WGPHH - Lúc 9g30 ngày 30.09.2020, tại nhà nguyện Duy Phong thuộc xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên - Giám quản tông tòa giáo phận Hưng Hóa đã chủ sự Thánh lễ Tạ ơn Chúa đánh dấu sự hình thành và phát triển giáo xứ Lai Châu. Đồng tế với ngài có cha Phêrô Phạm Thanh Bình - quản hạt Lào Cai, cha Giuse Nguyễn Văn Ninh - quản xứ Lai Châu, quý cha trong giáo hạt Lào Cai, và quý cha khách cùng đông đảo quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ với cộng đoàn dân Chúa của giáo xứ Lai Châu. Ngoài ra, còn có khách mời danh dự là các đại diện chính quyền địa phương từ cấp tỉnh tới cấp xã, đến chúc mừng giáo xứ và cha quản xứ.
Trong Thánh lễ Tạ ơn này, Đức cha Phêrô đã nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn mà mọi người chúng ta phải có. Ngài mượn lời của thánh Phaolô để nói với cộng đoàn “Anh em hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”, vì bao ơn lành Ngài đã đoái thương đến chúng ta. Sự vô ơn đã dẫn đến tội kiêu ngạo. Vì vô ơn mà họ không biết đến ông trời, thượng đế. Họ cho mình là người chẳng cần đến ai, chẳng mang ơn ai, vì họ cho mình làm được mọi thứ. Có thể nói được rằng, sự vô ơn là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Những người vô ơn là những người phạm tội nhiều nhất! Vũ trụ này có khởi đầu và có kết thúc, và con người chúng ta cũng không ngoại lệ nên chúng ta phải biết ai đã tạo dựng nên vũ trụ và con người. Đức tin Kitô giáo cho chúng ta biết đó là Thiên Chúa, nên chúng ta phải biết dâng lời tạ ơn Ngài. Hơn nữa, chúng ta quy tụ nơi đây để cử hành Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là bí tích tạ ơn. Vì thế, chúng ta có mặt ở đây để dâng Thánh lễ Tạ ơn.
Sau Thánh lễ, ông Giuse Phạm Hồng Kỳ - Chủ tịch hội đồng giáo xứ Lai Châu, thay lời cho cộng đoàn dân Chúa nói lên những tâm tình tri ân đến quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh đã và đang phục vụ cho giáo xứ, đồng thời ông cũng nói lên lời cảm ơn tới chính quyền các cấp, quý ân nhân xa gần và hết thảy mọi người.
Ngược dòng thời gian: Để có được một giáo xứ Lai Châu khởi sắc như ngày hôm nay, bà con giáo dân đã không ngừng cầu nguyện và sống chứng nhân đức tin giữa vùng miền Tây Bắc này. Theo lời mời gọi “đi xây dựng vùng kinh tế mới” của nhà nước, đúng vào đêm Noel năm 1966, bà con lương giáo ở vùng Duy Tiên, Hà Nam – trong đó đa số là giáo dân thuộc giáo xứ Mang Sơn, Tổng giáo phận Hà Nội, đã rời bỏ quê hương xứ sở để lên vùng Lai Châu định cư lập nghiệp.
Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, bà con công giáo có ý định xây dựng nhà nguyện để duy trì lối sống đạo truyền thống từ vùng xuôi, nhưng mong muốn này bị trở ngại vì hoàn cảnh xã hội. Từ đó bà con giáo dân tự lo giữ đạo bằng những giờ kinh tối sáng trong gia đình. Ngày ngày họ cầu nguyện với Thiên Chúa sớm cho được tự do sinh hoạt đạo, sớm cho có vị mục tử để chăm lo đời sống đức tin.
