Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:
Trước vấn nạn trên, Giáo Hội họp bàn cùng với người trẻ để đưa ra con đường giới thiệu Chúa Giêsu. Đó là con đường “đi ra tìm kiếm”. Với phong cách và tâm hồn người trẻ, lối nẻo này rất hấp dẫn. Bởi, khởi đi từ khả năng người trẻ, Giáo Hội ủng hộ và đồng hành với người trẻ, để Chúa Giêsu được đến gần với người trẻ khác. Do đó, con đường này không gò ép, bắt buộc hoặc miễn cưỡng nói về Chúa. Ngược lại, Giáo Hội tin tưởng người trẻ: “biết cách tổ chức các lễ hội, các cuộc thi đua thể thao và các em cũng biết cách Phúc Âm hoá trên các mạng xã hội bằng các sứ điệp, bài hát, video và những cách khác.” (số 210).
Trong những sân chơi đó, mỗi người đều tự do ngôn luận, tự do sáng kiến và cùng nhau bàn thảo. Dựa trên tình bạn và tôn trọng lẫn nhau, người trẻ có thể cùng nhau làm việc. Để qua không gian thoải mái đó, người trẻ có cơ hội kinh nghiệm về Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Thiên Chúa có cách tuyệt vời để nối kết và dẫn đưa người trẻ theo con đường tốt lành. Một khi có kinh nghiệm về Thiên Chúa, theo cách rất riêng của mình, người trẻ Công giáo dễ gần gũi với các bạn khác trong mọi môi trường. Họ có thể trò chuyện với nhau, về mọi vấn đề ở quán cà phê, quán ăn, nơi đại học, trong nhóm trên không gian mạng, trong những cuộc vui chơi…
Đó thực sự là không gian mở để Thiên Chúa được giới thiệu. Chúa không muốn bị giam trong nhà thờ, nhà xứ hoặc những giáo điều chật hẹp. Đã đến lúc người trẻ cần ra đi, lên đường tìm kiếm. Hoặc nói đúng hơn, các bạn trẻ đã có những không gian như thế. Có điều lúc này, Giáo Hội mời gọi họ mạnh mẽ, chân thành chia sẻ cuộc sống, ước mơ và niềm tin của mình cho các bạn khác. Đừng lôi kéo người khác bằng những lý thuyết. Điều ấy sẽ thất bại! Ngược lại, chúng ta luôn được đánh động bởi những ai sống tốt lành, đơn sơ và dễ mến. Trong đường hướng này, Đức Giáo Hoàng ủng hộ người trẻ: “phải dành đặc quyển cho ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu vô vị lợi, liên hệ và hiện sinh, là tình yêu chạm đến con tim, vươn đến cuộc sống, đánh thức hy vọng và các ước vọng.” (số 211).
Tôi không biết các bạn đang chơi với nhóm nào nơi môi trường đại học, công sở hoặc nơi làm việc? Dù ở nhóm nào đi nữa, ước mong mỗi người sống chân thật và nhiệt tình. Có người nói: thời nay sống thành thật có mà chết đói à! Tôi không tin vào khẳng định đó. Thật thà là con đường của Chúa Giêsu, của người giới thiệu, chia sẻ đức tin cho tha nhân. Chắc chắn không ai tin người gian dối, lọc lừa, phải không bạn? Nhiệt tình để dành thời gian cho nhau, cho nhóm. Một khi vui chơi, cười đùa, họp bàn, cầu nguyện và hội hè cùng nhau, Thiên Chúa có thể giúp người trẻ kinh nghiệm về chính Ngài. Trên hết, kinh nghiệm về Thiên Chúa là điều quan trọng nhất. Khi bạn có kinh nghiệm về Thiên Chúa, bạn sẽ có cách chia sẻ đức tin ấy cho người khác theo phong cách trẻ trung, sinh động.
