ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
________________________________________________
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI - 2019
Các con rất thân mến,
Trong bầu khí hân hoan của mùa Xuân Kỷ Hợi, Cha muốn gửi đến các con những lời cầu chúc tốt đẹp mà bất cứ ai cũng muốn dành cho những người thân yêu của mình trong dịp Tết Nguyên Đán. Hơn thế nữa, Cha còn muốn chúc cho các con những điều chính Thiên Chúa đã truyền cho Aaron cầu chúc cho con cái Israel: “Nguyện xin Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em! Nguyện xin Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Nguyện xin Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!” (Ds 6,24-26).
- Mối bận tâm của mọi người: đồ ăn thức uống “sạch”
Vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà sum họp để mừng Xuân. Những người không thể về đoàn tụ với gia đình cũng sắp xếp thời giờ để gặp gỡ bạn bè trong bữa tiệc Xuân. Tại những giáo xứ có nhiều anh chị em di dân, các cha Chánh xứ cùng với Ban Hành Giáo (Hội đồng Mục vụ) thường tổ chức những buổi họp mặt “Tết xa nhà” để anh chị em di dân, không phân biệt lương giáo hay vùng miền và bất cứ ai không thể hưởng hơi ấm gia đình cũng có cơ hội cùng nhau ăn Tết mừng Xuân.
Trên bàn tiệc mừng Xuân, nơi nơi đều bày những món ăn thịnh soạn. Ai cũng vui vẻ dùng bữa mừng Xuân, nhưng hầu như ai cũng lo lắng tự hỏi: “Món này có phải là đồ ăn sạch không?” Vấn đề “đồ ăn sạch” đã được báo chí và các phương tiện truyền thông khác nói đến rất nhiều. Cha nhớ đến một đoạn trong cuốn sách “Trên Đường Băng” viết về vấn đề này như sau: “Xuống An Giang thăm anh Thìn, một nông dân trồng rau, Tony thấy rau mướt quá nên xin một ít, anh Thìn nói: ‘Cái đó để cắt bán, nhà trồng để ăn bên này, chú ăn thì cắt bên này’. Như vậy, người ta chỉ ăn sạch cho gia đình mình, còn ra chợ bán cái khác… Tony đi ăn ở hàng miến gà trên phố Hàng Mành, do chị N., một người quen, mở bán. Chị nói miến này chị bán cho khách, em ăn thì vô sau nhà chị nấu riêng cho… Ở biên giới Việt - Trung, hàng ngày vẫn ùn ùn lê, lựu, táo, nho xanh nho đỏ, mì chính, bánh kẹo, hóa chất đủ thể loại… được nhập vào nước ta qua con đường chính thức lẫn xách tay qua biên giới… Ở dọc tuyến phố, những người Việt đội nón cần mẫn đẩy xe bán nho xanh “Made in China”, ghi xuất xứ Phan Rang. Các xe tải chở khoai tây từ biên giới vẫn ùn ùn chạy lên Lâm Đồng, nơi đó các tiểu thương cần mẫn lấy đất đỏ bazan trét vào, hóa phép thành khoai tây Đà Lạt.”[1]
Vấn đề tại đâu? Thưa vì có quá nhiều người đánh mất lương tri, đua nhau làm giầu để hưởng thụ, hoặc chỉ vì tham lam, bất chấp hậu quả tai hại gây ra cho tha nhân. Người ta lo lắng và than phiền, nhưng tình trạng cứ trầm trọng thêm mỗi ngày. Đây là vấn đề sống còn, vấn đề hạnh phúc của mỗi người và tương lai của nhiều thế hệ vì không chỉ gây tác hại đến sức khỏe, mà còn làm đui mù lương tâm và băng hoại tinh thần của nhiều người thuộc mọi thành phần xã hội. Chúng ta không thể để sự dữ đè bẹp chúng ta. Điều này có thể làm được nếu lương tri của nhiều người được thức tỉnh và những người đã ý thức vấn đề vừa biết khích lệ lẫn nhau, vừa mời gọi thêm bạn bè xa gần cùng hợp lực thức tỉnh lương tri mọi người. Từ một lương tri được soi sáng và con tim biết yêu thương người ta sẽ tìm ra những phương thế tích cực để giải quyết vấn đề. - Niềm hy vọng: thế hệ sinh viên, học sinh với lương tâm trong sáng
