Thứ năm, 26/12/2024

Bài giảng của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương trong Thánh lễ truyền chức phó tế tại nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc 14.02.2023

Cập nhật lúc 17:37 14/02/2023
Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương
Hôm nay chúng ta tham dự Thánh lễ Truyền chức Phó tế cho 16 thầy. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 11 Phó tế lớp Phaolô được truyền chức Linh mục cách đây 17 năm, trong đó có Đức Cha Đaminh, và ngài đã được truyền chức Giám mục cách đây đúng một năm. Đây là dịp tốt để chúng ta ôn lại về huyền nhiệm ơn gọi của những người được lãnh nhận các chức thánh; về việc canh tân Phụng vụ liên hệ đến một trong bảy Bí tích mà trong kinh chúng ta quen đọc là “Phép Truyền Chức Thánh”; về tinh thần phục vụ của những người lãnh nhận các chức thánh, cũng là tên gọi của chức Phó tế (Diaconus), nguyên ngữ tiếng Hy Lạp (diakonos) nghĩa là người phục vụ.
1. Về huyền nhiệm ơn gọi
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ rằng: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (x. Ga 15,16). Trong một buổi nói chuyện với các chủng sinh ở Rôma, ĐTC Phanxicô kể rằng: có một chủng sinh gặp ngài và xin rằng: “Xin ĐTC cầu nguyện cho con vì con đã chọn Chúa”, rồi ĐTC nói tiếp: “Tôi hồ nghi về ơn gọi của thầy này, vì rõ ràng Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”.
Thật vậy, thánh Marcô (x. Mc 3,13-15) tường thuật rằng: Khi ấy, Đức Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người”.  Người Do Thái quan niệm rằng Thiên Chúa ở trên cao, nên thường diễn tả tầm cao đó bằng từ “trời” hoặc “núi”. Vì thế, thánh Marcô mô tả “Đức Giêsu lên núi và gọi những kẻ người muốn”, tức là chính Thiên Chúa gọi những kẻ Người muốn. Tại sao Thiên Chúa gọi người này mà không gọi người kia? Thưa, tại vì Thiên Chúa “muốn”! Tại sao Thiên Chúa muốn? Thưa, tại vì Thiên Chúa yêu! Nhưng tại sao Thiên Chúa yêu? Thưa, đó là mầu nhiệm của tình yêu như lời Pascal đã nói: “Trái tim có lý lẽ mà lý trí không hiểu được”. Điều lý trí không hiểu được mà có thật, ta gọi là “mầu nhiệm”.
Đứng trước mầu nhiệm của tình yêu được chọn gọi, Linh mục nhạc sĩ Kim Long, trong ngày kỷ niệm được truyền chức linh mục, đã sáng tác bài “Chúa không lầm”: “Chúa không lầm khi Ngài gọi con theo, vì Chúa đã biết từ ngàn xưa”. Còn nữ tu nhạc sĩ Trầm Hương đã phổ nhạc bài “Huyền nhiệm tiếng Xin vâng” để kỷ niệm ngày một linh mục được truyền chức giám mục, trong đó có câu: “Huyền nhiệm thay, ôi huyền nhiệm thay! Con biết con hèn yếu xưa nay. Con biết Chúa tình yêu chung thủy. Ý nhiệm mầu tôi tớ xin vâng”.
Một người ý thức mình được Chúa chọn gọi để lãnh nhận các chức thánh, đã đáp lại tiếng gọi của Chúa như các môn đệ xưa: “Các ông đến với Người”. Phải chăng các ông xứng đáng hơn những người khác? Khi Chúa Giêsu chọn ông Simon Phêrô làm Giáo hoàng đầu tiên, các tín hữu thời đó đã thắc mắc: tại sao Chúa không chọn ông Gioan là “người môn đệ được Chúa yêu”, mà lại chọn một người đã chối Chúa ba lần. Để giải đáp thắc mắc này, Sách Tin Mừng theo Thánh Gioan đã kết thúc ở chương 20, đã có thêm chương  21 trình thuật về việc Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ và đặc biệt đã hỏi ông Phêrô 3 lần: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không? Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giêsu nói với ông: Hãy chăm sóc các chiên của Thầy.” (x. Ga 21, 15-17). Ở đây ông Phêrô thưa “Thầy biết con yêu mến Thầy” ngụ ý nói rằng: “Chỉ một mình Thầy biết rõ, còn người ta phê phán con là người đã chối Thầy; đúng là con “yếu” vì đã chối Thầy, nhưng Thầy biết con “yêu” Thầy!”.
2. Về việc canh tân Bí tích Truyền Chức Thánh
Có một ông trùm tranh luận với cha xứ rồi dẫn đến cãi nhau to tiếng, một lát sau ông trùm nói với cha xứ: “Thôi, con không cãi nữa vì con nể Cha là người có bảy chức thánh”.
