Thứ năm, 05/12/2024

Giải Đáp 100 Vấn Nạn Về Đức Tin (53 - 65)

Cập nhật lúc 15:46 03/03/2018
(100 QUESTIONS SUR LA FOI – JEAN-MICHEL DI FALCO / Centurion 1993)
IV. BÍ TÍCH
53- Thứ tự các Bí tích là: Thánh Tẩy, Thánh Thể, Thêm Sức. Thế nhưng vài người cho rằng Bí tích Thêm Sức nên được thực hiện trước khi Rước lễ lần đầu. Thưa Cha, Cha nghĩ sao về vấn đề này?
Theo truyền thống, ba bí tích mà bạn nêu trên là những bí tích “Nhập môn Kitô giáo”. Những bí tích này là con đường phải qua để trở nên thành phần Dân Chúa. Không ai sinh ra là Kitô hữu, người ta trở nên Kitô hữu. Việc nhập môn này hiện hữu từ lâu, nhưng đã phát triển theo dòng lịch sử.
Trong những thế kỷ đầu tiên, việc này thường liên quan đến những người trưởng thành, và cả ba bí tích được lãnh nhận gần như cùng một lúc. Nhưng không bao lâu sau đó, bí tích rửa tội trẻ em cũng được phổ biến rất sớm. Năm 1910, Đức Giáo Hoàng Piô X hạ thấp độ tuổi cho phép trẻ nhỏ rước lễ lần đầu, điều đó dẫn đến việc trẻ em công giáo ngày nay lãnh nhận bí tích Thánh Thể trước bí tích Thêm Sức. Và dù lãnh nhận bí tích Thêm Sức ở tuổi nào đi nữa, mà thường thì vào lứa tuổi thiếu niên, điều chính yếu là trẻ con được gia đình và cộng đoàn Kitô hữu đùm bọc theo dõi.
54- Thưa Cha, ông bà có thể xin cho cháu chắt được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy không, nếu cha mẹ chúng chểnh mảng làm điều đó?
Dĩ nhiên ông bà có thể xin cho cháu chắt được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, nếu cha mẹ chúng chểnh mảng làm điều đó, nhưng với điều kiện là những người này không chống đối. Chắc chắn đức tin có thể chuyển giao cho đời cháu chắt mà không qua đời cha mẹ, và sẽ càng tốt hơn, nếu nhân dịp lễ Thánh Tẩy, cha mẹ đứa trẻ chấp nhận đối thoại về việc giáo dục đạo lý cho con cái.
Trong mỗi giáo xứ, một nhóm giáo dân được giao phó cộng tác với linh mục theo dõi việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Nhóm giáo dân này có thể giúp đỡ các gia đình tích cực sống hoàn cảnh trên.
55- Tôi muốn xin cho đứa con bốn tuổi được rửa tội, nhưng chiếu theo chế độ tuổi của nó, Cha Sở yêu cầu tôi bảo nó tham dự vào việc chuẩn bị rửa tội. Tôi không thích việc này: tôi phải làm gì, thưa Cha?
Ông nên hiểu thái độ của vị linh mục, ngài ao ước giúp con ông tự dấn thân bằng cách tự chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy.
Quả vậy, Giáo Hội mong ước ban bí tích Thanh Tẩy cho trẻ từ độ tuổi nhỏ nhất. Chính Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Bí tích là một ơn ban của Thiên Chúa. Lên ba lên bốn, trẻ nhỏ đã có thể bắt đầu hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô. Do vậy, Giáo Hội có ý giúp đỡ cháu dấn thân lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Thường thường, Giáo Hội gợi ý nên đưa cháu đi dự khóa giáo lý, vì nhờ đó, cháu sẽ học biết Chúa Giêsu Kitô và sống đức tin cùng với các bạn.
56- Thưa Cha, phép Thanh Tẩy của tín hữu bắp- tít và của tín hữu thánh linh giáng lâm có thành sự đối với đức tin công giáo không?
Các Giáo Hội Kitô- giáo đều nhận biết rằng chỉ có một và cùng một phép Thanh Tẩy mà các Giáo Hội trao ban theo nghi thức phụng vụ của riêng mình. Theo Giáo Luật, những ai đã lãnh nhận phép thanh tẩy theo bắp- tít hay thánh linh giáng lâm, đều được kể như thuộc về cộng đoàn giáo hội không công giáo. Nhưng, có vài điều kiện cần được tôn trọng. Tín hữu cần được thanh tẩy bằng nước, nhân danh Cha, Con và Thánh Thần (công thức Chúa Ba Ngôi), và không có sự nghi ngờ nào về chủ tâm của người trưởng thành khi nhận phép thanh tẩy của thừa tác viên ban phép Thanh Tẩy.
