WGPHH - “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, được tổ tiên lưu lại cho hậu thế trên dải đất hình chữ S. Truyền thống ấy càng được tô đậm và rõ nét hơn nơi người Công giáo, khi Hội Thánh dành trọn tháng 11 để kính nhớ, cầu nguyện và dâng lễ cách riêng tha thiết hơn, khẩn nài hơn, cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã rời cõi tạm trần gian, ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Với tâm tình ấy, vào lúc 19g00 thứ Sáu ngày 17.11.2023, quý cha quê hương Trù Mật đã trở về, để cùng với cha xứ Giuse Nguyễn Văn Yêm dâng Thánh lễ cầu cho các linh hồn trong giáo xứ đã qua đời tại Vườn Thánh Gò Chắt, do cha Phêrô Nguyễn Trường Thịnh chủ tế. Hiệp dâng Thánh lễ có quý thầy, quý dì, quý Hội đồng giáo xứ, quý Ban hành giáo, các hội đoàn và đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ.
Hoàng hôn đầu đông se se lạnh, nhưng bầu khí Vườn thánh thật ấm áp bởi hàng ngàn ngọn nến được thắp lên lung linh huyền ảo, bên làn hương trầm nghi ngút với sắc hoa muôn màu và bao người thân đang quây quần. Đôi dòng chữ khắc đậm trên hai trụ cổng Vườn thánh:
“Hỡi người còn sống - Xin nhớ đến tôi”, như tiếng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nhắc nhớ kẻ còn đang lữ hành nơi trần thế, đừng lãng quên những người ở thế giới bên kia.
Tiếng trống rộn ràng cùng tiếng kèn đồng vang vang, rước đoàn đồng tế từ nhà thờ ra Vườn thánh. Quý cha tiến lên lễ đài trong lời Thánh ca tấu lên đầy xác tín:
“Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại và trong thân thể này, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng Cứu Chuộc tôi”.
Bước vào Thánh lễ, cha Phêrô hướng cộng đoàn về niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân, sớm được hưởng nhan thánh Chúa.
Giảng trong Thánh lễ, cha Giuse Trần Văn Thuận chia sẻ:
“Ngồi bên nấm mộ, chúng ta nghĩ gì?” Có thể chúng ta nghĩ ngôi mộ nhà ai to cao, ốp đá đẹp thế, còn mộ nhà ai kia sao mà nhỏ bé, giản đơn cùng cỏ dại. Hoặc có thể chúng ta nghĩ ngày mai chúng ta sẽ chết và đây là nơi chúng ta cũng sẽ nằm xuống khi kết thúc cuộc đời trần thế này. Chúng ta còn nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cả cuộc đời cha mẹ đã vì con, lo cho con:
“Nuôi con buôn tảo bán tần, chỉ mong con lớn nên thân với đời. Những khi trái nắng trở trời, con đau là mẹ đứng ngồi không yên. Trọn đời vất vả triền miên, chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con”. Nay cha không còn, mẹ cũng mất, con chưa một lần làm trọn bổn phận đạo làm con. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến những ký ức, hình ảnh thật đẹp, khi những năm tháng bên nhau, chúng ta đã trao ban yêu thương, sống hết mình cho nhau, vì nhau. Bên cạnh đó, cũng có những hình ảnh, những ký ức khiến chúng ta phải ân hận, dày vò, vì khi ông bà, cha mẹ, người anh em của chúng ta còn sống, chúng ta đã đối xử dửng dưng, hờ hững, thiếu quan tâm, sống theo chủ nghĩa mắc-kê-nô (mặc kệ nó). Chúng ta hãy nhớ rằng, sau cánh cửa sự chết, chúng ta sẽ gặp lại nhau, chúng ta muốn nhìn thấy nhau trong tình trạng nào: vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau. Hãy sống yêu thương, tha thứ, đừng sống để bụng, để rồi chết đem xuống mộ phần. Sự hận thù, ghen ghét, đố kỵ, không thích hợp nơi nước Thiên Chúa. Tấm thẻ visa hay căn cước công dân được gắn mã định danh để qua và vào cửa Nước Trời, đó là:
Yêu thương.
Thánh lễ kết thúc tốt đẹp trong niềm cảm tạ, tri ân Thiên Chúa, với lời cầu xin thống thiết cùng Mẹ Maria:
Từ vực sâu, bao thương đau ngày đêm nung nấu, con lo âu trông ngóng từ lâu bóng Mẹ đâu. Mẹ, Mẹ ơi, xin thương con tình đơn thống hối, tâm tư nay thổn thức lệ rơi nhưng nghẹn lời.