Hơn một tháng đã trôi qua kể từ thời điểm tin tức về bệnh dịch Corona được loan đi từ thành phố Vũ Hán vào ngày 31.12.2019. Cả thế giới vẫn còn bàng hoàng như đang bước đi trong một cơn mê. Đại dịch ập đến theo cách nào đó rất mơ hồ. Mọi người không chỉ không ngờ trước, không trở tay phòng vệ kịp thời, mà quan trọng hơn là không thật sự biết được nguyên nhân của bệnh dịch đến từ đâu. Cứ phải vòng vo đồn đoán. Trong chớp mắt, dịch bệnh đã lây lan khắp nơi và đã không còn là chuyện riêng của người dân Vũ Hán. Tổ chức Y Tế Thế Giới đã phải thông báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Virus bệnh dịch thì vô hình, nhưng nỗi hoang mang lo sợ thì đã hữu hình trong ánh mắt và trên gương mặt con người. Những xáo trộn đã hiển hiện trong nhịp sinh hoạt và đời sống xã hội của rất nhiều thành phố và quốc gia.
Chuyện từ Vũ Hán: thói độc quyền và bưng bít thông tin
Cuối tháng 12 là thời điểm thông tin chính thức về bệnh dịch Corona được loan đi. Dẫu vậy, có những nhóm nghiên cứu cho thấy từ hai tuần trước đó đã có báo cáo về tình trạng ổ dịch, nhưng những người biết chuyện lại không nói ra được hoặc không được phép nói ra. Vậy là có cả một khoảng thời gian dài im lặng đáng sợ, tạo điều kiện cho virus Corona ủ bệnh trước khi bùng phát thành đại dịch.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài CCTV, Thị Trưởng thành phố Vũ Hán thừa nhận rằng họ đã có thông tin về bệnh dịch từ trước, nhưng phải chờ cấp trên phê chuẩn thì mới dám công bố. Như vậy, ngay từ những ngày đầu, chính quyền thành phố Vũ Hán và nhà nước Trung Quốc đã chọn con đường bưng bít thông tin. Họ còn bịt miệng những người cảnh báo nguy cơ bệnh dịch bằng đe doạ và án phạt. Những người gióng lên tiếng chuông cảnh báo thì bị câu lưu, chất vất, và cáo buộc với tội danh “truyền bá tin đồn sai lệch”. Chính quyền địa phương cũng thẳng tay từ chối cho phép giới khoa học quốc tế nhập cuộc để tìm hiểu nguyên nhân. Thế là virus Corona được tự do tung tăng du lịch khắp đó đây theo chân của những công dân thành Vũ Hán đang ủ bệnh, và lây lan từ người này sang người khác. Ngẫm lại mới thấy chuyện sinh mạng của con người chừng như đã bị xem quá nhẹ. Ngẫm lại mới thấy mỗi một sinh mạng đáng thương phải qua đời vì bệnh dịch là một chất vấn khôn nguôi dành cho những kẻ lạm quyền nhưng lại tắc trách.
Cuối cùng, tin tức về dịch bệnh chỉ được công bố cách dè chừng khi tình hình đã không thể giữ kín và bưng bít được nữa. Ai cũng biết rằng ở Trung Quốc thực tế xảy ra bao giờ cũng tồi tệ hơn rất nhiều so với những điều được công bố. Và mọi chuyện đã đi đến mức thật sự nghiêm trọng khi cả thế giới buộc phải gánh hậu quả bùng phát từ Vũ Hán.
Thương cho những nạn nhân của Vũ Hán, lo lắng cho tình trạng hiện tại của mình, những người có lương tâm và có ý thức trách nhiệm trên thế giới không thể không đặt câu hỏi và cả những cáo buộc về thói độc quyền và bưng bít thông tin của chính quyền Trung Quốc. Tại sao họ lại chọn con đường bưng bít thông tin ngay từ ban đầu, và chỉ phải thừa nhận khi tình trạng đã đến mức không còn vãn hồi được nữa? Có thể có nhiều kiểu giải thích và biện minh lắm!
Này nhé, vì họ không muốn làm lòng người hoang mang, để khỏi dẫn đến rối loạn trật tự và trị an xã hội. Đương nhiên, an lòng dân là điều bất cứ một chính quyền nào cũng phải làm, nhất là trong những thời điểm khó khăn và khủng hoảng. Nhưng an dân thì khác với mị dân. Chọn trấn an lòng người cách giả dối bằng phương pháp bịt miệng những lời cảnh báo và làm ngơ với những nguy cơ có thật đang hiển hiện trước mắt, thì đó là cách làm thiếu trách nhiệm và rất thiếu lương tâm.
