Khoảng bảy giờ tối hôm đó, ông quản Lợi – ông quản ca đoàn của giáo xứ - xuống nhà Hoàng. Vừa lúc bữa cơm của hai mẹ con kết thúc.
- Chào bà cố…à con quên. Chào bà quản Minh với…thầy…chú…chú Hoàng.
Ông quản vẫn quen cách gọi tên “bà cố” và “thầy” Minh. Nhớ ra hoàn cảnh hiện tại, ông mới ngợ ngợ ra. Ông chưa biết phải xưng hô thế nào cho phải.
- Chào ông quản. Tôi giờ thì còn cố với gắng gì nữa đâu. Ông ngồi chơi với cháu. Tôi thu dọn chút đỉnh.
Để ý ra sẽ thấy đó là cách tránh mặt của bà Minh. Từ hôm con trai bà về nhà đến giờ, ông Lợi là người đầu tiên sang nhà bà chơi. Thậm chí là cất lời chào với bà. Thế nên chưa ai kịp nghĩ ra cách xưng hô cho tiện. À không! Là quay lại cách xưng hô cũ, như ngày xưa, “bà quản” Minh.
Còn Hoàng. Cái này thì thật khó. Ai gặp chàng vẫn dễ dàng quen miệng chào “thầy”. Những lúc ấy, cả hai bên đều ngượng ngùng.
- Ông quản ngồi chơi. – Hoàng cất tiếng mời khi ông quản đang lúng túng chưa biết nên ngồi hay đứng.
Hoàng bỏ túi chè xanh mà sáng nay cha xứ đưa cho cậu ra pha. Khoan thai cho lá chè vào ấm. Rồi chế nước. Dòng khói vẫn đậm đà tỏa ra, hòa với dòng khói từ nén hương trên bàn thờ bố của chàng. Dòng khói vẽ nên một đường trắng giữa căn nhà thắp đèn mờ mờ.
Ông quản Lợi vẫn chỉ ngồi yên. Ông chưa biết mở lời thế nào với Hoàng. Hai người ngồi yên, nhìn ấm chè đang nhẹ nhàng tỏa khói.
- Chú Hoàng chắc biết tôi qua đây có việc gì đúng không? – ông quản Lợi mở lời cầm chừng.
- Sáng nay con có gặp cha xứ, cha có bảo con rồi ạ. Con chưa kịp nói với ông, làm ông cất công sang đây.
Hoàng rót nước ra mời ông Lợi.
Ông quản Lợi đưa chén trà lên. Chén trà ấm nóng trong lòng bàn tay khiến khuôn mặt ông ông thư thái hẳn ra. Trước mặt ông, Hoàng cũng đang nhấp từng ngụm chè một. Khuôn mặt hiền hiền, thư sinh của chàng làm ông Lợi dễ mở lời hơn.
- Chú Hoàng này. Sắp tới xứ mình có lễ Thêm sức của các cháu. Dịp này tôi cũng đang đi tìm người dạy hát cho ca đoàn. May quá! (Nói đến đây, ông bỗng nhớ ra điều gì nên khựng lại đôi chút). Giờ tiện chú đang ở nhà, tôi nhờ chú lên dạy hát cho mọi người luôn, tôi đỡ phải đi tìm người ngoài về dạy.
- Dạ!
Hoàng đáp gọn ghẽ. Thực ra chàng vẫn chưa dám đưa ra câu trả lời cho ông quản, dù cha xứ đã mở lời cho chàng từ sáng nay. Chàng chưa sẵn sàng để đứng đối diện với những người cùng quê mình. Chàng vẫn ngại ngần. Họ sẽ nghĩ gì? Họ sẽ xầm xì gì? Lúc chàng đứng đó, chỉ cho họ hát chỗ này chỗ kia, họ có làm chàng phải xao lòng không? Hoàng không phải người lớn tuổi trong ca đoàn, nhưng trước giờ họ vẫn để chàng đứng lên tập hát cho họ. Nhưng vì chàng là người biết nhạc hay chỉ vì chàng đang là người “nhà của Chúa”?
Ông Lợi đưa chén trà lên miệng, rồi nói:
- Tôi biết cậu đang nghĩ ngợi nhiều. Nhưng thôi thì, vì giáo xứ, vì công việc chung mà cậu bỏ qua, lên giúp trong dịp lễ này. Chắc rồi bà con cũng hiểu dần dần cho mình.
- Vâng! Ông cứ gửi bài hát trước cho con xem qua. Tối mai con sẽ lên tập cùng mọi người ạ.
