Phỏng Vấn Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Tân Giám Mục Chính Toà Giáo Phận Vinh
Cập nhật lúc 09:27 08/01/2019
PV. Trọng kính Đức Cha, Cha Giám Đốc Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic, Ban Biên Tập và toàn thể độc giả xin chúc mừng Đức Cha đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Tòa Giáo phận Vinh. Xin Đức Cha chia sẻ cho chúng con một số tâm tình khi nhận được thông tin bổ nhiệm này.
- Xin chân thành cám ơn cha Giám đốc cùng Ban Biên Tập Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic và quý độc giả đã chúc mừng tôi trong sứ vụ mới tại giáo phận Vinh.
Khi sự bổ nhiệm này được thông báo chính thức, trong tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc, từ xúc động, vui đến buồn, từ lo âu đến tín thác và bình an: Tôi xúc động khi biết mình được Toà Thánh tín nhiệm giao cho một giáo phận có bề dày lịch sử và trải qua nhiều đau thương khốn khó mà vẫn kiên trung. Việc bổ nhiệm này làm cho tôi có vui một chút, nhưng liền đó là buồn vì phải chia tay giáo phận Hưng Hóa, nơi mà năm năm rưỡi qua, tôi đã gắn bó sâu đậm với mọi người, đặc biệt là anh chị em H'mông. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy lo âu vì trách nhiệm nặng nề trong khi mình tài hèn đức mọn, biết có đảm đương nổi giáo phận này không. Thế rồi tôi cầu nguyện, phó thác mọi sự trong tay Chúa. Chúa muốn thì tôi xin vâng. Và tôi cảm thấy bình an.
PV. Đức Cha vừa nhắc đến sự gắn bó với giáo phận Hưng Hóa miền Tây Bắc, nơi có những nét rất riêng. Đức Cha có những kinh nghiệm mục vụ đặc biệt nào nơi vùng đất ấy ạ?
- Kinh nghiệm mục vụ thì rất nhiều, tôi chỉ xin chia sẻ vài điểm nổi bật:
* Lòng thương yêu. Khi đến giáo phận Hưng Hóa, tôi thấy đây thật là một giáo phận rất đáng thương. Hàng mấy chục năm, giáo dân như đàn chiên không người chăn, sống dở chết dở vì thiếu linh mục, trong khi giáo dân lại ở rải rác trong 10 tỉnh thành rộng lớn ở vùng thượng du và trung du, đường đi trắc trở, không được qui tụ thành cộng đoàn, không có nơi thờ phượng, không có Thánh Lễ và Bí tích. Người Kinh đã vậy, mà người H'mông còn đáng thương gấp bội, vì đời sống vật chất thiếu thốn, cơm ăn, áo mặc, nhà ở đều đói rách. Phần thiêng liêng thì bao năm không có linh mục nào được đến ở với họ. Thấy vậy thì lòng tôi trào dâng niềm thương yêu. Việc mục vụ chỉ có thể khởi đi từ một lòng thương mến chân thành. Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh cũng khẳng định như vậy: “Không thể là linh mục ở giáo phận Kontum nếu không yêu thương đồng bào dân tộc”.
* Lòng thương yêu dẫn đến hành động cụ thể là đến với họ, chia sẻ cuộc sống của họ, nâng đỡ đức tin cho họ. Ở Hưng Hóa, nhờ có Đức cha chính Gioan Maria Vũ Tất đảm đương việc quản trị, nên tôi được thong dong đi lại nhiều trong giáo phận. Có thể tính thời gian tôi ở Tòa Giám mục ít hơn thời gian tôi đến với các vùng xa, vùng sâu để thăm viếng, gặp gỡ, cử hành Bí tích, qua đó khích lệ đức tin cho anh chị em. Nhờ số linh mục giáo phận mỗi năm mỗi tăng, với sự cộng tác của các linh mục dòng, nhờ cơ chế đối với tôn giáo được nới rộng, và sự tiếp xúc với chính quyền địa phương để trao đổi vấn đề tôn giáo, nên hiện nay tình hình đã sáng sủa hơn. Tại những nơi đạo Công Giáo chưa được chính quyền công nhận là một tổ chức tôn giáo hợp pháp, chúng tôi vẫn có thể gửi các linh mục đến ở lại, nhờ đó việc chăm sóc mục vụ cho giáo dân được chu đáo hơn. Số tín hữu trở lại gia tăng, các sinh hoạt tôn giáo nề nếp và sinh động hơn.
