Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa Mùa Chay 2018
Cập nhật lúc 16:38 07/03/2018
Chủ đề: “Nơi Chúa Có Sự Tha Thứ”
I. KHAI MẠC:
Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)
Kính thưa cộng đoàn,
Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Để giúp con cái mình lĩnh được nhiều ơn ích. Ngoài những phương thế Giáo hội vẫn đề ra như : ăn chay, cầu nguyện và làm phúc, vị cha chung của Giáo hội là Đức Thánh Cha còn ban hành sứ điệp như là kim chỉ nam để các tín hữu sống trong Mùa Chay Thánh.
Mùa Chay năm nay với chủ đề trích từ Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người trở nên nguội lạnh” (Mt 24,12).
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu trong Mùa Chay này hãy cầu nguyện, làm phúc bố thí và chay tịnh cho nên, vì đó là những phương dược ngọt ngào trong Mùa Chay Thánh.
Ngài viết : “Tôi mời gọi các phần tử của Giáo Hội hãy nhiệt thành tiến bước trên con đường Mùa Chay, được nâng đỡ nhờ các hoạt động làm phúc bố thí, chay tịnh và kinh nguyện. Nếu đôi khi lòng bác ái dường như bị tắt lịm trong bao nhiêu tâm hồn, thì nó vẫn không bị lịm đi trong con tim của Thiên Chúa! Ngài luôn ban cho chúng ta những cơ hội mới để chúng ta có thể tái bắt đầu yêu thương.
Cầu nguyện giúp tâm hồn chúng ta khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình, để chúng ta đi tìm kiếm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng muốn cho chúng ta được sống.
Làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp chúng ta khám phá ra tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Đức Thánh Cha cho biết ngài “ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người”.
Sau cùng là việc ăn chay. Việc giữ chay sẽ giải tỏa bạo lực của chúng ta, và là cơ hội quan trọng để tăng trưởng. Chay tịnh cũng giúp chúng ta cảm nghiệm điều mà nhiều người khác đang thiếu thốn, thiếu những điều cần thiết và bị đói. Chay tịnh biểu lộ tình trạng tinh thần của chúng ta, đang đói khát lòng từ nhân và sự sống của Thiên Chúa. Chay tịnh đánh thức và làm cho chúng ta chú ý hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy ý chí vâng phục Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.
Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là : nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa.
Đức Giáo hoàng còn có sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ năm 2018 này với chủ đề lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Vịnh 130 câu 4 là “Nơi Chúa có ơn tha thứ”. Đức Thánh Cha viết: “Một trong những khoảnh khắc của ân sủng đó lại một lần nữa xảy đến trong năm nay là sáng kiến ‘24 Giờ cho Chúa’, trong đó mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể.
Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa cuả sáng kiến này và thời gian cử hành như sau:
“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa.
Thật là ý nghĩa trong giờ phút này đây, trước Thánh Thể Chúa, hiệp cùng với Mẹ Maria, thánh cả Giuse, Các Thánh Nam Nữ, các Tổng Thần, Quyền Thần và toàn thể đạo binh thiên quốc, cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, với anh chị em trên toàn thế giới, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa, chúc tụng và tung hô quyền năng Chúa, chiêm ngắm Chúa, tuyên xưng Chúa ngự thật trong phép Mình Thánh. Chúng ta thờ lạy, phủ phục và tôn thờ Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh. Chúng ta cám ơn Chúa Giêsu đã trao ban chính mình cho chúng ta. Và sau hết xin Chúa thứ tha, chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần
Đặt Mình Thánh Chúa
Hát: Thờ Lạy Chúa Giêsu
(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương)
Hát: Con Thờ Lạy Hết Tình (Hoài Chiên)
1. Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say. Dâng hiến Cha lành khúc hoan ca tràn đầy.
ÐK: Lòng con hân hoan mến tin một Cha. Trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa. Trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu sống trong tình Cha. Ngày đêm vang lên biết bao lời ca. Dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha.
2. Chúa ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.
Vị chủ sự xướng :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên bàn thờ này, chúng con quỳ gối trước nhan Chúa. Con tin thật Chúa là Chúa của chúng con, chúng con là tạo vật của Chúa. Trước nhan Chúa, chúng con ý thức về thân phận tội lỗi của chúng con. Chúng con muốn được Chúa thứ tha cho mỗi người chúng con và cho toàn thế giới vì những xúc phạm đến Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa là Chúa của chúng con.
