Thứ bảy, 23/11/2024

Sử dụng lễ phục màu hồng cho lễ cưới được không?

Cập nhật lúc 09:28 07/03/2023
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Hỏi: Rất nhiều linh mục mặc áo lễ màu hồng để cử hành lễ cưới (cử hành bí tích hôn phối trong Thánh Lễ), vậy thực hành này có đúng không?
Đáp: Thưa không, ngoại trừ lễ cưới trùng với Chúa nhật thứ III mùa Vọng (Gaudete) và Chúa nhật thứ IV mùa Chay (Laetare). Đây là một vài lý do:
1/ Thứ nhất, Hội Thánh đã ấn định rõ tại số 34 trong sách Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân [= NTHN][1]: “Khi cử hành hôn nhân trong Thánh Lễ phải dùng phẩm phục màu trắng hay màu phụng vụ của ngày lễ và cử hành lễ có nghi thức riêng.” Dựa vào sự ấn định này và nhờ những lời hướng dẫn tiếp theo cũng như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [= QCSL] số 372, chúng ta hiểu rằng:
(1) Gặp những ngày lễ từ 1-4 trong Bảng Xếp Hạng Các Ngày Phụng Vụ (nghĩa là các lễ trọng; các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục Sinh; các ngày trong tuần bát nhật Phục Sinh), thì phải cử hành Thánh Lễ với bản văn, các bài đọc Sách Thánh[2] và đương nhiên cả phẩm phục theo đúng ngày lễ ấy [chứ không phải lễ phục màu hồng]. Ví dụ: nếu nghi thức hôn nhân được cử hành trong Thánh Lễ trọng kính Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô (29/06) thì tư tế/phó tế phải mặc lễ phục màu đỏ của lễ này [chứ không phải lễ phục màu hồng]; hoặc nếu cử hành nghi thức hôn nhân trong Thánh Lễ Chúa nhật [I/II/IV] mùa Vọng, tư tế/phó tế phải mặc lễ phục màu tím. Số 34 của Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân còn nói thêm: “Các Chúa nhật mùa Giáng sinh và Thường niên, khi cử hành hôn nhân trong Thánh Lễ cho cộng đoàn giáo xứ, cũng phải cử hành lễ Chúa nhật.” Như vậy, nếu nghi thức hôn nhân được cử hành trong Thánh Lễ Chúa nhật Thường niên cho cộng đoàn giáo xứ, thì tư tế/phó tế phải mặc lễ phục màu xanh [chứ không phải lễ phục màu hồng].
(2) Gặp những ngày lễ khác từ 5-13 trong Bảng Xếp Hạng Các Ngày Phụng Vụ (trừ ra Các Chúa nhật mùa Giáng sinh và mùa Thường niên thuộc bậc 6)theo đúng hướng dẫn nêu trên, chúng ta có quyền cử hành lễ có nghi thức riêng, cụ thể ở đây là cử hành Nghi Lễ Cho Các Đôi Hôn Phối với bản văn, các bài đọc Sách Thánh riêng của lễ cưới (NTHNsố 54) và đương nhiên lễ phục phải là màu trắng [chứ không phải lễ phục màu hồng] (NTHN 34). 
