Giới thiệu dòng Hiến Sĩ  Đức Maria Vô Nhiễm – OMI

Cập nhật lúc 09:50 22/04/2014

Dòng Hiến Sĩ  Đức Maria Vô Nhiễm – OMI

I-    Đôi nét lược sử dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm
1.   Tiểu sử Đấng Sáng Lập dòng

“Bác ái, bác ái và bác ái giữa anh em; tinh thần hay say truyền giáo đối với bên ngoài..”. Đó là những lời cuối của cha Sáng lập Eugène de Mazenod (Igiêniô Mai Thiên Lộc) để lại cho anh em Hiến sĩ trước khi được Thiên Chúa gọi về.
Sinh ngày 01 tháng 08 năm 1782 tại tỉnh Aix en Provence, miền nam nước Pháp trong một gia đình quí tộc. Lúc còn nhỏ, tuy được cha mẹ gửi vào các trường nổi tiếng của hàng quí tộc do các cha dòng Tên phụ trách, nhưng sự hiểu biết về Kitô giáo cũng chỉ dừng lại ở những kiến thức và sự hiểu biết đơn giản. Igiênô Mai Thiên Lộc chưa cảm nghiệm được thế nào là phẩm giá cao quí của những người con Thiên Chúa, và thế nào là Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua sự Cứu độ nhiệm mầu của Đức Kitô trên thập giá.
Khi cuộc cách mạng Pháp bùng nổ dưới thời vua Nã-Phá-Luân (Napoléon Bonaparte) vào năm 1789, gia đình Mai Thiên Lộc phải lưu lạc qua nhiều nơi bên nước Ý từ năm 1791 đến năm 1802. Tuy vậy, một cách nhiệm mầu, Igiêniô Mai Thiên Lộc vẫn gặp được những người đồng hành giúp đỡ để thăng tiến trong đời sống nhân bản và tâm linh. Đặc biệt là cha Don Bartôlô, một linh mục dòng Tên đạo đức và thánh thiện đã theo sát Igiêniô Mai Thiên Lộc, và ngài đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong đời sống thánh hiến của Igiêniô Mai Thiên Lộc sau này.
Trở về lại quê hương vào năm 1802, từ một chàng thanh niên quí tộc, Igiêniô Mai Thiên Lộc giờ đây không còn gì nữa. Gia đình đã mất đi gia tài và địa vị trong xã hội sau cuộc cách mạng. Igiêniô Mai Thiên Lộc đã sống một cuộc sống vô định trong nếp sống tồi tệ của một chàng thanh niên đang tìm hạnh phúc nơi những gì là trần tục, những trang lưu bút của Igiêniô Mai Thiên Lộc đã nói lên điều đó: “ Tôi đã tìm hạnh phúc ngoài Chúa và từ lâu tôi đã nên họa cho chính tôi… Tôi sống trong tình trạng trọng tội…”
Igiêniô Mai Thiên Lộc đã được ơn “trở lại” vào thứ sáu tuần thánh năm 1807 khi chiêm ngắm Đức Kitô trên Thập giá, và Igiêniô Mai Thiên Lộc đã nhận ra lòng nhân hậu, sự tha thứ và tình yêu bao la của Thiên Chúa qua Đức Kitô trên Thập giá. Cũng từ đó Igiêniô Mai Thiên Lộc nhận ra thân phận yếu đuối đầy tội lỗi của mình nhưng được Thiên Chúa cứu chuộc bằng chính giá máu của Đức Kitô. Tình yêu Thiên Chúa bắt đầu được khám phá một cách sống động, thân tình, không thể nghi ngờ được. Kinh nghiệm của Igiêniô Mai Thiên Lộc không phải là những phép lạ Chúa hiện ra, hoặc là được những ơn làm được điều này hay điều khác, mà là kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa hiện diện một cách gần gũi, kín đáo trong cõi lòng mình. Từ đó Igiêniô Mai Thiên Lộc tìm được sự bình an, hạnh phúc, tràn đầy sức sống để quên đi tất cả những gì là mặc cảm về tội lỗi trong quá khứ. Đây là một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và hoán cải, bắt đầu bằng việc từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh ý và Tình yêu của Ngài. Igiêniô Mai Thiên Lộc quyết định hiến mình cho Chúa theo công trình Cứu độ của Ngài. Tại Tổng giáo phận Aix có Đại Chủng Viện, nhưng nơi đây Igiêniô Mai Thiên Lộc cảm thấy không thích hợp cho lắm, vì đa số các chủng sinh đều thuộc hang quí tộc. Igiêniô Mai Thiên Lộc xin được phép lên Paris để vào Đại Chủng Viện các cha Xuân Bích, nơi được qui tụ các chủng sinh của nhiều tầng lớp khác nhau, và ngày 12 tháng 10 năm 1808 Igiêniô Mai Thiên Lộc bắt đầu một cuộc sống mới với tròn 26 tuổi đời.
