Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi

Cập nhật lúc 22:41 13/04/2013

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2013

21.4.2013 – Chúa Nhật IV Phục Sinh

Chủ đề : Ơn gọi, dấu chỉ của niềm hy vọng được xây dựng trên đức tin

Anh chị em thân mến,

Vào Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 50, được cử hành vào ngày 21.4.2013, Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh này, tôi muốn mời gọi anh chị em suy tư về chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ của niềm hy vọng được xây dựng trên đức tin”, một chủ đề nằm trong khung cảnh của Năm Đức Tin và trong dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Chung Vatican II. Trong suốt Công đồng, Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã thiết lập Ngày đồng tâm nhất trí cầu khẩn Thiên Chúa Cha này để Ngài tiếp tục sai những người thợ cho Giáo Hội của Ngài (x. Mt 9, 38). “Vấn đề đủ số linh mục – Đức Phaolô VI nhấn mạnh lúc đó – chạm đến hầu như mọi tín hữu: không chỉ bởi vì tương lai tu trì của xã hội Kitô giáo tùy thuộc vào đó, nhưng còn bởi vì vấn đề này là dấu chỉ cụ thể và bất khả phủ nhận về sức sống đức tin và tình yêu của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận địa phương và là chứng tá về sức khỏe luân lý của các gia đình kitô. Ở đâu người ta sống cách quảng đại theo Tin Mừng, ở đó vọt lên nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ” (Phaolô VI, Sứ điệp Truyền Thanh, 11.4.1964).

Những thập niên vừa qua, các cộng đoàn Giáo Hội khác nhau trên khắp thế giới đã hiệp nhất với nhau mỗi năm, vào Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, trong tâm tình thiêng liêng, để kêu xin Chúa ban những ơn gọi thánh thiện và tiếp tục đề nghị cho mọi người suy nghĩ về tính cấp bách của lời đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa. Quả thế, cuộc gặp gỡ hằng năm rất ý nghĩa này đã tạo nên một dấn thân mạnh mẽ để luôn mãi đặt tầm quan trọng của các ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến ở trung tâm của linh đạo, của hoạt động mục vụ và của kinh nguyện của các tín hữu.

Đức cậy là sự chờ đợi một điều gì đó tích cực cho tương lai, nhưng đồng thời phải nâng đỡ hiện tại của chúng ta, thường được ghi dấu bởi những sự thiếu thỏa mãn và những thất bại. Đức cậy của chúng ta dựa vào đâu? Khi nhìn vào lịch sử của dân Israel được Cựu Ước kể lại, chúng ta thấy nổi lên, ngay cả trong những giây phút khó khăn nhất như thời kỳ lưu đày, một yếu tố kiên định, đặc biệt được các ngôn sứ nhắc lại: ký ức về những lời hứa của Thiên Chúa cho các Tổ Phụ; ký ức mà đòi hỏi bắt chước thái độ mẫu mực của Abraham, được thánh Phaolô Tông đồ nhắc lại, “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4, 18). Một chân lý soi sáng và an ủi nổi lên từ toàn bộ lịch sử cứu độ là lòng trung tín của Thiên Chúa với giao ước, trong đó Ngài đã dấn thân và đã đổi mới mỗi khi con người phản bội Ngài qua sự bất trung, tội lỗi, từ thời lụt hồng thủy (x. Kn 8, 21-22) đến thời xuất hành và băng qua sa mạc (x. Đnl 9, 7); lòng trung tín của Thiên Chúa đã đi đến chỗ ký kết giao ước mới và vĩnh cửu với con người, xuyên qua máu của Con của Ngài, chết và phục sinh để cứu độ chúng ta.

Vào từng giây phút, nhất là trong những lúc khó khăn nhất, luôn luôn chính lòng trung tín của Thiên Chúa, sức mạnh động lực đích thực của lịch sử cứu độ, đã làm rung cảm tâm hồn con người và củng cố họ trong niềm hy vọng một ngày nào đó trở về “Đất Hứa”. Đây là nền tảng chắc chắn của mọi hy vọng được tìm thấy: Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta một mình và Ngài trung tín với lời đã nói. Vì lý do này, trong mọi hoàn cảnh, hạnh phúc hay bất lợi, chúng ta đều có thể nuôi dưỡng một niềm hy vọng vững chắc và cầu nguyện với tác giả Thánh vịnh: “Ở trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Niềm hy vọng của tôi bởi Người mà đến” (Tv 62, 6). Vì thế, hy vọng có nghĩa là phó thác nơi Thiên Chúa trung tín, Đấng giữ lời hứa giao ước. Đức tin và đức cậy do đó được nối kết chặt chẽ với nhau. “Thực ra ‘đức cậy’ là một từ trọng tâm của niềm tin Thánh Kinh – đến độ, nơi một số đoạn, những từ ‘đức tin’ và ‘đức cậy’ xem ra hoán chuyển cho nhau. Vì thế, Thư gởi tín hữu Do Thái đã liên kết chặt chẽ ‘việc tuyên xưng niềm hy vọng cách vững vàng’ (10, 23) với ‘đức tin trọn vẹn’ (10, 22). Cũng thế, khi Thư thứ nhất của thánh Phêrô khích lệ các tín hữu luôn sẵn sàng trả lời cho những chất vấn về  ‘logos’ – ý nghĩa và lý do – của niềm hy vọng của họ (x. 3, 15), thì ‘niềm hy vọng’ tương đương với ‘đức tin’” (Thông điệp Spe salvi, số 2).

