Nhân dịp họp mặt các tác giả văn chương Công giáo lần thứ 10, sáng Chúa nhật 19/92021, Ban Văn hóa giáo phận Qui Nhơn tổ chức tọa đàm văn học với chủ đề: “Văn học Công giáo đương đại”. Ngày họp mặt này bắt đầu từ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 21-22/9/2012 đến nay. Mỗi năm Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đều tổ chức gặp gỡ các tác giả Công giáo tại Chủng viện Qui Nhơn. Năm nay do hoàn cảnh đại dịch Covid, buổi gặp gỡ được tổ chức trực tuyến.
Tuy thiếu cảnh trực tiếp tay bắt mặt mừng, nhưng bù lại, số tham dự viên vượt hẳn các năm trước. Tọa đàm được vinh dự đón tiếp Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn kiêm Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học và Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Văn học và gần một trăm tham dự viên là các tác giả Công giáo đến từ khắp các miền đất nước cùng hai vị hải ngoại.
Sau hát kinh Chúa Thánh Thần, Đức cha Matthêô nhắc tới lai lịch ngày họp mặt và tuyên bố khai mạc. Trong phần chia sẻ, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn ghi nhận rằng từ xa xưa, đã có sự hội nhập văn học Việt Nam với phương Tây qua văn học Công giáo, và ngày nay giới nghiên cứu ngày càng quan tâm tới Văn học Công giáo. Nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh từ Canada bày tỏ sự vui mừng khi tham dự tọa đàm về văn học Công giáo. Ông nói rằng thế hệ nghiên cứu lớp trước giờ đã “lão hóa”, và mừng rằng, qua tọa đàm đã thấy thế hệ trẻ đang tiếp bước.
Tám diễn giả đã trình bày tám chuyên đề từ nguồn gốc văn học Công giáo, Hán Nôm Công giáo đến văn học Công giáo từ 1975 đến nay.
Cuối buổi tọa đàm, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, có bài tổng kết.
Trước hết ngài lượng giá buổi tọa đàm qua cụm đề tài về lịch sử, với các bài:
– Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam (Lm. Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Gp. Qui Nhơn).
– Hán Nôm Công Giáo (Ts. Maria Lê Thị Hà, viện Hán Nôm).
– Bước dò dẫm của các cây bút nữ (Nữ tu Anna Nguyễn Thị Bích Hạt, Dòng MTG Thủ Đức).
– Vài nét về văn học Công giáo trong nước từ 1975 tới nay (Nhà văn Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang).
Rồi cụm đề tài về văn học địa phương, với các bài:
– Văn học Công giáo Tây nguyên (Nhà nghiên cứu Phêrô Lê Minh Sơn, Gp. Kontum).
– Du lịch văn học tại Bình Định? (Ts. Lê Nhật Ký, Đại học Quy Nhơn).
Thứ ba là cụm đề tài hướng đến tương lai, với các bài:
– Khích lệ các tác giả văn Công giáo (Nhà văn Phêrô Nguyễn Văn Học, Gp. Hà Nội).
– Hướng tới một giải văn học Công giáo toàn quốc (Lm. Gioan Phêrô Trăng Thập Tự, Gp. Qui Nhơn).
Từ hai đề tài cuối này, Đức Cha Giuse đã cho câu trả lời về một điều được nhiều lần nhắc lại qua các bài thuyết trình là ước vọng về một Giải Văn chương Công giáo toàn quốc. Ngài cho biết đề xuất xin Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam ủy quyền cho một Ban Văn hóa Giáo phận có thực lực và kinh nghiệm là khả thi. Ngài nói: “Chắc chắn ngay hôm nay chúng ta chưa thể đưa ra một quyết định chính thức, vì cần phải có một sự đồng thuận cao từ chính chúng ta, của nhiều phía, để UBVH sẽ có đề nghị chính thức tới các Bản quyền Giáo phận, và Ban VH của các GP liên quan để mong sẽ có được một quyết định chính thức vấn đề này.” (Mời xem toàn văn bài phát biểu tổng kết đính kèm).
Phát biểu ấy của Đức Cha Chủ tịch đã làm nức lòng cử tọa. Mọi người chia tay trong niềm hân hoan đợi chờ sớm được thấy quyết định chính thức ấy.