Trong thời gian ở Đại Chủng Viện Xuân Bích, Igiêniô Mai Thiên Lộc tỏ ra là một người hiếu học và khát vọng khám phá Tình yêu Thiên Chúa. Tính tình cam đảm và đầy sáng tạo, Igiêniô Mai Thiên Lộc được cha Giám đốc Đại Chủng Viện tin tưởng và trao phó nhiều trách nhiệm, nhất là việc bảo vệ sự liên lạc của 13 vị Hồng Y Toà Thánh đang bị vua Nã-Phá-Luân đưa sang lưu vong từ Paris xuống miền nam nước Pháp vì sự từ chối của các ngài không tham dự cuộc hôn nhân của nhà vua với Louise Marie. Ngày 28 tháng 04 năm 1811, vì bệnh nặng nên cha Giám Đốc qua đời, sau đó ban Giám Đốc Đại Chủng Viện cũng phải lần lượt ra đi vì có sự bất đồng ý kiến với Đức Tân Hồng Y, vị Tổng giám mục Paris do nhà vua bổ nhiệm mà không được sự đồng ý của Đức Giáo hoàng. Igiêniô Mai Thiên Lộc được chọn để lãnh trách nhiệm dẫn dắt Đại Chủng Viện, vì thế mà việc nhận chức phải được tiến hành không chậm trễ. Igiêniô Mai Thiên Lộc quyết định xin Đức cha Gio-an Phanxicô de Demandolx, Giám mục giáo phận Amiens và cũng là người thân của gia đình phong chức linh mục. Igiêniô Mai Thiên Lộc nhận chức linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1811, và ngay sau đó phải đảm trách vụ Giám đốc Đại Chủng Viện.
Năm 1813, sau một tuần tĩnh tâm, Cha quyết định trở về quê hương của mình để làm mục vụ bên cạnh những người nghèo khổ và những người bị bỏ rơi. Đức cha Jauffret, Tổng giám mục giáo phận Aix en Provence cho phép Cha Igiênô Mai Thiên Lộc được tự do sáng tạo trong mục vụ của mình. Công việc mục vụ chính của Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc lúc này là truyền giáo cho những người làm thuê làm mướn, những trẻ em đường phố và trong các lao tù cho những tù nhân do cuộc Cách mạng Pháp để lại. Ngoài ra, Cha lo việc thường huấn cho các linh mục trong giáo phận. Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc không ngần ngại đặt mình ngang hàng với những người nghèo khổ để rao giảng Tin Mừng bằng tiếng Provencial của họ, điều mà từ trước tới giờ chưa có một linh mục nào dám làm, và điều đó cũng đã gây nên rất nhiều khó khăn cho Cha do các linh mục đã quen với tính cách quan liêu trong đường hướng mục vụ chống đối. Nhất là khi Cha nói cùng những người nghèo khổ, làm thuê làm mướn và đang bị bóc lột rằng: “ Hỡi anh chị em yêu quí của tôi, hãy đến đây, tôi chỉ cho quí vị biết về nhân phẩm quí giá của mình… Chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng đáng cho quí vị!” Hàng quí tộc và tầng lớp giầu có đã phẫn nộ chống lại Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc, vì bỗng nhiên họ mất đi những hàng ghế đầu, những hàng ghế danh dự trong nhà thờ của họ. Từ đó, vị linh mục trẻ yêu chuộng bác ái, công bằng và tình huynh đệ của Tin Mừng đã thành lập “Anh em truyền giáo vùng Provence”.

