Con nghe các cha hoặc thầy Dòng Tên hay nói: “Sống cảm thức cùng Giáo Hội.” Vậy ý nghĩa của cụm từ này là gì?
https://www.youtube.com/watch?v=THjALLXFpTo&t=1s
Bạn thân mến,
Tôi đoán bạn có thể đã tham gia tĩnh tâm theo hình thức linh thao cho sinh viên. Hoặc nếu bạn linh thao dài ngày, chắc chắn cụm từ trên được nhắc đến trong linh thao. Đó là cụm từ “rất Dòng Tên”. Tuy nhiên, có nhiều cách để chúng ta nói tương quan giữa người tín hữu với Giáo Hội: Hãy yêu mến Giáo Hội, cộng tác với Giáo Hội của Chúa Giêsu, đồng hành cùng Giáo Hội, vâng phục Đức Giáo Hoàng, vị đại diện của Đức Giêsu ở trần gian, v.v.
Chút chia sẻ dưới đây, hy vọng chúng ta đào sâu hơn vào cụm từ bạn hỏi trên. Đó là cụm từ được sinh ra trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Hơn nữa, đó là một trong những linh đạo để chúng ta sống trong Giáo Hội. Sau cùng, chúng ta có thể rút ra vài điều bổ ích để dấn thân trong lòng Giáo Hội.
1. Thời Cải Cách
Đành rằng Giáo Hội là thân thể của Đức Kitô, nhưng thân mình ấy còn nhiều thương tích. Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không thiếu những thiếu sót từ phía con người. Nhìn từ thời đại hôm nay, chúng ta không thể kết án những gì trong quá khứ. Tuy nhiên, đó là bài học với nhiều nước mắt mà Giáo Hội luôn làm mới mình mỗi ngày.
Năm 1054, Giáo Hội Công Giáo tách làm hai: Đông phương và Tây phương. Bên trời Tây, thần quyền và thế quyền đan quyện lấy nhau. Cơ cấu của Giáo Hội có những điều đi quá xa với Tin Mừng: chuyện mua thần bán thánh, chạy chức chạy quyền, lối sống hưởng thụ của nhiều giáo sĩ và kể cả giám mục, giáo hoàng. Thậm chí, nhiều người lãnh đạo Giáo Hội không có tài đức. Hệ quả là khoảng cách giữa dân và Giáo Hội mỗi lúc một cách xa. Trong lòng dân chúng, nhất là các nhà chính trị mượn cớ đó, mỗi lúc một bất mãn với Giáo Hội.
Trong bối cảnh nhiễu nhương đó, tu sĩ dòng Au–tinh là Martin Luther (1483–1546) đã tạo nên phong trào cải cách, ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo. Một giáo sư về sử Giáo Hội ở Rôma viết về con người Luther[1]:
“Ông là người đầy sinh lực, hay liều lĩnh, cục mịch không thể tưởng, tỏ ra khinh thường và đầy thù hận với đối thủ. Thỉnh thoảng có chút quỉ quái làm người ta ngỡ ngàng. Mặt khác ông rất đạo đức và hết lòng tin vào thần tính của Đức Kitô.” (Ludwig Hertling).
Lúc đầu, Luther đối thoại và đưa ra nhiều giải pháp. Ông đã chỉ trích những bất cập của Giáo Hội như xa hoa, ham mê của cải và vô học của giáo sĩ. Điều tệ hại hơn là ông có nhiều điểm trái với thần học Công Giáo. Luther chịu ảnh hưởng của hai vị đi trước là John Wiclif và Johann Hus. Cũng như Wiclif, Luther quả quyết chỉ một mình Đức Giêsu là đầu Hội Thánh; do đó không cần Đức Giáo Hoàng. Luther cũng bác bỏ vai trò của linh mục, các bí tích là những điều không cần thiết[2]. Với ông, điều quan trọng là: Duy Kitô, duy đức tin, duy ân sủng, duy Kinh Thánh.
Trước 95 luận đề sai trái, ngày 03 tháng 1 năm 1521 Luther chính thức bị đẩy ra khỏi Giáo Hội. Cũng từ đây, hoàng đế Đức (Karl V) cũng công khai chống lại những sai trái của Luther. Bên Anh, vua Henry VIII cũng đã phản đối Luther bằng một tập sách. Sau đó, ảnh hưởng của Luther không còn mạnh mẽ nữa. Tuy nhiên sau Luther, phong trào cải cách càng lúc càng nhuốm màu chính trị: nhóm quý tộc công giáo liên kết hợp với nhau thành một liên minh. Đối lại, nhiều quý tộc có thiện cảm với Luther cũng phản ứng tương tự.
Để tránh nội chiến, hai bên cần chờ đến Công Đồng chung để giải quyết vấn đề còn tồn đọng. Tuy nhiên, nhóm quý tộc theo Luther đã phản đối quyết định của công nghị Speyer[3] (1529), nên người ta gọi họ là “kẻ chống lại” (Protestanten). Từ Protestant được giữ mãi cho tới ngày nay để chỉ người Tin Lành. Nhiều người cũng quen gọi đây là đạo Thệ Phản, Kháng Cách hay Tân Giáo.
