Tâm Tình Tháng Hoa Kính Đức Mẹ Maria
Tháng Năm hằng năm, theo tập tục nếp sống đức tin trong Giáo Hội, là tháng dành riêng cho việc kính Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa thiên đình.
Trong các thánh đường, nơi bàn thờ kính Đức Mẹ được sửa dọn trưng bày hoa nến nhiều cùng đẹp tưng bừng khác thường.
Hằng tuần trong tháng này có giờ đọc kinh kính Đức Mẹ. Ở nhiều nơi, như bên quê nhà Việt Nam, các em nhỏ vũ múa theo nhịp điệu ca hát cùng với những nhánh ngành hoa tươi dâng kính mừng Đức Mẹ trong suốt tháng. Cung cách này rất sống động và mang đến ấn tượng sâu đậm cho lòng đạo đức nơi người trẻ cũng như nơi người lớn.
Trong tháng này những bài hát ca tụng ngợi khen Đức Mẹ chan chứa tâm tình yêu mến của người con với Đức mẹ, cùng với nhiều biểu tượng hình ảnh được cất xướng hát long trọng rầm rộ ầm vang trong các thánh đường. Và tháng Năm kính Đức Mẹ cũng còn được gọi là tháng hoa.
Nếp sống bình dân lòng sùng kính Đức Mẹ như thế đã ăn sâu vào đời sống đức tin của người tín hữu Chúa Giêsu Kitô.
Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria không là cách thức biểu lộ sống theo tình cảm mẹ con, mà để Thiên Chúa, bỏ Chúa Giêsu, Đấng là trung tâm của đức tin sang ra một bên. Không, không phải thế đâu. Trong đời sống đức tin vào Chúa Giêsu, xưa nay đâu đã có ai người trần gian đã sống gần sát Chúa Giêsu hơn Đức Mẹ Maria.
Đức Mẹ Maria là người mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu như bao người mẹ trần gian khác. Thân xác Chúa Giêsu đã thành hình cung lòng Đức Mẹ, và được Đức Mẹ nuôi dưỡng săn sóc dạy dỗ trong suốt quãng đời tuổi thơ, tuổi thanh thiếu niên. Và Đức Mẹ cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu cho tới giờ phút sau cùng chịu chết trên thập gía. Đức Mẹ biết rõ hơn ai hết về Chúa Giêsu.
Và Đức Mẹ không chỉ là người mẹ Chúa Giêsu, mà còn là người có đức tin sâu thẳm vào Thiên Chúa. Nên việc sùng kính Đức Mẹ là cách thức tôn vinh Chúa Giêsu, là cung cách biểu lộ đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống và tình yêu.
Người tín hữu Chúa Kito nhận ra chân dung của Đức Mẹ không do suy diễn từ những hình tượng tạc in vẽ Đức Mẹ, nhưng qua những giai đoạn cuộc đời Đức Mẹ được ghi thuật lại trong Phúc âm.
Không báo trước sửa dọn, Thiên Chúa sai Thiên Thần Gabriel hiện đến gặp Maria và báo tin Maria sẽ thụ thai Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, không do máu huyết của Thánh Giuse, người mà Maria đã đính hôn sắp cưới.
Đây thật là điều bất ngờ, gây ra hoài nghi lo sợ bối rối, có khi mang đến khủng hoảng tinh thần cho thiếu nữ Maria rất sâu đậm!
Đang lúc mang thai nhi trẻ Giêsu trong cung lòng tới ngày sắp sinh con, Maria phải cùng Giuse lên đường đi về quê quán cũ ở Bethlehem khai nhân danh vào sổ bộ hành chính như lệnh vua truyền. Vượt đường xa mệt nhọc tới đúng thời điểm ngày sinh con mà không tìm được chỗ nương thân, nên phải chấp nhận vào hang chuồng xúc vật tạm trú sinh trẻ Giêsu, Con Thiên Chúa, nơi đó.
Thật là một thảm cảnh cho đời của Đức Mẹ Maria!
Chưa hết, vừa mới hạ sinh trẻ Giêsu, Mẹ Maria lại cùng với gia đình lần nữa vượt đường xa đi di cư tỵ nạn sang sinh sống bên xứ lạ Ai Cập. Vì vua Herode đang truy lùng tìm giết hài nhi Giêsu. Thế là gia đình Đức Mẹ phải sống cảnh tha hương bơ vơ nơi xứ lạ quê người.
