Thánh Lễ Truyền Giáo Tại Giáo Xứ Phượng Vĩ
Cập nhật lúc 15:26 19/10/2015
Vào lúc 07g30 Chúa Nhật, ngày 18.10.2015 - Khánh Nhật Truyền Giáo, Cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh đã dâng Thánh lễ trọng thể trước sự hiện hiện của khoảng 3000 giáo dân, trong đó có khoảng 300 bà con thuộc tôn giáo bạn.
WGPHH: Vào lúc 07g30 Chúa Nhật, ngày 18.10.2015 - Khánh Nhật Truyền Giáo, Cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh đã dâng Thánh lễ trọng thể trước sự hiện hiện của khoảng 3000 giáo dân, trong đó có khoảng 300 bà con thuộc tôn giáo bạn.
Bà con tham dự Ngày Truyền Giáo tại Giáo xứ Phượng Vĩ
|
Như đã được nhắc nhở để cầu nguyện và ý thức từ trước như mọi năm theo tinh thần “nhà nhà kết thân – người người kết thân”, ngay từ lúc 06g00, mọi người tấp nập kéo về, chẳng mấy chốc khuôn viên rộng rãi thường khi giờ trở nên chật chội. Cha xứ đã niềm nở tiếp đón tất cả các vị khách đến tham dự với những cử chỉ bắt tay thân tình.
Đúng 07g30, sau bài khởi động “Ra Khơi với Đức Kitô” của giới trẻ giáo xứ Phượng Vĩ là các tiết mục văn nghệ của các bạn trẻ trong 3 giáo xứ: Phượng Vĩ, Vân Thê và Khổng Tước. Đây là các tiết mục được dàn dựng và đầu tư hết sức công phu cả về nội dung, thời gian lẫn trang phục. Tất cả đều chăm chú hứng thú thưởng thức.
Văn nghệ Mừng Khánh Nhật Truyền Giáo
|
Sau phần văn nghệ chào đón đại biểu và cộng đoàn dân Chúa là đến phần Thánh lễ. Trong lời mở đầu, Cha xứ đã trân trọng kính chào mọi người, đặc biệt là những người tôn giáo bạn trong Chúa Giêsu Kitô; ngài cũng nhắc đến ý nghĩa của lễ Truyền giáo để gây ý thức cho mọi người.
Trong bài giảng lễ, với sự chuẩn bị chu đáo, Cha xứ nhấn mạnh đến việc chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều sự xáo trộn: luân lý, đạo đức, tình cảm vợ chồng, con cái.... Một trong những nguyên nhân của sự xáo trộn này là do “Nói và Làm” không đi đôi với nhau. Ngài nói: “Con đường xa nhất là từ Nói đến Làm: từ miệng đến chân tay”: Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là mẫu gương của sự Nói và Làm.
Cha xứ Giuse Nguyễn Văn Hạnh dâng Thánh lễ
|
Bài giảng thêm phong phú khi ngài minh họa việc Nói mà không Làm bằng câu chuyện: Một con Mèo rất hung dữ, tiêu diệt gần hết lũ Chuột. Lũ Chuột còn lại rất sợ, chỉ chui ở trong hang chịu cảnh đói khát mà không dám rời khỏi hang. Một hôm nhân dịp Mèo có việc phải đi xa, anh em nhà Chuột mới tụ tập lại, bàn cách để đối phó với tình thế. Thôi thì đủ các loại chuột, nào là chuột Cống, chuột Bạch, chuột Chù, chuột Nhắt, chuột Đồng, chuột Túi từ các nơi đổ về dự Hội Nghị. Ai nấy đều đưa ra ý kiến của mình. Ý kiến nào cũng có lý. Cuối cùng, Chuột Cống là niên trưởng, đưa ra ý kiến là tình thế rất nguy ngập, bây giờ chỉ còn cách buộc một cái chuông vào cổ tên kẻ thù hung dữ kia, để mỗi lần hắn cử động thì phát ra tiếng leng keng, chúng mình đều biết trước và trốn tránh dưới đất. Cả hội nghị vỗ tay gật gù tán thưởng ý kiến quá hay của vị niên trưởng khả kính này. Nhưng việc khó khăn nhất là ai sẽ là người đi đeo chuông vào cổ Mèo.!!! Chuột này nói:
- "Không, tôi không thể làm chuyện này! Tôi không dại đâu!"
