Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Chúng ta bắt đầu hành trình hành hương với chính nền tảng của công việc hành hương thiêng liêng này. Thực tế là thuật ngữ hành hương (Pilgrimage) không xuất hiện trong thời đại chúng ta, nhưng đã có nguồn gốc từ rất lâu trong Kinh Thánh. Để về nguồn của truyền thống đi hành hương, chúng ta quay trở lại lịch sử Cựu Ước. Trong năm bài tới đây, chúng ta thấy nhiều ý nghĩa phong phú của việc hành hương trong thời hình thành và phát triển đạo Do Thái. Chúa Giêsu đã lớn lên trong chính môi trường văn hóa tôn giáo này; và nhờ vậy Giáo hội Công giáo cũng thừa hưởng những nét đẹp của việc hành hương.
Trong phần này, chúng ta tìm hiểu tiếng gọi lên đường hành hương của tổ phụ Abraham đến vùng đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Tiếc là sau khi vào được Đất hứa, dân Chúa lại phải đi lưu đày bên Ai Cập. Sau đó, họ lại hành hương về miền đất tràn trề sữa và mật. Thời kỳ tiếp theo, dưới sự hướng dẫn của vua David, đất nước trở nên hưng thịnh. Tuy vậy, ước ao lớn nhất của toàn dân là xây dựng một Đền thờ cho Thiên Chúa. Chỉ tới thời Salomon, ước mơ ấy mới thành toàn với Đền thờ thứ nhất được dựng lên tráng lệ trên núi Sion (năm 957 TCN). Ngày nay, khu vực núi Sion là ngôi đền Hồi giáo “Vòm Đá Tảng” (mái màu vàng kim) và Giáo đường Al-Aqsa (mái vòm màu đen), được xây năm 691 SCN.
Chúng ta đề cập đến Đền thờ và thánh đường, vì từ đây hành hương mang màu sắc tôn giáo đậm nét hơn. Theo truyền thống đạo Do Thái, hằng năm họ hành hương về Đền thờ để gặp Thiên Chúa và cử hành lễ hội. Đây là lý do mà những chương sau, chúng ta thường nhắc đến những nơi hành hương gắn liền với nhiều ngôi thánh đường nguy nga chứa đựng những nét đẹp tôn giáo. Hơn thế nữa, những nơi Thiên Chúa hoặc Đức Mẹ hiện ra, Giáo hội đều xây dựng Đền thờ để muôn dân hành hương về đây nguyện cầu và tham quan.
Hơn nữa, Đền thờ cũng là luật buộc liên quan đến những nơi hành hương hiện nay. Giáo hội viết: “Hành hương là một trải nghiệm tôn giáo phổ 14 quát và là biểu hiện điển hình của lòng đạo đức bình dân. Nó luôn được kết nối với một ngôi đền, mà nó là một thành phần không thể thiếu. Người hành hương cần Đền thờ, và Đền thờ cần người hành hương”[1].
Đạo đức bình dân mà tôi vừa trích dẫn trên đây là những thực hành tôn giáo ngoài phụng vụ, để biểu lộ lòng sùng kính, tin cậy mến đối với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Lối thực hành này thông thường là các việc tôn kính thánh tích, viếng Đền Thánh, hành hương, rước kiệu, đi đàng thánh giá, lẫn chuỗi, sùng kính Thánh Thể và Đức Mẹ, dâng hoa, v.v...[2].
Giờ đây, chúng ta cùng bắt đầu khởi hành trong chuyến xe trở về quá khứ với câu chuyện của Abraham…
* * * * *
Phần 1: TIẾNG GỌI LÊN ĐƯỜNG
Trước những bộn bề của công việc chuẩn bị đi hành hương, chúng ta tạm để lòng lắng lại. Mục đích của khoảng thời gian này là để Thiên Chúa giúp chúng ta lên đường mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Hẳn nhiên, mỗi người đi hành hương đều phải đóng phí, chuẩn bị những hành trang cần thiết, kể cả tâm thế cho những ngày sắp tới. Chúng ta không đi du lịch, nhưng đi hành hương đến những vùng đất tâm linh.
Trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36 (2021), Đức Thánh cha Phanxicô nêu một ý nghĩa rất hay về hành hương dành cho người trẻ và cho mỗi người hành hương chúng ta:
“Cha hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể sống như những người hành hương thực sự chứ không phải là “những khách du lịch của đức tin”! Chúng ta hãy mở lòng mình trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, Đấng muốn chiếu tỏa ánh sáng của Người trên hành trình của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng để lắng nghe tiếng nói của Người, cũng qua tiếng nói của các anh chị em của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ giúp nhau cùng nhau trỗi dậy, và trong thời khắc lịch sử khó khăn này, chúng ta sẽ trở thành những ngôn sứ của thời đại mới và tràn đầy hy vọng! Xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc chuyển cầu cho chúng ta.”[3]
Nói như thế để cho thấy Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta bước vào hành trình với tâm tình của người hành hương. “Bước chân lên đường, con đi tìm Chúa Chúa ơi! Từ bao năm qua hồn con thao thức…”[4]. Người hành hương lâu đời nhất tôi muốn kể ra đây, mà ai cũng biết, đó là tổ phụ Abraham.
Đi với niềm tin yêu và phó thác
Để lịch sử cứu độ được bắt đầu nơi trần thế, Thiên Chúa đã chọn gọi một người luống tuổi (75 tuổi, sinh năm 2166 TCN): ông Abraham (אַבְרָהָם tiếng Do Thái có nghĩa là "cha của nhiều dân tộc"). Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều nhận Abraham là tổ phụ. Abraham được Thiên Chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur (miền nam Iraq ngày nay), để đến vùng đất mới Canaan (St 10,19; 12,16). Ur thời đó là một thành phố cổ của người Sumer ở khu vực Lưỡng Hà, vốn được mệnh danh là cái nôi văn minh thời cổ đại. Lên đường vì một tiếng gọi, Abraham đã bước đi với niềm tin yêu và phó thác. Hẳn nhiên ông đã không biết Thiên Chúa dẫn mình và gia đình đến chính xác nơi nào. Nếu đi hành hương lần đầu, dường như mỗi người cũng có tâm trạng háo hức như Abraham ngày xưa. Ông đã đi và đã tới nơi gọi là miền Đất Hứa.
Chúng ta đều biết câu chuyện trên đây được kể chi tiết trong sách Sáng Thế (chương 12-23). Tuy nhiên, trong lịch sử hành hương của những tôn giáo có chung một tổ phụ Abraham, thì ai cũng thừa nhận rằng đây có lẽ là gốc tích của hành hương (abrahamic pilgrimage). Hành hương là lên đường trở về quê hương theo nghĩa thiêng liêng mà chúng ta sẽ bàn sau. Ở đây theo triết tự: hành là đi, hương là nhang: đi tới một nơi được coi là linh thiêng để thắp nhang kính bái và cầu nguyện. Nếu ai đó lên đường đi thăm quan, đi chơi hay nghỉ ngơi, chúng ta gọi là đi du lịch. Phải nói ngay ở đây rằng Abraham không đi du lịch, và ông càng không đi nghỉ dưỡng hay mua sắm. Trái lại ông lên đường vì một tiếng gọi thôi thúc con tim.
Cho phép tôi phân tích một vài điểm thần học trên đây.
Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người bằng nhiều cách thế khác nhau. Về bậc sống hay nghề nghiệp, có thể Thiên Chúa chọn anh A làm linh mục, chị B là ma sơ, bác C làm nông dân, cô D làm nghề giáo. Khi nhận ra và xin vâng tiếng gọi hay sứ mạng này, người ấy đang làm theo ý Chúa. Cũng như Abraham, trong thâm tâm mỗi người đều mơ ước đến thăm những vùng đất thánh. “Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh, ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.” (Tv 84,6). Nhất là trong thời đại hôm nay, cơ hội đi hành hương ngày càng mở ra. Thiên Chúa phải chăng thách đố mỗi người dám rời bỏ gia đình mấy ngày để lên đường với nhau và với Chúa?
