Suy niệm lễ Chúa Hiển Dung
Mc 9, 2-10 “Xin cho con được thấy tôn nhan Chúa”, đó là lời kêu cầu của tất cả những người chiêm niệm thần bí trong Cựu Ước. Và lời cầu xin này được trở nên hiện thực: Thiên Chúa đã làm người. Thiên Chúa mà con người sống trên trần gian này
không thể xem thấy được, lại được diễn tả
bằng một gương mặt nhân loại: gương mặt của Chúa Giêsu. Gương mặt kỳ diệu này mặc khải gương mặt của Đấng Vô Hình. Ngài là hình ảnh của Đấng không có thể tưởng tượng được. Thánh Gioan Tông đồ đã xác minh điều này: “
Quả thật, sự sống đã được bày tỏ, chúng tôi đã thấy và làm chứng”…Chúa Giêsu biến hình mặc khải cho các tông đồ cũng như cho chúng ta gương mặt của Thiên Chúa dưới 3 hình thức:
1- Gương mặt được biến đổi. Ngài dẫn 3 tông đồ lên một ngọn núi tên là Thabor. Nơi đây, mặt đất vươn lên để gặp trời và bỗng chốc một tia sáng mặt trời xuyên thủng những đám mây làm loá mắt. Chúa Giêsu mời 3 tông đồ vào cảnh tượng gì đây? Những ngày trước đây, Ngài đã nói với các ông về cái chết bi thảm của Ngài sắp đến. Để giúp các ông vững vàng trong cơn bão táp sắp nổi lên, Ngài mặc khải cho các ông
biết bản tính đích thực của Ngài. Gương mặt Ngài trở nên hoàn toàn khác và sáng rực. Đây là lúc quan trọng vì Cựu ước được diễn lại qua 2 nhân vật vĩ đại Moise và Elia tìm kiếm Thiên Chúa, chính họ cũng bừng cháy lên vì được gặp gỡ
Đấng khó tả nên lời. Loá mắt, các tông đồ
khám phá ra gương mặt của Đức Kitô. Gương mặt chiếu sáng từ vinh quang Thiên Chúa,
vừa là biểu tượng rạng ngời của Chúa Cha, nghĩa là gương mặt thực của Thiên Chúa,
vừa là gương mặt đẹp nhất của những đứa con nhân loại. Thiên Chúa là Tuyệt Mỹ và khi nhập thể, Chúa Kito làm cho vẻ đẹp này của Cha Ngài có thể nhìn thấy được. Gương mặt Ngài tỏ ra vẻ đẹp tuyệt đối mà không nhà nghệ thuật nào có thể mô tả được.
Đối với chúng ta, chúng ta cũng được phép đoán ra gương mặt khó có thể mô tả này. Thực vậy,
Chúa Thánh Thần đôi khi làm cho chúng ta cảm nhận được gương mặt này khi chúng ta tràn ngập ánh sáng của ơn thánh, trong những lúc Thabor nhỏ bé mà chúng ta có thể cắm mốc cho cuộc đời mình (ngày lãnh thụ bí tích nào đó). Để làm được điều này, chúng ta cần đi qua 3 chặng đường:
a- Thường xuyên trung thành, siêng năng cầu nguyện bằng Tin mừng. Qua Tin mừng, chúng ta phát hiện ra gương mặt của một trẻ thơ
được các nhà đạo sỹ cung kính, được cụ già Simêon chúc tụng bồng bế; chúng ta chiêm ngắm
ánh mắt tuyệt đẹp của chàng thanh niên Nagiaret luôn tạo niềm vui cho Thánh Giuse và Đức Mẹ; chúng ta chiêm ngắm
gương mặt của người mà Gioan Tẩy giả luôn e ngại: “tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài”; chúng ta chiêm ngắm
gương mặt của Đấng đã làm biến đổi thế cờ của người phụ nữ Samaria; chúng ta chiêm ngắm
gương mặt của Chúa Kitô âu yếm những trẻ thơ; chúng ta chiêm ngắm
gương mặt đáng nể của Chúa Kitô trên núi bát phúc:
Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành; chúng ta quan sát
gương mặt trong nước mắt của Chúa Kitô khóc thương thành Giêrusalem và gương mặt sốt sắng của Ngài đang cầu nguyện…. b- Cung kính các biểu tượng sẽ giúp
chúng ta khám phá ra Đấng Vô hình.
