nhưng là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19)
Đó là chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ của Giáo Tỉnh Miền Bắc, được tổ chức tại Giáo phận “Tý Hon” Lạng Sơn – Cao Bằng lần thứ XX. Thời gian tiến tới Đại hội đang dần rút ngắn lại. Đó cũng là lúc bầu khí sôi động của ngày hội lớn nhất dành cho các bạn trẻ tại Giáo tỉnh đang háo hức dần lên. Hầu hết những người Công giáo tại Việt Nam đều biết Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng rất nhỏ bé, như Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận chủ nhà thường nói một câu rất thân quen là Giáo phận “Tý Hon”.
Vì sao lại gọi là Giáo phận “Tý Hon”? Thưa các bạn trẻ, bởi Giáo phận hiện đang có hơn 6000 kitô hữu, trải dài trong 3 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần của Hà Giang. Thật vậy, nếu so sánh thì có những Giáo xứ ở các Giáo phận khác còn đông giáo dân hơn. Tuy là Giáo phận nhỏ, nhưng lại bị phân tán bởi nhiều cộng đoàn nhỏ. Vì thế Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng có nhiều Giáo điểm và ở rải rác trên khắp miền đất này. Có những Giáo điểm còn đang có những cộng đoàn đức tin nhỏ sinh hoạt, nhưng cũng có những Giáo điểm gần như tê liệt về đời sống đức tin. Còn thiếu vắng bóng linh mục, thiếu tu sĩ nam nữ. Và cần lắm những nhà truyền giáo nhiệt tâm, tận tình hy sinh trên cánh đồng truyền giáo mênh mông này!
Hướng tới ngày Đại Hội Giới Trẻ của Giáo Tỉnh Miền Bắc, người viết xin được trình bày đôi nét những khó khăn về giáo phận nhỏ bé này, cho tất cả các bạn trẻ, với mong ước các bạn luôn cầu nguyện cho Giáo phận mỗi ngày thêm phát triển và có nhiều người trở về với Chúa.
Lạng Sơn - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, có những địa danh nổi tiếng đã đi vào ca dao, dân ca Việt Nam với những lời ca:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh,
Ai lên Xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”.
Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng là Giáo phận truyền giáo nằm trên diện tích ba tỉnh miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần đất tỉnh Hà Giang trong một xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo. Diện tích của Giáo phận rộng lớn nhưng ¾ là núi rừng hiểm trở. Địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó hai dân tộc Tày và Nùng chiếm 85%, còn lại 15% thuộc các dân tộc Kinh, H’Mông, Hoa, Sán Chay, Dao…Sống trên một địa bàn đồi núi và đa sắc tộc, tình trạng kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế của người dân còn rất thấp. Đại đa số dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi nhưng thiếu đất canh tác, tình trạng thất nghiệp cao.
Hơn nữa, giao thông đi lại khó khăn nên việc giao thương buôn bán khó khăn. Chưa có điều kiện nâng cao trình độ văn hóa, nhiều trẻ em chưa có điều kiện để đến trường học, hoặc có đến trường cũng chỉ hết cấp I hoặc cấp II, sau đó phải đi làm để phụ giúp gia đình, giới trẻ phải đi làm ăn tại các tỉnh, thành phố khác, dễ kéo theo những tệ nạn xã hội và để lại làng quê cho những người già cả. Thiếu các phương tiện truyền thông và thường xuyên gặp thiên tai như lũ lụt, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất đai…Mức sống của người dân chưa được nâng cao, nhất là đời sống sinh hoạt của đồng bào thiểu số.
Người Kitô hữu trong Giáo Phận phải sống chung với quá nhiều người không cùng niềm tin, kèm theo đức tin không vững, nên họ bị lôi kéo bởi các tôn giáo khác hoặc họ bị sống theo lối tục hóa không phù hợp với Tin Mừng của Đức Kitô đã rao truyền. Nên tình hình thực tế tại Giáo phận đã gặp nhiều khó khăn, thăng trầm theo thời cuộc.
Khó khăn về số lượng giáo xứ và giáo dân ít, hiện tại cả Giáo phận có 14 Giáo xứ nên rất khó khăn trong việc tổ chức hoạt động và tìm kiếm sự hợp tác. Đặc biệt, làm việc với người dân tộc thiểu số cũng gặp nhiều khó khăn do họ có suy nghĩ khác biệt và ít cộng tác trong các hoạt động.
