Chúa nhật, 24/11/2024

Đạo Công Giáo Theo Cái Nhìn Của Đạo Hiếu

Cập nhật lúc 06:31 12/06/2018

Đã là một con người, chúng ta làm việc gì cũng có mục đích. Ăn, uống để tồn tại; làm việc để kiếm tiền; học tập để hiểu biết hơn; sử dụng Facebook để chia sẻ thông tin, cảm xúc... Làm việc không có mục đích nhắm tới là những người đầu óc không được tỉnh táo, trí khôn không sáng suốt. Đó là những người cả ngày “lang thang nhặt lá, đếm kiến” mà không biết mình làm như vậy để làm gì. Nếu làm việc gì cũng cần có mục đích thì có bao giờ chúng ta tự hỏi mình đi đạo, theo đạo để làm gì hay không?
Tại sao tôi lại chọn vấn đề này? Bởi đây là câu hỏi, thắc mắc đầu tiên của những người lương dân đặt ra khi nghe đến hoặc muốn theo đạo. Đó cũng là vấn đề mà những người Công giáo ít khi đặt ra để có thể sống đúng với ý nghĩa, mục đích của đạo.
“Vật chất quyết định ý thức.” Đó là quan điểm của triết học Mác-Lênin. Quan điểm đó đúng hay sai, chúng ta chưa bàn đến ở đây. Nhưng khi quan điểm ấy ăn sâu vào suy nghĩ sẽ thúc đẩy con người thiên về các hoạt động kinh tế làm ra của cải vật chất. Từ đó, nhiều người sẽ đặt tiền tài lên địa vị độc tôn, có giá trị hàng đầu. Tâm thức thực dụng ngày nay thúc đẩy người ta cố gắng hoạt động theo phương châm “lãi làm, lỗ bỏ”. Nếu không  tuân theo nguyên tắc ấy sẽ bị xã hội đào thải hoặc trở thành những kẻ trắng tay. Đó là quy luật đúng đắn trong lĩnh vực kinh tế, nhưng liệu nó có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực hay không? Một số người do phương châm “lãi làm, lỗ bỏ” đã ăn sâu vào máu, nên áp dụng ngay cho cả việc hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên. Theo quy luật của thời gian, cha mẹ, ông bà dần già yếu, không làm được gì cho con cháu được nữa. Ngược lại, khiến con cháu mất thời gian chăm sóc, mất tiền chạy chữa thuốc men, nhiều lúc còn bẩn thỉu, lẩm cẩm, gây nhiều phiền hà. Thấy “lỗ”, con cháu liền bỏ bê, mắng chửi, ngược đãi, thậm chí đuổi cha mẹ ra khỏi nhà. Thử hỏi như vậy có xứng đáng là một con người đúng nghĩa không?
Qua thực trạng ấy, chúng ta nhận thấy rằng: Để đánh giá một con người không thể chỉ dựa vào tiêu chuẩn kinh tế. Mà còn phải dựa vào các hoạt động thể hiện chữ Đức là lòng hiếu nghĩa đối với ông bà, cha mẹ; chung thủy giữa vợ chồng; nhân nghĩa với bạn bè, hàng xóm. Như vậy, lòng đạo đức, hiếu kính là bổn phận căn bản, là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá nhân cách một con người.
Linh mục Pi-ô Ngô Phúc Hậu đã có kinh nghiệm truyền giáo nhiều năm ở Miền Tây cho biết: “Có nhiều người muốn theo đạo. Nhưng ngặt một nỗi họ lại cho rằng theo đạo là không được thờ cúng, hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên”. Cha trả lời họ rằng: “Đạo Công Giáo không những cho phép mà còn buộc người Ki-tô hữu phải thể hiện sự hiếu nghĩa và thờ cúng ông bà  tổ tiên.” Vậy tại sao Đạo Công Giáo lại buộc người Ki-tô hữu phải sống và thực hành đạo Hiếu?
Trước hết, đạo Hiếu là lời dạy của Chúa. Là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất trong các điều răn trình bày những bổn phận căn bản của con người đối với nhau. Thứ đến, đạo là đường, là hướng đi, là bản đồ. Đạo giúp con người sống ngay lành và thánh thiện. Nếu khái niệm đạo là như vậy, mà ngay cả đạo Hiếu là bổn phận căn bản của con người cũng không được thực hiện thì không còn gọi là Đạo nữa. Cuối cùng, đạo Hiếu là luật tự nhiên mà Thiên Chúa khắc ghi vào tâm hồn con người ngay từ thuở ban đầu. Phù hợp với phẩm giá và lương tâm con người trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thời gian.