2.    Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc và dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm

Cuộc cách mạng 1789 mang lại cho người Pháp nền dân chủ và hòa bình; tuy nhiên xã hội Pháp cũng đi qua giai đoạn khó khăn khi chính quyền tuyên bố tách rời thể chế chính trị với Tôn giáo. Nhiều giáo sĩ bị kết án tù đày, nhiều nhà qúy tộc bị treo cổ hoặc bị bỏ tù… Đứng trước thảm trạng một đất nước đang trong cơn khủng hoảng, nhất là phải chứng kiến đời sống đức tin xuống dốc trầm trọng của hàng ngũ linh mục, tu sĩ và giáo dân. Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc quyết dấn thân trong việc cải tổ đời sống đức tin của Dân Chúa, ngài lập cộng đoàn «Anh em truyền giáo vùng Provence ». Cha đã quy tụ được 4 linh mục đầy nhiệt huyết cho công việc truyền giáo và sáng tạo trong công việc mục vụ vào năm 1816. Với sự nhạy bén cũng như nhu cầu truyền giáo của Giáo hội Pháp thời bấy giờ đã làm cho Tu hội phát triển rất nhanh.

Ngày 17 tháng 02 năm 1826, bản Hiến pháp và Quy luật dòng được chính thức phê chuẩn bởi Đức Giáo Hoàng Lêô XII với tên chính thức: «Dòng Truyền Giáo Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm – Missionnaires Oblats de Marie Immaculée » thuộc luật Giáo hoàng.
Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc đi theo đường hướng của thánh Alphôngsô Ligôriô, là chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho giới dân dã nông thôn, thánh hoá linh mục, giáo dục giới trẻ và mục vụ đồng hành với tù nhân trong các lao tù. Từ đó, nhiều cơ sở truyền giáo đã được thành lập và còn vượt ra khỏi biên giới nước Pháp.
Công việc của Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc và dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm đang phát triển tốt đẹp thì Cha sáng lập được giao trọng trách làm Tổng Đại diện giáo phận Marseille, rồi sau đó Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 1832. Ngài cũng rất băn khoăn khi phải gánh hai trách vụ trên vai… Nhưng sau khi cầu nguyện và suy nghĩ ngài nói rằng: «Tôi phải gắn bó với dân này của Chúa như tình cha đối với con». Từ đây Hội dòng nhỏ bé của ngài được nhiều người biết đến, và giấc mơ truyền giáo đến các vùng xa xôi hẻo lánh của ngài sẽ được thực hiện.
Năm 1841, đức Cha Bourget vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giam mục Montréal – Canada ghé sang Marseille ngỏ lời xin châu Âu giúp mở mang Nước Chúa trong vùng mênh mông rộng lớn Canada. Trong bữa cơm thân mật, đức Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc hứa sẽ nghiên cứu kỹ yêu cầu của đức cha Bourget, và ngài hỏi ý kiến của anh em trong dòng. Kết quả là có 4 linh mục và 2 Thầy được chọn, họ lên tàu tại cảng Le Havre ngày 22 tháng 10 năm 1841 để sang Montréal.
Kể từ năm 1847, ơn gọi của dòng rất đông và phải mở thêm một Tập viện mới, vì sự khát vọng được đi truyền giáo của các Tu sĩ.
Cánh đồng truyền giáo tại Canada tiến triển rất nhanh, và năm 1848 đức cha Provencher, Tổng Giám mục St. Boniface giao cho nhà dòng suốt cả miền tây Canada, rộng gần bằng cả âu Châu. Chẳng chút do dự, đức Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc tiếp tục đảm nhận. Nhờ ý chí và tinh thần truyền giáo của ngài mà anh em Hiến Sĩ đã viết những trang sử truyền giáo vẻ vang trên cánh đồng bao la bát ngát miền tây Canada. Sau đó, họ đến với các sắc dân miền Bắc cực. Các vị thừa sai cũng theo các tiều phu viếng thăm dân bản xứ (Indiens) tiến đến vịnh Hudson và Labrador, rồi từ đó xâm nhập sang Hoa kỳ và lập dòng tại Texas năm 1849.
Cha sáng lập thường nói«Tôi muốn được cung cấp các Tu sĩ truyền giáo cho cả hoàn cầu mới thỏa chí». Tháng 02 năm 1847, để đáp lời thỉnh cầu của đức cha Blanchet, bốn vị thừa sai đáp tàu từ Le Havre sang Oregon trên bờ Thái Bình dương là miền Tây Bắc Mỹ. Tháng 10 năm 1847, một nhóm thừa sai khác do đức Cha Bettachini hướng dẫn đã đến đảo Jaffna thuộc Tích Lan, (ngày nay là Sri Lanka), Ấn Độ.
Năm 1850, Đức Hồng Y Barnabo, Tổng trưởng Bộ truyền giáo đề nghị anh em Hiến Sĩ nhận việc truyền giáo cho vùng Natal thuộc vùng đông- nam châu Phi. Năm 1935 có 3 anh em Hiến Sĩ đặt chân lên đất nước Lào và sau đó là Hồng Kông, Nhật bản, Hàn quốc và Việt nam…
Ngày nay, dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm có mặt trên khắp Năm Châu, trên 70 quốc gia. Số linh mục và tu huynh khoảng 4200.