Thật vậy, trước Công Đồng Chung Vatican II, tức là trước Hội nghị các Giám mục trên thế giới tại Vatican lần thứ hai cách đây gần 60 năm, các ứng sinh linh mục, trong 4 năm Thần học, sau khi gia nhập hàng giáo sĩ qua nghi thức “cắt tóc”, sẽ lần lượt lãnh nhận 7 chức thánh, đó là: Chức 1: giữ cửa (mở cửa nhà thờ và kéo chuông mời gọi các tín hữu), Chức 2: đọc sách (đọc Sách Thánh), Chức 3: trừ quỷ, Chức 4: Giúp lễ, Chức 5: Phụ Phó tế, Chức 6: Phó tế, chức 7: Linh mục.
Sau Công đồng Vatican II, khi canh tân Bí tích Truyền Chức Thánh, không còn phép Cắt tóc, 4 Chức nhỏ và Chức 5 (Phụ Phó tế) nữa; thay vào 4 chức nhỏ là 2 tác vụ: Đọc Sách và Giúp lễ; như thế, chỉ còn 3 chức thánh là Phó tế, Linh mục và Giám mục. Do đó, không còn gọi người lãnh chức Phó tế là “Thầy Sáu” như xưa nữa, mà chỉ gọi là “Thầy Phó tế”. Hiện nay, ngoài chức “Phó tế chuyển tiếp” được trao cho những ai sẽ chịu chức Linh mục, còn có “Phó tế vĩnh viễn” được trao cho những nam giáo dân có gia đình, sau một thời gian cả hai vợ chồng đã dự khóa huấn luyện và được Giám mục Giáo phận xét đủ điều kiện nhận chức phó tế để phục vụ ở những nơi thiếu linh mục do Tòa Thánh cho phép.
Một điều cũng nên ghi nhận, đó là: thoạt tiên, Sách Nghi lễ Truyền Chức sắp xếp 3 chức trước sau theo thứ tự thăng quan tiến chức là Phó tế, Linh mục và Giám mục. Sau ít năm Giáo hội đã đổi lại theo thứ tự thần học: Giám mục, Linh mục và Phó tế; điều này cho thấy Giám mục là chức thánh đầy đủ nhất, từ đó Giám mục truyền chức Linh mục và Phó tế là những người cộng tác với Giám mục. Ngoài ra, bản dịch tiếng Việt trước đây gọi là “phong chức” (ordinatio) đối với chức Phó tế và Linh mục, còn với chức Giám mục gọi là “thánh hiến” (consecratio), tiếng Việt dịch là “tấn phong”, nhưng hiện nay bản Nghi lễ mới bằng tiếng Latinh chỉ dùng một từ là “ordinatio” cho cả 3 chức thánh, và bản tiếng Việt dịch là “truyền chức” thay vì “phong chức”, mang ý nghĩa tông truyền; thực ra từ này đã được dùng trong kinh “Bảy Phép Bí tích”: “Thứ bảy là Phép Truyền Chức thánh”.
3. Về việc lãnh nhận chức thánh để phục vụ
Cả 3 chức thánh (Giám mục, Linh mục và Phó tế) đều thi hành sứ vụ theo tinh thần phục vụ theo lời Chúa Giêsu đã căn dặn các tông đồ (x. Mt 20, 17-28): “Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
Riêng đối với các Phó tế, Sách Nghi thức ghi ra những việc các Phó tế sẽ làm: “Được dũng mạnh nhờ ơn Chúa Thánh Thần, họ sẽ giúp Giám mục và hàng Linh mục của ngài, đồng thời tỏ mình là tôi tớ mọi người trong thừa tác vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái. Họ là thừa tác viên phục vụ Bàn thờ, loan báo Phúc Âm, chuẩn bị lễ tế, trao Mình và Máu Thánh Chúa cho các tín hữu. Ngoài ra, theo lệnh Giám mục họ sẽ khuyên bảo lương dân cũng như tín hữu, dạy giáo lý, chủ tọa kinh nguyện, ban phép Rửa tội, chứng hôn và chúc lành cho đôi hôn phối, đem của ăn đàng cho người hấp hối, chủ sự các nghi thức an táng”.
Giờ đây chúng ta tiếp tục dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa đã thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh để phục vụ dân Chúa, đồng thời cầu nguyện cho những người đã lãnh nhận các chức thánh, cách riêng cho các thầy sắp được truyền chức Phó tế, đã được truyền chức Linh mục và Giám mục. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các thành phần tín hữu khác, khi đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, đều có “Chức Linh mục Cộng đồng” để tham gia vào sứ vụ chung của Hội Thánh. Amen.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Hòa chung niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh cùng toàn thể nhân loại, tối ngày 24/12/2024, tại quảng trường nhà thờ Thiên Lộc, giáo xứ Cần Kiệm đã tổ chức đêm hoan ca, diễn nguyện và Thánh lễ trọng thể kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng trần, với chủ đề: “NĂM SỰ VUI - CUỘC LỮ HÀNH HY VỌNG”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log