Thứ bảy, 23/11/2024

Đội trống giáo xứ Nỗ Lực mừng lễ quan thầy

Cập nhật lúc 09:43 23/09/2022
WGPHH - Tối thứ Ba – 20.09.2022, Đội trống giáo xứ Nỗ Lực đã long trọng mừng lễ Thánh Gioan Tân, linh mục tử đạo – quan thầy của Đội. Thánh lễ do cha phó Phêrô Phan Văn Vẻ chủ sự.
Được biết, Đội trống giáo xứ Nỗ Lực thành lập ngày 15/12/2019 và tôn kính Thánh Gioan Tân làm quan thầy.
Theo lịch sử Giáo hội: Thánh nhân có tên thật là Jean Charles Cornay (Tiếng Việt thường gọi là Gioan Tân hay Cố Tân) sinh ngày 28/12/1809 tại thành Loudul, tỉnh Viene, nước Pháp, trong một gia đình giàu sang, quyền quý. Tuy vậy, Thánh nhân đã từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của Chúa và dấn thân vào con đường tu trì. Ngài đã vào học tại Đại chủng viện Hội Thừa sai Paris (MEP). Sau khi chịu chức Phó tế, Ngài được Bề trên sai đi giảng đạo tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Hoa). Tuy nhiên hoàn cảnh lịch sử lúc đó không cho phép ngài trực tiếp tới Tứ Xuyên được mà phải vòng qua nước Đại Nam (tức Việt Nam) và dừng lại tại đây. Ngài đi về phương Nam và chịu chức linh mục (do Đức cha Du phong). Từ đó, Thày Gioan Tân được giáo dân gọi là “Cố Tân” (“Cố” là từ xưng hô với linh mục Hội Thừa sai). Linh mục Gioan Tân là người hiền lành, thật thà, khiêm nhường, chẳng mất lòng người nào, ai ai cũng kính phục. Trong quá trình đi rao giảng Tin Mừng, mở mang Nước Chúa, ngài đã dừng bước tại làng Bầu Nọ (giáo xứ Nỗ Lực bây giờ). Tại đây có kẻ gian tên là Đức có hiềm khích với giáo dân nên đã tố giác, vu oan cho ngài, báo quan rằng có linh mục người Tây, có vũ khí và thường đi lại với giặc Pháp. Vào thời điểm đó, khắp đất Việt đang diễn ra những cuộc cấm cách đạo Kitô một cách khốc liệt (vì Nho giáo dưới triều vua Minh Mạng, tiếp đó là vua Tự Đức... đã trở thành Quốc giáo và hằn thù Kitô giáo đến tột đỉnh). Rất nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân vì trung thành với Đức Tin đã bị sát hại đau đớn. Cha Gioan Tân cũng là một trong số đó. Khi kẻ gian tố cáo, quan quân địa phương đã phái 1.500 lính đến vây bắt ngài và bắt trói một số người khác. Vua Minh Mạng đã khép ngài vào án tử và xử bằng hình thức “lăng trì” (phân thây) như là một tướng giặc Pháp, mặc dù ngài luôn khẳng định mình chỉ là “người đi giảng đạo” mà thôi. Ngày 20/09/1837, cha Tân bị điệu ra pháp trường Năm Mẫu chịu án. Bản văn trên Thẻ án được viết như sau: “Tên Tân, tiếng Tây quen gọi là Jean Charles Cornay, là người ở thành Loudun, trong nước Pháp, bị tội vì là trưởng đạo và là tướng giặc. Vua ra án truyền cho nó phải xử lăng trì, bêu đầu ba ngày rồi bỏ xuống sông. Án này làm gương cho hết mọi người biết mà sợ”. Về sau, thân thể thánh nhân được hợp lại với nhau và được chôn tại nhà Dòng Mến Thánh Giá xứ Chiêu Ứng. Trước lúc bị tử hình, cha Tân đã viết thư cho cha Phan – linh mục thừa sai: “Tôi đã mừng rỡ vì những lời tôi đã được nghe thấy. Tôi sẽ được vào Nước Chúa Trời...”. Ở tuổi 28, linh mục Gioan Tân đã hiến trọn máu mình vì Đức Tin vào Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã được nâng lên bậc chân phước ngày 27/5/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988 cùng 116 thánh tử đạo Việt Nam. Bia ghi công trạng và một phần Thánh cốt của ngài đã được lưu giữ và tôn kính tại Đền thờ Thánh Vân giáo xứ Nỗ Lực. Cảm mến và tri ân Thánh Gioan Tân, Đội trống giáo xứ đã tôn ngài làm quan thầy theo ý nguyện của cha xứ và toàn thể thành viên trong Đội.