Mầu trắng nói lên sự thanh khiết, thánh thiện và vinh quang Thiên Chúa như y phục của Chúa Kitô trong cuộc biến hình của Người cũng như gợi lên sự sáng ngời của những gì đụng chạm đến Thiên Chúa như y phục của các thiên thần và của những người đã được cứu chuộc trong sách Khải Huyền;[3] màu trắng cũng là biểu tượng cho sự hiện diện của Chúa phục sinh trong Hội Thánh và nơi các thánh của Người.[4] Vì vậy màu trắng được dùng trong Thần Vụ và Thánh Lễ mùa Phục sinh và mùa Giáng sinh; trong các lễ kính Chúa, ngoại trừ cuộc Thương khó của Người; các lễ kính Ðức Trinh Nữ Maria; các Thiên thần; các thánh không tử đạo; lễ trọng kính các thánh (1 tháng 11); kính thánh Gioan Tẩy Giả (24/6); các lễ kính: thánh Gioan thánh sử (27/12), Ngai toà Phêrô (22/2), thánh Phaolô trở lại (25/1) [QCSL 346 a] …
Ngoài ra, sở dĩ Hội Thánh chọn lễ phục màu trắng cho cử hành nghi lễ hôn nhân bởi lẽ màu trắng biểu tượng cho lễ hội vui tươi. Thật vậy, lễ cưới là một cử hành thánh thiêng và vui mừng. Dịp cưới xin thường là một biến cố dân chúng quy tụ để mừng vui, ăn uống, hát xướng và nhảy múa tưng bừng đến độ Công đồng Laodicea (363–364 AD) đã từng cấm cưới hỏi trong mùa Chay (can. 53) và Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân hiện nay lưu ý: “Nếu cử hành hôn nhân vào ngày mang tính sám hối, đặc biệt là mùa Chay, thì cha xứ nên nói cho những người kết hôn biết tính chất riêng biệt của ngày đó. Phải tuyệt đối tránh cử hành hôn nhân vào thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh (số 32).
2/ Thứ hai, theo truyền thống trải qua nhiều thế kỷ cho đến nay, màu hồng vẫn được Hội Thánh quy định một cách rõ rệt là có thể chọn lựa dùng trong Chúa Nhật “Hãy vui lên” (Chúa Nhật III mùa Vọng) và Chúa Nhật “Mừng Vui Lên” (Chúa Nhật IV mùa Chay) thay cho lễ phục màu tím (QCSL 346f). Như vậy, tư tế/phó tế chỉ mặc lễ phục màu hồng vào hai ngày này trong toàn bộ  năm phụng vụ mà thôi vì màu hồng tuy cũng diễn tả niềm vui và hân hoan như màu trắng, nhưng khác biệt một chút là niềm vui và hân hoan này chưa trọn vẹn, chắc chắn sẽ tới nhưng đang tới/sắp tới cùng với những ngày chuẩn bị cho đại lễ sắp kết thúc rồi như thể màu hồng lóe lên ở góc chân trời vào hừng đông báo hiệu rằng có ánh sáng chói chang đang đến.[5] Đây là hai ngày Chúa nhật mà chúng ta như thể dừng chân tạm nghỉ một chút trong hành trình dài “màu tím” hay có một sự gián đoạn trong khung cảnh của hai mùa thống hối (mùa Vọng và mùa Chay) sau khi đã đi quá nửa thời gian của hai mùa này.[6] Nhờ đó, chúng ta có thêm hân hoan trên chặng đường mới sắp tới, cũng như cho chúng ta nếm hưởng trước hương vị niềm vui của ngày Chúa Giáng sinh và ngày Chúa nhật Phục sinh mà Giáo Hội đang chuẩn bị và chờ đợi.[7] Vào hai Chúa nhật của niềm vui này, màu tím của thời kỳ sám hối tỏa sáng thành màu hồng, nhưng chưa chuyển sang màu trắng của lễ trọng Chúa Giáng sinh và Phục sinh.[8]  Bởi vậy, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (số 305) có dạy: “Trong mùa Vọng, bàn thờ nên chưng hoa vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của Sinh nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa nhật IV mùa Chay (tức Chúa nhật Mừng Vui), các lễ trọng và lễ kính".
