CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tháng 10. 2014
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
|
|
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Nhà Tiệc Ly là tế bào đầu tiên của Giáo hội truyền giáo, vì từ đó đã phát xuất nhân chứng đầu tiên của Đức Kitô Phục sinh, gia đình anh chị em không những phải truyền giáo cho nhau, mà còn phải là công cụ truyền giáo của Giáo hội nữa. Anh chị em phải truyền giáo bằng lời nói, bằng gương sáng, bằng chứng tá của tập thể gia đình. Công Đồng Vaticanô II đã viết: “Tất cả những việc ngày xưa vốn là bổn phận vợ chồng, thì ngày nay còn phải coi như là phần quan trọng của việc tông đồ. Đó là phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống, tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối... gia đình sẽ chu toàn sứ mệnh đó, nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo hội trong nhà, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, cùng nhau tham dự phụng vụ của Giáo hội; sau cùng, nếu gia đình cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh chị em đang túng thiếu” (TĐ. 11).
Trước hết, anh chị em biểu lộ và làm chứng sự thánh thiện và bất khả phân ly của tình yêu hôn phối, nghĩa là vợ chồng sống vĩnh viễn trung thành với nhau, bên ngoài cũng như trong tâm hồn, hiệp nhất, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, ăn ở lương thiện, đạo đức gương mẫu trong việc nuôi dưỡng giáo dục con cái.
Kế đến, anh chị em làm gương về tinh thần cầu nguyện, được biểu lộ trong giờ kinh gia đình, giờ kinh mà mọi người đều tham dự ý thức, linh động và hữu hiệu (PV. 11). Đồng thời toàn thể gia đình cùng sốt sắng tham gia việc phụng vụ trong giáo họ, giáo xứ.
Sau cùng, gia đình anh chị em làm tông đồ bằng gương yêu thương và công bằng là hai nhân đức căn bản trong đời sống xã hội. Khi còn tại thế, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã khuyên chúng ta hãy “lấy chân lý làm nền tảng, công bằng làm quy tắc, bác ái làm động lực, và tự do làm bầu khí, cho mọi người giao tiếp trong đời sống hằng ngày.”
Thưa anh chị em,
Là những gia đình đã được đón nhận đức tin trước hay có đức tin vững vàng hơn, anh chị em với tư cách là gia đình hãy góp phần thánh hóa các gia đình khác. Đây là việc tông đồ giữa gia đình hay giữa hai gia đình kết nghĩa với nhau. Xung quanh anh chị em, đang có những gia đình đau khổ, nghèo đói, ly tán, cô đơn, bất hòa, nhiều gia đình bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị áp bức, bệnh tật. Lá lành đùm lá rách, anh chị em có thể làm ngơ hay sao? Hãy yêu thương và nâng đỡ những gia đình ấy! Chúa Giêsu nói trong Tin mừng là những gì làm cho một người bé nhỏ trong anh em, cá nhân hay gia đình là làm cho chính Ngài (Mt 25, 40).
Ngoài ra, chúng ta còn phải hiểu để hành động trên nhiều bình diện khác, rộng lớn hơn, như bệnh vực phẩm giá và những quyền lợi cơ bản của gia đình, đấu tranh để bãi bỏ những tập quán không phù hợp với ơn gọi của đời sống hôn nhân như đa hôn, đa thê, ly dị, hôn nhân đồng tính, ngoại tình, phá thai, ngừa thai …; đồng thời, cổ vũ bảo trợ trẻ em và các bà mẹ, nâng đỡ những gia đình đông con, ủng hộ những công trình phúc lợi và những điều luật phục vụ những quyền lợi của gia đình, tạo cho xã hội một bầu khí lành mạnh hơn.
Ước mong rằng mỗi anh chị em Khôi Bình viên luôn ý thức được sứ mệnh Loan báo Tin mừng của mình và từ đó biến gia đình mình trở thành một điểm sáng truyền giáo.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: LỄ khánh nHẬT TRUYỀN GIÁO 2014
Is 2, 1 - 5; Ep 3, 2 - 12; Mt 28,16 - 20
Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta nghe âm vang lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Chúa Giêsu không nói riêng cho hàng giáo sỹ hay giới tu sỹ. Chúa mời gọi tất cả mọi người. Trong thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” Thánh Gioan Phaolô II đã viết: “Không một ai trong những người tin Chúa Kitô, không một tổ chức nào trong Hội Thánh được miễn khỏi trách vụ cao cả này, đó là loan báo Chúa Kitô cho mọi người” (Số 2, 3).
