Sách Giáo lý Công giáo dạy rằng nhân đức tiết độ giúp làm dịu đi sự hấp dẫn của thú vui và tìm kiếm sự cân bằng trong việc sử dụng của cải được tạo ra.
Đức Thánh Cha nhận định rằng sự tiết độ giúp chúng ta hành động khôn ngoan trong mọi tình huống, biết khi nào nên nói, khi nào nên sửa và khi nào im lặng là phản ứng tốt nhất. Trong vấn đề vui thú, sự tiết độ nhắc nhở chúng ta đưa ra phán đoán đúng đắn, lựa chọn sự chừng mực thay vì thái quá, giúp chúng ta tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống với sự đúng mực. Theo nghĩa này, nhân đức tiết độ phù hợp với các giá trị Tin Mừng về sự nhỏ bé, kín đáo và hiền lành.
Trong một thế giới đề cao sự thái quá và trụy lạc, sự tiết độ giúp chúng ta sắp đặt trật tự trong lòng, sống khôn ngoan và tìm kiếm thước đo đúng đắn cho mọi việc. Đức tính này đảm bảo ý chí thống trị bản năng và giữ cho ham muốn trong giới hạn của sự lương thiện Nó cũng khiến chúng ta trân trọng hơn với những điều thiện mình nhận được cũng như những mối quan hệ mà chúng ta thiết lập với người khác.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trau dồi nhân đức tiết độ để có thể kiểm soát lời nói và hành động của mình, tránh những xung đột không đáng có và thúc đẩy hòa bình trong xã hội.
Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, cộng đoàn cùng nghe đoạn sách Giảng viên (5,2; 6,4; 14,14) được đọc bằng các ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập và Ba Lan.
Sách Giảng viên (5,2; 6,4; 14,14)
Đừng chiều theo ước muốn và sức lực của con,
mà thoả mãn những đam mê của lòng mình.
Một con người xấu xa làm băng hoại chính mình,
tự biến thành trò cười cho kẻ thù nghịch.
Đừng từ chối không hưởng một ngày vui,
hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất.
Và sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Tiết độ là khả năng tự chủ, không để mình bị những đam mê nổi loạn khuất phục
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi sẽ nói về nhân đức trụ thứ tư và cũng là nhân đức cuối cùng: sự tiết độ. Nhân đức này có chung một lịch sử lâu đời với ba nhân đức kia và không chỉ thuộc về các Kitô hữu mà thôi. Đối với người Hy Lạp, việc thực hành các nhân đức là để đạt được hạnh phúc. Triết gia Aristotle đã viết chuyên luận quan trọng nhất về đạo đức học, gửi cho con trai ông là Nicomachus, để dạy con ông nghệ thuật sống. Tại sao tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc nhưng rất ít người đạt được nó? Để trả lời câu hỏi này, triết gia Aristotle đề cập đến chủ đề về các nhân đức, trong số đó, enkráteia, sự tiết độ, có một vị trí quan trọng. Thuật ngữ Hy Lạp có nghĩa đen là “có quyền trên chính mình”. Do đó, đức tính này là khả năng tự chủ, nghệ thuật không để mình bị những đam mê nổi loạn khuất phục, thiết lập trật tự cho điều mà Manzoni gọi là “mớ hỗn độn của trái tim con người”.
Tiết độ giúp điều tiết sự lôi cuốn của thú vui và giúp chừng mực trong sử dụng của cải
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta rằng “Tiết độ là nhân đức luân lý giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế”. Sách Giáo lý nói tiếp: “Nó giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện. Người tiết độ quy hướng các thèm muốn giác quan của mình về điều thiện, giữ được sự cẩn trọng lành mạnh, và không chiều theo sức mạnh của mình mà bước theo các dục vọng của trái tim mình” (số 1809).
Sự đúng mực
Vì vậy, sự tiết độ, như thuật ngữ tiếng Ý nói, là nhân đức của sự đúng mực. Trong mọi tình huống, người tiết độ đều cư xử cách khôn ngoan, bởi vì những người mà hành động luôn bị thúc đẩy bởi sự bốc đồng hoặc sự phấn khích cuối cùng đều không đáng tin cậy. Người không có sự tiết độ thì luôn không đáng tin cậy. Trong một thế giới, có rất nhiều người tự hào nói những gì họ suy nghĩ, thì ngược lại, người ôn hòa tiết độ thích nghĩ những gì họ nói. Anh chị em có hiểu được sự khác biệt không? Đừng nói những gì tôi nghĩ… hãy nghĩ về những gì tôi phải nói. Họ không đưa ra những lời hứa suông mà đưa ra những cam kết trong chừng mực mà họ có thể thực hiện được.