Này nhé, vì họ sợ ảnh hưởng tới buôn bán, đầu tư, du lịch… Như vậy hoá ra để đảm bảo cho chuyện kinh tế, với những khoảng tiền và những mối lợi, họ lại xem nhẹ sức khoẻ của cộng đồng và sinh mạng của người dân. Khi sức khoẻ của cộng đồng bị đặt bên dưới những thang giá trị khác, đó mới là chọn lựa làm cho xã hội bất mãn và hỗn loạn.
Này nhé, vì Trung Quốc vốn trọng thể diện. Đương nhiên, điều này ai cũng biết và cũng không có gì lạ. Vì thật ra có nước nào trên thế giới lại không quan trọng chuyện quốc thể và danh giá của mình đâu! Nhưng trọng thể diện đến độ phải đánh đổi bằng sinh mạng của chính con dân mình, và trực tiếp ảnh hưởng đến sinh mạng của cả cộng đồng thế giới, thì đó là dấu chỉ của một nền luân lý có vấn đề, vì nó rất phi nhân. Khi chuyện vỡ ra, cái thể diện suông và cái danh giá hão ấy mới thật sự trở thành trò cười cho cả thế giới.
Quan trọng hơn cả, có lẽ nên nhận thấy rằng lấp liếm và gian dối, độc quyền và bưng bít thông tin là điều không gì xa lạ với những nhà nước độc tài. Độc tài trong quyền lực bao giờ cũng đi liền với độc quyền về thông tin, dù đó là những thông tin khẩn cấp và liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Đạo đức truyền thông vốn là một khái niệm xa xỉ đối với những chính thể độc quyền toàn trị. Bởi lẽ chọn lựa nền tảng của truyền thông trong những chính thể ấy là chỉ tung ra những luồng thông tin nào có lợi cho chế độ của mình, chứ không phải là có lợi cho người dân. Thông tin đúng hay sai lại chỉ là chuyện thứ yếu. Hơn nữa, cung cách hành xử theo lối kiểm duyệt và răn đe vốn đã ăn sâu trong đầu óc của những người có quyền và luôn muốn xem quyền của mình là tuyệt đối. Thế nên thay vì mang cung cách của những người phục vụ là công bố minh bạch, giải thích rõ ràng, và hướng dẫn cụ thể ngay từ đầu để mọi người yên tâm và biết đường phòng tránh, những kẻ có trách nhiệm lại ngay lập tức phản ứng kiểu lạm quyền, bằng cách bịt miệng và muốn dập tắt những lời cảnh báo. Trong khi thật ra bưng bít thông tin mới là là cội rễ làm phát sinh những lời đồn đoán và là nguyên nhân gây hoang mang lòng người.
Như thế, thất bại của những người có trách nhiệm trực tiếp trong cơn đại dịch Corona thật ra không phải chỉ là thất bại của một đường lối chính trị hay một chiến lược quản trị. Đúng hơn và sâu xa hơn, đó là thất bại của một nền luân lý đã không đặt giá trị sinh mạng con người ở mức tối thượng. Đó là thấy bại của một thể chế đã không thực sự xem dân là gốc. Bất cứ một thể chế nào cũng phải xây dựng trên lòng dân và giá trị của người dân. Khi mạng sống người dân có nguy cơ bị xem như cỏ rác, làm gì có thể chế nào bền vững trên đống cỏ rác!
Nguy cơ theo vết xe đổ
Chuyện xảy ra ở Vũ Hán không chỉ dừng lại ở Vũ Hán. Trong bất cứ một cơn đại dịch nào, chính những người hàng xóm láng giềng không đủ khôn ngoan sáng suốt luôn là những người có nguy cơ người bị vạ lây nhiều nhất. Để đảm bảo an toàn cho dân của mình, các nước lân cận lần lượt tuyên bố đóng cửa đường biên giới với Trung Quốc. Thế nhưng Việt Nam trong một khoảng thời gian dài vẫn chống chế khẳng định rằng chưa đến mức phải đóng cửa, vì dịch bệnh không đến nỗi nghiêm trọng. Kể cả khi tin bệnh dịch đã được công khai, dòng du khách từ khu vực có mầm bệnh vẫn nườm nượp đổ xô đến du lịch tự nhiên trên đất Việt. Một số khách sạn có đủ dũng khí từ chối tiếp đón họ thì phải đứng trước nguy cơ bị xử phạt vì tội danh “kỳ thị”. Rồi một số trang mạng bị xử phạt hành chính vì lên tiếng cảnh báo về đại dịch. Nhiều người lập tức bị dán nhãn là “đối tượng lợi dụng và xuyên tạc”, “những kẻ tung tin thất thiệt”, “những kẻ phản động xách nhiễu”…
Những kiểu phản ứng ấy xem ra sao quá giống với những gì đã diễn ra ở Vũ Hán. Đe doạ và trừng trị vốn là thói quen và là phản ứng đầu tiên của những kẻ bạo quyền ngạo ngược. Chừng như những người có quyền không học được bài học rằng chính kiểu bưng bít và bịt miệng người dân như thế đã tạo ra cái địa ngục Vũ Hán và biến thành phố phồn vinh ấy thành một thành phố ma, thành một cái tên gieo rắc tai hoạ cho cả thế giới.
