Đang yêu, lại nói “chắc ta không hợp nhau đâu, mình chia tay nhé, hãy quên em/anh đi”; biết người ta còn thương mình rất nhiều, lại nói “đừng yêu em/anh nữa”; bỗng một ngày, không rõ lý do, “chúc anh/em sau này sẽ có một người yêu mới tốt hơn em/anh và mang cho anh/em nhiều hạnh phúc”; đã từng không thể lìa xa, giờ gặp lại “anh/em là ai vậy?”… Đấy chỉ là một số trong vô vàn những câu nói gây đau lòng nhất thế gian. Chẳng có gì khiến ta hạnh phúc pha trộn nhiều lo lắng thấp thỏm như khi yêu và cũng chẳng có nơi nào mà nỗi đau gây nhức nhối, khó chịu cho bằng cõi lòng. Yêu là hành động của con tim, có ai đủ sức để cấm cản nó? Nhưng sao càng chiều theo nó, càng lại phải chuẩn bị để sẵn sàng đối diện với những câu nói đau lòng kia. Kiểu tình yêu lý tưởng, đơn sơ và vĩnh viễn phải chăng chỉ còn trên lý thuyết hay nơi những thước phim thôi sao?
Điều gì làm trái tim người ta dễ dàng thay đổi đến vậy? Điều gì khiến người ta có thể đành lòng xát muối vào lòng người kia bằng những câu nói như thế? Chẳng lẽ người ta không biết là khi còn yêu đắm say thì người mình yêu là tất cả niềm vui và hạnh phúc, đòi chia tay chẳng khác nào cắt đứt đi mọi nguồn sống? Lại còn bảo người ta đừng yêu mình; yêu hay không yêu đâu phải bởi một câu nói hay một khoảnh khắc là có thể làm được. Đau khổ hơn còn là một giọng điệu êm đềm nhưng đau hơn dao cứa: “chúc anh/em…” Nếu thật lòng mong người kia hạnh phúc, sao không tiếp tục yêu? Cắt đứt tình yêu, làm tan nát trái tim người ta, rồi lại cầu mong người ấy hạnh phúc … Nỡ lòng nào mà làm vậy? Sự phũ phàng còn đi đến đỉnh điểm khi một ngày nào đó gặp lại nhau, ta không còn nhận ra nhau giữa dòng đời. Mọi kỷ niệm tan biến hết, hình ảnh về nhau cũng không còn, một chút ấn tượng về nhau cũng không có. Đã từng là tất cả, nay không còn là gì, chắc chẳng còn nỗi hụt hẫng nào hơn!
Khi đã chọn yêu, ai cũng mong được hạnh phúc với nhau. Yêu ai là dành cho người đó tất cả, là trao quyền cho người đó định đoạt niềm vui nỗi buồn của mình. Yêu là để ở cùng nhau. Càng yêu, người ta càng cố tận dụng mọi khoảnh khắc để có thể gắn bó với nhau. Chứ có ai yêu để chia tay nhau. Yêu là để hạnh phúc, chứ ai lại yêu để chuốc khổ đau vào mình. Chia tay khi hết yêu xem ra có vẻ dễ dàng. Còn yêu mà nói lời tạm biệt chính là đi ngược lại với sự thúc đẩy tự nhiên của tình yêu, bởi đó mà lòng ta mới đau, không hiểu chuyện gì, càng không thể chấp nhận sự thật quá phũ phàng cay đắng. Có lẽ đây là cái làm cho tình yêu vừa đáng yêu vừa đáng sợ: nó có thể đưa người ta lên chín tầng trời, cũng có thể khiến người ta chìm sâu trong ngục tối.
Nếu người ta muốn cắt đứt, lại còn ban phát cho mình những câu chúc như thể vẫn còn thương và mong mình hạnh phúc thì đã đủ biết người ta còn “tử tế” với mình đến dường nào rồi. Đau lòng là thế, nhưng cũng chỉ biết ngậm cười để đón nhận sự thật thôi. Chắc cũng chẳng dám mong là có thể sớm quên được và trở lại bình thường. Lời chúc kia chắc cần nhiều thời gian để thành hiện thực. Có hụt hẫng đến đâu cũng phải cố gắng hiểu một điều là tình yêu cần cả đôi bên xây đắp, một mình ta thì chẳng thể làm gì. Người ta đã hết yêu nên dễ dàng chấm dứt, còn nếu mình cứ mãi yêu, ấy là lỗi của mình thôi, nào có thể trách ai? Trong tình yêu, không phải cứ chân thành và hy sinh hết mình là được thoả đáp. Không yêu thì có cố gắng níu kéo cũng chẳng ích gì. Yêu gượng gạo thì cũng chẳng tự nhiên, cảm xúc càng không có.
Sau một tình yêu đổ vỡ, trái tim ta bỗng khô cứng và mất dần niềm tin, cõi lòng ta khép lại như một phản xạ để tránh những cơn đau. Ta trở nên chai lì, chẳng còn mấy rung động và hồ hởi khi nhắc đến tình yêu nữa. Sau tất cả, ta đành tự an ủi mình về những bài học nhận lãnh, rằng nó làm mình lớn lên, được trưởng thành, thấy rõ hơn về sự muôn màu của cuộc sống. Gặp, yêu rồi chia tay, âu cũng là một kỷ niệm đẹp, ít ra có một khoảng thời gian nào đó trong đời, ta đã sống trọn vẹn với cảm xúc, đã bung ra tất cả niềm hứng khởi và khát khao cháy bỏng trong mình. Nó làm nên một phần trong ký ức, dù có nhuốm chút cay cay. Ta nhủ lòng thế để tự chữa lành mình và cũng để cảnh tỉnh mình trước những phút bồng bột vội học yêu khi chưa đánh vần được chữ ngờ.
Tạm biệt nhau rồi, ta mới nhận ra rằng tình yêu là một ơn ban chứ không phải chuyện cưỡng cầu; đến được với nhau và gắn bó với nhau trọn đời là duyên nợ, chứ không phải do mình tự quyết. Khi con tim quá đau, lặng nhìn nhau thay cho lời cần nói. Ta trả về cuộc đời những thứ thuộc về nó, chỉ giữ lại cho mình những gì của ta. Một cõi riêng, một chốn âm thầm. Thời gian cứ trôi với những diễn biến của nó. Có một vết sẹo trong tim cũng là một dấu ấn hay. Ta tập buông những gì cần buông, đón nhận những gì xảy đến, tự tạo niềm vui cho mình. Mong là đến một lúc nào đó, nắng lại lên, hoa lại nở, ta bắt gặp được người sẽ làm ta hạnh phúc, tình yêu sẽ được đong đầy theo ý định nhiệm mầu của Tạo Hoá.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