Chúa nhật, 22/12/2024

Giáo Hội và Người Trẻ

Cập nhật lúc 14:45 03/07/2020


Trong thư chung gửi cho Cộng đồng Dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ, sau Đại hội lần thứ XIV tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 – 2022). Điều đó cho thấy Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam nói riêng muốn dành sự quan tâm đặc biệt cho người trẻ, được soi sáng bởi Tông huấn Chúa Kitô đang sống của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong bài viết này tôi chỉ muốn trình bày một vài quan sát cá nhân về đời sống của người trẻ trong Giáo hội Việt Nam và cách Giáo hội đang đồng hành với các bạn trẻ. Tôi nhận thấy rằng người trẻ tham gia sinh hoạt trong Giáo hội ở 3 lãnh vực chủ yếu là: (1) nghi thức phụng vụ, cách riêng là thánh lễ; (2) học giáo lý; (3) các đoàn thể Công giáo. Vậy các bạn trẻ đóng vai trò như thế nào trong Giáo hội qua những sinh hoạt đó?

Trước hết, phải thừa nhận là hiện nay người trẻ chưa có nhiều tiếng nói trong đời sống của Giáo hội, bởi vì các bạn không muốn lên tiếng hoặc là không có cơ hội được lên tiếng. Trong phụng vụ, ngoại trừ một vài sự kiện đặc biệt có thánh lễ được tổ chức riêng dành cho các bạn trẻ, những thánh lễ hay nghi thức còn lại hầu hết là “của người lớn” và người trẻ chỉ là yếu tố “phụ thêm”. Lấy ví dụ, trong các bài giảng hằng ngày của các linh mục, liệu các ngài đã quan tâm đến đối tượng lắng nghe là các bạn trẻ không? Bài giảng có chứa đựng thông điệp nào gần gũi với đời sống của các bạn trẻ không? Ngược lại, đôi khi các bài giảng chỉ trình bày kiến thức thần học xa vời, những bài học đạo đức “biết rồi khổ lắm nói mãi” hay thậm chí là những lời răn đe dọa nạt. Nhà thờ có nguy cơ trở thành một nơi xa lạ với các bạn trẻ bởi vì các bạn không tìm gặp và cảm nếm được vị ngọt ngào êm dịu của Chúa Giêsu trong phụng vụ, trong mục vụ hay trong cung cách hành xử của các vị mục tử trong Giáo hội. Như thế, ngoài việc tới nhà thờ tham dự thánh lễ thì các bạn trẻ không thấy chỗ đứng của mình trong việc đóng góp xây dựng giáo xứ.

Cách thức tổ chức các lớp học Giáo lý hiện nay cũng là yếu tố quan trọng khiến người trẻ chưa có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình. Phần lớn các lớp giáo lý trở thành nơi truyền thụ kiến thức hơn là môi trường đối thoại và chia sẻ về đức tin. Người trẻ buộc phải chấp nhận lắng nghe, học thuộc, trả bài về những gì họ chỉ biết học thuộc lòng thôi chứ không được giải thích thỏa đáng. Có nhiều bạn đi học giáo lý chỉ vì gia đình bắt buộc hay chỉ để thỏa mãn điều kiện chuẩn bị hôn nhân. Chính những lý do trên làm cho các giờ giáo lý trở thành gánh nặng và gây áp lực cho các bạn trẻ. Thật vậy, người trẻ khi được khuyến khích đặt vấn đề, chất vấn, thậm chí là nghi vấn về các chủ đề đức tin dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của mình thì họ sẽ thấy hứng thú hơn khi học giáo lý. Lý do là bởi vì họ thấy rằng ý kiến của họ được Giáo hội lắng nghe, đón nhận và diễn giải để giúp họ hiểu rõ hơn về những vấn đề đụng chạm đến chính cuộc sống của họ.

Có thể nói môi trường các bạn trẻ có cơ hội thể hiện mình nhiều nhất là các đoàn thể như Ca đoàn, Thiếu nhi Thánh Thể, sinh viên Công giáo, nhóm Bảo vệ sự sống… Tuy nhiên, những tổ chức hội đoàn như thế này có thực sự là của người trẻ và cho người trẻ hay không lại là một vấn đề khác. Các đoàn thể có thể chỉ là nơi người lớn quy tụ để dạy dỗ và hướng dẫn người trẻ. Tất nhiên đó là mục đích rất tốt đẹp và cần thiết, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ là vai trò của người trẻ không được đánh giá đúng mực, thậm chí là không được tin tưởng và khuyến khích để chủ động sáng tạo đưa ra những phương hướng hoạt động phù hợp với các bạn; mọi việc phải được sắp xếp theo kế hoạch của người lớn. Khi đó các bạn trẻ trở thành “sản phẩm” đào tạo của người lớn hơn là có không gian riêng để trở nên chính mình.