Ngay từ ngày thành lập, dưới sự hướng dẫn của cha quản xứ và sự giúp đỡ của các ân nhân, Đội trống đã có một nền tảng cơ sở vật chất khá phong phú, hiện đại, bao gồm: 01 trống đại; 04 trống trung, 20 trống cặp; 6 cồng chiêng và 12 cặp sinh ban do 46 thành viên điều khiển. Đội trưởng là ông Phêrô Phạm Văn Tính, tuy đã ở tuổi trung niên nhưng giàu lòng nhiệt tình và trách nhiệm cao. Anh em trong Đội đều hào hứng, đoàn kết, sẵn sàng hy sinh thời gian, công việc gia đình, hăng say tập luyện nên chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao. Trong các ngày lễ lớn hàng năm, ngày lễ quan thầy Đức Mẹ Mân Côi của làng, những sự kiện lớn của Giáo xứ, Giáo phận, cùng với các ban nhạc khác như Ca đoàn, Dàn kèn đồng... Đội trống đã góp phần không nhỏ vào công tác tổ chức, phụng vụ, biểu diễn, tạo bầu khí tưng bừng, phấn khởi và tinh thần sốt sắng thờ phượng Thiên Chúa. Trong 3 năm qua, do đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên, Đội trống giáo xứ Nỗ lực dâng lễ mừng kính Thánh quan thầy đúng vào ngày ngài đổ máu mình ra tại pháp trường cách đây tròn 185 năm. (Nguồn tài liệu: “Hạnh các Thánh tử đạo Việt Nam – NXB Tôn giáo – 2018; tr 214-216).
Đúng 19g20, các thành viên và bà con giáo dân đã long trọng rước Thánh giá và cha chủ tế tiến vào Nhà thờ truyền thống trong tiếng trống rộn rã, tưng bừng.
Mở đầu Thánh lễ, cha phó Phêrô đã ngỏ lời ghi nhận và biểu dương tinh thần nhiệt tình, hăng say và những thành tích của Đội đã đạt được 3 năm qua. Ngài không quên cảm ơn các ân nhân, bà con giáo dân trong, ngoài giáo xứ đã quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ Đội trống về mọi mặt để có một ban nhạc, có thể nói là “khá đặc biệt” hôm nay.
Chia sẻ qua bài giảng, từ nội dung Tin Mừng Lc 8,19-21, cha chủ tế đã nêu và phân tích về mẫu gương các thánh tử đạo nói chung, các thánh tử đạo Việt Nam nói riêng, đặc biệt là Thánh quan thầy Gioan Tân mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mẫu gương cao cả mà các ngài để lại cho chúng ta thật giàu ý nghĩa và mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện trên nhiều mặt mà ta phải suy ngẫm và noi theo. Đó là:
1. Các Thánh đã mượn cái chết của mình, những giọt máu cuối cùng để minh chứng cho một Đức Tin vững vàng vào Thiên Chúa vì chính Chúa Giêsu cũng đã đổ máu mình ra, chết trên cây thập tự, hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha trao phó cách đây trên 2000 năm. Đó là “những cái chết tuyệt đẹp” theo Đức Tin người công giáo chúng ta hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
2. Các Thánh đã luôn luôn trung thành với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, phục vụ tha nhân vô điều kiện, dám từ bỏ giàu sang phú quý nhưng vẫn luôn yêu thương Tổ quốc, quê hương, dân tộc và biết tha thứ, khoan dung đối với những thế lực, con người đã bắt bớ, hành hạ, vu khống mình như Chúa Giêsu xưa đã từng xin Chúa Cha “tha tội cho kẻ làm khốn mình” trước khi trút hơi thở cuối cùng vi “họ lầm chẳng biết”.
3. Các Thánh đã luôn thể hiện sự can trường, dũng cảm, sẵn sàng đón nhận tất cả những hình phạt, tra tấn dã man, rùng rợn mà người khác đã trút lên thân thể mình.
4. Các Thánh là những người đại diện tiếp nối truyền thống vinh quang của Giáo hội, làm sáng danh Giáo hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập, là hậu duệ của các bậc tiền nhân như Thánh Phêrô, Phaolô và trăm ngàn các Thánh nhân tử đạo khác trong suốt chiều dài lịch sử Giáo hội Công giáo từ xưa đến nay.
5. Máu đào của các Thánh đổ ra không bao giờ uổng phí, bởi đó là những “hạt giống gieo Tin Mừng của Chúa Giêsu” trên khắp thế gian này vì như Lời Kinh Thánh đã nói: những hạt giống ấy phải thối đi mới sinh ra nhiều bông hạt mới.
Kết thúc bài giảng, cha chủ tế mong muốn mọi người nói chung, các thành viên trong Đội trống nói riêng hãy noi gương Thánh Gioan quan thầy và các Thánh tử đạo bằng những việc làm cụ thể trong đời sống của mình, bổn phận của mình như lắng nghe Lời Chúa và thực hiện Lời Chúa răn dạy; yêu quê hương, Tổ quốc, gia đình đồng loại; biết khoan dung, tha thứ và giúp đỡ người khác. Cha cũng mong Đội trống quê hương Nỗ Lực ngày càng phát triển, thăng tiến trên mọi lĩnh vực hoạt động, góp phần tích cực vào việc gìn giữ và mở mang Nước Chúa.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí sốt sắng, tri ân và kết thúc bằng bài đồng ca “Các Thánh tử đạo Việt nam” cùng với những nhịp trống vang lừng.
Buổi trưa cùng ngày, cha phó và các vị khách mời đã vui vẻ dự tiệc mừng với toàn thể đội viên.
Một số hình ảnh:


 
Gioan Nguyễn Công Hoan
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log