Chúa không đòi hỏi chúng ta khả năng, bằng cấp, học vị mà chỉ cần có nhiệt huyết làm tông đồ cho Chúa. Chúa cũng không đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết tín lý thần học sâu xa, hay luân lý uyên thâm, Chúa chỉ cần chúng ta có lòng quảng đại dấn thân mở mang nước Chúa. Chúa Giêsu đã sai 72 môn đệ ra đi với đôi bàn tay trắng, thế mà khi trở về ai cũng vui mừng vì thành quả họ đã đạt được. Chúa đã thưởng công cho mỗi người như nhau, không phân biệt người đạo gốc hay mới theo đạo. Từ người thợ giờ thứ 9 cho tới giờ thứ 11 đều được ân thưởng theo lòng nhân từ của Chúa.
Vậy đâu là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất cho cho con người hôm nay? Dĩ nhiên có nhiều cách thức truyền giáo. Cầu nguyện là ưu tiên, vì chỉ có Chúa mới làm cho người ta tin theo Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha: Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Tuy nhiên, chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện mà thôi thì chưa đủ. Nếu như thế mới chỉ là hành vi trả lại công bằng cho Chúa, vì việc tạ ơn là hành vi đền đáp lại ân ban của Thiên Chúa dành cho con người.
Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Ngôi lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Chúa Giêsu là Lời hằng sống gieo vào thế gian, nhưng Lời đã mang lấy xác phàm giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Ngôi Lời đã trở thành nguồn ơn cứu độ để những ai tiếp xúc với Ngài đều có thể nhận lãnh được sự sống dồi dào cả tinh thần lẫn thể xác. Ngôi Lời đã mặc lấy thân phận con người, để có thể gần gũi, cảm thông và chia sẻ với những khổ đau của con người. Cuộc sống của Ngài đã trở thành lẽ sống cho con người, “sống để yêu thương”, và Ngài đã đi trọn con đường tình yêu là “dám chết cho người mình yêu.” Vì vậy, cách thức duy nhất mà Chúa trối lại cho chúng ta là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Lời Chúa và giáo huấn của Ngài phải trở thành cung cách sống của người tín hữu. Một đời sống bác ái yêu thương mới thực sự là phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu về Chúa cho tha nhân. Không có gì ảnh hưởng tốt cho bằng những gia đình Công giáo sống hoà hợp yêu thương nhau, biết giáo dục con cái, lại biết nghĩ đến xóm giềng và sẵn sàng giúp đỡ họ khi họ cần đến mình. Không có gì đẹp cho bằng một gia đình Công giáo biết sống khiêm tốn, kính trọng, đoàn kết với các gia đình khác để góp phần xây dựng đời sống tốt đẹp bằng cách tôn trọng công ích, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá để giảm bớt đói nghèo, và cổ võ sự hoà hợp an lành trong thôn xóm …
Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Mang danh Kitô hữu và sống đời Kitô hữu phải nên một trong con người có đạo mới thực sự trở thành chứng nhân cho Chúa. Người ta kể rằng trong một xưởng thợ có cả trăm công nhân, trong đó chỉ có một người Công giáo. Vào một ngày nọ, ông chủ muốn thử thách tinh thần trách nhiệm của các công nhân, ông thông báo từ mai sẽ đi công tác vài ngày. Và hôm sau ông lên xe đi thật. Nhưng chỉ một ngày sau ông bí mật trở về và âm thầm theo dõi các công nhân. Ông nhận thấy ai cũng làm việc lười biếng và uể oải, chỉ riêng có một người thợ vẫn làm việc rất chăm chỉ hết mình, và người đó lại là người Công giáo. Vài ngày sau ông bí mật rời xưởng thợ và trở về. Sau đó, ông gọi người Công giáo lên và nói: Tôi đã thấy đức tin của anh. Một năm sau ông xin học đạo và theo Chúa.
Mỗi khi chúng ta làm một việc tốt là chúng ta đang làm cho vương quốc của Chúa mau đến, vì vương quốc của Chúa là công chính, tình thương. Chúng ta làm cho danh Chúa cả sang tức là làm cho người khác biết chúng ta là con cái Thiên Chúa, Đấng nhân hậu từ bi, luôn luôn yêu thương và trợ giúp các con cái Ngài.
Ước mong, mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta phải truyền giáo bằng đời sống của mình. Chúng ta phải sống đạo, sống Lời Chúa thế nào để mọi người chung quanh có thể đọc được Tin mừng của Chúa và thấy Chúa qua chính con người chúng ta, qua đời sống chúng ta. Làm như thế là chúng ta đang truyền giáo, đang loan báo Tin mừng.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Theo ý anh chị, tại sao ít người Việt Nam theo đạo Công giáo? Có gì cần sửa đổi để người khác dễ chấp nhận đạo chúng ta hơn không?