Ngay cả đối với những thú vui, người tiết độ cũng hành động sáng suốt. Dòng chảy tự do của các xung động và sự phóng túng hoàn toàn dành cho những thú vui cuối cùng lại phản tác dụng, đẩy chúng ta vào trạng thái buồn chán. Biết bao người ham muốn thử mọi thứ nhưng lại nhận thấy mình mất đi cảm giác thích thú với mọi thứ! Tốt hơn hết bạn nên tìm sự chừng mực: ví dụ, để đánh giá một loại rượu ngon, hãy thưởng thức nó từng ngụm nhỏ thì tốt hơn là cạn hết một lần.
Cân nhắc lời nói
Người tiết độ biết cân nhắc, đo lường thật tốt lời nói. Họ suy nghĩ điều họ nói. Họ không để cho một khoảnh khắc tức giận hủy hoại những mối quan hệ và tình bạn mà sau đó khó có thể xây dựng lại được. Đặc biệt là trong cuộc sống gia đình, nơi mà sự kiểu cách ít hơn, tất cả chúng ta đều có nguy cơ không kiềm chế những căng thẳng, cáu gắt và tức giận. Có lúc để nói và có lúc để im lặng, nhưng cả hai đều cần có chừng mực. Và điều này áp dụng cho nhiều việc, chẳng hạn như khi ở bên người khác và khi ở một mình.
Không thương lượng nhưng vẫn cảm thông
Nếu người ôn hòa biết kiềm chế tính nóng nảy của mình, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ luôn nhìn thấy người đó có khuôn mặt bình yên và tươi cười. Thực ra, đôi khi cần phẫn nộ, nhưng phải luôn đúng cách. Đúng mực. Đúng cách. Một lời trách móc đôi khi còn tốt hơn sự im lặng đầy oán giận và chua chát. Người ôn hòa biết rằng không có gì khó hơn việc sửa lỗi người khác, nhưng họ cũng biết rằng điều đó là cần thiết: nếu không, họ sẽ để cho sự ác tự do thống trị. Trong một số trường hợp, người ôn hòa thành công trong việc kiềm chế những thái cực: họ khẳng định những nguyên tắc tuyệt đối, khẳng định những giá trị không thể thương lượng, nhưng cũng biết cách hiểu mọi người và thể hiện sự đồng cảm với họ.
Sự quân bình và trung dung
Do đó, món quà của người ôn hòa tiết độ là sự quân bình, trung dung, một phẩm chất quý giá nhưng hiếm có. Trên thực tế, mọi thứ trên thế giới đều đẩy chúng ta đến mức thái quá. Ngược lại, sự tiết độ phù hợp với các giá trị của Phúc Âm như sự nhỏ bé, thận trọng, khiêm tốn, hiền lành. Người ôn hòa đánh giá cao sự tôn trọng của người khác, nhưng không coi đó là tiêu chuẩn duy nhất cho mọi hành động và mọi lời nói. Họ nhạy cảm, họ có thể khóc và không xấu hổ về điều đó nhưng không khóc vì bản thân. Bị thất bại, họ lại đứng dậy; trong chiến thắng, họ có thể trở lại cuộc sống âm thầm thường ngày của mình. Họ không tìm kiếm những tràng pháo tay, nhưng biết mình cần người khác.
Niềm vui do sự tiết độ mang đến
Nói rằng sự tiết độ làm cho người ta có gương mặt xám xịt và buồn bã là không đúng. Ngược lại, nó giúp chúng ta tận hưởng những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống: ngồi cùng bàn ăn, sự dịu dàng của tình bạn, tin tưởng vào những người khôn ngoan, kinh ngạc trước vẻ đẹp của thụ tạo. Hạnh phúc có chừng mực là niềm vui nảy nở trong lòng những người nhận ra và trân trọng những gì quan trọng nhất trong cuộc sống. Cám ơn anh chị em.
Kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chiến tranh
Trong lời chào các tín hữu, Đức Thánh Cha kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chiến tranh và lên án những cuộc tra tấn mà nhiều người trong số các tù nhân phải chịu.
Trước hết, Đức Thánh Cha mời gọi nghĩ đến các dân tộc đang có chiến tranh như Thánh Địa, Palestine, Israel, Ucraina bị dày vò. Và sau đó, ngài nghĩ đến các tù nhân chiến tranh và đưa ra lời kêu gọi giải phóng họ: “Xin Chúa lay chuyển ý chí để tất cả họ được trả tự do”.
Thêm vào lời kêu gọi của mình, Đức Thánh Cha suy nghĩ đặc biệt đến những tù nhân đang bị tra tấn. Ngài lên án: “Việc tra tấn tù nhân là một điều khủng khiếp, nó không nhân văn, chúng ta hãy nghĩ đến rất nhiều kiểu tra tấn làm tổn thương phẩm giá của con người và của rất nhiều người bị tra tấn… Xin Chúa giúp đỡ mọi người và chúc lành cho mọi người”.
Cuối Buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cùng đọc kinh Lạy Cha với các tín hữu và ban phép lành cho tất cả mọi người.