Rồi khi trẻ Giêsu lớn lên, theo tập tục đạo giáo cùng văn hóa, phải được cắt bì. Tiên Simeon hân hoan mừng rỡ ra tận đền thờ đón trẻ Giêsu. Bồng ẵm trẻ trên tay, Ông không ngớt lởi ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa đã cho Ông cơ hội hạnh phúc có một không hai trong đời Ông. Nhưng Ông lại nói lời tiên báo cho cuộc đời Đức Mẹ thật u buồn đau đớn: Còn chị, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng chị. ( Lc 2,35.)
Ôi còn lời nào mang đến đau khổ bất hạnh, ám ảnh đen tối cho cuộc đời một người mẹ hơn lời này nữa!
Cũng theo tập tục nếp sống đạo giáo, gia đình Đức Mẹ Maria cũng hằng năm từ quê quán Nazareth ở miền Bắc nước Do Thái đi hành hương đền thờ Gierusalem ở miền Nam nước Do Thái. Bỗng dưng trẻ Giêsu biến mất trong đền thờ. Ba ngày liền Đức Mẹ và Thánh Giuse lo lắng hoài nghi đi tìm con.
Nhưng khi tìm gặp Chúa Giêsu, Đức Mẹ như bao người mẹ trên trần gian đã nói lên tâm tư vừa mừng rỡ vừa trách móc với Chúa Giêsu: Này con sao con lại để cha mẹ phải lo lắng đi tìm con như thế này ? Chúa Giêsu thản nhiên trả lời như không một mảy may cảm thông: Sao cha mẹ lại đi tìm con? Cha mẹ không biết sao, con còn phải chu toàn ý Chúa Cha đã trao phó cho con mà? ( Lc 2,48.)
Một người mẹ trong hoàn cảnh đó mà nghe con mình đối đáp như thế chắc là không những cảm thấy ngạc nhiên xa lạ mà còn đau đớn xót xa trong lòng nữa biết chừng nào!
Chắc Đức Mẹ Maria, tuy tin rằng Chúa Giêsu con mình là Con Thiên Chúa, nhưng cũng đã âm thầm chịu đựng tự lau gạt dòng nước mắt pha trộn niềm vui tìm gặp lại được con, và nhất là dòng nước mắt đau đớn vì những lời xa lạ lạnh lùng Chúa Giêsu vừa nói ra với mình, đang lăn chảy nơi khóe mắt trên đôi gò má!
Lưỡi gươm đau khổ đâm thâu trái tim Đức Mẹ không dừng lại nơi đó, trái lại còn tiếp diễn kéo dài với những lời nhục mạ vu cáo Chúa Giêsu con mình do các thầy cả thượng tế trong đạo. Và sau cùng Đức Mẹ Maria phải chịu đựng nhìn Chúa Giêsu con mình bị xét xử lăng mạ xỉ vả, bị bắt vác thập gía lôi kéo đi giữa đường phố cho đến đồi núi sọ, rồi bị đóng đinh xử tử chết nhục nhã trên thập gía.
Đức Mẹ Maria ngay từ khởi đầu đã nói với Thiên Thần Gabriel lời: Xin xảy đến cho tôi như lời Thiên Thần truyền.
Lời nói đầy lòng tin tưởng phó thác vào bàn tay Chúa của Đức Mẹ đã dẫn đưa Đức Mẹ sống trải qua những thăng trầm, những bước đường lên cao xuống thấp, những lo âu căng thẳng, đau khổ đớn đau cùng niềm vui hạnh phúc kiếp sống con người.
Như thế cuộc đời Đức Mẹ là mẫu gương về sống đức tin vào Chúa cho người tín hữu Chúa Kito.
Và khi nhìn soi vào gương sống đức tin của Đức Mẹ Maria, người tín hữu Chúa Kitô học hỏi thêm, cùng lên tinh thần phấn khởi trên con đường sống đức tin giữa những thử thách chao đảo của đời sống.
Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, mầu tươi thắm hương ngát tốt xinh.
Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém nhan Mẹ Chúa thiên đình.“
Tháng hoa mừng kính Đức Mẹ Maria, 01.05.2013