Vậy làm thế nào để Giáo hội có thể lắng nghe người trẻ được tốt hơn? Tôi xin đưa ra 3 gợi ý như sau. Trước hết, phải nhận ra và tôn trọng sự khác biệt giữa các thế hệ, đó là sự thật không thể phủ nhận. Theo đó người lớn cần phải khiêm tốn thừa nhận rằng tuổi trẻ của họ khác xa so với lối sống của các bạn trẻ ngày nay. Do đó những nhận định hay những khuyên răn dạy bảo chỉ thực sự hữu ích và được các bạn trẻ đón nhận khi họ cảm nhận được rằng người lớn đã cố gắng hiểu, thông cảm và đi vào thế giới của họ chứ không chỉ là lấy quyền bên trên áp đặt họ. Thứ đến, hãy mạnh dạn tin tưởng vào tâm huyết và khả năng của người trẻ. Phải nói rằng các bạn trẻ ngày nay năng động và sáng tạo hơn các thế hệ trước rất nhiều. Có rất nhiều công việc trong Giáo xứ hoàn toàn có thể giao cho người trẻ đảm nhận, thậm chí họ còn làm tốt hơn cả người lớn. Các bạn trẻ không chỉ là những người cần được dạy dỗ mà còn là những thầy dạy cho người khác bởi sự đơn sơ nhiệt huyết của họ. Cuối cùng, có liên quan đến điều vừa mới đề cập, đó là cần tạo môi trường để người trẻ được thể hiện, đóng góp trong đời sống của Giáo hội. Môi trường ở đây không chỉ là để đón nhận những điều tích cực mà còn chấp nhận cả những bồng bột, thiếu sót, sai sót của người trẻ để các bạn có cơ hội được lớn lên.

Tôi muốn dành phần còn lại của bài viết để ghi chép đôi điều muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ trong tư cách là một người không thuộc lớp trẻ trong Giáo hội. Trong diễn văn chào mừng đại hội  các bạn trẻ nước Ý ngày 11/8/2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã sử dụng một hình ảnh rất ý nghĩa khi nói về tương quan giữa người trẻ và người lớn: “Tôi rất vui mừng khi thấy các bạn chạy nhanh hơn những người chậm chạm và sợ sệt trong Giáo hội. Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các bạn trong cuộc đua này. Giáo hội cần đến sự nhiệt huyết, trực giác và đức tin của các bạn. Chúng ta cần nó! Và khi các bạn đến nơi mà chúng tôi chưa theo kịp, xin kiên nhẫn chờ chúng tôi, như Gioan chờ Phêrô trước ngôi mộ trống.” Đó là những lời đầy tính tính khích lệ từ vị chủ chăn Giáo hội dành cho các bạn trẻ. Do vậy, các bạn trẻ hãy cứ mạnh dạn tiến bước trong đời sống đức tin, hãy sống tương quan với Chúa theo cách của mình, vì Giáo hội cần đến sự năng động của các bạn. Chỉ xin các bạn kiên nhẫn chờ những người khác không còn sức trẻ như các bạn, để chúng ta cùng nhau tiến bước đến đích.

Thứ đến, các bạn hãy tạ ơn Chúa vì ơn đức tin mà ông bà cha mẹ đã truyền lại cho các bạn. Họ là những người đã từng sống tuổi trẻ như các bạn, cũng đối diện với rất nhiều thách đố và quan trọng là họ có kinh nghiệm vượt qua nhờ Đức tin. Trong buổi nói chuyện với các bạn trẻ và các gia đình tại Iasi, Rumania ngày 1/6/ 2019, Đức Phanxicô nhắc nhở mọi người khi trưởng thành về mọi mặt thì không được quên bài học đức tin quý giá từ gia đình, vì đó là kho tàng khôn ngoan của tuổi tác. Chính đức tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ của thế hệ đi trước đã giúp họ tiếp tục tiến bước và không bao giờ bỏ cuộc. Các bạn là thế hệ tiếp nối đón nhận và sống chứng từ đức tin như ông bà cha mẹ của các bạn.

Cuối cùng, Giáo hội chính là cộng đồng sống đức tin, là nơi nuôi dưỡng đời sống đức tin của các bạn, và Giáo hội trở nên sống động cũng nhờ vào hoa trái đức tin của các bạn. Do đó, xin các bạn rộng lượng tha thứ cho những người lớn chúng tôi nếu chúng tôi đã không nêu gương sáng đức tin cho các bạn, thậm chí không ít người đã làm các bạn bị tổn thương. Chọn lựa đứng ngoài cuộc phê phán chỉ trích hay là chung tay đóng góp xây dựng cho Mẹ Giáo hội chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện hơn, tôi tin rằng các biết rõ điều gì nên làm. Chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa và cầu nguyện cho nhau để giúp nhau nên thánh.

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Nguồn: dongten.net

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log