Không phải vô lý khi vọng lên những tiếng than rằng sức khoẻ của người dân mà họ xem như trò đùa, rằng tính mạng của người dân đã không được trân quý và bảo vệ đúng mực!
Không phải vô cớ khi vọng lên những cáo buộc rằng giới hữu trách của Việt Nam lo lắng cho mối quan hệ với người láng giềng được gọi là “bạn vàng” còn hơn là lo cho dân của mình!
Nhờ áp lực từ virus Corona xâm nhập vào đất Việt, người dân mới nhận được câu trả lời thật kỳ quặc và khám phá ra thực tế đầy lạ lùng thế này: nước mình đã ký kết hiệp định rồi, nên không được phép tự do đóng cửa biên giới với một nước khác, dù với lý do vô cùng chính đáng là bảo vệ sinh mạng của con dân mình!
Những chứng “mắc dịch” của lòng người
Người miền Nam hay dùng từ “mắc dịch” hay “đồ mắc dịch” để rủa những kẻ xấu nết xấu lòng. Có những người không hề nhiễm bệnh bao giờ cũng có thể bị rủa là “đồ mắc dịch” vì kiểu sống không có lương tâm và đạo đức.
Dịch Corona nổ ra, người ta mới phát hiện những chứng bệnh dịch khác vốn đã tiềm hữu lâu từ trong lương tâm và trong nhân cách nhiều người. Dạo này, lại có nhiều người bị rủa là mắc dịch, vì cung cách hành xử thiếu lương tâm và thiếu tình người với đồng loại và đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn. Họ tìm cách kinh doanh và làm giàu trên nỗi hãi sợ của người khác.
Ấy là chuyện người ta ham tiền đến độ sẵn sàng mở cửa để đón những vị du khách đến từ vùng bệnh dịch, và có nguy cơ mang mầm bệnh rất cao. Tiền bạc và nguồn thu từ du lịch lại được đặt lên trên sức khoẻ của cả một cộng đồng dân tộc.
Ấy là chuyện người ta lập ra hotline gọi là để cung cấp thông tin và tư vấn dịch bệnh, nhưng lại nâng giá cước của cuộc gọi để làm tiền trên tiếng kêu cứu của dân mình.
Ấy là chuyện những chiếc khẩu trang, một trang bị an toàn tối thiểu cho người dân, lại được nâng giá đến chóng mặt. Chẳng phải khi giá của những chiếc khẩu trang càng được nâng lên, thì giá của sinh mạng và nhân phẩm con người càng bị dìm xuống đó sao?
Thậm chí, trên facebook còn có cả những status khoe chuyện mình đang gom khẩu trang được phát miễn phí để bán lại, ai cần thì đăng ký để mua…
Bạn thấy đó, ấy có phải là những hoa quả nhãn tiền của nền luân lý theo chủ nghĩa duy vật? Ấy có phải là những nhân cách xã hội chủ nghĩa mà người ta vẫn thường tuyên truyền và dạy dỗ? Bệnh dịch Corona thì thật sự đáng lo lắm. Nhưng những lương tâm và nhân cách mắc dịch có khi còn đáng lo hơn rất nhiều. Bởi khi lòng người đã mắc dịch rồi, liệu có thuốc nào chữa trị được chăng? Đáng buồn là khi cơn dịch nổ ra, không ít kẻ lại rơi vào những cơn mê muội khó tỉnh.
