Sài Gòn se lạnh…, những hạt mưa rơi tí tách như tăng thêm chút lạnh mùa đông. Chầm chậm rải đều những bước chân trên nền gạch, bỗng dưng một làn ánh sáng lờ là lạ đập vào mắt, bởi xưa nay chưa từng xảy ra vào ban đêm. Tôi tò mò đưa bước tới gần cửa sổ. À ! thì ra là ánh sáng phát ra từ ngọn đèn trong vườn bà hàng xóm.
“Thế ra, bà làm gì vào đêm khuya thế này?!” Tôi tự hỏi và đưa mắt nhìn cái đồng hồ đang tích tắc trên trường.
Bấy giờ là 10 giờ 30 đêm 29 tết.
Lác đác đôi giọt mưa rơi đều trên lá cây làm cho trời bầu trời yên tĩnh của ngoại ô Sài Thành như rộn lên. Hình dáng một người phụ nữ quen lại xuất hiện, nhưng lần này là đêm khuya thay vì mờ sáng như mọi ngày. Người phụ nữ trạc năm mươi, nhưng mang dáng vẻ của một người đã ngoài thất tuần, dáng đi hơi khom, bước chân pha chút khập khiễng như không còn muốn đứng vững. Có lẽ vì phải miệt mài mưu sinh và cảnh thê lương của kiếp người, mà đôi chân gầy yếu đó như không còn đủ khỏe để nâng tấm thân gầy yếu của bà. Bà bước đi từng bước chầm chậm trong dáng vẻ mệt mỏi, nhưng toát lên một điều gì đó rất phi thường. Phải chăng đó là tình yêu thương và sự hy sinh cho người khác!? Có lẽ tôi đã đúng.
Nhỏ bé trong chiếc áo mưa đang rên lên vì gió và những hạt mưa, người phụ nữ ôm trong tay những bó rau xanh ngắt chậm rãi tiến vế phía giếng nước góc vườn. Tim tôi như lạc đi một nhịp, bởi đây là lần đâu tiên tôi thấy bà trong đêm. Tâm trí tôi như đọc được những luồng tư tưởng trong bà, rõ từng chữ và sâu đậm từng nét như những câu danh ngôn thời danh nhất: “Hôm nay trời mưa, rau xanh thật! Hy vọng ngày mai được giá. Thế là ngày xuân có thêm chút cá, chút thịt, tí bánh, tí mứt cho chồng cho con. Được thế thì đỡ lòng biết bao!”.
Ngay lúc ấy, một cơn gió nhẹ thêm vài hạt mưa làm toàn thân tôi toát những giọt mồ hôi lạnh, bao kỷ niệm ùa về trong tôi, và ký ức ngày xuân hiện đến. Ký ức ấy lại càng da diết đậm đà gấp ngàn lần, bởi năm nay tôi không về quê. Tim tôi lạc nhịp thực sự, hình ảnh mẹ tôi đang hiện lên trong tôi, rõ ràng từng nét như cảnh quay trong chiếc canon thời hiện đại nhất.
Tôi nhớ mẹ!
Không thể làm chủ được dòng tư tưởng, tâm hồn tôi như run lên, trí tôi như bị điên vì choáng ngợp những hình ảnh sống động nhất. Thả mình trong những dòng suy tư, tôi ngả mình xuống chiếc ghế gần đó. Lấy lại bình tĩnh, tôi lần lượt sống lại những kỷ niệm đẹp nhất, quý giá nhất về mẹ tôi.
