Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Tin Mừng theo thánh Luca (2,10-12):
Trong đêm đó, sứ thần nói với các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
Sau khi đoạn Tin Mừng được công bố bằng nhiều thứ tiếng, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Cách đây 800 năm, vào lễ Giáng Sinh năm 1223, Thánh Phanxicô đã dựng nên cảnh Chúa Giáng Sinh sống động ở Greccio. Trong khi hang đá giáng sinh đang được chuẩn bị hoặc hoàn thiện tại các gia đình và nhiều nơi khác, chúng ta nên khám phá lại nguồn gốc của nó.
Hang đá giáng sinh đã khởi đầu như thế nào? Ý hướng của Thánh Phanxicô là gì? Thánh nhân nói thế này: “Tôi muốn diễn tả Hài nhi sinh ra ở Bêlem, và bằng cách nào đó nhìn bằng con mắt của thân xác những khó khăn mà Người gặp phải do thiếu những thứ cần thiết cho một em bé sơ sinh, Người được đặt trong máng cỏ thế nào, và Người nằm thế nào trên cỏ khô giữa bò lừa” (Tommaso Da Celano, Vita prima, XXX, 84: FF 468). Thánh Phanxicô không muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, nhưng khơi dậy, qua hang đá giáng sinh, sự kinh ngạc trước sự khiêm nhường tột cùng của Chúa, trước những khó khăn mà Người phải chịu, vì tình yêu dành cho chúng ta, trong hang đá Bêlem nghèo khó. Thật vậy, người viết tiểu sử Thánh Phanxicô Assisi lưu ý: “Trong khung cảnh cảm động đó, sự đơn sơ của Tin Mừng tỏa sáng, sự khó nghèo được ca ngợi, sự khiêm nhường được khuyến khích. Greccio đã trở nên giống như một Bêlem mới” (ibid., 85: FF 469). Tôi nhấn mạnh một lời: sự kinh ngạc. Và điều này rất quan trọng. Nếu chúng ta những Kitô hữu nhìn hang đá giáng sinh như một điều đẹp đẽ, như một điều lịch sử, thậm chí là tôn giáo, và chúng ta cầu nguyện, điều này vẫn chưa đủ. Đối diện với mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, với sự ra đời của Chúa Giêsu, thì cần phải thái độ ngạc nhiên. Nếu tôi không đạt đến sự kinh ngạc này trước các mầu nhiệm, thì đức tin của tôi chỉ là hời hợt; một niềm tin bởi “khoa học máy tính”. Đừng quên điều này.
Và một đặc điểm của hang đá giáng sinh, đây như là một trường dạy về sự điều độ. Và ở đây có nhiều điều để nói ngay cả với chúng ta. Thật vậy, ngày nay, nguy cơ đánh mất những gì quan trọng trong cuộc sống là rất lớn và gia tăng một cách nghịch lý ngay trong Lễ Giáng sinh – cần phải thay đổi não trạng Lễ Giáng Sinh: ngập chìm trong chủ nghĩa tiêu thụ làm xói mòn ý nghĩa của nó. Chủ nghĩa tiêu dùng của Giáng sinh. Đúng là bạn muốn tặng quà, điều đó không sao cả, điều đó tốt, nhưng việc điên cuồng đi mua sắm, và điều này thu hút sự chú ý ở nơi khác và không còn có sự điều độ của Giáng sinh. Chúng ta nhìn vào hang đá: sự kinh ngạc trước hang đá. Đôi khi bên trong không có không gian cho sự ngạc nhiên mà chỉ còn tổ chức lễ tiệc.
Và hang đá giáng sinh được tạo ra để đưa chúng ta trở lại với những gì quan trọng: với Thiên Chúa, Đấng cư ngụ giữa chúng ta. Do đó, thật quan trọng khi nhìn vào hang đá giáng sinh, bởi vì nó giúp chúng ta hiểu điều gì là quan trọng và những tương quan xã hội của Chúa Giêsu vào thời đó, gia đình, Thánh Giuse và Mẹ Maria, và những người thân yêu, các mục đồng. Con người trước sự vật. Và nhiều khi chúng ta đặt những sự vật trước con người. Điều này không ổn.
Nhưng hang đá giáng sinh ở Greccio, hơn cả sự điều độ như chúng ta thấy, cũng nói với chúng ta về niềm vui, bởi vì niềm vui là điều gì đó khác với giải trí. Nhưng giải trí không phải là điều xấu nếu được thực hiện trên những cách thức tốt; Đó không phải là điều xấu, đó là điều con người. Nhưng niềm vui còn sâu xa hơn, nhân văn hơn. Và đôi khi có sự cám dỗ giải trí mà không phải là niềm vui; vui chơi ồn ào nhưng niềm vui thì không có. Nó hơi giống hình tượng chú hề, cười, cười, làm bạn cười nhưng lòng lại buồn. Niềm vui là gốc rễ của sự giải trí trong Mùa Giáng sinh. Và về niềm vui, những tin tức thời đó ghi: “Và đến ngày vui mừng, thời điểm hân hoan! […] Francesco […] rạng rỡ […]. Mọi người đến và vui mừng trong niềm vui mà họ chưa từng nếm trải trước đây […]. Mỗi người trở về nhà đều tràn ngập niềm vui khôn tả” (Vita prima, XXX, 85-86: FF 469-470). Sự điều độ, sự kinh ngạc mang đến cho bạn niềm vui, niềm vui thực sự chứ không phải niềm vui giả tạo.
Nhưng niềm vui Giáng sinh này đến từ đâu? Chắc chắn không phải vì đã mang quà về nhà hay vì đã trải qua những cử hành xa hoa. Không, đó là niềm vui trào dâng từ trái tim khi bạn chạm vào bằng chính đôi tay của mình sự gần gũi của Chúa Giêsu, sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng không để bạn cô đơn nhưng an ủi bạn. Sự gần gũi, dịu dàng và cảm thông là ba thái độ của Thiên Chúa. Và chúng ta nhìn xem cảnh giáng sinh, cầu nguyện trước hang đá, chúng ta có thể cảm nhận những điều này của Chúa, Đấng giúp chúng ta trong đời sống hằng ngày.
Anh chị em thân mến, hang đá giáng sinh giống như một cái giếng nhỏ để từ nơi đó có thể kín múc được sự gần gũi của Thiên Chúa, nguồn hy vọng và niềm vui. Hang đá giống như một Tin Mừng sống động, một Tin Mừng gia đình. Nó giống như cái giếng trong Kinh thánh, đó là nơi gặp gỡ, nơi người ta có thể mang đến cho Chúa Giêsu những mong đợi và lo lắng của cuộc sống, như các mục đồng ở Bêlem và dân chúng Greccio đã làm. Chúng ta mang đến với Chúa Giêsu những mong đợi và lo lắng của cuộc sống chúng ta. Nếu trước hang đá chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu những gì thân yêu của chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được “niềm vui lớn lao” (Mt 2:10), một niềm vui đến từ việc chiêm niệm, từ sự ngạc nhiên mà từ đó tôi đi đến việc chiêm ngắm những mầu nhiệm này. Chúng ta hãy đi trước hang đá giáng sinh. Mỗi người hãy nhìn và để cho trái tim cảm nhận điều gì đó.
Sau bài giáo lý, trong lời chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu: “Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng này, tôi mời gọi anh chị em chuẩn bị đón nhận Chúa Giêsu Hài Đồng với niềm vui và lòng can đảm, qua việc cầu nguyện, tham dự các bí tích và các công việc bác ái”.
Cuối buổi tiếp kiến, tất cả các tín hữu cùng đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả mọi người.