Làm sao để có được kinh nghiệm với Thiên Chúa? Đây là cách thứ hai mà Đức Giáo Hoàng nói với người trẻ về “sự tăng trưởng” trong đức tin.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn người trẻ hãy để ý đến kerygma[1] (lời công bố ban đầu). Nghĩa là suy cho cùng, kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa là: Đức Kitô đã chết và Phục Sinh. Trong những lúc ta, hoặc những người bạn gặp chuyện buồn sầu, đau khổ, Đức Giêsu đau khổ cũng đang ở đó. Ngài hiểu những đau đớn của người trẻ đang đương đầu. Khi gặp khổ đau, người trẻ cần người khác hiện diện, đồng hành. Tuyệt vời biết bao khi cảm thấy Đức Giêsu cùng đau khổ với tôi! Nhưng trên hết, trong đau khổ và thất bại, chính Đức Giêsu thắp lên cho tôi niềm hy vọng lớn lao. Sau cơn mưa trời lại sáng. Chúa giúp tôi hồi sinh. Sức sống người trẻ sẽ dồi dào trong Chúa phục sinh.
Từ con đường trải nghiệm đó, ước gì người trẻ xin Chúa cho mình, cho nhóm bạn tìm ra nhiều cách thức chia sẻ đức tin. Làm sao để cảm thấy, đụng chạm được một Đức Giêsu đau khổ và đã sống lại để chia sẻ cuộc sống với chúng ta? Trong mọi hoàn cảnh, thánh Phaolô chỉ cho ta thêm một cách nữa: “vui với người vui, khóc với người khóc.” (Rm 12,15). Chẳng hạn, nếu có đứa bạn nào đó đang buồn, hãy rủ nó đi uống cà phê, trò chuyện với nó, lắng nghe và hiện diện với nó. Khi ấy bạn sẽ biết Thiên Chúa muốn bạn chia sẻ điều gì với nó. Lúc nó vui, hãy chia vui với nó. Đừng “GATO – ghen ăn tức ở” hoặc “NATO – No action, talk only”, nhưng hãy chúc mừng nó. Qua những lần như thế, hy vọng Thiên Chúa có cách gieo vào người bạn ấy niềm tin vào Thiên Chúa tốt lành.
Dĩ nhiên, có thêm những môi trường hữu hiệu khác mà người trẻ cần trải nghiệm về Thiên Chúa. Đó là: “chứng từ, bài hát, chầu Thánh Thể, không gian để suy niệm về Thánh Kinh và cả những khuyến khích khác nhau qua mạng xã hội.” (số 214). Ước gì trong những lần gặp gỡ chân thành, nhẹ nhàng đó, “người trẻ lớn lên trong tình huynh đệ, sống như anh em, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đồng, phục vụ tha nhân, gần gũi người nghèo.” (Số 215) Đó chẳng phải là cách loan báo tin mừng, chia sẻ đức tin như lòng Chúa ước mong sao?
Lạy Chúa Giêsu, đôi khi người trẻ chúng con do dự thực hiện những sáng kiến của mình. Sợ không biết ý kiến ấy có được cha sở, giáo xứ hoặc người hữu trách nhiệm tán thành. Lo vì không biết mình có làm đúng theo Lời Chúa dạy. Thậm chí, có người còn ngại chơi với những ai không cùng tôn giáo. Từ đó, không ít lần chúng con đã bỏ qua nhiều cơ hội tốt lành, để cùng nhau chia sẻ đức tin. Chúng con cứ tưởng loan báo tin mừng là phải nói hùng hồn để thuyết phục người ta. Không! Chúa muốn chúng con thật dễ thương, đơn sơ, năng động và nhiều sáng kiến. Ước gì chúng con cũng có sân chơi bổ ích; để nơi đó, như lời Đức Giáo Hoàng mời gọi:
“Các em sẽ dễ dàng hội nhập hơn với các cộng đồng cởi mở, sống đức tin, ước ao làm rạng danh Chúa Giêsu Kitô, vui vẻ, tự do, huynh đệ và tận tâm. Các cộng đồng này có thể trở thành những môi trường mà ở đó các em cảm thấy có thể nuôi dưỡng các mối liên hệ quý giá.” (số 220)
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Lời rao giảng tiên khởi phải không ngừng vang to: “Đức Giêsu Kitô yêu bạn; Ngài hiến mạng sống mình để cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn.” Xem thêm Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 164).