Vài cảm nhận khi đọc thư gửi các sinh viên học sinh công giáo dịp đầu năm học 2015 - 2016 của Đức Cha chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo.
Năm học mới bắt đầu là kết quả của biết bao lo toan, chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày. Các bậc cha mẹ gửi gắm trọn con tim, khối óc, sức khỏe và niềm hi vọng vào con trong năm học mới. Cha mẹ ước cho con được dạy dỗ trong nền giáo dục toàn diện, chất lượng và trong sạch. Cha mẹ cũng mong cho các con đạt được kết quả thật tốt trong quá trình trau dồi kiến thức để chuẩn bị cho tương lai rực rỡ.
Sinh viên miền quê, phải rời xa tổ ấm gia đình về thành phố để tiếp tục học tập trong môi trường đại học và con cũng là một trong số ấy. Đầu năm học mới này, con không được sắm sửa cho từng li từng tí như hồi còn thời học sinh… Đôi khi, con ước gì mình được trở về quá khứ là học sinh để được ba mẹ dẫn đi mua sách vở và chở đi học... Tuy nhiên, trong hiện tại giờ đây con đã thành sinh viên và để chu cấp cho việc học tập xa nhà của con, ba mẹ phải vất vả làm việc, lo lắng và cực khổ nhiều để lo phần học phí và những chi phí cần thiết… Con tự nhủ sẽ tự cố gắng…
Hôm nay là ngày khai giảng, con và các bạn học sinh, sinh viên chính thức bước vào năm học mới. Sau thời gian nghỉ hè ngắn ngủi,con phải tiếp tục chương trình ở đại học. Con chào ba mẹ, bước đi mà trong lòng buồn man mác. Con phải rời xa gia đình một thời gian, mang đi những khoản tiền do cha mẹ vất vả lao động kiếm được, xa đứa em gái mới chập chững vào lớp Một.
Hôm qua, khi con trở lại Sài Gòn, không khí ảm đạm buổi chiều ngày đầu tiên luôn mang đến nỗi nhớ nhà. Cộng với việc đăng kí học phần chuẩn bị cho năm học mới càng làm con cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Lúc ấy, con nghĩ mình phải tìm lại sức sống mạnh mẽ, ngày đầu tiên đi học mà ủ rũ thì cả năm chắc cũng không được phấn khởi. Con lang thang trên những trang web công giáo để tìm sự an ủi, sức mạnh của Chúa qua những bài chia sẻ về Lời Chúa. Và tình cờ, con đọc được bức thư của
Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo gửi cho sinh viên học sinh, nhân ngày khai giảng năm học mới 2015-2016. Sau khi đọc, con cảm nhận được tình thương cao vời mà Chúa dành cho con qua sự quan tâm của Đức cha. Những lời giáo huấn sâu sắc của Đức Cha là động lực để con có thêm sức mạnh, đức tin và sự kiên trì ngõ hầu con thăng tiến về kiến thức, nhân cách và lòng mến Chúa yêu người.
Đức Cha Giuse mời chúng con hãy
“khám phá và trân trọng những giá trị, những điều tốt đẹp trong nền văn hóa của quê hương Việt Nam”. Thật thế, đó là nền văn hóa chứa nhiều
“giá trị thiêng liêng và nhân bản”, tạo nên nếp sống đẹp, đầy lòng nhân ái và tình nghĩa. Như ý nghĩa sâu sắc của từ văn hóa trong phần nhiều ngôn ngữ Âu châu, “văn hóa” có gốc từ "cultus" của tiếng La Tinh (từ đó mới phát sinh từ culture tiếng Pháp, cultures trong tiếng Anh và kultur của tiếng Đức) mang ý nghĩa cơ bản là trồng trọt, cày cấy, xuất phát từ, được dùng theo nghĩa Cultus Agri nghĩa là "gieo trồng ruộng đất" và Cultus Animi là "gieo trồng tinh thần" tức là "sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người" cho nên nhà triết học người Anh Thomas Hobbes (1588 - 1679) nói: "Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần"
[1].