Các con rất thân mến, các con đừng nói là vấn đề quá lớn lao và các con còn nhỏ, không làm gì được. Nếu lòng các con trong sáng thì lời nói và thái độ từ tâm, ngay thẳng của các con sẽ có sức lay động con tim người lớn, cả những người có lương tâm chai đá và khi lớn lên, các con sẽ không vì lợi nhuận mà làm hại người khác. Điều quan trọng là các con phải giữ tâm hồn luôn ngay thẳng và trong sáng bằng đời sống cầu nguyện, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Ngoài ra, các con hãy giúp nhau quyết tâm sống ngay thẳng và tử tế. Trước đây ít lâu, Cha đọc trên mạng câu truyện em bé đánh giầy, đáng là gương mẫu để các con noi theo. Truyện kể:
Vào một buổi chiều, ông nhà giầu dạo bước trên đường, gặp chú bé đánh giầy gầy còm, buồn bã. Chú nhóc năn nỉ: “Ông cho con đánh giầy để kiếm tiền mua cơm nuôi em nhỏ”. Ông lơ đãng gật đầu, nghĩ: “Có đáng bao nhiêu, dăm ngàn đồng tiền lẻ!” Chú bé đánh giầy xong, ông móc ví đưa tờ 200 ngàn. Chú bé cầm tiền ngần ngừ rồi nói: “Thưa ông, năm ngàn đồng thôi. Xin ông chờ một chút, con đi đổi tiền”... Đã 30 phút cậu bé vẫn không trở về. Ông lắc đầu lẩm bẩm: “Chán ghê. Trẻ nghèo hay gian lắm.” Rồi ông tức bực bỏ về.
Cơm tối xong, ông đứng ngắm trăng mới mọc. Bỗng, một đứa bé bấm chuông. Ông la: “Đi chỗ khác mà xin. Nghèo khổ biết phận mình.” Nhưng rồi ông cũng thong thả bước tới cổng. Thấy một nhóc gầy gò, đang mếu máo, giống tên đánh giày hồi chiều… Thằng bé ấp úng: “Thưa ông, hồi chiều nay anh con cầm tiền của ông đi đổi. Băng qua đường, chẳng may bị xe cán, gãy mất chân rồi ông ạ. Anh cháu bảo tìm ông trả lại tiền. Anh cháu giờ nằm liệt, chỉ muốn xin được gặp ông.”
Ông chạnh lòng, rảo bước theo thằng bé. Đến chỗ ổ chuột xập xệ, gặp thằng anh đang nằm, mặt tái xanh như tàu lá. Nó nói gấp như có gì vội vã: “Xin ông thương em con… Cha mẹ không còn, con đánh giày nuôi nó. Nay không may con gặp nạn, chỉ xin ông việc này: Cho em con đánh giày cho ông, ông nhé.” Ông già trào nước mắt… Chợt thằng anh duỗi tay, hơi thở lịm đi và dần dần tắt… Môi nhợt thoáng nụ cười. Nó sống trọn kiếp người. Dù nghèo nhưng tự trọng và ngay thẳng. Bao người giàu sang danh vọng, đã chắc gì bằng nó!
Các con thân mến, liệu các con có được lương tâm ngay thẳng và trong sáng như em bé đánh giầy này không? Nếu tất cả sinh viên, học sinh công giáo trên khắp ba miền Đất Nước biết tự trọng và có tâm hồn ngay thẳng như em bé đánh giầy trên đây, chắc chắn nhiều người sẽ không còn phải lo lắng khi ăn uống và Quê hương Đất Nước chúng ta sẽ tươi sáng hơn.
Cuối cùng, Cha xin các con chuyển đến quý Cha Xứ, Cha Phó, Ông Bà Cha Mẹ, quý Thầy Cô và các bạn học không công giáo của các con lời chúc Tết của Cha: Cầu cho mọi người và mọi gia đình được Chúa chúc lành và được Đức Mẹ gìn giữ, chở che dưới cánh tay Hiền Mẫu của Ngài trong năm Kỷ Hợi này.
Với lòng quý mến, Cha thân ái chào tất cả các con.
Ngày 31 tháng 01 năm 2019
(đã ký)
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo
Giám mục Gp. Xuân Lộc
[1] Tony Buổi Sáng, Trên Đường Băng, NXB Trẻ, tái bản lần thứ 7, Tp HCM, 2016, trg 140-142.