2. Gia đình Khôi Bình giáo xứ của anh chị đã thi hành sứ truyền giáo như thế nào? Hãy liệt kê những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm trong tương lai?
3. Bản thân anh chị đã thúc đẩy các thành viên trong gia đình thi hành sứ vụ truyền giáo như thế nào?
II. HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Bài số 04
CÁC KHÍA CẠNH KHÁC NHAU CỦA CON NGƯỜI
Con người giống Thiên Chúa nhưng không bao giờ là Thiên Chúa. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, chứ không là chính Thiên Chúa. Hai nét thường hằng ấy trong định nghĩa về con người sẽ được thấy trong mọi khía cạnh khác nhau của bản tính con người. Như con người vừa là hồn cũng là xác; con người vừa hướng lên siêu việt vừa bám chặt vào thực tế; con người vừa rất tự dọ vừa bị giới hạn; con người vừa bình đẳng với nhau về phẩm giá vừa khác nhau về các mặt khác; con người vừa mở ra với xã hội vừa là bản thân mình.
1. Con người là hồn xác thống nhất
Con người vừa không chỉ là những gì mà chúng ta trông thấy, cảm nhận, phân tích, nắm bắt được vì có cùng có hạn (xác), mà còn là những gì chúng ta không trông thấy, không cảm nhận, không phân tích, không nắm bắt được vì vô cùng vô hạn (hồn). Trong thực tế, hai yếu tố này không tách rời nhau mà lệ thuôc nhau, như không thể có thân xác con người mà không có linh hồn (bằng không đó chỉ là tử thi !) và không thể có linh hồn con người mà không có thân xác (bằng không đó chỉ là ảo ảnh, không có mặt trên đời và chẳng ai biết, không thể giao tiếp với ai và chẳng ai giao tiếp được !).
Kết quả là không ai có thể tự hào là biết hết về con người và nắm bắt con người, kể cả bản thân mình, vì nơi con người luôn luôn có một điều gì đó vuột khỏi tầm tay và trí khôn chúng ta: “con người vẫn luôn luôn là một mầu nhiệm”. Chính vì lý do đó, chúng ta chẳng những không bao giờ được coi khinh và xài xể con người mà còn phải luôn kính trọng và yêu mến con người, bất luận mình có thể hiểu con nguời nhiều tới mức nào.
2. Con người vừa hướng lên siêu việt vừa bám vào thực tế
Nhờ hồn con người là vô chất và thiêng liêng, là vô hạn và vô biên, nên con người có thể hướng lên một điều gì đó không thuộc thế giới hữu hình và vật chất, thậm chí có thể đi vào thế giới thiêng liêng và vô biên ấy để gặp gỡ và tiếp xúc với Thiên Chúa. Nếu vậy, hướng đến cõi tâm linh hay bước vào thế giới siêu việt, hay xa hơn nữa, giao tiếp với đấng là chủ tâm linh hay là chủ thế giới siêu việt ấy là một điều con nguời vừa có thể làm được vừa bị đòi hỏi phải làm. Nói cách khác, tôn giáo hay ít là hướng đến một thế giới khác và đấng làm chủ thế giới ấy vừa là điều con người có thể, vừa là điều con người phải làm. Theo nghĩa ấy, vô thần tuyệt đối là điều không thể có.
Nhờ xác con người là vật chất, khả giác và hữu hạn, nên con người có thể bám vào thực tế trần gian, thậm chí không thể tách rời được trừ khi chết. Như vậy, bị tác động bởi thế giới hay tác động trên thế giới là điều con người vừa có thể vừa buộc phải chịu đựng cũng như tác động. Theo nghĩa ấy, không thể có thiêng liêng hay siêu thoát thật sự cách tuyệt đối.
3. Con người vừa rất tự do và bị giới hạn
Với linh hồn thiêng liêng và khả năng hướng tới siêu việt, con người có thể không bị nô lệ cho một cái gì và được tự do thật sự.
Nhưng dù có được tự do tới mức nào, con người vẫn không thoát được những giới hạn đi đôi với thân phận con người, như những giới hạn của phái tính, không gian, thời gian…, đó là chưa kể tới những giới hạn mà con người phải tự nguyện chấp nhận để được tồn tại và phát triển đúng đắn, như các giá trị vĩnh hằng, các chuẩn mực phổ quát, các luật lệ công bằng. Tuy nhiên, chẳng những không vì thế mà con người mất tự do mà còn nhờ đó vươn tới sự tự do đúng nghĩa hơn: tự do là khả năng làm được điều tốt và điều tốt nhất.