Hoàng tiễn ông Lợi ra tận cổng. Chàng không vào nhà ngay mà vẫn đứng bên vệ đường. Đường làng đã chẳng còn ai qua lại. Trăng từ trên cao vẫn soi xuống. Gió khe khẽ thổi từng cơn. Làn gió cuối mùa thu.
Hoàng đứng đó, một mình, và chẳng nghĩ ngợi gì. Chàng muốn để đầu óc mình thảnh thơi đôi chút.
***
Quanh nhà thờ vắng hiu. Thánh lễ vừa kết thúc. Người ta đang về nhà, ăn tối và chuẩn bị đi tập hát.
Hoàng lững thững đi dạo xung quanh nhà thờ. Chỉ một mình chàng.
Hôm nay là lần đầu tiên Hoàng dự thánh lễ tại giáo xứ quê mình. Hơn bốn tuần, kể từ ngày chàng trở về, tận hôm nay chàng mới lên ngôi nhà thờ quen thuộc. Thánh lễ thường ngày nên không nhiều người dự lắm. Chỉ lác đác mấy ông bà cùng mấy em thiếu nhi. Hoàng chọn hàng ghế gần cuối để ngồi. Vậy mà người ta vẫn biết đến sự hiện diện của chàng. Bà này quay xuống một xíu. Bà kia xầm xì một xíu. Mặt Hoàng cứ đỏ rân lên. Chàng cố chăm chú nhìn lên bàn thờ, nơi cha xứ đang cử hành Thánh lễ, mà không dám nhìn xem những ánh mắt của mọi người. Thánh lễ đầu tiên cho một cuộc đời mới tại quê hương. Hoàng biết sẽ chạm phải những ánh mắt này. Nhưng chúng vẫn làm chàng ngượng ngùng. Dù cố tập trung nhưng chàng vẫn chẳng thể có một thánh lễ trọn vẹn từ đầu đến cuối, không chia trí gì cả.
Xung quanh nhà thờ đã vắng người. Gần như không có ai. Ngày trước thanh niên của xóm đạo vẫn hay về đây, ngồi rì rà rì rầm những câu chuyện thường nhật. Hoàng cũng từng cùng đám bạn ngồi đó, hóng gió trời để bớt đi cái nóng nực của miền quê. Nhưng từ lúc phong trào lên phố đi làm rộ ra thì khuôn viên nhà thờ trở nên vắng lặng. Cũng may. Nhờ thế mà Hoàng không phải chạm mặt phải ai cả.
Những bờ cỏ, những bước đường kiệu bao năm nay vẫn thế. Hoàng vẫn thuộc từng bước của nhà thờ quê mình. Nhìn đến đâu cũng thấy một thuở tưởng chừng chưa xa lắm. Những ngày chàng cùng lớp ơn gọi của giáo xứ đi vệ sinh xung quanh nhà thờ. Chúng vẫn nhìn chàng với con mắt ngưỡng mộ. Lớp ơn gọi ngày ấy, Hoàng là lứa thế hệ đầu tiên và cũng là người đi tu đầu tiên. Sau này có thêm Mai và Liên, hai đệ tử của dòng Mến Thánh Giá đang trong giai đoạn tập viện. Còn chàng, giờ đang ở đây khi đã từ bỏ ơn gọi, trở về cuộc sống thường ngày.
Hoàng bước đến chiếc ghế đá ngay cạnh hồ nước của giáo xứ. Chiếc ghế này cũng gắn liền với tuổi trẻ của chàng. Hồi chưa nghĩ mình sẽ đi tu, chàng đã từng ngồi đây cùng Trang, người con gái duy nhất khiến chàng thương mến. Những buổi tối ngồi cạnh nhau sau giờ dạy Giáo lý hay sau giờ tập hát cùng Trang, chàng vẫn nhớ. Nụ hôn đầu đời, vụng về mà cũng run rẩy của chàng cũng ở bên hồ nước này, trên chiếc ghế đá này. Mối tình ấy thật đẹp, cho đến ngày chàng báo với Trang rằng chàng sẽ đi tu. Ngày ấy Trang đã khóc với Hoàng rất nhiều. Nhưng cô đã im lặng, đã chấp nhận để người yêu của mình đi với lý tưởng. “Vì Trang, tôi sẽ bền đỗ đến cùng”. Bao lần Hoàng đã nghĩ thế. Chính chàng là người đã chơi đàn cho lễ cưới của Trang. Trước ngày vào Nam theo chồng, Trang đã đến chào từ biệt chàng. Hai người không còn liên lạc với nhau. Nghe đâu Trang đã có hai mặt con, và một cuộc sống hạnh phúc. Còn Hoàng…
Hoàng sẽ còn ngồi nghĩ vẩn vơ như thế lâu nữa, nếu không có tiếng rung của điện thoại:
- Alo! Chú Hoàng đang ở đâu đó? Mọi người đến đông đủ rồi. Chú vào tập hát cho ca đoàn nhé. – tiếng ông Lợi vang lên bên đầu dây bên kia. Dù không chủ ý, chàng vẫn nghe thấy cả tiếng xầm xì trong đó.
