“Hãy yêu thương thù địch”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lại một lần nữa, bài Cựu Ước và Tin Mừng hôm nay có chung một chủ đề, “Hãy yêu thương thù địch”; như thế, có gì lạ thường đâu? Vậy mà vẫn có đó! Bởi lẽ, một điều khá thú vị ở đây là các bài đọc không chỉ cho thấy các môn đệ của Chúa Giêsu phải yêu thương thù địch nhưng chính Thiên Chúa, Người cũng đã chịu khó làm điều đó trước.
Sách Các Vua tường thuật hồi kết không có hậu của một phiên toà bất nhân do bàn tay vấy máu của hoàng hậu Ideven, một người đàn bà quyền thế vốn đã dàn dựng một vụ án với bản án bỏ túi. Navốt không chỉ mất của, ông còn mất người; không chỉ mất vườn, chủ nó còn bị đấu tố và ném đá đến chết. Trước những bất công đó, Thiên Chúa không thể cầm mình. Người trút cơn thịnh nộ xuống nhà Akháp, đã rủa đã nộp những kẻ vấy tội ấy bằng những lời nguyền nặng nề nhất. Êlia nói với vua, “Đây Chúa phán, ‘Những con chó đã liếm máu Navốt tại đâu, cũng sẽ liếm máu ngươi tại đó’; Akháp nói, ‘Ông coi tôi là thù địch sao?’, Êlia đáp, ‘Đúng thế… này Ta sẽ giáng hoạ trên ngươi, sẽ làm cho ngươi tuyệt tự; Ta sẽ giết tất cả con trai nhà Akháp, bất kể sang hèn’. Còn về hoàng hậu, ‘Chó sẽ ăn thịt Ideven ở cánh đồng Gitrơel. Akháp chết trong thành, sẽ bị chó ăn thịt; chết ngoài đồng, sẽ bị chim trời rúc rỉa”.
Vậy mà không phải vậy. “Khi nghe những lời này, Akháp đã mặc áo nhặm, ăn chay, vấn bao bố mà ngủ và ăn ở khiêm nhường. Và có lời Chúa phán với Êlia, ‘Ngươi có thấy Akháp hạ mình trước mặt Ta không? Vì nó đã hạ mình, Ta sẽ không giáng hoạ trong đời nó; nhưng trong đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ trên nhà nó’”. Vậy đó, trước lòng thống hối của Akháp, Thiên Chúa lại một lần nữa xiêu lòng lạc dạ. Rành rành đó mà Người còn không nhớ để gieo tai rắc hoạ, phương chi đời con đời cháu mơ hồ xa xôi, làm sao Người nhớ mà tru với diệt!
Không bao giờ Thiên Chúa coi con người là thù địch của mình; sẽ không bao giờ, dù nó có chống lại Người đến đâu. Bởi lẽ, Người là một Thiên Chúa tình yêu và tình yêu Người, một tình yêu ở mức tuyệt đối, mức đời đời. Người không thể không yêu thương, không tha thứ vì Thiên Chúa vĩ đại không thể làm cho mình nhỏ lại. Người là một Thiên Chúa tái tạo, làm cho mới, băng bó những gì lở loét, hàn gắn những gì gãy vỡ, vực dậy những gì đổ quỵ và luôn xô con người về phía trước để phóng chiếu cho nó một tương lai.
Vì thế, khi dạy chúng ta “Hãy yêu thương thù địch”, Chúa Giêsu hẳn đã hiểu được Chúa Cha là ai, Người là tình yêu. Tình yêu tuyệt đối của Người thể hiện tuyệt đỉnh qua cái chết thập giá của Con Một, một cái chết nói lên cùng tột của sự ác và sự tội lớn nhất của loài người; thế mà Ngài vẫn lờ đi, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”, dù Ngài biết, họ quá biết.
Ngày 13/5/1981, kính Đức Mẹ Fatima, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát bởi tay súng người Thổ, Ali Ağca. Hai năm sau, ngày 27/12/1983, ngài đã đến thăm anh trong nhà tù Roma; sau đó can thiệp để anh được phóng thích năm 2000. “Muôn ngàn lời cảm ơn, thưa thánh nhân, Đức Giêsu Kitô hằng sống”. Ali Ağca đã ‘phong thánh sớm’ cho ngài như thế.
Anh Chị em,
“Hãy yêu thương thù địch”, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, mở miệng xin ơn tha thứ mới chỉ là lò dò đến ngưỡng thiên đàng; cửa ấy chỉ mở ra một khi con người thành thực tha thứ cho anh em. Tha thứ là đôi cánh thiên thần giúp con người bay bổng lên chân trời diệu vợi của Thiên Chúa, Đấng đòi chúng ta nên hoàn thiện như Người là Đấng hoàn thiện.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin gió Thánh Thần đỡ nâng đôi cánh linh hồn con, để hôm nay, con cũng có thể bay bổng lên chân trời diệu vợi khi con cầu nguyện và tha thứ cho một ai đó”, Amen.