4. Con người vừa bình đẳng vừa khác nhau
Cùng là hình ảnh Thiên Chúa, cùng có chung những đặc điểm, cùng theo đuổi chung một định mệnh sau hết là trở nên giống Thiên Chúa và được hạnh phúc của Thiên Chúa, chắc hẳn mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá. Thế nên, mọi kỳ thị hay chia rẽ nhân danh một điều gì giữa người nam và người nữ, người thuộc dân tộc, tôn giáo, giai cấp, phe nhóm, trình độ này và người thuộc dân tộc, tôn giáo, giai cấp, phe nhóm, trình độ kia đều là bất công và sai lầm.
Tuy nhiên, bình đẳng về phẩm giá không có nghĩa là không còn khác biệt giữa con người với nhau về phái tính, tính tình, quan điểm, sở thích, công việc, trách nhiệm…thậm chí, có khác biệt như thế mới làm cho thế giới thêm phong phú và cuộc sống con người được sinh động một cách cần thiết.
5. Con người vừa có tính xã hội vừa là những cá nhân độc đáo
Không những vì có những khác biệt mà con người phải mở ra với người khác để được bổ túc và trở nên sung mãn, mà còn vì từ nguyên thuỷ con người đã được Chúa tạo dựng thành một xã hội, dù xã hội ấy nguyên gốc có thể chỉ có hai người. Con người vừa nhận được nhiều ơn ích từ xã hội vừa phải cống hiến nhiều cho xã hội.
Tuy nhiên, dù có liên hệ mật thiết với nhau tới mức nào và dù xã hội có quan trọng với con người tới đâu, mỗi người vẫn là mình. Người ta không thể rút gọn con người thành một con số giống mọi con số, cũng không thể hy sinh mỗi người cho bất kỳ đề án nào của xã hội. Thậm chí xã hội còn có bổn phận tạo điều kiện cho mỗi người được phát triển.
6. Các quyền căn bản của con người (nhân quyền)
Từ nét căn bản là hình ảnh Thiên Chúa và những đặc điểm quan trọng vừa kể của con người, người ta suy ra được những quyền lợi và nghĩa vụ, căn bản và quan trọng nhất của con người, mà nếu không được tôn trọng và thi hành, các điều căn bản đã được nêu ra trước đó sẽ không còn giá trị trong thực tế nữa. Tất cả quyền lợi và nghĩa vụ ấy đã được nhà luật học người Pháp tên là Jean Cassien đúc kết thành bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, rồi được phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tại phiên họp của Đại Hội Đồng 10.12.1948. Nói thế không có nghĩa là chỉ từ năm ấy con người mới có những quyền lợi và nghĩa vụ căn bản. Các quyền lợi và nghĩa vụ này đã có sẵn trong bản tính con người, mà về sau con người đã phát hiện và công bố. Nếu vậy, nhân quyền là những quyền căn bản, phổ quát, bất biến, không thể sang nhượng, cắt xén hay huỷ bỏ mà mỗi người được hưởng, bằng không con người sẽ không là con người đầy đủ theo đúng ý Chúa khi tạo dựng con người. Đó cũng là những quyền lợi mà quốc tế, quốc gia, xã hội và mỗi cá nhân phải tôn trọng và giúp thực hiện.
Các quyền căn bản này vừa có tính cá nhân (vì lợi ích của mỗi người và trong phạm vi cá nhân) vừa có tính xã hội (vì lợi ích của tập thể và trong phạm vi xã hội) như quyền được sống, được chăm sóc và giáo dục, được tự do tìm kiếm sự thật, phát biểu và thực hành sự thật, quyền lao động và hường thành quả lao động, quyền kết hôn và tổ chức gia đình, quyền hội họp và lập hội, quyền tự do tôn giáo…Các quyền này đã được hầu hết mọi quốc gia trên thế giới hiện nay nhìn nhận và chấp hành. Tuy nhiên, cũng phải thú nhận, từ nhìn nhận sang chấp hành không luôn luôn là điều dễ dàng, mà phải luôn phấn đấu để biến thành sự thật.
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
CÂU HỎI GIÚP HIỂU BÀI
1. Trong các khía cạnh trên đây của con người và đời sống con người, anh chị cho khía cạnh nào cần chú ý nhiều nhất hiện nay, hoặc trong đời sống của cá nhân của mình hay trong đời sống tập thể: vì đã gặt háí được nhiều thành công hay vì đã gặp nhiều thất bại?
2. Khi biết được những khía cạnh vừa kể của con người và đời sống con người, đã được thực hiện thành công hay còn vướng nhiều trở ngại, anh chị có cảm thấy sung sướng khi được làm người và có muốn làm người tốt hơn nữa không?