57- Thưa Cha, có thể rước lễ mà không cần phải xưng tội ngay trước đó không?
Ai rước lễ mỗi ngày thì không cần đi xưng tội mỗi ngày. Vả lại điều này không đáng khuyến khích. Vấn đề đúng thực là trước khi rước lễ, tự biết mình hòa hiệp với Thiên Chúa, với anh em và với chính bản thân mình. Để có được sự hòa hiệp này, chúng ta phải nhận biết những yếu hèn và những sai lỗi của mình và xin ơn tha thứ. Ngay từ đầu Thánh lễ, toàn thể cộng đoàn thực hiện việc làm này khi đọc kinh thống hối.
Trước khi chịu lễ, chúng ta tiến thêm một bước nữa vào sự giao hòa khi đọc kinh “Lạy Cha” ( “xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”). Đoạn chúng ta chúc bình an cho nhau. Dù vậy, phụng vụ Thánh Thể không miễn trừ cho chúng ta một hành động cá nhân tiến đến sự giao hòa với Thiên Chúa.
Để sống tràn đầy bí tích Thánh Thể, Giáo Hội yêu cầu các Kitô hữu nên xưng tội thường xuyên, sự chân thành của tâm hồn còn làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn.
58- Thưa Cha, có phải xưng tội trước khi chết không?
Người tín hữu, trước nguy cơ tử vong, được mời gọi nhìn lại cuộc đời mình và vị trí mà người đó dành cho Thiên Chúa và tha nhân trong suốt bước đường trần gian.
Trước tình cảnh tột cùng này, xưng tội là cơ hội cuối cùng để bày tỏ với một người, là vị đại diện Chúa Kitô do ủy quyền của Giáo Hội, về một khía cạnh quan trọng của đời mình, về mọi sai phạm đang đè nặng trên mình. Đó cũng là giờ phút ký thác cuộc đời mình và đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa cho phép người sắp ly trần tiến lại gần Thiên Chúa lần cuối cùng bằng sự hoán cải tâm hồn và lòng thống hối ăn năn.
Sau nữa, ao ước lãnh nhận bí tích hòa giải, chính là tuyên xưng niềm tin của mình vào sự sống lại.
59- Thưa Cha, con là người công giáo sống đạo. Khi không có linh mục, con phải làm điều gì, nếu có một người gặp nguy cơ tử vong muốn xưng thú tội trọng? Con có thể làm trung gian để người đó được tha không?
Ông không thể làm trung gian được. Sự xá giải là ơn tha thứ của Thiên Chúa, được linh mục trao ban nhân danh Thiên Chúa. Thế nhưng lòng nhân lành của Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở bí tích hòa giải. Ngài chăm chú lắng nghe mọi tiếng thở than: “Lạy Cha, nầy con đây trước mặt Cha, với những yếu hèn, với những sai phạm của con, nhưng con cậy trông vào tình yêu và lòng nhân lành của Cha”.
Khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa thứ tha, chúng ta nhận biết rằng chúng ta không ở vào tầm cao của Tình Yêu Ngài, nhưng chúng ta cũng thấu hiểu rằng Ngài yêu chúng ta bất chấp mọi lỗi lầm của chúng ta. Dù vậy, trong tình cảnh mà ông nêu, ông không thể ban lời xá giải, nhưng ông có thể có một vai trò hết sức quan trọng trong giờ phút ấy. Sụ hiện diện của ông có nghĩa rằng người hấp hối không ra đi một mình và bị bỏ rơi: ông có mặt ở đó, bên cạnh họ, để giúp đỡ họ đặt hết niềm cậy trông vào lòng nhân lành cuả Thiên Chúa. Điều quan trọng là cuộc đời họ không kết thúc trong sự tuyệt vọng. Tất cả vẫn chưa hết chuyện chỉ vì lẽ ta là kẻ có tội. Con người luôn luôn có thể mở rộng tâm hồn mình cho Thiên Chúa, để tình yêu bao la của Ngài chiếm cứ. Mức độ tình yêu của Ngài, chính là khả năng tha thứ của Ngài.
60- Con không thể đi xưng tội vì con biết rằng tội lỗi của con khai trừ con ra khỏi Giáo Hội. Con không thể tự thú với một linh mục. Tuy nhiên, con tin rằng Thiên Chúa yêu con. Con phải làm gì, thưa Cha?