II-    Đặc sủng và Linh đạo cua dòng
1.    Đặc sủng

«Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ» là kim chỉ nam cho tất cả anh em Hiến Sĩ.  Thập giá Đức Kitô là trung tâm điểm của việc truyền giáo. Thập giá biểu hiện lòng nhân hậu, yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa đối với con người. Qua Thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa muốn cứu chuộc tất cả mọi người, cho dù con người có là gì và có làm gì đi chăng nữa, nếu con người biết hoán cải để nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Thế và tin tưởng vào Người. Bước theo sát Đức Kitô, Hiến Sĩ hăng say đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, bằng sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương, qua sức mạnh của đời sống huynh đệ cộng đoàn. Có Mẹ Maria Vô Nhiễm là Đấng bảo trợ, anh em luôn cố gắng đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất trong cánh đồng truyền giáo.

2.    Linh đạo
a.    Cộng đoàn tông đồ

Hiến Sĩ sống thành các cộng đoàn nhỏ từ 3 người trở lên. Các cộng đoàn nhỏ này có tính cách mục vụ và chứng nhân trong lòng xã hội, đời sống cộng đoàn và đời sống mục vụ phải là một. Cha sáng lập đã muốn tất cả các Hiến Sĩ phải sống đời sống cộng đoàn, theo gương sống của các Tông đồ với Chúa Giêsu. Hiến pháp của dòng viết: « Cộng đoàn các Tông đồ là mẫu gương của Hiến Sĩ truyền giáo. Chúa Giêsu đã gọi Mười hai  Tông đồ để làm bạn đồng hành với Ngài, và Ngài đã sai họ đi», (Mc 3, 14). Tổng Tu Nghị của dòng xác tín : « Cộng đoàn tu sĩ là niềm tin cho Giáo hội và cho Thế giới, và chính vì lẽ đó mà cộng đoàn là nơi truyền giáo đích thực ». Dòng Hiến Sĩ tin rằng đời sống cộng đoàn là dấu chỉ cho tình huynh đệ mà loài người đang chờ đợi và khát mong, trong một thế giới hưởng thụ và đang làm cho con người xa cách nhau.