Thư ký của Tọa đàm
Lời chào khai mạc của Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
trong Tọa đàm trực tuyến về văn học Công giáo, ngày 19-9-2021
Xin kính chào Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa của HĐGM Việt Nam, Cha Tổng Đại diện Giáo phận Qui Nhơn, quý Cha và anh chị em tham dự hội thảo hôm nay,
Cách đây vừa tròn một thập kỷ, trong hai ngày 21-22/9/2012, nhân phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hàn Mạc Tử, hơn 60 tác giả Công giáo từ khắp các miền đất nước đã cùng nhau về tham dự cuộc họp mặt Văn thơ Công giáo tại Chủng viện Qui Nhơn, do Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn tổ chức.
Dịp ấy, theo sáng kiến của Cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, bút hiệu Trăng Thập Tự, Trưởng ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, tôi đã công bố mở Giải thưởng truyện ngắn Viết Văn Đường Trường kéo dài sáu năm liền để chào mừng 400 năm loan báo Tin mừng tại giáo điểm Nước Mặn thuộc Giáo phận Qui Nhơn và sẽ trao giải thưởng hằng năm vào hai ngày 21-22/9, vì ngày 21 là lễ kính Thánh Matthêô Tông đồ, bổn mạng của giới cầm bút, và ngày 22 là sinh nhật của Hàn Mạc Tử, một nhà thơ lớn Công giáo. Từ đó, ngày 21-22/9 đã trở thành ngày hẹn, ngày họp mặt hàng năm của tất cả chúng ta.
Những chữ “ngày hẹn”, “ngày họp mặt” gợi lên nơi mỗi người chúng ta một sự háo hức với khung cảnh thân thương tay bắt mặt mừng, lòng phấn khởi tưng bừng. Tuy nhiên, năm nay vì hoàn cảnh đại dịch đang hoành hành khắp nơi, cuộc họp mặt lần thứ 10 của chúng ta chỉ có thể diễn ra qua màn hình trực tuyến, một kinh nghiệm truyền thông hiện đại có khả năng nối kết bất chấp mọi trở ngại. Chủ đề của cuộc họp mặt hôm nay là Dòng Văn Học Công Giáo Đương Đại.
Xin kính chúc tất cả quý vị, các bạn và gia đình được bình an và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
Bài phát biểu đúc kết của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa
trong tọa đàm về văn học Công giáo, ngày 19-9-2021
Trọng kính Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn,
Kính thưa quý Cha và quý tham dự viên cuộc tọa đàm hôm nay
Xin cho tôi được bày tỏ niềm vui khi được mời tham dự và có vài tâm tình trong cuộc tọa đàm với chủ đề: “Văn học Công giáo đương đại”. Tôi đã cảm nhận hai niềm vui xuất phát từ chính cuộc “quy tụ” đặc biệt này: (1) Trước hết, là niềm vui được gặp gỡ cả thanh lẫn hình trong hoàn cảnh dịch bệnh tưởng như không thể quy tụ và gặp gỡ; đặc biệt được gặp nhau trong bầu khí huynh đệ từ giáo phận mẹ của Giáo phận Đà Nẵng chúng tôi là Giáo phận Qui Nhơn để cùng chia sẻ những chủ đề liên quan đến “văn hóa-nghệ thuật” mà Đức Cha Matthêu và tôi được vinh dự phân nhiệm trong Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN). (2) Thứ đến, cách tổ chức cuộc tọa đàm này cũng rất đặc biệt vì là “trực tuyến” thích hợp với hoàn cảnh và cũng là xu thế hiện nay của thế giới và ngay tại Việt Nam chúng ta, đặc biệt là trong cách hoạt động của chính quyền dân sự và xã hội, ngay cả trong việc giáo dục đào tạo, kể cả các lớp rất nhỏ! Nói theo ngôn ngữ xã hội hiện nay thì hình thức trực tuyến (online hoặc livestream) đang là “xu thế thời đại” và “tất yếu” trong hoàn cảnh khó khăn cho việc tập trung và di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh covid-19 đang hoành hành. Giáo hội hoàn vũ nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đang sử dụng phương tiện này cho các hoạt động tông đồ, mục vụ và phụng vụ của mình. Có một kiểu nói đặc biệt cho việc ứng dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại internet này là “ngôn ngữ mới và văn hóa mới” (new language, new media culture). Tôi xin có bày tỏ sự ấn tượng với lời khen và rất biết ơn ban tổ chức của Ban văn hóa giáo phận Qui Nhơn đã can đảm tổ chức trực tuyến Buổi tọa đàm về Văn học Công giáo đương đại. Ban Tổ chức có đề nghị tôi phát biểu vài ý kiến về 2 nội dung:
1/ Tóm tắt lại các đề tài đã trong buổi tọa đàm chúng ta vừa nghe:
Có 8 đề tài được trình bày theo 3 nhóm chủ đề mà tôi phân ra như sau:
a/ 4 đề tài chuyên biệt về văn học Công giáo:
Đề tài 1: Tìm kiếm và bảo tồn văn học Hán Nôm Công giáo do Chị Maria Lê Hà thuyết trình.