Đời sống của một Kitô hữu không phải lúc nào ũng hoàn toàn hòa hợp với Thiên Chúa. Thánh Phao lô đã nhắc đến điều đó: “Điều lành mình muốn thì không làm, còn điều ác mình gớm ghét, lại làm”. Chúng ta mang dấu ấn tội nguyên tổ, nhưng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Bởi lẽ đó, là Kitô hữu, thì đừng để tội lỗi lúc nào cũng ám ảnh chúng ta. Nên cậy trông vào Thiên Chúa, vào Chúa Kitô là Đấng yêu thương chúng ta, vượt qua mọi giới hạn và lòng chúng ta ao ước trung thành với Ngài. Không có gì đáng kể ngăn cản bạn tâm sự với một linh mục và có thể lãnh nhận bí tích sám hối trong niềm ao ước hoán cải và giao hòa cùng Thiên Chúa.
61- Cha chánh xứ chúng con tổ chức nghi thức sám hối với việc xá giải tập thể. Hình như việc này chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp. Thưa Cha, có đúng như vậy không? Việc xưng tội cá nhân có tương đương với việc xá giải tập thể không?
Xưa kia, việc cư hành nghi thức sám hối cộng đồng, với việc xá giải tập thể mà không có sụ xưng tội cá nhân đi kèm, được dành riêng cho những trường hợp ngoại lệ (như đắm tàu, chiến tranh..v..v…). Ngày nay, việc này vẫn còn là ngoại lệ, nhưng có thể được tổ chức, tùy theo sự lượng định của Giám mục, khi có quá nhiều người ao ước xưng tội mà không có đủ cha giải tội, và những người này đã không được rước lễ trong suốt một thời gian.
Trong khi cử hành nghi thức sám hối này, những người ao ước lãnh nhận bí tích hòa giải, làm dấu bày tỏ ý muốn của mình. Cần minh định rằng những tội trọng sẽ được xưng thú sau đó với linh mục: việc xưng thú không được hủy bỏ, mà được hoãn lại trong một thời gian. Cũng có những nghi thức sám hối tập thể, sau đó từng cá nhân xưng thú tội riêng mình và lãnh nhận ơn xá giải cá nhân.
Trong mọi trường hợp liên quan, việc xưng thú là điều cần thiết ở bất cứ hình thức giải tội nào, bởi vì việc xưng thú cho phép con người nhận biết tội lỗi của mình, đồng thời tự tách mình ra khỏi tội. Tự nhận biết mình là phạm nhân trước Thiên Chúa tình yêu, đó là tin vào sự khoan dung của Ngài và không nản lòng vì tội lỗi của mình. Lãnh nhận bí tích hòa giải, đó cũng là nhìn nhận mình không phải là quan án tối cao của đời mình.
62- Thưa Cha, làm sao tiến hành nghi lễ hôn nhân khi một trong hai người là công giáo và người kia là tin lành?
Trước Công đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo chỉ công nhận một cuộc hôn nhân như thế là có hiệu lực với những điều kiện khắt khe: nghi lễ phải được cử hành tại nhà thờ công giáo và người phối ngẫu tin lành phải cam kết để cho những đứa con tương lai được rửa tội và giáo dục theo Đạo Công Giáo. Vào năm 1966, một văn kiện chính thức được giảm nhẹ những điều kiện để có hiệu lực của những cuộc hôn nhân hỗn hợp. Nếu đôi tân hôn làm đơn miễn chuẩn, thì đám cưới tiến hành trong Giáo Hội Cải cách (Tin Lành) được công nhận có hiệu lực. Còn việc giáo dục con cái, người phối ngẫu công giáo phải hứa “sẽ làm hết sức mình” để trở nên công giáo. Đám cưới được tiến hành theo nghi thức quen thuộc.
Sự hiện diện của mục sư tại nhà thờ công giáo hoặc Linh mục tại nhà thờ tin lành đều được mong ước trong đám cưới hỗn hợp này.
63- Thưa Cha, con có ý định kết hôn với một người đã ly dị. Cuộc hôn nhân trước kia của anh ta chỉ đơn thuần dân sự. Con có thể kết hôn với anh ta tại nhà thờ không? Anh ta chưa có con.
