WGPHH - Tối 25.05.2023, vào lúc 19g30, tại Nhà thờ Giáo xứ Nỗ Lực, Hội đồng Giáo xứ (HĐGX) đã long trọng mừng lễ kính Thánh Gioan Đoàn Văn Vân – Quan thầy HĐGX. Cha phó Giuse Phạm Văn Bắc chủ sự Thánh lễ. Tham dự Thánh lễ có thầy phó tế Giuse Nguyễn Ngọc Bích, các ông bà là cựu thành viên HĐGX, các vị đương nhiệm của 04 Giáo họ: Nỗ Lực, Hợp Lực, Bãi Mộc, Tề Lễ và đông đảo bà con giáo dân trong Giáo xứ.
Theo các nguồn sử liệu được in thành sách (“Hạnh các Thánh tử đạo Việt Nam – GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên - NXB Tôn Giáo, - Hà Nội, 2018”; “Truyện các Thánh – NXB Tôn giáo Hà Nội, 2008”; “Lược sử Giáo xứ Nỗ Lực 1599 – 2099 – NXB Tôn giáo Hà Nội 2009”; Danh sách các Thánh tử đạo Việt Nam được Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II phong bậc Hiển Thánh ngày 19/06/1988...) và một số tư liệu khảo sát trực tiếp tại quê hương Thánh nhân cùng với những câu chuyện được lưu truyền tại Giáo xứ Nỗ Lực cho biết: Thánh Gioan Đoàn Văn Vân (có tài liệu ghi là Phêrô Đoàn Văn Vân hoặc Gioan Bạch Văn Vân) sinh năm 1780 tại làng Kẻ Bói, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nay là Giáo họ Trương Cói, Giáo xứ Hà Ngoại thuộc Giáo phận Hà Nội. Gia đình Thánh Vân vốn không có đạo vì di cư từ phương Bắc tới. Thân sinh, Thân mẫu mất sớm nên Thánh Vân được cha Thi ở quê giúp nuôi dưỡng và cho vào Nhà xứ ở với Người, cho học Đạo và làm phép Rửa. Cậu bé Vân ngoan ngoãn, đạo đức nên cha xứ cho cậu vào học Tiểu chủng viện và khi 25 tuổi được lên bậc Thầy giảng và Thầy Vân nguyện ở bậc đó suốt đời mình. Sau đó Thầy được Bề trên điều về làm quản lý Nhà xứ Bầu Nọ tức Giáo xứ Nỗ Lực ngày nay. Ngài là người sống khiêm nhu, đạo đức sốt sắng, vì thế, cho đến bây giờ, dân làng Nỗ Lực vẫn truyền nhau câu ví “Đạo đức như Thầy cai Vân”! Thời vua Minh Mệnh là thời cấm cách quyết liệt trong lịch sử Giáo hội Việt Nam. Rất nhiều Giám mục, Linh mục, Tu sỹ và Giáo dân đã bị bách hại do quyết tâm bảo vệ, giữ gìn Đức Tin của mình. Thầy giảng Gioan Vân cũng là một trong số đó. Ngài đã bị kẻ xấu lùng sục, trả thù và bắt đem nộp quan trên lĩnh thưởng nhưng quyết không nhận mình là “Đạo trưởng” (Linh mục) mà chỉ là “Thầy giảng” mà thôi. Sau một thời gian bị giam cầm, tra khảo mà không khuất phục được Thầy, ngày 25/05/1857, Ngài bị tử hình tại chốt Sơn Tây, thọ 77 tuổi. Bà con giáo dân Bách Lộc đã chôn thi hài Ngài tại chỗ, sau đó mới đem về an táng tại Nhà thờ Bách Lộc. Ngày 02/05/1909, Đức Piô X phong Ngài lên hàng Chân phúc và ngày 19/06/1988, Ngài được Đức Gioan Phaolô II nâng lên bậc Hiển Thánh. Hiện nay Nhà thờ Giáo xứ Nỗ Lực vinh dự được giữ một phần nhỏ hài cốt của Ngài gồm xương tay và xương chân phải và tôn kính Ngài như một ân nhân của làng, xây Đền thờ Ngài cùng với 05 vị Thánh tử đạo của Giáo phận đã có thời kỳ phục vụ tại Giáo xứ. Rất nhiều trường hợp bà con giáo, lương xin khấn Thánh nhân đã được ơn như ý. Năm 1994, HĐGX Nỗ Lực đã nhận Ngài làm Quan thầy và dâng lễ kính vào ngày 25/05 hàng năm.