Để chăm lo đời sống đạo của bà con vùng Tây Bắc, sau bao nỗ lực cố gắng, vào mùa Giáng Sinh 2004, lần đầu tiên Đức cha Antôn Vũ Huy Chương với tư cách là vị chủ chăn của giáo phận Hưng Hóa đã ghé thăm những con chiên xa xôi tại Lai Châu nhưng không được dâng lễ, chỉ có ít phút ngắn ngủi gặp gỡ hỏi thăm để rồi cha con phải chia tay nhau trong ngậm ngùi và nuối tiếc.
Sau đó, Noel 2007, cha Phêrô Phạm Thanh Bình quản xứ Sapa, kiêm nhiệm giáo dân Lai Châu và Điện Biên đã đến dâng Thánh lễ Giáng Sinh, và đây là Thánh lễ công khai đầu tiên tại Lai Châu, nơi được cho là “trắng tôn giáo” tại vùng tây bắc này. Có người còn nói rằng: “từ thuở tạo thiên lập địa, bây giờ chúng con mới có được Thánh lễ nơi đây”. Và kể từ đấy, hầu như mỗi tháng, cộng đoàn Lai Châu được tham dự Thánh lễ, mặc dù còn rất khó khăn do trở ngại từ cán bộ địa phương.
Trải qua năm tháng, tình hình sinh hoạt ở đây mỗi ngày được cải thiện có phần dễ dàng hơn. Cụ thể, ngày 01.6.2015, chính quyền đã chấp nhận điểm sinh hoạt công giáo đầu tiên tại bản Xéo Sin Chải, xã San Thàng, thành phố Lai Châu. Ngoài cộng đoàn chính ở thành phố Lai Châu còn có các cộng đoàn khác được hình thành và phát triển với sự cộng tác của các cha Giuse Đỗ Tiến Quyền và cha Đaminh Hoàng Thế Bằng.
Ngày 29.05.2016, Tòa Giám mục (TGM) bổ nhiệm cha Phêrô Phan Kim Huấn lên thường trú và phục vụ bà con trong tỉnh Lai Châu. Tiếp đó ngày 21.06.2019, cha Giuse Cấn Xuân Bằng được gửi đến để phục vụ cho vùng này. Sau khi cha Phêrô Phan Kim Huấn rời đi xứ khác (tháng 10.2019) thì có các cha tiếp tục tới phục vụ: cha Giuse Nguyễn Thanh Bình (ngày 12.11.2019), cha Giuse Nguyễn Văn Ninh (ngày 06.09.2020).
Về việc thành lập giáo xứ Lai Châu Vào ngày 05.03.2007, lần đầu tiên TGM Hưng Hóa đã gửi đơn đến chính quyền tỉnh Lai Châu đề nghị về việc thành lập giáo xứ Lai Châu. Nhưng mãi sau 5 lần đề nghị và chờ đợi, ngày 21.08.2020 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu mới chấp nhận đề nghị của TGM để giáo xứ Lai Châu chính thức được thành lập. Hiện nay, Lai Châu gồm 3.046 giáo dân, thuộc 26 cộng đoàn nằm rải rác trên toàn tỉnh với 7 huyện và một thành phố.
Và ngày hôm nay, với tư cách là linh mục quản xứ Lai Châu, cha Giuse Nguyễn Văn Ninh cùng các cha phụ trách trong khu vực và toàn thể các cộng đoàn dân Chúa trong tỉnh Lai Châu đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn này, để đánh dấu sự hình thành và phát triển của các cộng đoàn. Kể từ nay, Lai Châu đã bước sang một trang sử mới. Trang sử đã thấm đậm mồ hôi, nước mắt của bao vị tiền bối dày công gieo trồng và chăm sóc cho hạt giống đức tin được nảy mầm và phát triển.