Hoàng đi đến bên cửa nách, chỗ ca đoàn đang ngồi đợi chàng. Chàng hít một hơi thật sâu, mở cửa bước vào.
- Chào chú Hoàng! – tiếng chào vang lên thưa thớt.
- Con chào mọi người.
Mặt Hoàng lại rân rân, tê tê như lúc Thánh lễ vừa nãy. Thậm chí còn tê tê hơn. Mọi người đang nhìn chằm chằm chàng. Mọi người đang xầm xì về chàng. Hoàng đoán thế, dù không quay lại phía mọi người đang ngồi. Chàng đang cùng ông Lợi soạn bài hát ra để chuẩn bị tập.
“Làm sao để bắt đầu đây? Làm sao để nhìn mọi người đây? Chúa ơi! Xin giúp con!”
Hoàng thầm thĩ cầu xin. Chân và tay chàng đã bắt đầu run run lên.
Bỗng cánh cửa buồng áo mở ra. Cha xứ ra đúng lúc Hoàng đang bối rối, không biết phải bắt đầu từ đâu.
- Chào cha! – Tiếng chào lại vang lên, to hơn lúc nãy.
Cha xứ chào mọi người xong, lên tiếng:
- Sắp tới xứ ta đón Đức cha về dâng Thánh lễ. May quá vừa lúc chú Hoàng về, đang ở quê. Cha biết là mọi người chưa quen, nhưng như hôm trước cha đã nói cùng ca đoàn mình, mong mọi người thông cảm và đón nhận chú Hoàng. Cha biết trước giờ nhiều nơi, nhiều người cứ kỳ thị người đi tu dở dang, chứ họ đâu biết đi tu cũng nhiều nỗi niềm lắm. Người trở về cũng dằn vặt lắm. Bao nhiêu người trở về là sống đạo thờ ơ, lạnh nhạt hẳn. Hỏi ra mới biết họ bị chính người quê hương mình xầm xì và kỳ thị. Cha mong giáo xứ mình sẽ không thế. Có đi tu hay không thì chú Hoàng vẫn là con của giáo xứ Phúc An này. Giáo xứ Phúc An sẽ đón nhận chú ấy trở về. Mà trước tiên là chính ca đoàn, là nơi bao năm nay chú Hoàng vẫn phục vụ. Đi tu về mà vẫn là người giáo dân tốt, phục vụ nhiệt tình thì còn gì hơn. Khi nào chú còn ở nhà, cứ ra đây tập hát cho mọi người. Mọi người sẽ đồng ý với cha chứ?
Những tiếng “vâng, dạ” như những hạt mưa đang chạm phải tâm hồn khô cằn của Hoàng. Những cái gật đầu, những ánh mắt chạm phải Hoàng đang tháo giúp chàng một vài mối gỡ trong lòng. Đứng nghe cha xứ nói mà mắt chàng rân rấn. Hoàng vẫn cúi đầu và chẳng dám nhìn ai cho đến khi cha xứ đến, vỗ vai chàng:
Nói với Hoàng xong, cha xứ quay lại giơ tay chào mọi người một lượt, rồi mở cửa buồng áo ra về.
Hoàng từ từ mở tập giấy hát, nhìn lướt qua mọi người một lượt. Tiếng xầm xì đã vắng. Mọi người cũng đã chăm chú nhìn chàng. Không phải là ánh mắt của sự ngưỡng mộ như ngày trước. Nhưng ít ra trong đó có biết bao ánh mắt của cảm thông.
Hoàng nhẹ nhàng hít sâu thêm một lần nữa. Lòng chàng nhẹ tênh đi.
- Mời mọi người cùng mở bài Nhập lễ “Niềm vui lên nhà Chúa” – Hoàng cất giọng.
Tiếng đàn piano vang lên ấm áp, phá đi cái tĩnh lặng trong ngôi nhà thờ giáo xứ Phúc An.
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2019