Thứ tư, 01/01/2025

Radio Người Trẻ: Lý trí con người và cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa

Cập nhật lúc 07:54 15/05/2020

Tác giả: Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến,

Là người trẻ công giáo, hẳn đã không ít lần chúng ta bối rối khi bị đặt trước những chất vấn về Thiên Chúa. Có nhiều chất vấn đến từ bạn bè thầy cô, là những người chúng ta gặp trong môi trường học đường. Có những chất vấn đến từ những người thuộc về các tôn giáo khác, là những người chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Cũng không phải là không có những chất vấn nghi nan đến từ chính trong tâm hồn chúng ta.

Thiên Chúa là ai với tôi? Tôi hiểu gì về Thiên Chúa? Tại sao tôi tin là có Chúa? Tôi có thể giải thích rõ ràng đến mức nào về niềm tin của mình? Phải chăng tôi chỉ tin vào điều mình không thấy, không biết, không giải thích được…

Tìm hiểu và giải thích về Thiên Chúa một cách hữu lý luôn là một lời mời gọi bất khả cưỡng kháng đối với mỗi con người có trí khôn. Từ nhỏ, từ trong gia đình và xứ đạo của mình, chúng ta lãnh nhận niềm tin vào Thiên Chúa. Lớn lên thành một người có trí khôn, chúng ta mong có thể dùng trí khôn để hiểu rõ về đức tin của mình. Đó quả là một mong ước chính đáng.

Tuy nhiên, ước mong rằng lý trí có thể đưa ra một câu trả lời trọn vẹn về Thiên Chúa quả là một ước muốn không tưởng. Trước khi đặt câu hỏi Thiên Chúa là ai, chúng ta có bao giờ tự hỏi con người là ai? Con người chúng ta là ai mà muốn hiểu tường tận về Thiên Chúa? Đầu óc con người liệu có thể chứa đựng được Thiên Chúa chăng? Tôi là ai? Tôi ước mong một Thiên Chúa nào? Không lẽ tôi lại mong mình có thể giải thích được về Thiên Chúa như giải một bài toán? Không lẽ tôi lại ảo tưởng rằng mình có thể hiểu được Thiên Chúa như hiểu một lập trình?…

Đứng trước một nền giáo dục chủ trương vô thần, đức tin của người trẻ công giáo chúng ta hay bị khích bác. Chúng ta hay lúng túng vì thấy người ta cứ đem khoa học ra để hù tôn giáo, đem triết thuyết vô thần ra để phán rằng tôn giáo là lạc hậu lỗi thời. Thật ra, không phải người ta đang nhân danh khoa học, nhưng là đang lèo lái khoa học để phục vụ cho cái ngạo khí vô thần của họ. Một người làm việc tri thức nghiêm túc có bao giờ lại cao giọng khích bác niềm tin của người khác? Một nhà khoa học chân chính có bao giờ lại tuyên bố rằng mình biết rõ mọi sự? Một người khôn ngoan thật sự là người biết nói lên điều mình biết, đồng thời cũng dám thừa nhận rằng có nhiều điều mình không biết. Ngày công bố thuyết tương đối, trước lời tán tụng của nhiều người, nhà bác học Einstein đã đơn sơ phát biểu: “Tôi là một cậu bé, lang thang trên bãi cát, vô tình nhặt được một viên sỏi lạ. Tôi đem khoe với mọi người, và người ta gọi đó là một phát minh vĩ đại…

Vâng, phải thật sự bước vào trong hành trình hiểu biết, con người mới nhận ra rằng những gì mình biết thì còn quá ít ỏi và nhỏ nhoi so với bao điều mà mình chưa biết. Ở một góc độ nào đó, hiểu biết của con người của về thế giới và về Thiên Chúa, nói cho cùng chỉ có thể được ví như cái biết của những chú ếch ngồi dưới đáy giếng. Ếch ngồi đáy giếng mà coi trời bằng vung thì quả là thái độ kiêu hãnh thật đáng thương.