Kết quả là những năm sau đó, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, và các nước Bắc Âu đều rơi vào sự kiểm soát của Tin Lành.
Năm Luther bị vạ tuyệt thông (1521), cũng là năm hiệp sĩ Inhã bị trọng thương trong trận chiến tại Pamlona. Ông được đưa về gia đình ở thành Loyola dưỡng bệnh. Dĩ nhiên lúc này Inhã chẳng để tâm đến biến động trong Giáo Hội. Đơn giản, ông muốn nổi danh. Tuy nhiên, thời gian dưỡng thương, Thiên Chúa đã mời gọi Inhã vào cuộc, đưa Inhã trở về với Thiên Chúa và trở thành chiến sĩ của Ngài trong lòng Giáo Hội.
Năm 1522 tầm ảnh hưởng của Luther rất mạnh. Với Inhã (1491–1556), Thiên Chúa dẫn ông vào một hang động ở Manresa, Tây Ban Nha. Nơi đây, Thiên Chúa là thầy dạy, ông là học trò nhỏ. Tâm hồn ông có nhiều biến động. Những kinh nghiệm thiêng liêng ông chép vào một cuốn sách: Linh Thao. Trong đó, ông dành nhiều phần để giải thích cách sống cảm thức với Giáo Hội chiến đấu[4].
Khi Dòng Tên được thành lập (1540), sách Linh Thao dĩ nhiên là nền tảng để thánh Inhã hướng dẫn dòng. Dựa vào đó, Ngài viết hiến pháp và muốn các tu sĩ Dòng Tên “sống cảm thức cùng Giáo Hội.”[5] Hẳn nhiên không chỉ anh em trong Dòng, đó là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta.
2.Nội dung của “Sống cảm thức cùng Giáo Hội”
Nếu biết đường lối của Luther, chúng ta dễ dàng đoán ra thánh Inhã hành xử như thế nào để bảo vệ Giáo Hội. Ngài đưa ra nhiều quy tắc như là kim chỉ nam để ta thực thi lòng hiếu thảo với Giáo Hội, như người mẹ của mình. Chẳng hạn:
– Vâng phục Đức Giáo Hoàng: quy tắc 1, thánh Inhã viết: “Gạt bỏ mọi phán đoán riêng, ta phải giữ tâm hồn quy hướng và sẵn sàng vâng phục Bạn Thật của Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là Giáo Hội Phẩm Trật, Mẹ Thánh chúng ta.” Đó là chiều kích sâu xa của Giáo Hội. Dĩ nhiên một khi vâng phục như thế, thật dễ để vâng phục Đức Giáo Hoàng, là người thay mặt Đức Giêsu, lèo lái con thuyền Giáo Hội.
Chúng ta đều yêu mến Đức Giáo Hoàng và cầu nguyện cho ngài thật nhiều. Tuy còn đó những tai tiếng, những khuyết điểm trong lòng Giáo Hội, thay vì chống đối, ước gì chúng ta đồng cảm với nỗi đau của Giáo Hội. Vâng phục trong tình con thảo, Thiên Chúa sẽ có cách để Giáo Hội phát triển như lòng Chúa ước mong.
– Đời sống bí tích: Luther bãi bỏ chức tư tế linh mục. Kéo theo là anh em Tin Lành không có đời sống bí tích như Giáo Hội Công Giáo. Do đó, ngay quy tắc 2, thánh Inhã ca ngợi việc xưng tội với linh mục và việc rước Mình Thánh Chúa. Thánh lễ phải là cao điểm của đời sống người tín hữu. Nơi đó, chúng ta ca ngợi, nguyện cầu và tôn thờ Thiên Chúa. Giáo Hội không thể để mất nguồn sống này. Những ai thực sự yêu mến Giáo Hội, họ hiểu vì sao những linh mục của Chúa lại quan trọng biết bao.
– Đời sống tu trì: “Ca ngợi đời sống tu trì, đức trinh khiết và tiết hạnh, và cả hôn nhân.” (quy tắc 4). Nếu ai đó nói yêu Giáo Hội, mà phủ nhận đời sống thánh hiến, xem thường đời sống hôn nhân, là người ấy nói dối. Thiên Chúa yêu thương Giáo Hội biết bao khi kêu gọi con người tham gia vào chương trình của Ngài. Liền sau quy tác 4, Inhã đề cao ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Đó là căn tính của đời tu, và cũng là sợi dây gắn kết người tu sĩ với Giáo Hội.