* Việc mục vụ được nhấn mạnh vào việc thăm viếng. Nhờ sự tiếp xúc gặp gỡ, nhiều người lơ là nguội lạnh trở lại, như hòn than đã tắt nay được đốt cháy lên. Chúa Giêsu ngày xưa nêu gương đi lại, gặp gỡ tiếp xúc mọi người để loan báo Tin Mừng cho họ. Các linh mục trong giáo phận được khuyến khích mỗi ngày dành ra ít là một tiếng đồng hồ, hoặc một ngày trong tuần, để thăm giáo dân. Các cha cho biết nhờ các cuộc gặp gỡ cá nhân mà đưa được nhiều người trở lại.
PV. Đức Cha được nhiều người nhớ đến cùng với khẩu hiệu Giám mục “Mang vào mình mùi chiên”, ở Giáo phận mới hẳn có những “mùi chiên” khác biệt, Đức Cha đã chuẩn bị cho mình như thế nào ạ?
- Ở đâu cũng thế, chiên mỗi con mỗi mùi, mùi thơm cũng có mà mùi hôi cũng có. Tôi chưa nhập cuộc ở Vinh nên chưa ngửi được mùi của chiên ở đó ra sao. Nhưng nghe rằng chiên Vinh có nhiều mùi thơm: lòng đạo đức nổi trội, cứ xem hình ảnh ghi lại những cuộc lễ ở Vinh thì thấy luôn đông đảo, từ linh mục đến tu sĩ, giáo dân. Ơn gọi tu trì ở Vinh nhiều nhất nước. Đức tin của người Vinh sâu sắc, không dễ làm cho họ bỏ đạo, không dễ lấy được con gái có đạo. Người Vinh đi đâu cũng đoàn kết, giữ đạo tốt. Tinh thần chung cũng cao độ, sẵn sàng gác việc nhà sang một bên để lo việc giáo xứ, giáo họ. Ngược lại, mùi hôi cũng không thiếu. Xin lỗi bà con Vinh nhé, tôi cũng nghe rằng người Vinh cứng đầu, bảo thủ, cực đoan…
Dù mùi gì thì mùi, tôi cũng chuẩn bị để chấp nhận, để yêu, để “mang vào mình mùi chiên” Vinh. Yêu rồi thì hôi cũng thành thơm ! Thánh Augustinô có một câu để đời: “Yêu thì không nề hà gì cả ! Nếu có vất vả khó nhọc, thì người ta sẽ yêu luôn cả cái vất vả nhọc nhằn đó”. Lời này khích lệ tôi cùng với hình ảnh quen thuộc vẽ Chúa Giêsu Mục tử mang chiên trên vai.
PV. Xin Đức Cha cho chúng con biết khái quát đôi nét về Giáo phận Vinh
- Tôi bắt đầu học lịch sử giáo phận Vinh từ hai cuốn sách: “Kỷ yếu Giáo phận Vinh - Kỷ niệm 170 năm thành lập 1846-2016” dày 411 trang, và cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh, Tập I - Công Giáo Nghệ-Tĩnh-Bình thời các Thừa Sai nước ngoài” dày 656 trang, do ông Vương Đình Chữ chủ biên.
Tôi chỉ có thể nói thế này: Đây là một giáo phận có bề dày lịch sử như hai cuốn sách nói trên, mỗi trang được viết bằng máu và nước mắt, nhuộm bằng vị ngọt ngào hay đắng cay, tô vẽ bằng mảng màu sáng và tối, vui và buồn. Những trang giấy này dai bền, không dễ xé rách.