b.    Gần gũi với anh em đồng loại

« Gần gũi đồng loại, với những người mình phục vụ. Hiến sĩ  luôn luôn tỉnh táo và để ý tới những khát vọng cũng như những giá trị mà họ ấp ủ trong lòng…» Cha sáng lập tin rằng: gần gũi với anh em đồng loại, học tiếng địa phương, đón tiếp, lắng nghe, đồng hành, cảm thông… đó là phương tiện để các tu sĩ cùng nói chung ngôn ngữ và hiểu những ước vọng của họ. «Tin Mừng phải được loan báo cho hết mọi người, sự loan báo đó phải làm sao cho mọi người thấu hiểu. Những người thấp kém, nghèo hèn, họ là phần tử giá trị trong đại gia đình Công Giáo”.

c.    Táo bạo và năng lực sáng tạo

« Đức ái ôm ấp tất cả… Chúng ta cần phải có sự sáng tạo mở ra những con đường mới để cuối cùng sứ điệp Cứu rỗi được đến với mọi người, và phù hợp với nhu cầu của thời đại mới ». Không được cô đọng việc truyền giáo như một việc làm quen thuộc, một việc mục vụ bảo trì những gì đã có sẵn… nhưng phải có tinh thần sáng tạo, dám đưa ra hướng đi mới, dầu phải đối phó với hiểm nguy. Hiến Sĩ phải biết nhạy cảm trước nhu cầu đòi hỏi của thời đại cũng như của Giáo hội.

d.    Trong Giáo hội

Đấng sáng lập nói: « Làm sao có thể chia cách giữa tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa với tình yêu mà chúng ta hiến dâng cho Giáo hội ? Hai tình yêu đó phải hoa hợp với nhau: yêu Giáo hội là yêu chính Thiên Chúa và ngược lại ». Tính Quốc tế của Hội dong là nét đặc trưng cho Giáo hội hoàn vũ để « hiệp thông tích cực vơi Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài».

e.    Với Mẹ Maria

« Mẹ Maria, Nữ tỳ của Thiên Chúa đã cống hiến tất cả đời mình vào công trình Cứu độ của Chúa Cứu Thế.  Mẹ đã lắng nghe đón nhận Chúa Kitô để giới thiệu Ngài cho nhân loại, vì chính Ngài là niềm hy vọng. Hiến Sĩ nhìn nhận nơi Mẹ như mẫu gương đức tin của Giáo hội và của chính mình». Cuộc đời truyền giáo của Hiến Sĩ là sống với Mẹ, hiệp thông với Mẹ và nhìn lên gương Mẹ.

III-    Thông tin

Bổn mạng của Hội dòng : Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08.12
Trụ sở tại Việt-Nam : A 149c, Kp. Bình Đức 2. Tx. Lái Thiêu – Thuận An – Bình Dương.
Các cộng đoàn tại Việt-Nam : Nhà Sinh viên – Tiền tập viện – Tập viện – Học viện – Nhà tình thương…
Nhân sự
Tại Việt Nam, 40 tu sĩ.
Điều kiện gia nhập
Ứng sinh học hết lớp 12 và thi đậu đại học, được tìm hiểu tại Nhà Sinh viên. Đệ tử, tốt nghiệp đại học hoăc chuyên ngành, tìm hiểu và sống đời sống cộng đoàn tại Tiền tập viện. Tất cả cần phải có tinh thần sống đời sống cộng đoàn và truyền giáo cho người nghèo dù ở bất cứ nơi nào… Có khả năng học ngoại ngữ và thích ứng với các nền văn hoá khác…





Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm hân hoan mừng ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người, tối ngày 23.12.2024, giáo họ Cầu Cải thuộc giáo xứ Cát Ngòi, long trọng tổ chức cung nghinh Chúa Hài đồng, dâng Thánh lễ vọng và tổ chức hoan ca mừng Chúa Giáng sinh 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log