Trên chuyến bay từ Beirut, thủ đô Libăng đến Roma, thủ đô nước Ý, vào cuối tháng 8 năm 1992, họ đã quen biết nhau. Chàng trai là một sinh viên đến Ý du học, còn cô gái thì đang tham gia vào một nhóm của phong trào Equipe Notre Dame, do một linh mục người Libăng hướng dẫn. Hai người trẻ đang ở tuổi đôi mươi tràn trề hy vọng đã nhanh chóng gặp được người mà họ sẽ yêu thương suốt cả đời.
Ngục tù của sự kỳ thị
Mustapha Hussein sống trong thuộc một gia đình Hồi giáo cởi mở, tại một khu vực của thành phố Tripoli, nơi người Hồi giáo và Kitô giáo chung sống gần nhau. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã quen làm bạn với tất cả mọi người, không có sự phân biệt. “Tự do” là từ ngữ mà Mustapha cũng như các bạn và cha mẹ của anh thường nói đến. Nhưng Simona thì phải đau khổ hơn khi chấp nhận làm bạn với Mustapha. Gia đình của cô sợ những người Hồi giáo, từ nhiều thế hệ, đầu óc họ đã in dấu sự kỳ thị này. Lòng tốt của chàng trai, cũng như sự giúp đỡ của người hướng dẫn tinh thần cho Simona không đủ để giúp cho mẹ cô gái an tâm. Simona kể: “Cuộc chiến đau lòng với mẹ tôi đã làm chúng tôi xa nhau, làm chúng tôi mất bao nhiêu thời gian và sức lực. Nỗi sợ hãi lớn nhất của mẹ tôi là tôi có thể bị buộc phải bỏ đạo và ngay cả bỏ học”.
Những điều mẹ của Simona đã trải qua cách đau khổ nhiều những năm trước đây, vì khoảng cách văn hóa và vì sự cô độc mà bà đã nếm trải khi kết hôn và từ miền nam nước Ý đến sinh sống tại Roma, ảnh hưởng đến cuộc đời bà và không bao giờ thay đổi trong tâm trí bà, khiến cho bà càng thêm khó khăn cứng nhắc trong quyết định về tình yêu của Simona và Mustapha.
Cầu nguyện chung là điều có thể
Mustapha luôn sống hiền lành, chân thành và đầy tin tưởng trong cuộc tình với Simona. Anh kể: “Tôi đã chắc chắn rằng những chối từ của họ không phải là lời kết thúc. Chắc chắn là tôi đã cảm thấy không thoải mái trong lần đầu đến thăm gia đình cô ấy. Tôi cảm thấy mình đang bị soi chiếu. Sức mạnh của chúng tôi chính là tình yêu”. Trái lại, Simona cảm nhận được rằng tình yêu của Mustapha bền bỉ, mạnh mẽ, chín chắn hơn tình yêu của cô. Cô chia sẻ: “Chính qua anh ta, tôi đã gặp Chúa Giêsu. Anh ta là điều ngạc nhiên. Anh ta “còn Công giáo” hơn cả tôi.
Simona đã chứng tỏ sự khôn ngoan đặc biệt trong thời gian ở Libăng, trong thời gian hứa hôn, khi chú của Mustapha qua đời. Trong đám tang, cô là người phụ nữ tây phương và Kitô hữu duy nhất. Làm thế nào để bày tỏ sự gần gũi với nỗi đau mất người thân này? Cô đã rút cỗ tràng hạt ra và bắt đầu cầu nguyện cho người quá cố. Bà của Mustapha vẫn còn nhớ hình ảnh đó và bà vui về điều đó.
Mustapha chia sẻ: “Simona đã truyền cho tôi sự gắn kết với đức tin của cô. Cô luôn lập lại với tôi. Thiên Chúa là tình yêu. Tôi thấy điều này luôn hấp dẫn hơn và rất đẹp. Tôi đã học biết hơn về nền tảng của đức tin Kitô giáo, tôi đi tham dự Thánh lễ với cô ta. Tôi cảm thấy mình đã mặc lấy đức tin của cô ấy. Dù cho tất cả”. Simona kể lại những lời cầu nguyện tự phát của họ, việc đọc và chia sẻ Thánh vinh: “Điều ấn tượng là cảm nhận rằng Chúa Thánh Thần thổi nơi nào Người muốn và thật sự là không có rào cản nào có thể ngăn cản Người. Nếu không có Chúa Thánh Thần không ai khác có thể làm cho anh ta có những cách sống hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu. Tình yêu không có giới hạn, tôi bị thuyết phục về điều đó hơn. Điều giúp chúng tôi chính là sự hiếu kỳ vô cùng của anh ta”.
Hội nhập vượt trên sự phân biệt đối xử
Mustapha nói: “Tôi đã nhận ra rằng ai thật sự muốn hòa bình thì sẽ tìm thấy nó. Tôi đã tham gia một nhóm tu đức thánh Inhã nhiều năm, nơi mà Simona đã theo, và nhóm đã đón nhận tôi và luôn làm cho tôi cảm thấy dễ chịu thoải mái. Đối với tôi, thật sự là không khó để hội nhập mình. Tôi đi chơi bóng rổ với các tu sĩ dòng Tên ở Học viện quốc tế ở Roma. Trong cuộc chơi họ rất ngay thẳng và trung thành. Điều này làm chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể trung thành trong cuộc sống mọi ngày, vượt trên các ràng buộc và gốc gác”. Và Mustapha nhớ lại những kinh nghiệm cay đắng hơn: “Thật không may là tôi phải thú nhận rằng tôi đã không được đối xử tốt, đó là một bầu khí khép kín. Trong nơi làm việc không thiếu sự đối xử phân biệt, thật là tồi tệ. Vì tôi kết hôn với một Kitô hữu, tôi bị xem như một người ngoại lai, không được chấp nhận”.
Kiên trì, không thù hận
Họ đặt tất cả trong tay Chúa. Sau đó quyết định kết hôn trong nhà thờ theo nghi thức chuẩn hôn phối, trong sự tôn trọng lẫn nhau. Mustapha kể: “Tôi đã tham dự các cuộc kiểm tra chuẩn bị hôn nhân. Tôi cảm thấy bị thử thách, tôi có ấn tượng rằng trước hay sau gì tôi cũng bỏ cuộc. Nhưng nó không đúng như vật. Thay vì bỏ cuộc, đến cuối cùng, người bỏ cuộc chính là mẹ của vị hôn thê của tôi. Chúng ta không thể tưởng tượng được, nhưng bà đã xem tôi như một đứa con nuôi của bà. Và tôi không bao giờ giữ mối hận thù nào. Đây là điều quyết định”.