Cộng đoàn đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu chuộc chúng con. Trước khi về trời Chúa còn lập Phép Mình Thánh để ở với chúng con.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con kính thờ lạy Chúa, xin Chúa khấn thương ban cho gia đình, giáo xứ và cho toàn thể nước Việt Nam chúng con được ơn sốt sắng, bình an và thịnh vượng. Chúng con cũng xin Chúa gìn giữ Ðức Giáo Hoàng là đấng đại diện Chúa ở trần gian, Ðức Giám Mục Giáo phận chúng con và Cha xứ chúng con. Chúng con lại xin Chúa đoái thương cách riêng đến các linh hồn nơi luyện ngục nhất là những linh hồn khi còn sống đã có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã chịu chết vì chúng con, nhưng Chúa chưa lấy làm đủ, Chúa còn lập phép Mình Thánh rất đáng kính này để ban trót mình cho chúng con là loài thụ tạo đáng ghét và tệ bạc. Ôi lòng Chúa thương yêu chúng con vô cùng! Chúng con không tài nào suy thấu được. Chớ gì chúng con được kính mến Chúa hết lòng hết sức, chớ gì chúng con được thấy mọi người kính mến Chúa và chớ gì chúng con làm cho mọi người kính mến Chúa như Chúa đáng kính mến.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và thực hiện được điều đó cho gia đình chúng con. Bởi vì có tình yêu chân thành, chúng con mới có thể hy sinh cho nhau, cảm thông, tha thứ, nhịn nhục, chịu đựng lẫn nhau. Có thế, chúng con mới có thể chu toàn nhiệm vụ gia đình là tận tâm giáo dục con cái, trung thành với nhau.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, và xin cho mọi người trong gia đình chúng con sống với nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ vậy, gia đình chúng con sẽ được sống hạnh phúc tốt đẹp trong tình thương vô biên của Chúa.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)
II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :
Hát: Xin cho con biết lắng nghe
Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 8, 1-11)
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đó là lời Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)
Chủ đề : Thiên Chúa chỉ tha thứ không kết án
Tha thứ là bản chất của Thiên Chúa, Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, là Đấng hay tha thứ. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, chậm bất bình vả rất mực thứ tha. Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô "Cha đầy tình thương xót" (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân, vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (x. Ez 33,11). Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về tình tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói: "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống.
Ðoạn Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Trong lúc con người có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: "Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
Khi nghe những lời trên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một "Tin Vui" cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong ước khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.
Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ. Cần trao ban và lãnh nhận sự tha thứ. Nhưng chúng ta không trở nên có khả năng tha thứ, nếu trước đó chúng ta không để cho mình được Thiên Chúa thứ tha, vừa nhìn nhận mình là đối tượng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ trở nên kẻ sẵn sàng tha nợ cho người khác, chỉ khi nào chúng ta ý thức về mòn nợ to lớn mà chúng ta đã được tha cho. Chúng ta hãy cố khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, và hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan nhượng đối với con người tội lỗi.
Chúng ta hãy nhìn lên Ðức Trinh Nữ Maria và khẩn cầu Mẹ là Mẹ tư bi để đến nép thân nơi lòng thương xót của Mẹ. Nơi Mẹ, tình thương nhân từ của Thiên Chúa được nhập thể, và tâm hồn vô nhiễm của Mẹ là nơi trú ẩn an toàn cho người tội lỗi. Ðược Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta hăng hái tiến bước, và nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình, nay Người nói với mỗi người chúng ta rằng: "Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11).
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con đón nhận với niềm vui đã được canh tân, tiếp nhận hồng ân cứu rỗi, ngõ hầu chúng con gặp lại được sự tin tưởng và niềm hy vọng để bước đi trên con đường mới. Amen.
(Mọi người thinh lặng trong giây phút chiêm ngắm Chúa)
Hát : Chúa Luôn Tha Thứ - V.A
ĐK: Chúa luôn tha thứ cho con, không hề kết án tội con bao giờ. Mong con quay gót trở về, trong tình yêu Chúa chẳng hề nhạt phai.
1. Ôi tình yêu Chúa , Ngài thương con khi đời con đã mất , hết hy vọng giữa cõi đời. Khi Chúa đến với con rồi con vẫn ngỡ là mơ. Bao người lên án cười chê con khi đời con lỡ bước, muốn tiêu diệt tấm thân này.
2. Đang trong khi lúc cơ cùng Chúa đã cứu đời con. Khi kề bên Chúa Ngài nhìn con ôi tình yêu chan chứa, nói sao vừa, nói sao vừa. Hoen mi lệ ứa dâng trào ôi ngọt ngào tình Chúa.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
Công bố lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh (Mt 18, 21 - 35)
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy". Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết". Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao !". Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh". Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia. Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?" Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Đó là Lời Chúa.
Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)
Chủ đề: Hãy Tha Thứ Vì Ta Cần Chúa Thứ Tha
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Thày Giêsu: “Lạy Thày, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bẩy lần không ?” (Mt 18, 21). Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình 3 lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ IV thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!
Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22)
Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ.
Chúa Giêsu tuyên bố : “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).
Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”. Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận. Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác: “Ngươi này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao ? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”(Sir 27, ). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đức Thánh Cha Phanxi cô nó : Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.
Ước gì mỗi người chúng ta, để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa - tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.
Lạy Thiên Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, xin dạy con bài học nhân ái, độ lượng và thứ tha, để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai đã xúc phạm, gây ra đau khổ cho con, xin giúp con luôn tha thứ cho mọi người vô tình hay hữu ý xúc phạm tới con. Amen.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
Hát: THÁNH VỊNH 50 Lm. Kim Long
1. Xin thương con lạy Chúa theo lượng từ bi Chúa xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa con sạch muôn vàn lầm lỗi, tội tình con xin Ngài tẩy luyện.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
2. Vâng con nay đà biết bao tội tình vương mắc suốt ngày đêm luôn ở trước mặt. Dám sai phạm với một mình Chúa, từng tà gian ngay ở trước Ngài.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
3. Ban cho con, lạy Chúa cõi lòng thực trong trắng, phú vào con tinh thần vững mạnh. Chớ xua từ con khỏi mặt Chúa, đừng biệt con khỏi Thần Trí Ngài.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
4. Cho con vui được thấy ơn Ngài thương cứu rỗi, đỡ vực con theo lòng quảng đại. Cúi xin Ngài thương mở miệng lưỡi, để hồn con dâng lời tán tụng.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
(Vị Chủ sự và giúp lễ với bình hương, nến nghi ngút đi ra quì trước Thánh Thể)
III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ
(Mời cộng đoàn quì)
Chủ sự:
Anh chị em thân mến,
Hiệp cùng Đức giáo hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin.
Ý cầu nguyện
(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp: Xin Chúa tha thứ cho chúng con)
Vị chủ sự xướng :
1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên bàn thờ này, chúng con quỳ gối trước nhan Chúa. Con tin thật Chúa là Chúa của chúng con, chúng con là tạo vật của Chúa. Trước nhan Chúa, chúng con ý thức về thân phận tội lỗi của chúng con. Chúng con muốn được Chúa thứ tha cho mỗi người chúng con và cho toàn thế giới vì những xúc phạm đến Chúa.
Đáp : Xin Chúa tha thứ cho chúng con.
2. Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu chuộc chúng con, thế mà chúng con vô ơn bội nghĩa với Chúa.
Đáp : Xin Chúa tha thứ cho chúng con.
3. Lạy Chúa, đôi khi chúng con không nhận ra tình yêu Chúa do ham mê của cải phù phiếm che lấp con mắt tâm hồn chúng con, hoặc có khi chúng con đã nhận ra công trình kỳ diệu quan phòng của Chúa nhưng vì tính kiêu căng, ích kỷ, muốn làm chủ đời mình, nên chúng con đã lái đi hướng khác mà không quy thuận đường lối Chúa. Xin tha thứ cho chúng con.
Đáp : Xin Chúa tha thứ cho chúng con. 4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, điều đang hủy diệt lòng bác ái của chúng con là lòng tham lam tiền tài, một trái tim lạnh lùng và sự từ chối Thiên Chúa, thỏa thích trong hoang tưởng của chính mình hơn là đi tìm sự an ủi trong lời Chúa và trong các Bí tích.
Đáp : Xin Chúa tha thứ cho chúng con.
5. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24, 12). Xin Chúa tha thứ cho những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa và tha nhân, khi chúng con dửng dưng với đồng loại và với Thiên Chúa.
Đáp : Xin Chúa tha thứ cho chúng con.
6. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nhân loại hôm nay luôn chìm đắm trong biển máu của hận thù, chia rẽ. Bản thân chúng con cũng khó lòng tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Chúa muốn chúng con đến với nhau bằng bằng ánh mắt, bằng con tim, bằng lời nói yêu thương và không được tự cho phép có bất cứ suy nghĩ, lời nói, cử chỉ nào thiếu bác ái bao dung.
Đáp : Xin Chúa tha thứ cho chúng con.
Chủ sự:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin Chúa thương đón nhận, thánh hóa và ban ơn tha thứ theo thánh ý Chúa. Amen.
IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA
Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.
Hát: Ca Thánh Thể.
Lời nguyện.
Phép Lành Mình Thánh Chúa.
V. BẾ MẠC
Hát kết thúc
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