Đề tài 2: Bước dò dẫm của các nữ tác giả văn học Công giáo do Nữ tu Anna Nguyễn Bích Hạt thuyết trình.
Đề tài 4: Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam, do diễn giả là Cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Gp Qui Nhơn.
Đề tài 5: Văn học Công giáo từ năm 1975 đến nay do chị Nguyễn thị Khánh Liên trình bày.
b/ 2 đề tài liên quan tới văn học Công giáo địa phương:
Đề tài 3: Đôi nét văn học Công giáo Tây Nguyên do diễn giả Ông Phêrô Lê Minh Sơn trình bày.
Đề tài 7: Khai thác văn học Công giáo với việc phát triển du lịch tại Bình Định do Tiến sĩ Lê Nhật Ký trình bày.
c/ 2 đề tài liên quan đến việc đề xuất cho hướng phát triển nền văn học Công giáo tương lai:
Đề tài 6: Khích lệ cho việc phát triển nền văn xuôi Công giáo do Anh Nguyễn Văn Học trình bày.
Đề tài 8: Hướng tới một giải văn chương Công giáo toàn quốc do Lm. Võ Tá Khánh trình bày.
Trước hết, cám ơn Ông Bùi Công Thuấn là người hướng dẫn chương trình rất tri thức, dí dỏm và nhẹ nhàng giúp tọa đàm tốt đẹp. Ngoài 8 đề tài, còn có sự hiện diện và bày tỏ ý kiến của Phó Gs-Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn-Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam. Ông nhận định Văn học Công giáo đã đóng góp ngay từ ngày đầu cùng với Văn học dân tộc Việt Nam tiếp cận với nền văn học Phương Tây để cùng phát triển nền Văn học đương đại trên thế giới và Việt Nam.
Có thể nói rằng tất cả 8 đề tài đều được các diễn giả nghiên cứu công phu và trình bày rất tâm huyết trong chương trình Tọa đàm hôm nay. Tôi rất mừng khi nhận thấy các nội dung chủ đề được trình bày với định hướng là bảo tồn và phát triển hướng về Loan báo Tin mừng; trong đó có thêm những đề xuất mang tính nhằm vào khả năng phát triển lâu dài mang tính phổ quát, cộng đồng và Công giáo. Với những đề tài mang tính nghiên cứu, tôi rất mong chúng ta nên có thêm những tìm tòi chuyên sâu hơn, đặc biệt đối với các nguồn tư liệu liên quan đến Hán-Nôm, Quốc ngữ thời sơ khai và tìm cách bảo tồn cũng như phổ biến cho các thế hệ trẻ có thể tham khảo và thưởng thức. Điều đặc biệt trong chương trình có ba đề tài do ba người nữ (trong đó có một nữ tu) muốn nói tới sự trân trọng và vai trò của người nữ trong văn học Công giáo. Ngoài ra, tôi cũng lưu ý đặc biệt đến việc tìm cách mở rộng và khuyến khích nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu khoa học để lưu giữ và phổ biến các tư liệu và sự phong phú của nền văn học Công giáo tại các giáo phận. Đối với các đề xuất mang tính thực hành để có thể lưu giữ và phát triển phục vụ cho các hoạt động tông đồ mục vụ (đa dạng) và loan báo Tin Mừng cần được kiên trì để có thể hiện thực trước khi quá muộn. Những điều này cần sự chung lòng và hợp sức của nhiều thành phần dân Chúa; cách riêng những vị có trách nhiệm và thẩm quyền cần có “tâm” và có “tầm” hơn trong lãnh vực khá riêng biệt này. Đây cũng là một trong những ưu tư và nỗ lực của Ủy ban Văn hóa (UBVH) trực thuộc HĐGMVN mà chúng tôi luôn trăn trở để có thể thực hiện cho Giáo hội Việt Nam chúng ta.