Nếu Thượng Đế ban cho tôi thiên tài đặc biệt của Leonardo de Vinci, thì bức chân dung nổi tiếng nhất của tôi là NGƯỜI MẸ chứ không phải là nàng Mona Lisa. Nếu tôi là Aristore, triết lý của tôi phải là triết lý về tấm lòng NGƯỜI MẸ, hoặc giả sử như tôi có nổi tiếng như Pitagore, tôi sẽ làm những áng thơ đặc sắc nhất để tôn vinh NGƯỜI MẸ, và với tôi kỳ quan nổi tiếng nhất so với bảy kỳ quan của thế giới phải là Trái Tim Mẹ Tôi. Hay nói khác, nếu tôi có là nghệ sĩ, người đầu tiên tôi hướng về không ai khác hơn là người mẹ.
Cơn mưa ngoài trời chưa kịp ngưng thì một cơn mưa khác đã bắt đầu rơi xuống. Tôi đưa tay ngăn nó lại, nhưng đã quá muộn, nó đã lăn dài trên gò má tôi. Có thể một ai đó sẽ nhìn thấy tôi và nói “Nam nhi mà cũng dễ khóc vậy kia à!”. Nỡ lòng nào ngăn lại những giọt nước mắt đó, phải không bạn? Có lẽ nào quá chai đá đến nỗi tâm hồn không còn chút rung cảm trước kỳ quan vĩ đại ấy được! Nếu như thế, có lẽ đó là việc làm vô tâm nhất, phải không!?
Mẹ tôi năm nay đã ngoài thất tuần, trạc tuổi khớp với cái dáng của người phụ nữ trên kia, nhưng trông còn rất khỏe, tóc vẫn còn xanh, dáng đi vẫn còn thoăn thoắt, giọng nói vẫn tròn đầy. Tuy nhiên, những vẻ bên ngoài ấy không thể che lấp được những đau khổ và mệt mọi mà bao năm người đã trải qua. Những nếp nhăn trên vầng trán, đôi bàn tay chai cứng, gót chân nứt nẻ đã kể cho tôi nghe tất cả những vất vả của người. Những chiếc xương lộ ra trên gò má và bờ vai gầy gò là bằng chứng hùng hồn nhất cho những hy sinh lớn lao của người. Bao hy sinh vất vả của mẹ tôi có lẽ đã mờ dần theo thời gian, nhưng nó không thể phai đi trong tâm trí tôi. Là người con, chỉ cần một chút để ý cũng có thể hiểu được những nỗi niềm của người đã thương mình nhất.
Nhớ lần kia mẹ cầm trong tay cái bút như muốn viết điều gì đó. Tôi lén quan sát và nhận thấy nhưng nét chữ được viết ra nguệch ngoạc nét cao nét thấp méo xểch rất lộn xộn. Quay mặt đi nơi khác, tôi gạt những giọt nước mắt vừa mới kịp lăn ra, tôi nhận ra là mẹ không biết viết. Viết thế nào được, vì mẹ chẳng được học! Bà ngoại mất sớm, ông phải đi tù; các cậu, các dì còn rất nhỏ, mẹ là chị cả lúc đó lớn nhất cũng chỉ khoảng mười ba mười bốn, lại phải đi ở nhờ người ta, may còn được ông dạy cho chút chữ cái, vừa đủ đánh vần để đọc sách, đọc kinh. Lại nữa, có lần mẹ nói với tôi như muốn tham khảo ý kiến. Mẹ muốn đi làm thuê ở miền nam. Gia đình tôi bây giờ không còn khó khăn như xưa nữa, anh chị em tôi đều đã tự lập ổn định cả. Tôi biết mẹ muốn đi làm không phải để giải quyết cảnh nghèo của gia đình như xưa, nhưng chỉ là mẹ thích làm việc, muốn lao động. Có lẽ đó là lý do mà mẹ thường hay bảo anh chị em chúng tôi “Ở nhưng không làm việc thì dễ sinh ra tội lỗi”. Tôi kịch liệt phản đối sáng kiến của mẹ, bởi tôi thương mẹ, và tôi không muốn nhìn thấy mẹ phải nếm trải những nỗi vất vả cuộc sống thêm một lần nữa. Với tôi thế là quá đủ rồi, mẹ đã hy sinh quá nhiều cho chúng tôi rồi. Cũng chính vì thế nên khi bước chân rời xa gia đình, tôi quyết tâm sẽ cố gắng hết mình để không bao giờ làm phiền mẹ tôi nữa. Nhiều khi tôi thực sự thiếu thốn, nhưng ngẫm nghĩ lại, rồi đành giữ nó cho riêng bản thân mình ; tôi sợ khi nói cho mẹ biết, tôi lại tạo thêm gánh nặng cho người.