Anh chị em thân mến, lòng trung tín của Thiên Chúa hệ tại điều gì mà chúng ta phải phó thác với niềm hy vọng chắc chắn? Hệ tại nơi tình yêu của Ngài. Ngài, là Cha, tuôn đổ tình yêu của Ngài trong sâu thẳm con người của chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5, 5). Và chính tình yêu này, được biểu lộ trọn vẹn nơi Chúa Giêsu-Kitô, chất vấn cuộc sống của chúng ta, đòi hỏi một câu trả lời về những gì mỗi người muốn làm cho cuộc sống của mình trở thành, về những gì mỗi người sẵn sàng vận dụng để thực hiện cuộc sống đó cách tròn đầy. Tình yêu của Thiên Chúa đôi khi đi theo những con đường không thể tưởng tượng được, nhưng luôn kết nối với những con người để cho mình được tìm thấy. Do đó, niềm hy vọng được nuôi dưỡng bởi xác tín này : « Và chúng ta, chúng ta nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, và chúng ta tin vào tình yêu đó » (1Ga 4, 16). Và tình yêu có tính đòi hỏi, sâu xa này, vượt quá tính hời hợt, ban cho chúng ta lòng can đảm, làm cho chúng ta hy vọng vào con đường của cuộc sống và vào tương lai, làm cho chúng ta tin tưởng vào chính chúng ta, vào lịch sử và vào người khác. Đặc biệt tôi xin nói với các bạn trẻ và lặp lại với các bạn : « Cuộc sống của các con sẽ là gì nếu không có tính yêu này ? Thiên Chúa chăm lo cho con người từ khi tạo dựng cho đến tận cùng thế giới, đến khi Ngài hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài. Trong Chúa Phục Sinh, chúng ta xác tín về niềm hy vọng của chúng ta ! » (Diễn văn cho các bạn trẻ thuộc giáo phận San Marino-Montefeltro, 19.6.2011).

Như đã xảy ra trong suốt cuộc sống trần thế của mình, cả ngày nay nữa Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn bước đi trong suốt hành trình cuộc sống của chúng ta, và đang nhìn thấy chúng ta chìm ngập trong các hoạt động, ước muốn và nhu cầu của chúng ta. Chính trong đời thường mà Ngài tiếp tục nói với chúng ta ; Ngài kêu gọi chúng ta thực hiện cuộc sống của chúng ta với Ngài, Đấng duy nhất có khả năng làm cho vơi cơn khát hy vọng của chúng ta. Cả ngày nay nữa, đang sống trong cộng đoàn các môn đệ là chính Giáo Hội, Ngài kêu gọi bước theo Ngài. Và tiếng gọi này có thể đến với chúng ta bất kỳ lúc nào. Cả ngày nay nữa, Chúa Giêsu đang lặp đi lặp lại : « Hãy đến ! Hãy theo Ta ! »  (Mc 10, 21). Để đón nhận lời mời gọi này, cần phải đừng chọn con đường riêng của mình nữa. Bước theo Ngài có nghĩa là dìm ý riêng mình vào  ý muốn của Chúa Giêsu, dành ưu tiên cho Ngài thực sự, đặt Ngài vào chỗ nhất so với tất cả những gì thuộc về đời sống chúng ta : gia đình, công việc, những lợi ích cá nhân, chính bản thân. Điều đó có nghĩa là phó thác cuộc sống của chúng ta cho Ngài, sống với Ngài trong sự thân mật sâu xa, xuyên qua Ngài bước vào hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và, do đó, với các anh chị em khác. Sự hiệp thông cuộc sống này với Chúa Giêsu là « nơi » ưu tiên ở đó chúng ta cảm nghiệm về niềm hy vọng và ở đó một cuộc sống tự do và tròn đầy sẽ được thực hiện !