Ngay trong cuộc sống thường ngày đã có biết bao điều mà chúng ta không thể hiểu được và giải thích tường tận chỉ bằng lý trí. Đó không phải là những điều phi lý, nhưng là những điều vượt quá lý trí con người. Đâu phải bất cứ điều gì con người cũng có thể giản lược và bó hẹp vào trong phạm vi của lý trí. Sự tự mãn của những người quá cậy dựa vào lý trí của mình luôn là một chướng ngại cho niềm tin vào Thiên Chúa. Thế nên trong cuộc đàm luận với ông Nimôđêmô, một bậc trí giả của người Do Thái, Đức Giêsu đã nhận xét về cả thời đại của con người: “Thật, tôi bảo thật các ông, chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?”(Ga 3, 11-12).

Tìm kiếm và học hỏi về Thiên Chúa phải là một chuyến hành trình. Trong chuyến hành trính ấy, lý trí đóng một vai trò hết sức quan trọng, nhưng không bao giờ là chỉ dẫn duy nhất. Trong mức độ hiểu biết của con người, Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm. Sẽ vô vọng nếu chúng ta ước mong rằng chúng ta sẽ tin vào Thiên Chúa sau một loạt những lý luận thuần lý. Thiên Chúa là Đấng mà con người tìm kiếm, nhưng tiến trình tìm kiếm ấy phải bao hàm với lòng yêu mến và sự cung kính. Đó là tiến trình tìm để hiểu, hiểu để tin và tin để yêu. Niềm tin soi sáng cho trí hiểu, và hiểu là để tin hơn.

Như thế, Thiên Chúa là một mầu nhiệm vượt quá sức hiểu biết của con người, nhưng lại là một mầu nhiệm luôn mời gọi con người khám phá. Thiên Chúa cho con người có trí khôn là để con người tìm hiểu và khám phá. Nếu việc khám phá những thực tại khác của cuộc sống có thể cho con người chút niềm vui nào đó, thì việc khám phá và tìm kiếm Thiên Chúa chắc hẳn còn có thể cho con người những niềm vui lớn lao gấp bội.

Dù sao đi nữa, người ta chỉ có thể biết về Thiên Chúa khi lòng họ đã ở trong tư thế có thể sẵn sàng đón nhận. Bởi lẽ không ai có thể thể hiểu được điều mà mình đã khăng khăng từ khước. Mỗi khi chọn cho mình phản ứng từ khước ngay từ đầu, con tim người ta đã khép lại, và đầu óc người ta đã sẵn sàng trong tư thế chống cưỡng, làm sao họ có thể được dẫn vào trong một chuyến hành trình tìm kiếm và gặp gỡ! Nước Trời không có chỗ cho những người ngạo mạn và tự phụ, nhưng luôn rộng cửa với những tâm hồn đơn sơ khiêm hạ. Đã một lần Đức Giêsu cất tiếng chúc tụng Thiên Chúa về sự thật ấy: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 25-26). Ước gì mỗi người chúng ta có thể biết cách vận dụng hết lý trí của mình để học hỏi về Thiên Chúa, mà vẫn giữ được trong mình một tâm hồn đơn sơ khiêm hạ. Ước gì chúng ta dám trở nên nhỏ bé, để Nước Thiên Chúa được lớn lên mỗi ngày trong tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa, Thiên Chúa là Tình Yêu.

Tình yêu tạo dựng và cứu chuộc

Tình yêu quan phòng mỗi bước đi đường đời chúng con.

Trên bàn cân của lý trí,

chúng con thấy Chúa luôn là một mầu nhiệm

vượt quá tầm hiểu biết của chúng con.

Nhưng tình yêu của Chúa

là điều mà chúng con luôn có thể cảm nghiệm rõ ràng

qua từng hơi thở, qua từng nhịp sống của chúng con.

Tạ ơn Chúa cho con người chúng con trí hiểu,

để chúng con được sống trong phẩm giá cao vời

của những người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa.

Xin dẫn chúng con đi từng bước trong tiến trình học hiểu về Chúa.

Nhờ hiểu biết Chúa hơn,

xin giúp chúng con mỗi ngày một tin Chúa hơn,

và gắn bó mật thiết hơn trong tình yêu của Chúa.  Amen.
 

Nguồn: dongten.net

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Ngày 01.01.2025, tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, Đức cha Đaminh đã long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Nhân dịp đầu năm mới này, các giáo xứ trong Giáo hạt Sơn Tây cũng quy tụ về Nhà thờ Chính tòa để hành hương – đây là đoàn hành hương đầu tiên sau ngày khai mạc Năm Thánh 2025 của Giáo phận vào ngày 29/12/2024
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log