Thế nhưng, dù chúng ta có kho tàng văn hóa tốt đẹp ấy, nhưng người trẻ chúng con đang dần bị mai một bởi xu hướng tục hóa, lối sống thích hưởng thụ, đam mê những thú vui vô bổ không lành mạnh. Lời nhắn nhủ của Đức Cha đã đánh tan nỗi buồn tủi, nhớ nhà, sự chậm cầu tiến đang ngự trị trong con… Những lời dạy dỗ tác động đến cõi lòng đầy yếu đuối, giúp con ý thức rằng mình là sinh viên Công giáo, là Ki-tô hữu và là con Chúa.
Con ý thức như lời Đức Thánh Cha Phanxico nhắn ngủ các bạn trẻ Châu Á mà Đức cha có nhắc lại: qua hồng ân thánh tẩy con được là con Chúa, có Chúa Thánh Thần và với Bí tích Thêm sức, Chúa Thánh Thần lại ban thêm bảy đặc ân để con có thể thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa giữa thế gian đang có xu thế tục hóa và hưởng thụ. Như thế, con nhận ra rằng mình có sức mạnh để vượt qua nỗi nhớ nhà; có trí thông minh, khôn ngoan để học tập thật tốt; có lòng kính sợ Chúa và đạo đức để luôn tin yêu Chúa, sẵn sàng giúp đỡ anh em và giới thiệu về Thiên Chúa Tình yêu đến mọi người. Không những thế, con nhận rằng những ơn Chúa Thánh Thần luôn ở và con phải luôn cố gắng rèn luyện, cộng tác thì mới sử dụng hữu hiệu được những ơn thiêng đó hầu vượt qua mọi khó khăn.
Trong thư, Đức Cha đã dùng câu chuyện
Chỉ buộc chân voi của tác giả Phạm Quỳnh trong
Hoa đường tùy bút, làm ví dụ minh họa sống động cho sự thanh luyện trong tình yêu. Câu chuyện ấy khiến con thay đổi cái nhìn về sự rèn luyện. Con nhận thấy rằng dù là những điều nhỏ nhặt mà không phù hợp với giáo huấn của Chúa và Giáo Hội thì dù nhận được những lợi ích lớn cho thân xác cũng không làm, những việc nhỏ mà có ích cho phần hồn thì cũng không nên bỏ qua. Luôn giữ kỉ luật bản thân để thăng tiến trong cuộc sống. Câu chuyện đơn sơ mà sâu sắc thúc đẩy lòng hướng thiện trong con, tiếp thêm sự siêng năng, chuyên cần học tập, thêm lòng đạo đức và yêu mến Thiên Chúa.
Đọc tới đoạn cuối bức thư, con thật sự cảm động trước tình thương dào dạt của Đức Cha Giuse dành cho chúng con – sinh viên học sinh: Ngài không những giảng dạy, nhắc nhở mà còn củng cố tinh thần cầu tiến trong con. Qua đó con nhìn thấy Đức Cha Giuse với tâm tình người cha, người thầy đang đồng hành với chúng con và con tin chắc chắn Thiên Chúa sẽ đổ đầy ân sủng, cũng như ban ơn can đảm giúp chúng con cố gắng học tốt, ý thức rèn luyện nhân cách và sẵn sàng làm chứng về Thiên Chúa trong mọi môi trường.
Con chân thành cảm ơn Đức Cha Giuse. Nguyện xin Chúa ban cho Đức Cha mạnh khỏe để hướng dẫn những con chiên lạc đàn về với Chúa.
Xin Thiên chúa và Mẹ Maria cũng chúc lành học sinh, sinh viên chúng con!
Phêrô Trần
Sinh viên năm III, Đại học Luật TP.HCM.
[1] Cơ sở giáo dục nhân bản…Nxb Từ điển Bách Khoa, 2012