Mở đầu Thánh lễ, cha chủ tế đã nêu lên ý nghĩa của ngày lễ kính Thánh quan thầy - một tấm gương làm việc truyền giáo xuất sắc trong mục vụ, một tấm lòng trung trinh vô bờ đã hy sinh mạng sống mình vì Đức Tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Tấm gương cao quý đó luôn là ngọn đuốc sáng ngời soi đường cho tất cả chúng ta học tập, noi theo bằng chính đời sống hàng ngày, không chỉ cho các bậc tu trì mà cho tất cả mọi người tùy theo chức phận của mình. Cha mong muốn các thành viên HĐGX, Ban hành giáo các Giáo họ luôn có tinh thần đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm cao và tận tụy trong công việc, cộng tác tích cực với cha xứ và các Hội đoàn để xây dựng và phát huy truyền thống Giáo xứ Nỗ Lực ngày một thăng tiến, xứng đáng là một trong những ‘Giáo xứ mẹ” của Giáo phận nhà. Chia sẻ trong bài giảng, thầy Phó tế Giuse đã nêu lên những đức tính quý báu của Thầy giảng Vân trong đời sống tu trì, phục vụ Giáo hội, Giáo xứ. Thánh nhân đã “coi Giáo xứ Nỗ Lực chúng ta là quê hương thứ hai của Ngài” nên Ngài đã tận tụy hy sinh trong việc rao giảng Tin Mừng, bảo vệ đến cùng tài sản Nhà Chúa, không để bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí đe dọa tính mạng bản thân. Ngài đã xác định con đường đi của mình là “Từ bỏ chính mình để vác Thập giá theo chân Chúa”. Từ bỏ chính mình chính là tự nguyện xa rời danh vọng, tiền tài, địa vị và những điều bất chính của cuộc sống đời thường mà con người thường ham muốn để đón nhận những khó khăn, thử thách, khó nghèo thậm chí dám hy sinh cả tính mạng mình khi Chúa cần. Cuộc sống Thánh nhân tuy âm thầm nhưng vô cùng chói sáng, xứng đáng “là chứng nhân anh hùng bảo vệ Nước Chúa”. Trong thời đại ngày nay, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải có sự hy sinh đến cùng như cách đây vài thế kỷ mà Thánh Vân phải hứng chịu, nhưng cũng không phải không có những gian lao thử thách cách này hay cách khác mà mỗi người chúng ta phải can đảm vượt qua. Vì thế, những đức tính cao đẹp của Thánh nhân vẫn luôn là bài học quý giá mà chúng ta phải tâm niệm, học tập và soi rọi vào đời sống thực tại của mình. Thầy phó tế đã chúc mừng những thành tích trong nhiều năm qua của các thế hệ HĐGX, đặc biệt trong những năm gần đây trong việc xây dựng Giáo xứ ngày càng phát triển cả về vật chất và tinh thần Đức Tin, đoàn kết, động viên bà con sống “tốt Đời, đẹp Đạo”, là “cánh tay đắc lực, hữu hiệu” của các bậc chủ chăn qua các thời kỳ. Chúng ta hãy cầu nguyện và vững tin vào sự trợ giúp và bầu cử của Thánh Vân Quan thầy trước mặt Thiên Chúa, để HĐGX ngày thêm vững mạnh và đạt nhiều thành quả trong sứ vụ của mình vì như Chúa đã dạy: “Ai xin thì Ta sẽ cho. Ai gõ thì Ta sẽ mở”!
Thánh lễ mừng Thánh Quan thầy đã diễn ra trong bầu không khí thật sốt sắng và tinh thần tri ân Đấng bảo trợ. Cuối lễ, cha chủ tế, thầy phó tế và cộng đoàn đã cùng nhau dâng hương thơm trước kiệu Thánh nhân.
Buổi trưa cùng ngày, HĐGX đã tổ chức liên hoan thân mật mừng lễ Quan thầy.
Một số hình ảnh: