Bí tích Thánh Thể được diễn tả trong sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo như “suối nguồn và đỉnh cao” đời sống Đức tin của chúng ta. Có thể không dễ để dành chút thời giờ ở lại với Chúa trong Phép Thánh Thể. Nhưng nếu bạn làm cho điều khó khăn ấy trở nên khả thi thì việc cam kết thường xuyên chầu Thánh Thể với trái tim rộng mở có thể đem đến cho bạn những kết quả đáng ngỡ ngàng.
Không phải bầu khí tĩnh mịch nơi nhà nguyện, mùi hương trầm thơm ngát hay cảnh tượng huy hoàng của Mặt Nhật hào quang làm bạn hiểu được chân lý của những gì diễn ra trong giờ chầu Thánh Thánh Thể. Chúng ta thực sự đang ở đó, trước Chúa Giêsu Kitô, trước trọn cả Mình Thánh, Máu Thánh, Linh Hồn và Thần Tính của Ngài. Càng đắm chìm trong thinh lặng với sự hiện diện của Thánh Thể Chúa Kitô, chúng ta sẽ càng nhận ra rằng lời đáp trả duy nhất chính là sự kinh ngạc và ngỡ ngàng của chúng ta trước sự vĩ đại của Thiên Chúa.
2. Bình an trong mọi lãnh vực của đời sống
Chúa Giêsu nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14:27) Bình an chúng ta có thể kinh nghiệm trước Thánh Thể (sự tĩnh mịch và yên bình) sẽ tiến sâu hơn nhiều. Bình an ngoại tại sẽ dẫn đến thứ bình an nội tâm sâu sắc. Bình an ấy tác động trên toàn thể mọi lãnh vực đời sống con người chúng ta. Bình an không có nghĩa là mọi sự trong đời chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo, không còn khổ đau. Thực ra, với bình an của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng bão tố cuộc đời không thể làm chúng ta lay chuyển.
Chúa Giêsu đã nói với chúng ta “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13, 34) Ở lại trong Phép Thánh Thể giúp nối kết chúng ta với toàn thể nhân loại, và xét cho cùng, chúng ta đang ở lại với Đấng tạo dựng muôn loài! Ở lại nhiều hơn trong việc thờ lạy và ngợi khen Thiên Chúa đồng nghĩa với việc bạn đang hướng tầm nhìn của mình vươn xa hơn những mối quan tâm của riêng bạn và nhận ra nhu cầu của những người xung quanh và mọi người trên thế giới, nơi chúng ta đang cư ngụ.
Sẽ có những lúc bạn không cảm thấy bất cứ điều gì trong giờ chầu Thánh Thể, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa. Bạn sẽ bị sao nhãng. Tâm trí bạn bắt đầu nghĩ ngợi vẩn vơ. Bạn có thể nghe thấy tiếng khụt khịt của ai đó bên cạnh. Có thể thời gian đầu, chầu Thánh Thể thực sự đem đến cho bạn những cảm nghiệm tuyệt vời! Tuy nhiên, khi giờ ấy trở nên thường xuyên trong nhịp sống của bạn, bạn không còn cảm thấy từ đó điều gì đặc biệt nữa. Cho dẫu thế, cảm giác này không làm giảm đi hay lấy mất giá trị thực của giờ chầu Thánh Thể. Đức tin của chúng ta là điều gì đó còn xa hơn cả những xúc cảm. Thực sự Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong chính con người bạn. Điều này quả nhiên diễn tả nét đẹp của mầu nhiệm Nhập Thể. Con Thiên Chúa đến với chúng ta trong những nỗi căng thẳng, sợ hãi, và dĩ nhiên, trong cả sự buồn tẻ của cuộc đời chúng ta nữa. Hãy biết rằng ngay cả khi một giờ bạn ở trước Minh Thánh Chúa là một cuộc trở về liên tục vì tâm trí bạn không ngừng sao nhãng, thì bạn vẫn đang dâng lên Thiên Chúa món quà tuyệt vời nhất của bạn, đó là thời gian và sự đồng hành của bạn với Ngài.