(2) Xin Đức cha cho biết đường hướng hoạt động văn hóa, văn học của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong giai đoạn tới. Như chúng ta cũng biết, tháng 04/2017, sau khi ĐC Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch UBVH qua đời, quý Đức Giám mục trong cuộc họp thường niên kỳ I tại Tgm Nha Trang đã bầu tôi là Chủ tịch UBVH trực thuộc HĐGMVN. Tôi bắt tay hoàn thiện cơ cấu, và tiếp tục đặt Cha Giuse Nguyễn Tín Ý làm Thư ký của UBVH. Từ đó đã có buổi Hội thảo về Chữ quốc ngữ tại Trung tâm Mục vụ Tgp Tp Hồ Chí Minh. Đã chuẩn bị xong lần hội thảo II tại Tgp Huế, thì Covid.19 đã khiến phải hoãn lại. Sau đề nghị của UBVH, HĐGMVN đã trao cho UBVH lập Thư viện của HĐGMVN, hiện đang thực hiện tại Trụ sở HĐGMVN, 72/12 Trần Quốc Toản, Q.3. Tp Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng biết, mỗi UB của HĐGM mỗi năm chỉ có một kinh phí rất nhỏ bé do HĐGM trao, còn tất cả mọi chi phí cho hoạt động, phát triển, hội thảo, in sách… đều tự thu xếp. Ngay việc thành lập Thư viện của HĐGM như mua sắm máy móc, trang bị thư viện, mua và photo, scan sách cũng là sự “vận động” xin các ân nhân.
Chính vì vậy, tôi đã rất quan tâm khi nhận được đề nghị của Cha Trăng Thập Tự, Ban Văn hóa gp Qui Nhơn với những thao thức: Trước hết là thẩm quyền tổ chức giải; thứ hai là chuyện kinh phí, thứ ba là tìm đâu ra những người đủ trình độ và có cùng cái nhìn mục vụ để mời làm giám khảo, và thứ tư là nhân sự tổ chức. Ngài tâm sự: Cả giải Đất Mới tại Xuân Lộc và giải Viết Văn Đường Trường tại Qui Nhơn đều có những kết quả khả quan, thế nhưng khi càng làm, càng thấy cần phải có một Giải thưởng toàn quốc, bằng không mọi chuyện dù kết quả tới đâu cũng không có tương lai. Chắc chắn, chúng ta sẽ phải tìm giải pháp để đưa ra một quyết định như mong ước và đề nghị của Cha Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự), đó là nâng tầm giải Đất Mới thành giải văn chương Công giáo toàn quốc. Nếu đề xuất trên thực hiện thì nên chăng đề nghị Giáo phận Xuân Lộc đứng ra tổ chức, một Giáo phận có nhiều điều kiện về nhân sự và khả năng kinh phí, hoặc ngay chính GP Qui Nhơn với giải Viết văn đường trường và những Vị khả năng văn hóa cũng là một khả thi.
Ngày hôm qua, Vatican News đã trích lời của ĐTC Phanxicô như sau: “Niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta nhận ra: luôn có một lối thoát; chúng ta luôn có thể tái định hướng các bước đi của mình; và chúng ta luôn có thể làm điều gì đó để giải quyết vấn đề của mình”. Như vậy, từ tâm tình của ĐTC Phanxicô, chúng ta đều có quyền hy vọng, và cùng tìm ra giải pháp nào thích hợp nhất cho chương trình và mong ước của chúng ta. Chắc chắn ngay hôm nay chúng ta chưa thể đưa ra một quyết định chính thức, vì cần phải có một sự đồng thuận cao từ chính chúng ta, của nhiều phía, để UBVH sẽ có đề nghị chính thức tới các Bản quyền Giáo phận, và Ban VH của các GP liên quan để mong được sẽ có một quyết định chính thức vấn đề này.
Một lần nữa xin chân thành cám ơn Đức cha Matthêô, quý Cha trong Ban Văn hóa Gp Qui Nhơn, quý Cha và quý Vị trong Ban tổ chức, quý thuyết trình viên, và quý ông bà anh chị em tham dự viên; chắc chắn mỗi cố gắng của chúng ta: là người chuẩn bị, người nói bài, hay người nghe đều đón nhận nơi Chúa là Ân ban, và đón nhận tri thức, khả năng của nhau để cùng xây dựng và phát triển nền Văn hóa Công giáo đương đại phù hợp với Tin Mừng và Hội nhập với Văn hóa Dân tộc Việt Nam. Xin kính chúc Đức Cha, quý Cha và toàn thể quý Vị luôn tràn đầy Thánh ân, với sức khỏe, nghị lực, niềm vui và an bình. Xin chân thành cám ơn quý Đức Cha, quý Cha và quý Vị.
Đà Nẵng, Chúa nhật ngày 19/09/2021
+Giuse Đặng Đức Ngân
Giám mục GP Đà Nẵng
Chủ tịch UBVH/HĐGMVN