Không có gì cản trở cô lãnh nhận bí tích hôn nhân với người chồng tương lai, trong trường hợp này bản thân anh ta trước kia chưa lãnh nhận bí tích này. Tuy nhiên điều quan trọng là cô nên dành thời giờ để trình bày hoàn cảnh với một linh mục và chuẩn bị cho chu đáo cuộc hôn nhân của cô.
64- Thưa Cha, lời tuyên xưng ý hướng của đôi vợ chồng trong ngày cưới có tầm quan trọng như thế nào? Nó nhằm mục đích gì?
Hôn nhân là một bí tích, một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, ban nghị lực cho những người kết hợp với nhau, để Chúa Thánh Linh tác động trên họ. Như vậy, đôi tân hôn có thể vững tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên họ không thụ động. Sự kết hợp của họ có được kết quả mỹ mãn còn tùy thuộc vào điều họ muốn cùng nhau chung sống, bởi vì nếu hôn nhân là một bí tích, thì hôn nhân cũng là một sự dấn thân. Trong thời gian chuẩn bị đi đến hôn nhân, linh mục yêu cầu mỗi người vợ chồng tương lai hoạch định những dự án của mình. Đó là điều mà ta gọi là lời tuyên xưng ý hướng. Mỗi người bày tỏ cách nhìn của mình về tình yêu, về việc xây dựng một gia đình công giáo, về phong cách sống, về chỗ đứng của Thiên Chúa… Những người đã đính hôn biểu lộ quyết tâm muốn sống đời hôn nhân công giáo. Họ hoàn toàn tự do dấn thân sống chung thủy, đón nhận con cái và giáo dục chúng theo tôn chỉ công giáo. Bản tuyên bố ý định không buộc phải đọc trong ngày cưới. Được đôi tân hôn ghi rõ ngày tháng ký tên, bản tuyên bố ý định được lưu giữ trong Giáo Hội như dấu chứng cho sự dấn thân của họ, cho sự có hiệu lực của cuộc hôn nhân.
65- Con nghe nói rằng linh mục nên dâng Thánh Lễ mỗi ngày, trừ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thưa Cha, có đúng như vậy không? Có thật là Ngài không được dâng thánh lễ một mình?
Vào ngày Thứ Sáu Tuần Tánh, chỉ có phụng vụ tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa. Không có Thánh lễ, nhưng các tín hữu có thể chịu lễ trong khi cử hành phụng vụ.
Theo Giáo Luật, các linh mục được yêu cầu dâng thánh lễ “thường xuyên (…) và việc dâng lễ hằng ngày rất được khuyến khích” (Giáo Luật, 904). Giáo luật 906 còn thêm: “Linh mục sẽ không cử hành hiến tế Thánh Thể mà không có ít là một tín hữu tham dự, trừ khi có lý do chính đáng và hợp lý”. Chúng ta có thể tìm gặp trong bộ Giáo luật những giải đáp rõ ràng cho vấn nạn của bạn.
Nhưng không nên bỏ qua điều chính yếu. Trong thánh lễ, chúng ta hiệp thông vào Mình và Máu Chúa Kitô, được dâng lên Chúa Cha thay cho nhân loại. Thánh Thể là một huyền nhiệm mà ta không bao giờ thấu hiểu được. Đó là bí tích số một, nguồn mạch khai sinh các bí tích. Nhận lấy Mình Thánh Chúa Kitô làm của nuôi chúng ta, sẽ cho chúng ta sức mạnh hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa và cám tạ Ngài.
Được hiểu như thế, thì việc dâng Thánh lễ hằng ngày không còn là một bổn phận bị ép buộc. Linh mục không dâng Thánh lễ cho riêng mình, cho sự thánh hóa bản thân mình. Linh mục có sứ mệnh tập hợp cộng đoàn của mình, cùng với cộng đoàn và cho cộng đoàn, ngài cử hành hiến tế của Chúa Kitô mỗi ngày được làm mới lại.

(còn tiếp)
Vị Khuyết DanhBản dịch của một 
trình bày và giới thiệu Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

 Trở về danh mục câu hỏi
tgphue.net
Thông tin khác:
Câu hỏi số 01 (12/12/2016)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo họ Khâu Pùm chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận
Giáo họ Khâu Pùm chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận
Giáo họ Khâu Pùm, cộng đoàn người H'mông, vui mừng chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận vào đúng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng – khai mạc năm Phụng vụ mới. Dưới sự hướng dẫn của quý cha Giáo xứ Sơn La, Giáo họ đã chầu từ chiều thứ Bảy cho đến trưa Chúa Nhật trong sự nghiêm trang và sốt sắng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log