3/ Thứ ba, chỉ có hai “Chúa nhật hồng” giữa “mùa tím”, nghĩa là chúng ta vẫn thường thấy lễ phục tím trong mùa Vọng/mùa Chay, rồi bỗng dưng có sự thay đổi màu tím sang màu hồng vào ngày Chúa nhật thứ III mùa Vọng và Chúa nhật thứ IV mùa Chay. Điều này hẳn là tác động lên giác quan hầu giúp chúng ta dễ dàng cảm nhận được ý nghĩa của ngày lễ/mầu nhiệm phụng vụ đang cử hành như vừa trình bày ở trên, theo đúng giải thích của QCSL [số 345]: “Các màu sắc khác nhau của phẩm phục nhằm biểu lộ ra bề ngoài cách hữu hiệu, khi thì đặc tính của mầu nhiệm cử hành, khi thì ý nghĩa của đời sống Kitô giáo đang diễn ra trong năm phụng vụ.” Như vậy, sự thay đổi màu sắc này không những đáp ứng được một trong những tiêu chuẩn của cử hành là tác động đến giác quan mà còn thuộc về nghệ thuật cử hành phụng vụ để Thánh lễ không trở nên đơn điệu, nghèo nàn và thiếu lôi cuốn đối với người tham dự. Trái lại, có thể giúp chúng ta tham dự Thánh Lễ “một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn hơn”.[9] Bởi vậy, việc liên tục sử dụng lễ phục màu hồng cho bất cứ lễ cưới nào trong suốt năm phụng vụ sẽ có nguy cơ làm xơ cứng giác quan người tham dự, phá hủy tính biểu tượng của màu sắc phẩm phục trong phụng vụ và làm phai mờ đặc tính của mầu nhiệm cử hành. 
4/ Thứ tư, nhiều người đưa ra lý do cử hành lễ cưới với phẩm phục màu hồng vì màu hồng là màu của tình yêu và hạnh phúc… Trên phương diện phụng vụ, màu đỏ mới là màu diễn tả sức mạnh, tình yêu và tử đạo. Và nếu so sánh với những giải thích ở trên nữa, thì gắn lễ cưới với màu hồng sẽ là sự suy nghĩ và giải thích chủ quan. Một mặt, việc điều hành phụng vụ thuộc thẩm quyền hàng Giáo Phẩm, nên tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong phụng vụ.[10] Mặt khác, nếu cân nhắc về phương diện mục vụ, liệu chúng ta có thể đưa ra được những lý do/lý lẽ thuyết phục rằng sử dụng lễ phục màu hồng cho lễ cưới là một nhu cầu đích thực và xứng đáng cũng như sẽ nâng cao phẩm chất của cử hành hôn nhân; hay thực hành này rốt cuộc là do giải thích ý nghĩa màu hồng theo đời thường, hoặc là do thói quen lâu nay “cứ lễ cưới là mặc áo hồng”, hoặc chỉ là chiều theo ý muốn/ý thích của đôi hôn phối vốn sợ hình ảnh lễ cưới của mình gắn với màu tím của mùa Vọng/mùa Chay (x. NTHN, số 32). Với quyền thích nghi phụng vụ cho phù hợp với văn hóa dân tộc (PV 128; NTHN, các số 39-44), chắc hẳn HĐGM đã cân nhắc các lý do liên quan. Tuy nhiên, bản văn Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân hiện nay (đã được Tòa Thánh phê chuẩn năm 2008) vẫn ấn định: “Khi cử hành hôn nhân trong Thánh Lễ phải dùng phẩm phục màu trắng hay màu phụng vụ của ngày lễ và cử hành lễ có nghi thức riêng” (NTHN, số 34).
 

[1] UBPT – HĐGM.VN, Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, ấn bản mẫu II (1991) (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008).
[2] NTHN, số 54 lặp lại tương tự; QCSL 372.
[3] Dom Robert le Gall, Phụng Vụ của Giáo Hội, dg. Nguyễn Cao Luật (Sài Gòn: Học viện Đaminh, 2012), 64.
[4] X. Peter E. Fink, ed. The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press, 1990), s.v. “Vestment, Liturgical,” by John D. Laurance, SJ, 1312.
[5] X. M. Claire Espiritu, PDDM, “Liturgical Vestments,” trong Enriching Liturgical Life, Vol. I (Q.C: PDDM Liturgical Ministries Inc., 2012), 53.
[6] X. Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 2 (Manila: Logos Publications, Inc, 2008), 46.
[7] X. John Broussard, “Why priests wear pink (rose) vestments twice a year,” trong The Compass (December 7, 2021), https://www.thecompassnews.org/2021/12/why-priests-wear-pink-rose-vestments-twice-a-year/
[8] Dom Robert le Gall, Phụng Vụ của Giáo Hội, 64-65.
[9] Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 14.
[10] Ibid., số 22.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log