Sau khi chia tách với giáo phận Hà Tĩnh mới được thành lập thì hiện nay giáo phận Vinh nằm gọn trong tỉnh Nghệ An với diện tích 16.499km2, có 282.254 giáo dân trên tổng số 3.104.270 người, tỷ lệ 9%. Giáo phận gồm 13 giáo hạt, 108 giáo xứ, 377 giáo họ, với 179 linh mục, trong số này có 11 linh mục dòng, 1.414 tu sĩ nam nữ, 142 chủng sinh, 40 tiền chủng sinh (Số liệu cập nhật 2018 do Văn phòng Tòa Giám mục Vinh cung cấp, đúng hơn số liệu đã đăng tải trên các trang web mới đây khi thông tin chia tách giáo phận).
PV. Đức Cha là Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin Đức Cha cho chúng con biết việc loan báo Tin Mừng ở Vinh và Hưng Hóa có những nét đặc thù nào, và người giáo dân ở các nơi khác có thể cộng tác như thế nào ạ?
-Mỗi nơi có những nét đặc thù, nên sứ mạng Loan báo Tin Mừng cũng khác về cách thực hiện, đối tượng... Tại giáo phận Hưng Hóa, số giáo dân là 250.000 người, tỷ lệ 2-3%, địa dư rộng lớn gồm 9 tỉnh và một thị xã, có nhiều dân tộc thiểu số, trước đây và cho đến nay vẫn chưa được biết đến Tin Mừng, may nhờ một số người Kinh có đạo từ đồng bằng lên lập nghiệp, qui tụ thành các cộng đoàn rải rác trong cả giáo phận. Số người Kinh có đạo thì vì lâu năm không được chăm sóc mục vụ nên một số lơ là nguội lạnh và mất đức tin. Cho nên nét đặc thù của sứ vụ loan báo Tin Mừng ở Hưng Hóa là phải nhắm đến cả ba đối tượng: người chưa biết Chúa, người lơ là, và người đang giữ đạo.
Ở giáo phận Vinh, số giáo dân đông hơn, qui tụ vỏn vẹn trong tỉnh Nghệ An. Từ lâu, giáo dân đã qui tụ thành giáo xứ, có sinh hoạt nề nếp, có linh mục chăm sóc. Đức tin và lòng đạo của người Công Giáo Vinh mạnh có tiếng. Ít người lơ là nguội lạnh. Như thế thì sứ mạng loan báo Tin Mừng tại đây nhắm vào đối tượng chưa biết Chúa.
Vẫn luôn có đó những thách đố. Tại Vinh, do cuộc sống vật chất khó khăn, nhiều người, nhất là người trẻ, phải đi xa làm ăn sinh sống, ra cả nước ngoài. Điều đó đặt ra nhu cầu mục vụ di dân, chăm sóc cho người xa quê. Rồi não trạng thực dụng, hưởng thụ, chủ nghĩa tự do cá nhân, tương đối hóa, dửng dưng với tôn giáo đang hoành hành, khiến chúng ta trăn trở về sứ mạng loan báo Tin mừng cho người thời đại.
Sau cùng, cho phép tôi được lên tiếng mời gọi mọi tín hữu, bất luận ở đâu, tuổi tác, giai tầng xã hội, sống đời hôn nhân hay tu trì, ý thức rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng là quyền và nghĩa vụ của mọi tín hữu Chúa Kitô, không ai được thoái thác, và sứ mạng này chỉ kết quả nếu mọi tín hữu đều tích cực tham gia bằng mọi cách.
PV. Chúng con xin cám ơn Đức Cha. Cầu xin Chúa ban cho Đức Cha đầy ơn Chúa Thánh Thần trong sứ vụ mới.
-Tôi chân thành cám ơn cha Giám Đốc, Ban Biên Tập Vietcatholic và quý độc giả. Xin cầu nguyện cho tôi trong sứ vụ mới tại Vinh được vuông tròn, tốt đẹp.
Gioan Lê Quang Vinh thực hiện VietCatholic News