Trong niềm vui của ngày lễ tạ ơn hôm nay làm cho nhiều người nhớ lại thời gian chờ đợi đằng đẵng hơn nửa thế kỷ qua. Những người mà ngày xưa họ khăn gói lên vùng Tây Bắc này, có kẻ đã về với Chúa bởi tuổi tác, có người không bám trụ nổi vì thiếu Thánh lễ… những người còn lại thì bây giờ đã trên dưới tuổi 80. Khi biết giáo xứ Lai Châu được chính thức công nhận, họ rất đỗi vui mừng. Một ông ban hành giáo trung tuổi nói trong nước mắt rằng “Chúng con có phúc hơn cha ông chúng con, vì đã thấy được điều mà các ngài không được thấy, nghe được điều mà các ngài không được nghe”. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói “Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe” (Mt 13, 16). Những nỗ lực của các bậc tiền bối hôm nay đã đơm hoa kết trái. Xin thắp nén hương lòng và dâng lễ tạ ơn này để nhớ đến công ơn các ngài. Mặc dù không được tự do sinh hoạt tôn giáo trong thời gian dài, nhưng những người thành tâm thiện chí ấy vẫn luôn tìm đến với Chúa qua giờ kinh gia đình, giờ kinh cá nhân hay mỗi khi biết giáo xứ Sapa hoặc giáo xứ Lào Cai có Thánh lễ thì họ tìm mọi cách để tham dự.
Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn trong hiện tại với tương lai để duy trì và củng cố các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt với các cộng đoàn anh em dân tộc H’mong (chiếm 1/3 số giáo dân trong tỉnh) nhưng chúng ta tin rằng với ơn Chúa cộng với sự trợ giúp của mọi người và đặc biệt là sự cố gắng của giáo dân trong các cộng đoàn, Lai Châu sẽ được phát triển cùng với các giáo xứ khác trong giáo phận, theo các tiêu chí: một cộng đoàn đức tin vững mạnh, một cộng đoàn phụng tự sốt sáng, một cộng đoàn bác ái yêu thương để hướng tới một cộng đoàn loan báo Tin Mừng.
Danh sách 26 cộng đoàn thuộc Lai Châu với 3.046 giáo dân: Cũng nên biết một số thông tin khác về tỉnh Lai Châu (tham khảo tại http://laichau.gov.vn): Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới vùng Tây Bắc, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Lào Cai; phía Nam giáp tỉnh Điện Biên; phía Đông giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên là 9.068,78 km2; chiếm 2,74% tổng diện tích cả nước (đứng thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố về diện tích tự nhiên); được chia thành 8 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Lai Châu và các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Than Uyên, Tân Uyên) Lai Châu có nhiều dãy núi và cao nguyên rộng lớn như dãy núi Hoàng Liên Sơn ở phía Đông và dãy núi Sông Mã ở phía Tây. Tỉnh Lai Châu có nhiều đỉnh núi cao nhất Đông Dương và Việt Nam như đỉnh núi Pu Ta Leng (cao 3.049m), đỉnh Phu Si Lung (3.076m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (3.046m)... Dân số toàn tỉnh đến hết năm 2019 là 463.911 người; gồm 20 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm trên 87% (dân tộc Thái khoảng 33,5%, dân tộc Mông 23,6%, dân tộc Dao 14,4%, dân tộc Kinh 11,2%, dân tộc Hà Nhì 5,6% còn lại 11,7% là các dân tộc khác, trong đó có 2 dân tộc chỉ có ở Lai Châu là Mảng và La Hủ)... Lai Châu có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Quần thể sinh thái khu vực đỉnh núi Pu Ta Leng, núi Ngũ Chỉ Sơn ở độ cao 3.049 m tại xã Hồ Thầu, thắng cảnh khu du lịch đèo Hoàng Liên Sơn, động Tiên Sơn, thác Tác Tình (huyện Tam Đường); động Pusamcap (thành phố Lai Châu); khu du lịch sinh thái cao nguyên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ); cầu kính Rồng Mây Lai Châu...
Như vậy, người công giáo hiện diện trên tỉnh Lai Châu chỉ có 0,6% dân số, một con số quá khiêm tốn so với cả nước chiếm gần 7.0% (tính đến năm 2019).
Những hình ảnh: