(Vài ghi nhận nhân sự kiện Lịch Truyền Giáo 2020)
Lịch trong đời sống Lịch năm mới đã đi vào đời sống văn hoá của người Việt mỗi độ đầu Xuân, là một ấn phẩm không thể thiếu trong những ngày chào đón năm mới. Thay lời cầu chúc tốt đẹp, lịch còn là quà tặng giao lưu, từ cá nhân đến tập thể, từ người quen thân đến khách lạ. Trong năm, lịch lại thiết thân như một tiện ích cần thiết, để định vị thời gian sinh hoạt, để hoạch định chương trình làm việc, để ấn định thời điểm gặp gỡ, giao tiếp, thực hiện công tác…
Với những trang trí, hình ảnh và nhất là danh ngôn được thiết kế, lịch còn là phương tiện thông tin, chuyển tải tư tưởng, hầu có thể thấm nhập vào các sinh hoạt thường nhật cũng như cả năm của người sử dụng. Vì thế, đâu đâu cũng thấy các tổ chức, các tập thể, cả cá nhân… đua nhau in lịch, nhằm giới thiệu thương hiệu, đăng đàn tổ chức, trình bày hoạt động hoặc thành tích của mình dịp năm mới.
Lịch được vận dụng vào truyền giáo Dựa vào lợi thế lịch có thể thông truyền lời hay ý đẹp, chuyển tải được ý tưởng, trước đây Ủy Ban Loan báo Tin Mừng đã thử nghiệm sáng kiến dùng lịch để đến với anh em lương dân. Năm nay, một số giáo phận đã đón nhận sáng kiến đó và dùng lịch để tạo giao lưu lương-giáo trong Mùa Giáng sinh và Năm mới. Đó là
Lịch Truyền giáo, với nhiều tên gọi khác nhau, có nơi đặt tên ‘Lịch Nối kết Tình Thân’, nơi khác gọi ‘Lịch Canh Tý An Khang 2020’, hoặc có tên ‘Lịch Vui Sống Hạnh Phúc’. Lịch Truyền giáo không chỉ phục vụ người có đạo, mà còn dành cho lương dân, nhờ đó cả lương lẫn giáo đều có thể trao tặng, sử dụng, treo tường quanh năm...
Không chỉ là một sáng kiến mang lại cho lịch một ý nghĩa mới, Lịch Truyền giáo còn giúp cho giáo dân một cơ hội để lên đường loan báo Tin Mừng ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Khi đi thăm viếng và trao tay món quà tinh thần này, họ thực sự dấn thân vào công tác truyền giáo, vừa nối kết hoặc tô đậm tình thân lương-giáo, vừa gieo rắc hạt giống tư tưởng Kitô-giáo qua tờ lịch. Đây là một hoạt động truyền giáo cụ thể, mới mẻ và dễ thực hiện.
Ngoài ra, Lịch Truyền giáo không chỉ thuộc bình diện giao tế thực dụng “tại đây và lúc này”, nhưng còn thuộc lãnh vực văn hoá. Sau cuộc gặp gỡ thân hữu, Lịch là một quà tặng của tình thân và là một chia sẻ tinh thần. Như một văn hóa phẩm, Lịch Truyền giáo sẽ ở lại nhà người anh em lương dân, trên tường phòng khách, phòng làm việc, phòng riêng, cả các hội trường cơ quan, các công sở… Lúc đó, Lịch không chỉ cung cấp thông tin về thời gian, không chỉ được trang trí cho vui mắt, nhưng còn ảnh hưởng đến suy nghĩ và có thể thay đổi nếp sống của người sử dụng. Vì thế, tầm ảnh hưởng của Lịch Truyền giáo, dù lớn hay nhỏ, nhưng chắc là lâu bền, kéo dài 365 ngày trong năm.
Lịch với thiết kế riêng Trước tiên, để tới tay anh em lương dân, Lịch Truyền giáo được phân phối từng hai quyển trong một bao nylon, theo phương thức 1-cặp-1: “Một treo nhà mình - Một tặng thân hữu”. Khi nhận bộ lịch trên tay, người giáo dân trở thành “một thừa sai ra đi loan báo Tin Mừng”: ngoài một Lịch phần mình, họ phải tặng trao một hay nhiều Lịch khác cho người quen thân ngoại đạo như: bạn học, đồng nghiệp, sui gia, đối tác kinh doanh, khách hàng mua bán, “hàng xóm”, thậm chí một người lương mình mới quen… Có người đã mua hàng chục Lịch để tặng anh chị em cùng cơ quan, người khác đặt cả trăm để làm quà cho nhân viên thuộc công ty… “Một công hai việc”, vừa giao lưu vừa truyền giáo !
Thứ đến, Lịch Truyền giáo được thiết kế để cho người sử dụng đọc đi đọc lại nhiều lần những châm ngôn sống, những tư tưởng hay được in trên đó. Mỗi trang Lịch có 3 tháng, được in không liền nhau như thường thấy, nhưng tháng kế tiếp ở trang sau. Cụ thể: thay vì các tháng 1-2-3 nằm trong một tờ lịch…, thì ba tháng 1-5-9, rồi 2-6-10, 3-7-11 và 4-8-12 đi chung với nhau. Như thế, tháng nào cũng phải lật tới, hình ảnh luôn mới, ý tưởng được lặp đi lặp lại nhiều lần và bộ lịch dù ít tờ mà “lật hoài không hết”.