Chuột khác nói:
- "Tôi cũng vậy!"
- “Tôi yếu vía, chẳng dám ra gió đâu”
-“Hôm nay tôi hơi mệt”
-“Tôi xin nhường vinh dự này cho các bậc đàn anh”
-“ Thôi, tôi chịu...”
Bàn tán, đùn đẩy với nhau mãi, chẳng ai chịu làm việc nguy hiểm này, rốt cuộc lũ chuột đành giải tán Hội Nghị. Thế là gia tộc họ Chuột muôn đời vẫn chịu lẩn trốn nơi hang hốc: ý kiến hay, nói thì tốt, nhưng ngay cả trưởng Cống nhà ta cũng chịu bó tay.
Ngài nhắc nhở: Đối với những người công giáo, Lời Chúa, giáo huấn của Giáo hội và các vị hữu trách luôn nhắc nhở chúng ta. Vẫn còn đây đó vô số các bậc cha mẹ, anh chị, những người hữu trách làm gương xấu... Là người chịu trách nhiệm, ngài nói: “Tôi thành thật xin lỗi ông bà anh chị em, nhất là quý vị tôn giáo bạn. Chúa của chúng ta đã không dạy thế. Chúng tôi đã có lúc làm xấu đi hình ảnh của Chúa, của Đạo Công Giáo. Chắc chắn những lúc như thế này Chúa rất vui khi thấy con cái Ngài cùng chung một ngôi nhà, một niềm vui, một sự hiệp thông, để rồi từ đó can đảm nhận ra cái tội, cái lỗi, cái thiếu sót của mình để xin Ngài tha thứ và ban ơn cho chúng ta biết sống hy sinh, quảng đại, yêu thương, tha thứ, biết làm lại và nhất là Nói và Làm phải đi đôi với nhau. Việc làm cụ thể và thiết thực đi kèm với lời nói (rao giảng) mới đủ sức thuyết phục con người thời nay và mới chứng minh được những điều được chúng ta rao giảng là chân thật. Chứng Tá Đời Sống không chỉ là của các cá nhân mà còn phải là chứng tá của cả gia đình và cộng đoàn, vì niềm tin Kitô giáo và Ơn Cứu độ của Thiên Chúa mang tính cộng đoàn (Dân Chúa). Truyện ông Gandhi yêu mến Phúc Âm nhưng không tin theo những người có đạo, vì những người này không sống khớp với Tin Mừng và Giáo huấn của Chúa Kitô, đáng chúng ta phải mãi mãi ghi nhớ và suy niệm trong lòng”.
Các em thiếu nhi dâng lễ vật trong trang phục truyền thống của điệu hát Xoan PHú Thọ
|
Sau Thánh lễ, Cha xứ ngỏ lời mời mọi người cùng dự tiệc ngọt với giáo xứ. Bên cạnh sự năng động của các bạn trẻ làm cho bầu khí gặp gỡ trở nên sống động, một số các đại biểu tôn giáo bạn có những thắc mắc đã được Cha xứ giải thích một cách thấu tình đạt lý. Mọi người đều vui vẻ. Những tràng pháo tay giòn giã không ngớt vang lên, chứng tỏ một ngày gặp gỡ mang lại nhiều niềm vui và bổ ích cho mọi người.
Được biết 3 giáo xứ: Phượng Vĩ, Vân Thê và Khổng Tước gồm 8 giáo họ với 7000 giáo dân. Đời sống thuần nông, nghèo về kinh tế và dân trí, nhưng đời sống đức tin khá.
Một số hình ảnh khác của Ngày Truyền Giáo:
BTT Giáo xứ Phượng Vĩ