Với tâm tình thiêng liêng này, chúng ta có quyền hy vọng những ngày hành hương là cuộc thao luyện thể xác và tinh thần. Tuy mệt mỏi sau chặng đường dài di chuyển, nhưng với con tim nguyện cầu, với tinh thần quảng đại, Thiên Chúa sẽ trợ sức cho mỗi người. Hơn nữa chính Chúa Giêsu dạy chúng ta biết những chặng đường hành hương để có thể đạt tới đích điểm ấy, đó là: “Đừng xét đoán để các con khỏi bị xét đoán; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ; hãy cho thì các con sẽ được lãnh nhận: chiếc đấu đong đầy, đã dằn, đã lắc sẽ được đổ vào vạt áo các con; vì các con đong bằng đấu nào, cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Thánh vịnh cũng nhắc nhớ mỗi người hành hương: “Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?” (Tv 56,9).
Hơn nữa, chúng ta thấy lòng tin của Abraham quá tuyệt vời, cũng vì tiếng Chúa đang thôi thúc trong ông. Ước gì mỗi người cũng khao khát lòng tin này, để trong chuyến hành hương cụ thể phía trước, đức tin của mình được trui rèn, được chất vấn và mở ra. Từ đó, ai cũng có quyền mơ về một chặng đường có nhiều điều thú vị đang ở phía trước.
Khi viết tới đây, tôi nhớ tài liệu rất bổ ích mà Giáo hội viết về năm Thánh 2000: hành hương Rôma. Khi đó, Giáo hội tin rằng: “Cuộc ra đi của Abraham là một cuộc xuất hành đến với ơn cứu độ, là hình ảnh tiên trưng về cuộc xuất hành sau này của toàn thể dân tộc.” [5] Nếu hiểu trong bối cảnh này, chúng ta có lý do để vui mừng lên đường bởi cơ sở thần học quan trọng này. Như Abraham, chúng ta cũng lên đường với niềm tin và hy vọng về một chân trời mới mà Thiên Chúa chỉ dẫn. Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô như là mẫu gương của người hành hương (truyền giáo), khi nhắn nhủ với các tín hữu Do Thái:
“Nhờ đức tin, ông Ábraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.” (Dt 11,8-13).
Tôi cũng được mời gọi như Abraham. Lên đường để tay Thiên Chúa dẫn đưa. Hành hương với nhiều niềm vui, nguyện cầu và khát khao. Đây cũng là hướng dẫn của Giáo hội: “Những người hành hương nên tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cuộc hành hương và xin Chúa trợ giúp để sống ơn gọi Kitô hữu một cách quảng đại hơn khi họ trở về nhà”[6].
Mách nhỏ khi hành hương:
- Chúng ta không đi du lịch, nhưng đi hành hương.
- Đi hành hương để trở về với Thiên Chúa và anh em.
- Nên tìm cho mình một lý do xác đáng để thực hiện chuyến hành hương: tôi tìm gì trong chuyến hành hương này: xin một ơn nào đó, tỏ bày lòng sám hối, khao khát kết hiệp với Chúa.
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024
_____
[1] Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 279
[2] Từ điển Công giáo, mục từ Đạo Đức Bình Dân
[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-dtc-phanxico-nhan-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-thu-36-42782
[4] Đây là bài hát của linh mục Giuse Cao Gia An SJ. Nghe tại: Đời Hành Hương | Angelo Band | đêm ca nguyện "hoán cải và nên thánh" - bế mạc năm thánh Inhã. https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=npcUZAlCAtA
[5] Xem: Hành Hương Trong Năm Toàn Xá, tại https://catechesis.net/hanh-huong-trong-nam-toan-xa/
[6] Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 287.