Thứ sáu, 24/01/2025

Nếu cha mẹ đồng lòng nói “không” với điện thoại thông minh?

Cập nhật lúc 08:44 18/05/2019



Bây giờ ai cũng biết đến tiềm năng tác hại của điện thoại thông minh trên trẻ em. Dù vậy gần như tất cả các trẻ vị thành niên đều có. Lỗi ở đâu? Áp lực xã hội quá mạnh, nó quét sạch mọi mong muốn bảo vệ con mình. Áp lực đứng vững! Vậy tại sao chúng ta không thử làm cho áp lực này suy yếu, vì sao các cha mẹ không nói ‘không’ với điện thoại thông minh?

Càng ngày trẻ con càng sớm đòi điện thoại thông minh, với lý do “ai cũng có”. Nhưng các bác sĩ tâm thần, các tâm lý gia đều đồng ý, quá dính vào màn hình có những tác hại như: rối loạn tập trung, cô lập, đánh mất đời sống xã hội… Từ mùa tựu trường năm 2018, các chính trị gia đã cấm điện thoại ở các trường. Cha mẹ được báo cho biết hiểm họa nghiện máy, bị quấy rối trên mạng, bị các nội dung khiêu dâm, bạo lực xâm chiếm. Dù vậy đỉnh cao tác hại này là càng ngày trẻ con càng được trang bị đầy đủ và lại được trang bị rất sớm. Theo nghiên cứu “Junior Connect” 2018, cuộc điều tra hàng năm do cơ quan Ipsos thực hiện về việc tiếp xúc với hệ thống truyền thông báo chí của các người trẻ dưới 20 tuổi, họ đưa ra các con số, hiện nay ở Pháp có 84% các em từ 13 đến 19 tuổi có điện thoại thông minh, và 24% các em từ 7 đến 12 tuổi có.

Bà Valérie Halfon, nhà tư vấn quản lý ngân sách viết trong quyển sách của mình, “Mọi người đều có, trừ tôi!” (Tout le monde en a un, sauf moi! Nxb. Albin Michel) để mô tả hiện tượng nghịch lý này như sau: “Tất cả mọi người gần như chống điện thoại thông minh, nhưng rất nhiều người bất lực trước áp lực xã hội.” Như thử các tiềm năng tác hại của điện thoại thông minh bị nhẹ ký trên bàn cân đứng trước mệnh lệnh phải có như mọi người. Chúng ta đừng quên những người phát minh ra các kỹ thuật hiện đại này là những người đầu tiên cảnh giác các hệ quả của nó trên chính con cái mình.  Tuổi vị thành niên, các con của Steve Jobs không bao giờ được dùng iPad. Bill Gates chờ con 14 tuổi mới cho điện thoại thông minh. Họ gởi con cái đi học các trường như trường Waldorf School ở Peninsula, nơi máy tính bảng và máy tính bị cấm cho đến năm thứ tư. Có phải đó là dấu hiệu điện thoại thông minh không dành cho trẻ con không?

Stéphane Blocquaux, tiến sĩ khoa học thông tin và truyền thông, người đi nói chuyện trong các buổi hội thảo xin các cha mẹ tự vấn: “Xin cho tôi một lý do tốt để quý vị cho con mình có điện thoại thông minh?” Đa số các cha mẹ nêu lý do mình cần liên lạc với con, biết con đang ở đâu, có gặp vấn đề gì không…v.v. Lý do an ninh. Nếu chỉ vì vậy thì tại sao không cho con điện thoại cầm tay thường, không có kết nối Internet? Một lý do khác được nêu ra là sợ bị loại trừ. Bà Valérie Halfon nói thêm: “Các cha mẹ thường nhượng bộ vì sợ bị loại trừ”. Không có mặt trên các trang mạng xã hội, không tham dự vào các trò chơi trực tuyến là chấm dứt với đời sống xã hội như tên gọi của nó! Bà trấn an: “Dù vậy đã đến lúc phải chấm dứt, không được sợ sự khác biệt. Bằng cách phát triển cá nhân tính của mình, đứa bé sẽ có tự tin vào mình, không mù quáng đi theo bầy đàn”.

Hướng đến sự huy động các cha mẹ?

Bà Valérie Halfon đề nghị: “Bây giờ đến lúc chúng ta phải làm tiến triển mọi thứ. Đúng vậy, nếu chúng ta có đông người cùng suy nghĩ như vậy, chẳng hạn chúng ta có hàng trăm, hàng ngàn cha mẹ muốn bảo vệ con cái mình, thì vì sao chúng ta không cùng đồng lòng quyết định năm nay con cái chúng ta sẽ không có điện thoại thông minh ngay từ ngày tựu trường.” Đó là những gì người Mỹ đã làm từ hai năm nay. “Chờ đến lớp 8” (Wait until 8th) là một sáng kiến được bà Brooke Shannon, một bà mẹ gia đình tin rằng, trẻ em sẽ phát triển nhiều hơn khi chơi ở ngoài, khi đọc sách, khi dành nhiều thì giờ cho gia đình, cho bạn bè hơn là chúi mũi vào điện thoại thông minh. Các cha mẹ cùng cam kết, cùng ký vào “lời hứa” kỹ thuật số, dứt khoát không cho con cái điện thoại thông minh trước khi chúng lên 14 tuổi. Cam kết này sẽ có kết quả nếu có mười gia đình trong trường cùng làm. Như thế lập luận “ai cũng có” không còn đứng vững, các cha mẹ sát cánh với nhau mới thành công được.

Marta An Nguyễn dịch

phanxico.vn
Thông tin khác:
Cúi mình (19/04/2019)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log