– Ca ngợi nền phụng tự, nghi lễ: Đây là điều Luther không đồng ý, vì những tiêu cực của nó. Tuy nhiên, thánh Inhã luôn đề cao và tôn kính di tích thánh, cầu nguyện với các thánh. Những cuộc hành hương, các ân xá, các năm toàn xá, v.v, là cách thể hiện lòng tin sống động của các tín hữu trong đời sống Giáo Hội. Chính trong nền phụng tự đó, chúng ta cảm nhận được thế nào là Giáo Hội, thế nào là sự gần gũi của Thiên Chúa.
– Những điều khác: Để sống đồng cảm với Giáo Hội, thánh Inhã mời gọi chúng ta ca ngợi đời sống phụng vụ, trang hoàng nhà thờ, tôn kính ảnh tượng, ca ngợi giáo luật và sẵn sàng tìm lý lẽ để bênh vực và không bao giờ công kích.
Các bạn trẻ thân mến,
Những quy tắc trên đây của thánh Inhã giúp mỗi người có được cảm thức đức tin cùng với Giáo Hội (sensus fidei). Nếu Luther theo con đường Đức Tin tách ra khỏi Giáo Hội, thì người có cùng cảm thức với Giáo Hội lại diễn tả đức tin ấy ngay trong lòng Giáo Hội. Nới đó, đức tin vừa được phát biểu, vừa được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và thờ phượng.
Đức tin của các tín hữu còn được nuôi dưỡng bởi Thánh Kinh và Thánh Truyền (truyền thống của Giáo Hội). Bởi thế mà Công Đồng Vaticano II nhắn với chúng ta cần trở nên nhân chứng. Chính Thiên Chúa ban cho mỗi người có cảm thức đức tin, để sức mạnh Tin Mừng tỏa chiếu trong cuộc sống gia đình và xã hội hàng ngày. Chúng ta được các bí tích nuôi dưỡng để mỗi người có thể và phải thực hiện công trình phúc âm hóa thế giới này.[6]
3.Vài hành động cụ thể
Trên đây là những quy tắc mà khi áp dụng vào thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhất là khi người trẻ thấy những bất cập trong Giáo Hội. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thời đại tục hóa, nhiều phong trào bài bác, tấn công Giáo Hội. Thiên Chúa họ cũng cho ra rìa! Khó khăn lại càng thách đố hơn.
Trước bối cảnh đó, ước gì chúng ta không nhụt chí, chán nản. Ngược lại, với tinh thần và nhiệt huyết người trẻ, mỗi người mạnh dạn tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Đó là nhà của chúng ta. Hơn nữa, Giáo Hội luôn đồng hành cùng người trẻ: lắng nghe, bàn luận và cùng nhau tiến về phía trước.
Thật không đẹp nếu cứ đứng ngoài Giáo Hội để chỉ trích. Người có cảm thức với Giáo Hội luôn đau đáu tìm giải pháp cho vấn đề. Họ cầu nguyện, bàn luận, chia sẻ, kiên nhẫn và dấn thân. Khi đó, những quy tắc trên sẽ phát sinh hiệu quả.
Là tu sĩ Dòng Tên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với mỗi người: “Cha sẽ rất vui khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và sợ hãi. Hãy chạy, được thu hút bởi Dung Nhan yêu dấu ấy, là Dung Nhan mà chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể, và nhận ra trong thân xác của những anh chị em đau khổ của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con về phía trước trong cuộc chạy đua này. Hội Thánh cần động lực, trực giác và đức tin của các con. Chúng ta cần chúng! Và khi các con đến nơi mà cha và những người khác chưa đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi cha và họ.” (Đức Kitô Sống, số 299).
Cầu chúc bạn nhiều tình yêu Thiên Chúa và tiếp tục cảm nhận những điều thú vị về Giáo Hội. Đó là nhà của bạn, là người Mẹ và là thân thể Chúa Kitô.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
[1] Đọc thêm: Josef Holzer, Lịch sử Giáo hội Công giáo qua 100 trình thuật, người dịch: Đinh Phan Cư và Phạm Hồng Lam, mục 62-63.
[2] Luther đã viết ba tác phẩm: Về sự tự do của một Kitô hữu, Gởi tín hữu quí tộc nước Đức, và Về cuộc lưu đày Babylon của Giáo Hội. Trong các sách này Luther công khai phủ nhận sự khác biệt giữa giáo dân và linh mục, phủ nhận vai trò các bí tích trừ bí tích thánh thể, rửa tội và thống hối, cuối cùng bác luôn cả độc quyền diễn giảng Sách Thánh của Giáo Hội.
[3] Đây là công nghị của đế quốc Rôma tổ chức tại thành phố Speyer để ngăn cản sự lan rộng của cuộc cải cách.
[4] Đọc thêm trong sách Linh Thao số 353-370. Hoặc trên Internet: http://linhthao.net/luutru/139
[5] Nguyên văn số 352: “to have the true sentiment which we ought to have in the church militant” (quy tắc phải theo để được cảm nghĩ chân chính trong giáo hội chiến đấu).
[6] Đọc thêm: Hiến chế Lumen Gentium, số 57.