Biểu tượng càng nghệ thuật càng giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp của Thiên Chúa. Biểu tượng nghệ thuật làm cho chiều kích thiêng liêng trở nên gần gũi hơn.
c- Chiêm ngắm Thiên Chúa trong tất cả các gương mặt của con người. Chúa Kitô có thể được mặc khải
qua gương mặt của đứa trẻ đang ngủ hoặc đang cầu nguyện. Ngài cũng có thể được mặc khải
qua ánh mắt của một nữ tu đang chầu Thánh Thể. Trước gương mặt đáng thờ lạy này,
trái tim chúng ta dễ rung lên một lời cầu nguyện chiêm niệm. 2- Gương mặt bị xấu đi và bị bóp méo. Thật đáng tiếc, Thabor chỉ xẩy ra trong khoảnh khắc, quá ngắn ngủi. Các Tông đồ đã có kinh nguyện này, họ cảm thấy như vậy. Họ muốn cảnh biến hình tiếp tục mãi và sẵn sàng làm 3 lều ở đó để vui hưởng. Nhưng rồi họ phải
mau mắn trở về đời thường: cuộc biến hình của Chúa Kitô không còn là cuộc vinh hiển kéo dài muôn thuở nữa. Biến hình chỉ là
báo trước sự vinh hiển giúp cho các tông đồ nhẫn nại hơn. Thế là chẳng còn gì nữa! Điều trước hết là phải trải qua thập giá. Chủ đề nào đây trong cuộc đàm đạo giữa Moise, Elia và Chúa Giêsu? Phải chăng các Ngài nói về trời ? Không! Các Ngài
gợi lại cảnh Giêrusalem và cuộc khổ nạn sắp tới. Chính Chúa Cha nhắc lại điều đó:
“Này là Con Ta Yêu Dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Chúa Giêsu là Đấng đã được tuyển chọn,
được định trước để cứu độ nhân loại, được định trước
phải trải qua Thập gia! Đám mây sáng chói bao bọc các Ngài cũng là
đám mây tối tăm che phủ và huyền nhiệm. Khi Biến hình kết thúc,
chính là lúc phải xuống núi. Chúng ta lại phải nhìn Chúa Giêsu
với gương mặt khác:
gương mặt đầy máu “chẳng đẹp chẳng rạng rỡ và cũng chẳng đáng yêu” như tiên Tri Isaia đã tiên báo.
Phần chúng ta, chúng ta thừa biết những gương xấu và tội lỗi đã làm cho gương mặt của Chúa Kitô bị biến dạng. Tuy nhiên, chúng ta không phải là những người muốn vào Nước Trời bằng con đường khác
ngoài con đường thập giá. Liệu chúng ta có khả năng nhận ra
gương mặt bị sưng lên, bị bầm tím, đầy máu như một nô lệ bị tra tấn này ẩn chứa một gương mặt vĩ đại nhất của tình yêu không? Gương mặt bị biến dạng vì yêu và gương mặt được biến đổi vì yêu đều là gương mặt của Thiên Chúa. Chúng ta có nhận ra trong thâm tâm chúng ta
gương mặt bị biến dạng và bị tàn phá này vì tội của chúng ta không? Trước gương mặt bị biến dạng của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta hãy thốt lên
từ trái tim lời cầu khiêm cung xin ơn tha thứ những tội lỗi của chúng ta và của cả nhân loại! 3- Gương mặt được vinh hiển. Gương mặt đich thực của Chúa Kitô là gương mặt Người đã sống lại vào trong vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Gương mặt được biến hình hôm nay chỉ là dấu chỉ. Còn gương mặt được vinh hiển của Chúa Kitô phục sinh thì các tông đồ, các thánh và những người đã qua đời
mới được chiêm ngắm trong tình trạng tuyệt vời luôn luôn mới và không bao giờ chán. Sách Huấn Ca viết: “
Nhìn ngắm vinh quang của Người ai mà chán được”. Chúng ta không thể nói gì được hơn chỉ biết nhẫn nại và kêu cầu Chúa:
“Lạy Chúa, một ngày nào đó chúng con sẽ được thấy Chúa nhãn tiền. Hy vọng của chúng con không phải là về trời, nhưng là để được thấy tôn nhan Chúa”. Mặc dù có những khó khăn, chúng ta chỉ tìm được ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta khi chúng ta nhìn về tương lai. Vì trong tương lai có tôn nhan của Chúa Kitô phục sinh chiếu sáng.
Cuộc biến hình hôm nay không những chỉ tiên báo cuộc vinh hiển đời đời của Chúa Kitô, nhưng còn báo trước
cuộc vinh hiển của mỗi người chúng ta. Ngày đó thân xác chúng ta cũng sẽ được phục sinh vinh hiển. Vì thế, cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là
một cuộc hành trình hướng về gương mặt chiếu sáng của Chúa Kitô Phục sinh. Hành trình này
được củng cố bằng những chặng đường ngắn lên núi Thabor.