Tác giả: Robin Seelan, S.J
Thiên Chúa, Đấng ban cho món quà là sự NGHỈ NGƠI,
trong khi tôi đang mỏi mệt rã rời.
Bạn thử tưởng tượng về một đời sống không phút nghỉ ngơi! Bạn sẽ chết vì kiệt sức. Nghỉ ngơi là điều cần thiết cho con người, cả về mặt sinh học, tâm lý và tâm linh. Bạn có thể nghe chuyện nhiều người đã chết vì thiếu ngủ. Có những vụ tai nạn xảy ra lúc trời tờ mờ sáng, chỉ vì tài xế ngủ gật trong giây lát!
Tại sao Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta như những cỗ máy, có thể làm việc không ngừng nghỉ? Chúng ta không được dựng nên vì mục đích công việc mà thôi. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta là những người làm việc để rồi nghỉ ngơi, và nghỉ ngơi để rồi lại làm việc. Nghỉ ngơi không thể được hiểu như một khoảng trống giữa hai chu kỳ làm việc. Đúng hơn, nó phải được hiểu như khoảng thời gian thiết yếu nhằm đạt tới những khía cạnh quan trọng hơn của thế giới, chẳng hạn như vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, và nghệ thuật thẩm mỹ, v.v. Nghỉ ngơi là một quà tặng từ Thiên Chúa, Đấng muốn con người được vui thích với đời sống mình.
Cũng như cái chết chắc chắn sẽ tới, nghỉ ngơi là điều không thể tránh được. Nhân vật Charlie Chaplain trong cuốn phim “Con Người Hiện Đại – The Modern Man” – đã phỉ báng tất cả những ý nghĩ muốn con người làm việc liên tục, không chút nghỉ ngơi. Còn ngày nay, nhiều người vẫn luôn bận rộn đến nỗi chẳng còn thì giờ cho gia đình và cộng đồng họ đang sống. Người ta có thể biện minh rằng mỗi người phải làm việc vì cả gia đình và cộng đồng của họ. Nhưng cuối cùng họ lại phải nghỉ dài hạn trong bệnh viên với rất nhiều chứng bệnh khác nhau.
Nghịch lý thay, ngày nay nhân loại có ngành công nghiệp giải trí để dạy con người biết cách thức nghỉ ngơi. Nhưng trong thực tế, ngành công nghiệp ấy lại chiếm hết cả thời gian nghỉ ngơi của con người, và lấp đầy họ bằng ‘những trò tiêu khiển nối đuôi nhau dài vô tận” trên cả những kênh truyền hình, hay những chương trình phát trên sóng trên vô tuyến radio. Người ta vừa muốn chúng ta trở nên bị động và theo dõi chương trình của họ, đồng thời cũng muốn chúng ta chủ động trên mạng truyền thông xã hội như facebook, whatsapp, v.v.
Những thứ này có thể được xem như một loại hình thức nghỉ ngơi, nhưng tốt nhất vẫn là hình thức đơn thuần theo nghĩa của từ NGHỈ NGƠI, nghĩa là để cho tất các giác quan được nghỉ, và chỉ như thế, bạn mới được nghỉ thực sự! Đó là lý do người Do Thái được truyền dạy không làm việc trong ngày Sa-bát. Thế nhưng với chúng ta ngày nay, ngày Sa-bát chỉ là ngày nghỉ, hay là ngày để giải quyết những công việc chưa được hoàn thành mà thôi.
Nghỉ ngơi mang lại rất nhiều điều tốt đẹp. Nó giúp ta lấy lại sức lực cả thể lý lẫn tinh thần. Ngủ là một trong những hình thức nghỉ ngơi rất cần thiết. Những hình thức khác có thể bao gồm trong việc thưởng thức thiên nhiên, ở lại với chính mình, và đôi khi, chẳng làm gì cả! Thế giới hiện đại xem việc ‘chẳng làm gì cả’ như một hành động ngu xuẩn! Nhưng nhiều khi ta cần đạt được “điều ngu xuẩn ấy” cho cả tinh thần và thể xác.
Người ta chỉ được xem là khôn ngoan khi nhớ rằng không có sự nghỉ ngơi, con người có thể trở thành những núi lửa, một khi phun trào, người ấy không những làm tổn hại chính mình mà còn cả người khác nữa.
Hãy thưởng thức quà tặng của sự nghỉ ngơi!
Lời Kinh Thánh nói
Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm, và Người nghỉ ngơi…
“Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. …”
Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành, và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người.
Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.
Người ta nói
[Mời quí độc giả tiếp tục theo dõi những nội dung tiếp theo của cuốn sách qua các số sau]
Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.