Những năm tháng dần trôi, và ngày hạnh phúc nhất đời tôi đã đến. Tôi mong ước có mẹ bên tôi, tôi tin mẹ cũng mong ước điều đó, nhưng tiếc thay mẹ không thể hiện diện trong ngày ấy. Lòng tôi se lại, bởi điều mẹ ước, mẹ lại không được chứng kiến, tuy vậy tôi cảm thấy an lòng, vì mẹ không phải mệt vì tôi. Tôi biết đường xa sẽ lấy đi sức khỏe của mẹ tôi. Cảm ơn cuộc đời vì đã cho ta nhưng khoảng lặng để có thể hồi tưởng và biết ơn về những điều mà ta đã thủ đắc.
Xưa kia Lão Tử đã dạy Thường Khu bài học để đời “Đi qua quê nhà nhớ phải xuống xe”. Đi qua quê nhà nhớ phải xuống xe, bỏ mũ xuống, để nhớ công ơn những người đã dạy dỗ chúng ta nên người; để nhớ những ngày lao nhọc của cha mẹ, của người thân. Lắm khi, vì cuộc sống xô bồ, vì mải tiến thân, mải chăm chú cho tương lai, chúng ta quên đi bao công ơn, quên đi bao vất vả khó khăn của cha mẹ và những người đã hy sinh cho chúng ta. Hãy dành ra một khoảng trống: khi đau khổ, hãy dành ra một khoảng trống, để nhớ rằng mẹ cha đang dõi bước bên ta; khi an vui hạnh phúc, hãy dành ra một khoảng trống để nhớ rằng hạnh phúc của ta được xây dựng từ bao vất vả của cha mẹ; khi thất bại, hãy dành ra một khoảng trống, để nhớ lại bao lần cha mẹ phải cạn lời về những sai lỗi của ta; khi thành công, hãy nhớ rằng một phần lớn thành công đó được thêu dệt từ bao công sức mồ hôi của cha mẹ. Một chút suy tư hồi tưởng về mẹ chẳng đủ để nói lên những hy sinh lớn lao của người, song thiết nghĩ đó là điều nên làm. Bởi lẽ, sống không chỉ là lấp đầy những khoảng trống hiện tại bằng những hành động, có lúc còn phải nhìn lại quá khứ. Một nhà tư tưởng nào đó đã nói rằng: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”. Nếu sống vô ơn, sẵn sàng gạt khỏi tâm hồn những gì mình đã nhận được, thì sớm muộn gì hạnh phúc cũng sẽ tự khắc rời xa.
Đêm đã khuya dần, tiếng côn rít lên như thổi vào không gian một cảm giác lạ thường, bỗng xoẹt một cái, tôi giật mình và nhận ra cỗ tràng hạt trên tay tôi nãy giờ đã ở dưới nền gạch. Tiếng động ấy làm khựng lại tất cả những suy tư của tôi. Tôi vội vã nhặt cỗ trang hạt đặt lên môi, bất chợt một cảm nghĩ khác đã chiếm lĩnh tâm trí tôi, tôi được nó làm cho tỉnh hẳn. “
Việc làm tốt lành ấy”, tôi vẫn thực thi hằng ngày, nó bắt nguồn từ ơn đức tin. Và một lần nữa cái danh từ ‘mẹ’ ngắn ngủi ấy lại có chỗ trong tâm trí tôi. Không ai khác nhưng chính mẹ tôi là người đầu tiên dạy tôi làm việc tốt lành đó, và những kỷ niệm về con người ấy lại sáng lên trong tôi. Tôi còn nhớ như in kỷ niệm tuổi thơ, mẹ và tôi cùng bước trên con đường dài cả cây số để thực hành đời sống Kitô Hữu. Tôi hiểu đó là con đường dưỡng nuôi đức tin của tôi. Tôi đã lớn nhưng vẫn còn nhỏ, bởi cũng chỉ là một mầm được phát sinh bởi gốc cây to lớn vĩ đại kia.