Tình người trong cơn mê
Thật may, ngay giữa cơn mê mà nhiều người đang trải qua, thế giới bỗng sáng lên những tấm gương chơi đẹp, đầy nghĩa khí và đậm tình người. Nhật Bản lên tiếng đầu tiên với chiến dịch giảm giá khẩu trang để dân họ có thể mua và tự bảo vệ mình. Họ còn gom khẩu trang và thuốc men đem tài trợ cho cư dân Vũ Hán đang sống trong vùng tâm dịch. Singapore tuyên bố cấp khẩu trang cho toàn bộ công dân của họ. Nhật, Mỹ, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Anh, Canada và các nước Châu Âu lần lượt đưa chuyên cơ đến đón công dân của mình về nước và chữa trị cho họ… Trong buổi hoạn nạn mới nhận ra thật sự có những chính quyền biết thương dân như con, và có những nền văn minh thật đáng được gọi là văn minh. Họ là những nhà nước pháp quyền, được xây dựng không chỉ trên quyền làm người của con người, mà còn trên những giá trị nhân văn và đậm tình đậm nghĩa. Cái mà chúng ta cần học nơi họ không chỉ là làm sao để trở nên phồn vinh giàu có, nhưng là làm sao để trở nên văn minh hơn và giàu tình người hơn. Những chính thể biết đề cao giá trị của con người như thế mới thật sự có thể bền vững mà không cần phải hô vang bất cứ một khẩu hiệu hay tuyên truyền bất cứ một ý thức hệ nào.
Trong cơn hoạn nạn mới nhận ra lòng người và giá trị của tình người. Quả vậy, đâu đó trên đường phố của Việt Nam trong những ngày này xuất hiện những hình ảnh làm ấm lòng người từ những con người tốt bụng. Họ tự bỏ tiền túi để mua và phát miễn phí khẩu trang cho dân nghèo, vì ghét cái kiểu kinh doanh hám tiền đến độ trục lợi trên cơn khốn quẫn của đồng loại. Những chiếc khẩu trang bỗng trở nên đẹp lạ thường khi được phát đi từ những bàn tay yêu thương và những tấm lòng nhân ái. Rồi xuất hiện rất nhiều tin nhắn dạy nhau cách giữ gìn sức khoẻ, những bài viết giúp nhau cập nhật thông tin về tình hình biến chuyển của bệnh dịch, những video clips dạy nhau cách tự làm khẩu trang để bảo vệ mình… Sự liên đới và ý thức về căn tính cộng đồng mới chính là nét đẹp và sức mạnh của một dân tộc. Nét đẹp và sức mạnh ấy đã được phát huy từ sự thiện hảo của lòng người trong thời khắc khó khăn này.
Thêm một lời kinh nguyện
Đối diện với cơn đại dịch xảy xa từ Trung Quốc, đã có rất nhiều người phản ứng theo kiểu nguyền rủa: “Trời phạt Tàu Cộng!” Dĩ nhiên, ai cũng có quyền tự do thương ghét, cũng như tự do bày tỏ sự thương ghét của mình. Ai cũng có quyền không ưa thể chế chính trị và đường lối ngoại giao nhuốm mùi hách dịch của nhà nước cộng sản Trung Quốc. Nhưng đừng quên rằng những nạn nhân của cơn dịch bệnh là những con người đau khổ. Không nên mù tối đến độ biến cơn giận dành cho một thể chế chính trị thành những cú chém nhắm vào những con người vốn dĩ chỉ là nạn nhân của thể chế ấy. Đau khổ của những nạn nhân nhiễm dịch bệnh đã đủ nhiều rồi. Điều họ cần lúc này là lời cầu nguyện và tình liên đới của những con người khác, chứ không phải là sự mỉa mai và nguyền rủa. Cần lắm những lời kinh nguyện vang lên từ những môi miệng lành và những cái tâm thiện.
Cầu cho những nạn nhân ở Vũ Hán. Cầu cho những nạn nhân ở Việt Nam. Cầu cho những nạn nhân ở khắp nơi trên thế giới. Cầu cho đại dịch chóng qua để người dân được sống yên ổn. Cầu cho những nhà khoa học bằng tài năng và tâm huyết của mình sớm tìm ra thuốc chữa bệnh để mọi người được yên tâm và vui sống.
Cầu cho nhiều người được kéo ra khỏi những cơn mắc dịch của lương tâm và của nhân cách làm người.
Cầu cho những người có trách nhiệm thật sự có trách nhiệm. Cầu cho họ biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên những quyền lợi của riêng mình. Cầu cho cái tâm của những nhà lãnh đạo thật sự đặt ở người dân. Cầu cho họ đủ khôn ngoan và can đảm, dám “đứng thẳng và ngẩng đầu” (Lc 21,28) để bước đi theo thôi thúc của lương tâm mình, để làm tất cả những gì có thể vì dân vì nước.
Dublin 02.02.2020