Đạo Công Giáo buộc các Ki-tô hữu phải trọng kính và vâng lời cha mẹ. Giúp đỡ, động viên, an ủi khi các ngài gặp buồn phiền, lo lắng do tuổi già hay gặp thử thách trong cuộc sống. Không dừng lại ở đó, khi cha mẹ qua đời, con cháu có bổn phận hiếu kính với ông bà tổ tiên qua việc cầu nguyện cho các ngài trong Thánh Lễ, các giờ kinh. Đạo Công Giáo cũng dành ngày đầu năm quan trọng và cả tháng 11 để cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên. Họ cũng dâng hương, trưng hoa, bày mâm ngũ quả. Dẫu biết rằng ông bà, tổ tiên không thể hưởng dùng những đồ đó. Mà đó chỉ là dấu chỉ và phương tiện để các Ki-tô hữu thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó. Đi đạo để thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì ngay cả luật tự nhiên cũng có  thể đạt tới. Nếu cha mẹsinh ra và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Thì ai, ai đã cho chúng ta không khí để thở; ai đã cho chúng ta khuôn mặt, hình dáng; ai đã cho chúng ta thời tiết thuận hòa... Hay chỉ vì những thứ đó quá quen thuộc nên chúng ta coi là bình thường. Nhưng thực tế, chúng là những thứ hết sức quan trọng trong cuộc sống mà cha mẹ không thể cho chúng ta. Nhân tiện, tôi muốn kể một câu chuyện xảy ra tại   nước Anh. Một ông lão 78 tuổi bị đột quỵ và được nhanh chóng đưa vào bệnh viện. Ông ta được tiếp Oxy để cứu mạng sống trong 24 tiếng đồng hồ. Sau một thời gian sức khỏe ông đã khá hơn. Ông ra thánh toán viện phí cho quá trình điều trị. Nhìn biên lai, thấy cột khí ô-xy: 500 bảng Anh liền bật khóc. Bác sĩ nhìn ông, thông cảm: “Ông có thể làm đơn xin miễn giảm hoặc trả viện phí sau cũng được mà.” Ông sụt sùi đáp: “Tôi khóc không phải vì không có tiền, cũng không khóc vì viện phí cao. Tôi khóc vì giá của một ngày thở ô-xy. Vậy là từ trước đến nay, tôi đã tiêu tốn không biết bao nhiêu nghìn lần 500 tiền ô-xy, mà chưa bao giờ tôi biết nói lên lời cám ơn hay có một hành động nào để trả ơn cho Thiên Chúa. Đấng đã ban cho tôi khí ô-xy miễn phí suốt cả cuộc đời.” Vậy đấy, chính Thiên Chúa của chúng ta, hay còn gọi là Ông Trời, Đấng Tạo hóa, Đấng đã ban cho chúng ta tất cả những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ngài còn quan phòng và giúp đỡ chúng ta qua mọi dự định và thành công. Giống như câu nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.” Mọi sự thành công và hạnh phúc của chúng ta đến từ Thiên Chúa và qua sự an bài của Ngài. Nhưng đã bao giờ chúng ta dâng lên Chúa lời cám ơn và thể hiện lòng tôn kính của chúng ta đối với Ngài chưa? Như vậy, mục đích quan trọng hơn hết của người Ki-tô hữu là hiếu nghĩa với Thiên Chúa hay còn gọi là Ông Trời. Vậy ta phải hiếu kính với ông Trời (Thiên Chúa) như thế nào cho phải lẽ và bao nhiêu thì coi là đủ?
Thông thường, chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên hai ngày trên một tháng, là ngày đầu tháng hoặc ngày rằm; thì chúng ta cũng cần phải thờ kính Ông Trời (Thiên Chúa) ít nhất là gấp hai lần, nghĩa là tham dự bốn Thánh lễ Chúa nhật trong một tháng. Chính vì lý do đó mà người Ki-tô hữu cần ý thức tham dự Thánh lễ Chúa nhật đầy đủ và tích cực từ đầu đến cuối. Đó là cách thức chúng ta thể hiện lòng hiếu kính và dâng lên Thiên Chúa lời cám ơn cũng như những ước nguyện của chúng ta trong đời sống hằng ngày.
Một điều đáng lưu ý cho các Ki-tô hữu là: Đi Đạo không chỉ để cầu khấn Thiên Chúa ban cho khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, khỏi “tai bay vạ gió”, mọi sự như ý. Bởi vì đó là đạo khấn vái, đạo cầu lợi, đạo chợ búa. Những người theo đạo với mục đích như vậy đang biến Thiên Chúa trở thành công cụ, trở thành phương tiện để đạt được những gì họ mong muốn.
Các bạn trẻ thời nào cũng vậy, họ say mê, yêu mến, ngưỡng mộ các minh tinh màn bạc hay các ngôi sao bóng đá. Họ say mê không phải vì các diễn viên đã cho họ cái gì. Họ yêu mến không phải vì các ngôi sao bóng đá giúp đỡ họ trong công việc. Mà các bạn trẻ yêu mến đơn giản chỉ vì tài năng, phong cách, cá tính của họ mà thôi. Cũng vậy, một tôn giáo chân chính, thuần khiết, đúng nghĩa thì phải là đạo ngưỡng mộ tri ân. Nghĩa là cảm phục quyền phép của Ông Trời thì bái thờ; thấy sự đức độ của Ngài thì cảm mến; thấy công ơn, tình thương của Ngài thì biết ơn, hiếu kính.
Qua việc suy tư, tìm hiểu, suy xét trên tinh thần đạo Hiếu, chúng ta có thể đi đến nhận định rằng: Đi Đạo là thể hiện chữ Hiếu, hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, đặc biệt là việc hiếu nghĩa với Thiên Chúa - Ông Trời, chứ không phải vì bất cứ mục đích vật chất, vụ lợi nào khác.” Vậy chúng ta hãy sống đạo hiếu ấy làm sao cho đúng nghĩa và phù hợp với phẩm giá của một con người.
 
Giuse Nguyễn Duy Thế
TCV khóa XIV
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log