Jim Rohn đã nói rằng: “Đừng đi trước tôi, có khi tôi sẽ chẳng theo sau bạn ; đừng đi sau tôi, có khi tôi không là người dẫn dắt bạn ; hãy đi bên cạnh tôi và làm bạn cùng tôi”. Người bạn thật sự không phải là người hướng dẫn cũng không phải là người bước đi theo sau bạn, nhưng là người kề vai sát bước bên bạn. Nếu đúng thế thì không có ai trên đời này là người bạn thân đích thực hơn người mẹ, bởi lẽ mẹ luôn âm thầm dõi bước bên ta trong suốt cuộc đời này. Cho dầu bạn là người thành công hay ê chề trong thất bại, thì tin chắc rằng vị trí của bạn trong trái tim mẹ bạn sẽ không bao giờ bị đổi hướng.
Cuộc đời ngắn lắm bạn ạ! Chỉ trong chốc lát là bạn đã trở nên già nua. Thế nên hãy dành những khoảng lặng để hồi tưởng những gì mà mẹ bạn đã dành tặng bạn. Hãy thoát khỏi cái thế giới vô thực mà bạn đang ảo tưởng. Hãy tận dụng những khoảnh khắc cuộc sống để thể hiện lòng biết ơn đối với người đã sinh thành dưỡng dục bạn ; hãy can đảm nói lên lời cảm ơn người vì những gì bạn đã và đang nhận. Nói cảm ơn không phải là hèn nhát, nhưng không dám nói sẽ trở thành người vô ơn. Hãy trở về quá khứ để xem lại cuộn băng cuộc đời bạn, ngẫm xem có khi nào bạn đã làm mẹ bạn buồn chưa? Và hãy mạnh dạn nói lời xin lỗi mẹ bạn. Bởi lời xin lỗi không làm hạ giá bạn, nhưng chứng tỏ bạn là người lớn trong mắt mẹ bạn. Đừng chờ gì nữa, hãy làm những gì bạn còn có thể khi mẹ còn bên bạn. Đừng để quá muộn khi mẹ bạn đã rời xa, bạn nhé!
Con cái đối với cha mẹ không thể là:
“Sống thì cơm chẳng cho ăn,
chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”.
Trong hàng trăm cái thiện thì chữ “Hiếu” làm đầu, thiện đãi với cha mẹ cũng là thiện đãi với chính mình. Kỳ thực, cha mẹ bạn không cần tiền bạc hay của cải vật chất, chỉ cần một lời hỏi thăm, một thái độ cung kính, hay được cùng con cháu hoài niệm về những ký ức ngày xưa đã là quá đủ rồi. Mẹ bạn sẽ rất ấm lòng vì thái độ biết ơn của bạn. Lòng biết ơn ấy thật đơn giản, có thể chỉ cần trao tận tay mẹ bạn một bông hoa ngày sinh nhật ; làm một bữa cơm thật ngon cho mẹ thưởng thức… , một lời xin lỗi, một câu cảm ơn. Những điều ấy thật đơn giản, nhưng mang một giá trị và ý nghĩ sâu sắc hơn bất cứ những hành động vĩ đại khác. Chúng ta đã nợ người mẹ cả cuộc đời, thế thì hãy dành trọn một đời để thể hiện lòng biết ơn, như thế mới phải lẽ.