Thứ năm, 09/01/2025

Thiên Chúa không im lặng khi ta chịu khổ đau

Cập nhật lúc 23:38 18/01/2014

Tại sao Chúa im lặng khi con gặp những thử thách, đau khổ và thất bại?

Có lẽ, chính bản thân tôi và bạn không ít lần đặt ra câu hỏi này. Nếu ta nói Thiên Chúa im lặng khi ta khổ đau thì quả thật oan uổng cho Người. Vì Thiên Chúa là người Cha nhân từ chẳng bao giờ bỏ ta, mặc dù ta có đầy tội lỗi và nhiều lần phản bội lại Người. Như Chúa đã nói với tiên tri Isaia: " chẳng có người mẹ nào bỏ rơi đứa con của mình đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, cho dù nó có bỏ con mình đi chăng nữa thì Ta cũng chẳng bỏ ngươi đâu." Thật vậy, nếu ta nói Thiên Chúa bất công khi ta đau khổ đó là câu nói làm tổn thương lòng Chúa.

Bạn thử nghĩ khi đau khổ, bạn có xét lại mình không? Những khi thành công, những khi hạnh phúc, bạn có nhớ Chúa là ai?

Trong lòng bạn, trong tâm trí bạn còn có tiếng nói của Thiên Chúa không hay những lúc đó đối với bạn hình ảnh của Người đã không hiện hữu nữa, thế mà khi chịu thử thách bạn lại kêu trách Thiên Chúa. Tôi bảo thật, Thiên Chúa thử thách bạn chẳng qua vì quá yêu bạn và muốn nhắc nhở bạn biết rằng: Người vẫn ở cùng bạn.

Thiên Chúa là Đấng nói ít làm nhiều. Người không những an ủi bạn qua Kinh Thánh mà còn an ủi bạn qua người thân và qua các biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Khi bạn chịu khổ đau và muốn nghe được tiếng nói của Thiên Chúa thì bạn hãy thinh lặng xét mình dưới Thập Giá. Sau đó bạn hãy cảm tạ Người về những khổ đau mà Người gửi đến cho bạn. Tôi đảm bảo rằng: Bạn sẽ chắc chắn nghe được hồi âm của Thiên Chúa. Còn nếu bạn muốn cảm nhận được hạnh phúc đích thực của Nước Trời thì bạn hãy hồi tưởng trong quá khứ của chính mình, bạn sẽ hình dung ra rằng đã không ít lần Thiên Chúa dẫn bạn lên núi Tabo.

Ta không thể trông thấy khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa nếu không hồi tưởng lại ký ức của mình trong lời cảm tạ và ngợi khen danh Người. Chỉ khi cảm tạ về những công trình mà Người đã làm cho ta trong quá khứ thì ta mới rõ được Thiên Chúa yêu ta như thế nào.

Không phải vô cớ mà Người liên tục nhắc lại chuyện dân của Người qua Biển Đỏ. Chúa nói vậy không phải để kể công nhưng là để dân Israel nhận biết Chúa yêu họ biết bao.

Thử thách, khổ đau và thất bại không phải là tai họa nhưng lại là dấu chỉ về lòng thương xót và sự hiện diện của Người. Nếu ta nghĩ cái ta gọi là tai họa bằng ánh mắt của cảm tạ. Như vậy, không có nghĩa Thiên Chúa muốn ta chịu khổ đau, song qua khổ đau Người sẽ rèn luyện ta. Tôi bảo thật: thử thách, khổ đau và thất bại chỉ thật sự là tai họa một khi ta oán trách Người. Ta thật sự trở nên những kẻ mù lòa nếu ta không thấy được lòng nhân từ của Chúa và ta thất bại thật sự khi ta mất đi niềm tin của mình đã đặt nơi Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh hãy cảm tạ và hãy dâng lên Người những lời cảm tạ chân thành để thấy rằng Người không hề im lặng một khi ta đau khổ. Lúc đó Người sẵn sàng lên tiếng an ủi ta qua các biến cố trong đời sống và qua các người thân của ta.

Nếu ta nói Thiên Chúa thinh lặng trước nỗi đau khổ của ta thì ta quả là những kẻ điếc. Nếu ta nói Thiên Chúa là bất công thì ta là những kẻ mù lòa.

Tôi hy vọng qua bài cảm nhận này, bạn sẽ không còn hỏi tại sao Thiên Chúa thinh lặng trước đau khổ của loài người. Bạn hãy tin tưởng những điều tôi giãi bày trên xuất phát từ đáy lòng tôi. Tôi đã có kinh nghiệm mà Chúa đã dạy cho tôi trong Kinh Thánh.

Chúc bạn yêu Chúa nhiều hơn để thấy được Chúa đang yêu bạn.

chứng nhân cảm nhận
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log