Các ơn gọi linh mục và tu sĩ nảy sinh từ kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, từ cuộc đối thoại chân thành và tin tưởng với Ngài, để bước vào trong thánh ý của Ngài. Do đó, điều cần thiết là lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, được hiểu như là mối tương quan sâu xa với Chúa Giêsu, như là việc lắng nghe tiếng nói của Ngài đang vang lên từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Con đường này, làm cho có khả năng đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa, có thể đạt tới từ bên trong các cộng đoàn Kitô hữu đang sống một bầu khí đức tin mãnh liệt, đang sống một chứng tá quảng đại về việc gắn bó với Tin Mừng, đang sống một đam mê truyền giáo đưa đến sự trao hiến hoàn toàn bản thân vì Nước Trời, được nuôi dưỡng bởi việc năng lãnh nhận các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, và bằng một đời sống cầu nguyện nồng nàn. Đời sống cầu nguyện này « một mặt, phải là rất cá nhân, một sự đối chiếu bản thân tôi với Chúa, với Thiên Chúa sống động. Thế nhưng, mặt khác, nó phải luôn được hướng dẫn và soi sáng lại bởi những kinh nguyện lớn của Giáo Hội và của các thánh, bởi kinh nguyện phụng vụ, trong đó Chúa liên lỉ dạy chúng ta cầu nguyện cách đúng đắn » (Thông điệp Spe salvi, số 34).

Lời cầu nguyện liên lỉ và sâu xa làm tăng trưởng đức tin của cộng đoàn kitô hữu, trong sự xác tin luôn mới mẻ rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài và Ngài nâng đỡ dân bằng cách khơi lên những ơn gọi đặc biệt, cho thiên chức linh mục hay đời sống thánh hiến, để họ trở nên những dấu chỉ hy vọng cho thế giới. Quả thế, các linh mục và tu sĩ được kêu gọi để hiến dâng bản thân cho dân Thiên Chúa cách vô điều kiện, trong sự phục vụ yêu thương đối với Tin Mừng và Giáo Hội, một sự phục vụ với niềm hy vọng chắc chắn rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban. Như thế, cùng với chứng tá đức tin và với nhiệt huyết tông đồ của mình, họ có thể thông truyền, cách riêng cho các thế hệ trẻ, ước muốn mãnh liệt đáp trả cách quảng đại và mau mắn cho Chúa Kitô, Đấng kêu gọi bước theo Ngài cách gần gũi hơn. Khi một môn đệ của Chúa Giêsu đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa để hiến dâng cho thừa tác vụ linh mục hay đời sống thánh hiến, thì một trong những hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn kitô hữu được biểu lộ, nó giúp nhìn về tương lai của Giáo Hội và về sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội với lòng tin tưởng đặc biệt và với niềm hy vọng.

Quả thế, luôn cần có những người thợ mới để rao giảng Tin Mừng, để cử hành Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hòa Giải. Do đó, ước gì không thiếu những linh mục nhiệt thành, biết đồng hành với các bạn trẻ như « những người bạn đồng hành » để giúp họ nhận ra Chúa Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14, 6), trên hành trình cuộc sống thường ngoằn ngoèo và tối tăm ; để đề nghị cô họ, với lòng can đảm của Tin Mừng, vẻ đẹp của việc phụng sự Thiên Chúa, phục vụ cộng đoàn kitô hữu, phục vụ anh chị em ! Những linh mục mà cho thấy sự phong nhiêu của sự dấn thân nhiệt thành, mang lại một ý nghĩa tròn đầy cho cuộc sống của họ, bởi vì được xây dựng trên niềm tin vào Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4, 19) ! Tôi cũng mong ước rằng các bạn trẻ, ở giữa biết bao lời đề nghị hời hợt và thoáng qua, biết vun trồng sự cuốn hút đối với các giá trị, với các mục đích cao cả, những chọn lựa triệt để, để phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu. Các bạn trẻ thân mến, các con đừng sợ bước theo Ngài và trải qua những con đường có tính đòi hỏi và can đảm của đức ái và sự dấn thân quảng đại ! Như thế, các con sẽ hạnh phúc phục vụ, các con sẽ là những chứng nhân cho niềm vui mà thế giới không thể mang lại này, các con sẽ là những ngọn đèn cháy sáng một tình yêu vô tận và vĩnh cửu, các con sẽ học biết « trả lời cho niềm hy vọng nơi các con » (1Pr 3, 15) !

Vatican, ngày 6.10.2012

Bênêđíctô XVI

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp.

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi-2013/

 

 

                                                                

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log