Khó khăn và hạn chế như địa hình đồi núi: Đã gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động. Vấn đề đi lại rất gian nan và khó khăn khi đi vào các bản xa xôi, hẻo lánh, cộng thêm đường xá trơn trượt, lồi lõm…
Số lượng giáo xứ và giáo dân quá ít tạo ra khó khăn cho việc mời gọi tham gia vào Caritas, cùng với nguồn kinh phí hạn chế và mạng lưới giữa các giáo xứ chưa được mạnh mẽ.
Khó khăn về văn hóa và phong tục tập quán: Mỗi vùng miền đều có những phong tục tập quán khác nhau. Để có thể hòa đồng được với người dân dân tộc thiểu số trên miền đất người truyền giáo, thì điều trước tiên và cần thiết nhất là biết hội nhập văn hóa. Nhờ đó, mới có thể dung hòa giữa những điều cũ và những điều mới.
Khó khăn về cấp chính quyền: Chính quyền địa phương đôi lần chưa tạo kiện để đến với bà con trong bản làng…
Khó khăn trong sự đối lập với những tôn giáo bản địa: Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng là một Giáo phận đa sắc tộc. Vì thế, cũng có nhiều tôn giáo khác nhau hiện diện trên vùng đất này. Đây là một trở ngại rất lớn cho những ai muốn truyền giáo tại nơi đây. Sự khác biệt về tôn giáo là một vấn đề rất nhạy cảm. Bởi vậy, không thể nào thay đổi niềm tin của người dân một cách mau chóng. Hơn nữa, niềm tin vào Đức Kitô là một niềm tin do lòng tự nguyện, chứ không phải cứ áp đặt là được. Do đó, muốn ánh sáng của Tin Mừng được hiện diện, muốn đem lại niềm vui và chia sẻ tinh thần vật chất cho người dân tộc thiểu số, người mà bác ái cần có sự kiên trì, nhẫn nại để dần dần tiến bước theo trình tự của thời gian.
Khó khăn về ngôn ngữ: Do đặc thù của Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng, nên vấn đề về ngôn ngữ hết sức quan trọng và cần thiết, bởi vì không thể nói cho người khác hiểu nếu người truyền giáo không biết ít nhiều về ngôn ngữ của họ. Vì thế, cần nỗ lực để học, tìm hiểu thêm ngôn ngữ của các dân tộc đang sinh sống trên vùng đất của Giáo phận. Có như thế, người loan báo Tin Mừng mới dễ dàng tiếp cận và gần gũi người dân để thông cảm với họ về các phương diện trong đời sống. Mặc dù gặp nhiều khó khăn cản trở, nhưng dù ở thời đại nào đi nữa, thì công cuộc mang Tin Mừng đến với các dân tộc vẫn luôn được quan tâm hàng đầu.
Thưa các bạn trẻ, dù là Giáo Phận nhỏ bé, nhưng suốt một năm qua, Đức Cha Giuse Giáo phận đã luôn ưu tư và chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho sự kiện quan trọng nay. Từ ngày 20-21/11/2024 tới đây, Giáo phận chủ nhà hân hoan chào đón quý Đức Tổng Giám mục, quý Đức cha, quý cha, quý quan khách, quý tu sĩ nam nữ cùng hàng ngàn các bạn trẻ trong Giáo tỉnh Hà Nội trở về tham dự Đại Hội tại khuôn viên Tòa Giáo mục và Nhà thờ Chính tòa.
Ước mong rằng, với sự quan tâm của quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh và cộng đoàn dân Chúa, cùng tinh thần hăng say nhiệt thành của các bạn trẻ, kỳ đại hội năm nay sẽ tạo được một không khí thật vui và ý nghĩa cao đẹp cho các bạn trẻ Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng nói chung và cho các bạn trẻ trong Giáo tỉnh nói riêng. Hy vọng những trải nghiệm thú vị trong kỳ đại hội sẽ là kim chỉ nam cho cuộc sống của mỗi bạn trẻ trên hành trình sống đức tin và dấn thân phục vụ tha nhân.
“Hoa hồi tám cánh ngát hương,
Nguyện cho Xứ Lạng tình thương ngập tràn.
Tin Mừng trên chốn non ngàn,
Gia đình hạnh phúc, bản làng bình yên” (Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri).
Nữ tu: Lặng Thầm. Fmsr
Nguồn: giaophanlangson.net