Càng dành nhiều thời gian ở với Chúa trong Phép Thánh Thể và khám phá một Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn ở cùng bạn, bạn càng thực sự muốn đến với Ngài. Nếu một khi bạn cảm thấy giờ chầu Thánh Thể chỉ là chuyện đơn giản chẳng chút khó khăn, bạn sẽ cảm thấy rất phấn khởi để được tham dự vào giờ ấy! Bạn sẽ “nghiện” chầu Thánh Thể không chỉ vì những thứ bạn có thể tìm thấy cho chính mình, nhưng còn vì chúng ta được dựng nên để yêu mến và thờ lạy Thiên Chúa. Cũng như lúc chúng ta tuyên xưng trong Thánh Lễ “thật là chính đáng và phải đạo” khi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, việc thờ phượng Chúa trong Phép Thánh Thể cũng được khắc sâu trong lòng chúng ta và “lòng chúng ta những khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài!” (Thánh Âu-tinh)
Thật là quá ngạc nhiên khi một hành vi nhỏ bé, hành vi của sự dấn thân thường xuyên chầu Thánh Thể, dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn mỗi ngày, lại tạo nên một sự khác biệt lớn lao như thế cho trọn phần thời gian còn lại của đời sống của bạn. Bạn có thể lưu giữ rất lâu khoảnh khắc ở lại với Chúa ngay cả khi bạn đã rời khỏi nơi nhà chầu. Ân sủng của Thiên Chúa tiếp tục duy trì trong mọi khoảnh khắc đời bạn, thậm chí, ngay cả lúc bạn ở trong cơn cám dỗ. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn để vượt thắng cơn cám dỗ khi bạn dành thêm giờ ở với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đôi khi, bạn vượt thắng nó cách dễ dàng.
Nếu bạn thấy quá đơn giản để lái xe đến nhà thờ chầu Thánh Thể, hay quá đơn giản để đi bộ đến một nguyện đường gần nhà, bạn sẽ nhận ra hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho bạn. Có nhiều người cũng ao ước được ở với Chúa nhiều hơn nơi nhà chầu bé nhỏ, nhưng họ không thể rời nhà vì bệnh tật hay quá bận rộn với vai trò làm cha làm mẹ trong gia đình. Cũng có nhiều người trên thế giới đang sống trong những vùng mà niềm tin tôn giáo bị bách hại, họ phải liều mạng mới có thể đến được với Bí Tích Thánh Thể. Khi nhớ đến những người phải đi bộ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trong những hoàn cảnh nguy hiểm để được hiện diện với Chúa Giêsu Thánh Thể, bạn sẽ thấy rõ giá trị lớn lao của món quà được tự do cầu nguyện, chưa kể đến việc có một linh mục cử hành các bí tích cho bạn hưởng nhờ.
Càng có khả năng ngồi lắng nghe Thiên Chúa nói với bạn (thay vì lấp đầy khoảng lặng bằng cách dành toàn bộ thời gian để nói với Ngài), bạn càng thấy Thiên Chúa thực sự hài hước. Ngài thích đùa giỡn, và đôi khi những khoảnh khắc ấy làm bạn muốn phá lên cười thật to. Điều này có vẻ làm bạn ngạc nhiên, nhưng chẳng lẽ người Cha tốt lành nhất thế gian này lại không thể tỏ bày tình yêu của mình cho con cái bằng cách hài hước dễ thương sao?
Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng không phải vậy. Bí tích Hòa Giải giúp chúng ta kinh nghiệm về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót phủ lấp muôn vàn tội lỗi và ban cho chúng ta sự tự do đích thực, tự do không còn sợ hãi, sự tự do ấy cho phép chúng ta buông mình vào Tình Yêu và sự Tốt Lành của Thiên Chúa. Cũng với sự tự do ấy, chúng ta dám buông mình vào những kế hoạch hoàn hảo Thiên Chúa dành cho chúng ta. Lần này qua lần khác, khi đến với tòa Cáo Giải, chúng ta được gia tăng kinh nghiệm buông mình vào cánh tay của một người Cha rất mực yêu thương chúng ta và “không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta.” (Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô)
Cuối cùng, bạn không thể ngăn cản một cảm giác yêu thương. Khi dành thêm giờ trước Thánh Thể và chỉ để Chúa Kitô yêu mến bạn, bạn cũng sẽ yêu như Ngài yêu. Tình yêu ấy sẽ định rõ bạn là ai và làm cho bạn là chính mình hơn. Bởi vì Chúa nói, “Tôi đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 10)
Tác giả: Ruth Baker
Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