Chúa Giêsu nghĩa là phải nên tử đạo. Do đó, Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ trước thánh giá bắt đạo nặng nề của các nhà lãnh đạo Do Thái, bằng cách cho họ biết rằng họ sẽ được mạnh sức nhờ Thần Khí mà đủ sức làm chứng cho Ngài. Và khi các cuộc bắt bớ xảy đến, họ đã nhớ lại tất cả những điều Chúa Giêsu đã nói với họ.
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng phải nhận ra rằng: trở nên Ki-tô hữu tức là sẽ phải chịu bách hại. Và các bách hại này diễn ra dưới nhiều hình thức thác nhau trong thế giới của chúng ta hôm nay. Với vài người, có khi các bách hại ấy diễn ra ngay tại gia đình mình: Họ bị chế giễu và bị đối xử tồi tệ vì cố gắng sống niềm tin của mình. Và, buồn thay, các bách hại cũng diễn ra ngay trong chính Giáo Hội mỗi khi chúng ta thấy các đấu đá, giận dữ, bất đồng và xét đoán trong Giáo Hội.
Đâu là chìa khoá để hoá giải những điều ấy? Chính là Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần có vai trò vô cùng quan trọng thế giới của chúng ta hôm nay. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để vững lòng làm chứng cho Chúa Giêsu và hững hờ trước các hình thức cám dỗ của ma quỷ. Vì thế, nếu bạn cảm thấy áp lực vì bị bách hại dưới bất kì hình thức nào, bạn hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã nói những lời này không chỉ với các môn đệ đầu tiên của Ngài, nhưng Ngài cũng nói với chính bạn nữa. ”Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”
Hôm nay, bạn hãy dành thời gian để phản tỉnh về bất cứ hình thức bách hại nào trong cuộc sống của bạn. Hãy để chúng nên cơ hội giúp bạn gia tăng hy vọng và tín thác vào Chúa nhờ ân sủng dồi dào của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ bỏ bạn một mình nếu bạn cậy tin vào Ngài.
Lạy Chúa, mỗi khi con thấy cuộc sống quá nặng nề hay phải đối mặt với bách hại, xin Ngài ban bình an trong tâm trí và cõi lòng con. Xin Chúa Thánh Thần giúp con mạnh sức để nên chứng nhân cho Chúa. Này linh hồn và thần trí con, xin tín thác nơi Ngài.